THIỀN TỊNH SONG TU

TRẠCH THIỆN


Trên đường học Phật và hành trì Phật đạo, có người bác Thiền Tịnh Song Tu với lý do giản dị là suốt đời tu một Pháp còn chưa xong huống hồ là tu hai Pháp. Ta thử xét xem nhận thức đó có đúng không.
Qua kinh luận, ta đều biết Thiền là pháp an tâm bằng cách loại trừ sự tán loạn, vọng tưởng bấy lâu đã che mờ căn trí để đạt đến tuệ giác giải thoát viên mãn, tức thành Phật; do đó, yếu chỉ của Thiền là “tự lực trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Còn Tịnh Độ tông cũng cùng chung cứu cánh nhưng pháp tu là hướng về cảnh giới Tây phương Cực lạc của Phật A-Di-Đà để mượn thắng duyên thanh tịnh của cảnh giới nầy mà tiến tu không thối chuyển để viên thành Phật đạo; do đó, tông chỉ của Tịnh Độ là “Chuyên trì hồng danh hiệu Phật A-Di-Đà đến nhất tâm bất lọan với lòng Tin sâu Nguyện thiết để cầu vãng sanh về cõi Cực lạc sau lúc lâm chung” hay nói tắt là “Một đời trì danh hiệu Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc”.

1. Các mặt tương đồng giữa Thiền và Tịnh:

Đạo Phật, dù thuộc tông phái nào, luôn luôn hướng về cứu cánh giải thoát; không hướng về giải thoát không thể gọi là đạo Phật. Do đó, Thiền và Tịnh dù có hai cách tu hướng về tánh và tướng khác nhau trong lúc dùng phương tiện nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là một. Chẳng những thế, hai pháp tu vẫn có các mặt tương đồng căn bản như sau:
a) Thiền và Tịnh cùng chung một nền tảng lý tánh:
Lý Thiền bao giờ cũng tuyệt đối chân thật mà hành giả Thiền Tông kể cả hành giả Tịnh Độ Tông cần luôn luôn học hỏi. Khi đã giải ngộ lý tánh, thì người mạnh chân (đại căn) hướng thẳng vào mục tiêu " kiến tánh thành Phật " để đạt đến cứu cánh thành đạo. Đó là con đường đốn tu đốn chứng của Thiền gia. Cũng giải ngộ được lý tánh nhưng kẻ căn mỏng nghiệp dầy cần nương vào thuận cảnh để được trợ duyên trên bước đường tiến đến cứu cánh thành đạo. Đó là con đường tiệm tu tiệm chứng của môn đồ Tịnh Độ. Thế thì có chi xung khắc giữa Thiền và Tịnh trên đường học Phật.
b) Thiền và Tịnh cùng hướng đến định tâm:"
Tâm của chúng sanh đều vọng động. Thiền và Tịnh cùng hướng về sự biến tâm vọng thành tâm định. Hành giả Tịnh Độ nhờ chuyên tâm niệm Phật mà được nhất tâm bất loạn; Thiền gia cũng nhờ chuyên chú vào các đề mục khác để được định tâm. Ngã rẽ của Thiền và Tịnh chỉ có thể bắt đầu ở phút hành giả lâm chung mà chưa viên thành Phật Đạo: Tịnh nhờ nguyện lực và tha lực mà về Cực lạc để tiếp tục tiến tu; Thiền do tự lực nên chỉ nhờ nghiệp lực dẫn thần thức sang một cảnh giới không thể biết chắc nơi nào.
c) Thiền và Tịnh cùng thực thi Bồ tát đạo:
Thiền và Tịnh cùng là giáo pháp Đại thừa nên hành giả của hai tông phái đều phải phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo, thể hiện lòng từ bi, tự giác giác tha để được giác hạnh viên mãn.
d) Trong Thiền có Tịnh và trong Tịnh có Thiền:
Mục tiêu của Thiền khi được thành tựu thì do tâm tịnh nên thấy quốc dộ nào cũng tịnh, không vãng sanh Tịnh độ mà vẫn thấy Cực lạc hiện tiền.
Mục tiêu của Tịnh là tiến đến nhất tâm bất loạn, chẳng khác trạng thái định của Thiền gia. Nhất tâm bất loạn có sự và lý: Sự nhất tâm bất loạn là điều kiện cần của hành giả để được tiếp dẫn vãng sanh; Lý nhất tâm bất loạn là trạng thái viên mãn trực ngộ Phật tánh chẳng khác “kiến tánh” của nhà Thiền.

