Nhượng Tống
Từ Giã Tuyên Quang


Dứt tiếng ly ca ném chén vàng
Bồi hồi từ giã đất Tuyên Quang
Biết tìm đâu thấy người trong mộng
Khéo não nùng thay cảnh dọc đường !
Cây cỏ ba đông trời cố quốc
Nước non muôn dặm bóng tà dương .
Xanh xanh sông uốn bao nhiêu khúc
Một khúc xa nhau một đoạn trường .
Người một phương trời khách một phương
Ðôi lòng ai vắt sợi tơ vương .
Không quen thuộc đã thành dan díu
Có biệt ly đành phải nhớ thương .
Ơn nặng chưa đền cho đất nước,
Tình riêng tạm gởi với văn chương.
Thăm nhau muốn hỏi đường trong mộng
Núi Tản, sông Lô mấy dặm đường ?

Người bến sông Lô kẻ chợ Bờ
Tìm nhau chẳng thấy ruột vò tơ!
Chiếc thân đất trích ta buồn lắm,
Giấc mộng canh tàn khách tỉnh chưa ?
Sự trước đã lầm ra thế ấy
Ðường xa sớm liệu tự bây giờ
Mênh mông bốn bể ai tri kỷ?
Canh tối, đèn tàn, tiếng gió mưa!


* Nhượng Tống tên thật là Hoàng Phạm Trân, và Mạc Bảo Thần bút hiệu Hoàng Kiếm Thu . Ông vốn họ Mạc, dòng dõi Mạc Đĩnh Chi - sau đổi ra họ Hoàng (vì vụ Mạc Đăng Dung, dòng họ phải đổi ra họ Hoàng hay Phạm). Ông được Phạm Bùi Cẩm ở Hà Nam nuôi dạy, nên mang họ đôi là Hoàng Phạm, quê làng Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định . Thân phụ ông đỗ Tú Tài Hán học, gia đình thanh bạch. Ông tuy không đỗ đạt nhưng học lực rất uyên bác. Năm 1924, ông viết bài cho tờ Thực nghiệp dân báo của Mai Du Lân, tên Nhượng Tống được chú ý từ đấy. Năm 1926, ông cùng Phạm Tuấn Tài, Phạm Quế Lâm thành lập Nam Đồng thư xã, chuyên xuất bản những sách bồi dưỡng lòng yêu nước của nhân dân. Năm sau, 1927, ông có chân trong Đảng Việt Nam Quốc Dân. Đến năm 1929, ông bị bắt, đày ra Côn Đảo với án 10 năm cấm cố. Cuối năm 1936 ông được thả, nhưng còn chịu án 5 năm biệt xứ. Thời gian này ông sống với nghề Đông y và chuyên chú vào việc dịch sách. Phiên dịch: Sử ký Tư Mã Thiên (1944) , Thơ Đỗ Phủ (1944) , Nam Hoa Kinh (1944) , Mái Tây (1942) , Liêu trai chí dị (1945) ... Sáng tác: Lan và Hữu (tiểu thuyết, 1940)... cùng nhiều thơ luật có giá trị nghệ thuật thi ca.