Buồn Đêm Mưa
Huy Cận

Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ..
Tương tư hướng lạc, phương mờ...
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...
* Huy Cận là tên thật, Cù Huy Cận. Sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919. Người làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là một nhà nho. Đậu Tú Tài Pháp ở Huế, sau đó theo học ở trường Cao Đẳng Canh Nông, cùng với Xuân Diệu. Năm 1943 ông đậu kỹ sư canh nông. Từ năm 1945 là Thứ Trưởng rồi hàm Bộ Trưởng, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ. Làm thơ từ 1934. Tác phẩm tiêu biểu gồm có các tập thơ Lửa Thiêng (1940), Kinh Cầu Tự (1942), Vũ Trụ Ca (chưa in, 1942), Trời Mỗi Ngày Lại Sáng (1958), Đất Nở Hoa (1960), Bài Thơ Cuộc Đời (1963), Những Năm Sáu Mươi (1968), Cô Gái Mèo (1972), Chiến Trường Gần Chiến Trường Xa (1973), Ngày Hằng Sống Ngày Hằng Thơ (1975), Ngôi Nhà Giữa Nắng (1978). Là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào thơ mới, thơ ông có một bản sắc và giọng điệu riêng, có chiều sâu xã hội cũng như triết lý. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn sâu lắng, miên man, ảo não và thảm đạm; nỗi buồn của "đêm mưa", của "người lữ thứ", nỗi buồn của "quán chật đèo cao", của "trời rộng sông dài".