2. Khả năng áp dụng hai pháp song hành:

Chính do các sự tương đồng trên mà hành giả của hai pháp có thể áp dụng hai pháp song hành để bổ sung, trợ lực cho nhau trên đường tu tập:
a) Bổ sung giữa tự lực và tha lực:
Giáo lý duyên khởi của nhà Phật dạy cho chúng ta biết rằng không có một pháp nào tự hiện hữu mà không nương nhờ vào các pháp khác. Thiền sinh phải nhờ vào tha lực rất nhiều từ đời sống vật chất (chén cơm, manh áo,…) cho đến đời sống tinh thần (sự hướng dẫn của thầy, kinh luận của Phật và Tổ, gương hạnh của người xưa, …); niệm danh hiệu của một vị Phật nào (Thích Ca Mâu Ni, A-Đi-Đà , Quán Thế Âm Bồ Tát, …) cũng đều là hướng đến tha lực của vị Phật đó; cầu an, cầu siêu đều là hình thức trông nhờ vào Phật lực . Trong sự tương giao giữa chúng sanh và Phật, chúng sanh nương nhờ vào Phật lực hộ trì để thăng tiến trên đường tu hành lại càng là yếu tố không thể phủ nhận được. Do đó, nếu không có tự lực thì không thể khởi động việc tu hành mà phủ nhận nơi Phật lực thì cắt đứt niềm tin, không thể đủ sức vượt qua vô vàn chướng ngại trên bước đường tu tập.
b) Lý sự cần được viên dung:
Thiền được xếp vào tánh tông vì nặng về lý; Tịnh được xếp vào tướng tông vì nặng về sự. Tuy nhiên, trên thực tế không có gì gọi là thuần lý, không có chi gọi là thuần sự. Lý, sự luôn luôn ở trạng thái viên dung, nghĩa là trong sự có lý và trong lý có sự , ví như trong nước (lý) có sóng (sự) và trong sóng (sự) có nước (lý).
3. Phương hướng của Thiền Tịnh Song Tu:
Lý Thiền nhằm giải phóng con người ra khỏi sự ràng buộc của trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Sống được với lý thiền thì mọi thị phi, nhân ngã, vinh nhục, khen chê, được mất, … trên thế gian không lay động được tâm. Không cầu sanh Cực lạc, hành giả vẫn thấy Cực lạc ngay trong cõi khổ Ta bà.
Người tu Tịnh Độ vốn luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào Phật lực ( tức sự hộ trì của Đức Phật A-Di-Đà ) mà thêm ngộ được lý thiền, biết bỏ vọng về chơn, niệm Phật mà không chấp vào câu niệm Phật để quây về tự tánh nghe ( thường hằng, sẵn có ) tức là đã hiệp giác bội trần thì có khác chi Thiền giả. Hành giả đó không còn bị cuốn lôi theo sự sanh diệt của trần cảnh, tâm sẽ được định nhanh chóng. Nhờ có định tâm cùng tỉnh thức thường xuyên mà hành giả sẽ chuyển tâm mê thành tâm giác, chuyển nhận thức thành trí huệ. Người tu Tịnh Độ áp dụng phương pháp này thì có thể đạt được mục tiêu chứng ngộ của nhà Thiền, chưa rời bỏ nhục thân để vãng sanh mà đã thực chứng được cảnh giới Cực lạc ngay tại thế gian nầy.
Cuối cùng, chúng ta cần ghi nhớ lời Tổ Vĩnh Minh dạy về Pháp Môn Thiền Tịnh Song Tu như là dùng hai pháp tu bổ sung, trợ lực cho nhau chớ không phải là tu song hành hai pháp riêng rẽ cùng một lúc như nhiều vị đã hiểu lầm:
"Hữu Thiền hữu Tịnh Độ
Du như đới giác hổ
Hiện thế vi nhơn sư
Lai sanh tác Phật,Tổ.
Dịch nôm:
"Có Thiền có Tịnh Độ
Như thêm sừng cho mãnh hổ
Đời hiện tại làm thầy người
Đời vị lai làm Phật, Tổ."

HÀNH GIẢ TỊNH ĐỘ TÔNG ÁP DỤNG THIỀN TỊNH SONG TU NHƯ THẾ NÀO ?

TỊNH

Nói đến Thiền thì cũng phải nói đến Tịnh. Thiền và Tịnh là hai trong 10 Pháp môn Phật giáo xuất phát từ Trung Hoa, chẳng những phổ biến mạnh nhất ở Trung Hoa mà còn ngay ở Triều Tiên, Nhựt Bổn và Việt Nam.
Thiền tông là pháp tu hướng thẳng về tánh nên được xếp vào Tánh tông; yếu chỉ của Thiền tông là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” nên nặng về tự lực. Tịnh Độ tông là pháp tu đặt trên căn bản Thiền lý nhưng sự tu thì hướng về tướng, lấy tướng làm trạm trung chuyển để viên thành Phật quả, nên Tịnh Độ tông được xếp vào Tướng tông; yếu chỉ của Tịnh Độ tông là “Chuyên trì hồng danh Phật A-Di-Đà với lòng Tin sâu Nguyện thiết để vãng sanh về Tây phương Cực lạc, trụ bậc bất thối chuyển mà sớm viên thành đạo quả” hoặc nói tắt là “Một đời vãng sanh Cực Lạc, trụ bậc bất thối chuyển”, do đó, Tịnh Độ tông ngoài tự lực còn hướng về Phật lực.
Muốn tu Tịnh Độ, hành giả phải nhất thiết tin tưởng Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà là một thế giới có thật như quả đất ta đang tạm gởi thân sinh sống, báo thân Phật A-Di-Đà ở cõi Cực Lạc cũng có thật như Đức Phật Thích Ca lịch sử ở cõi ta-bà uế trược nầy. Do cõi Cực Lạc thanh tịnh dễ tu, theo Kinh A-Di-Đà mô tả, mà hành giả Tịnh tông thiết tha nguyện sanh về đó bằng phương cách trì danh hiệu Phật A-Di-Đà không xen hở trong tinh thần thiền định một cách thuần thục (tùy theo căn cơ mà hành giả có thể đạt được trạng thái nhất tâm từ một ngày cho đến bảy ngày chuyên niệm). Nhờ vậy, đến lúc lâm chung, hành giả có thể niệm nhất tâm bất loạn danh hiệu A-Di-Đà thành một cận tử nghiệp lành để Phật A-Di-Đà tiếp dẫn vãng sanh về Tây phương Cực Lạc như theo Kinh A-Di-Đà và Kinh Vô Lượng Thọ minh xác.
Khi được vãng sanh, dẫu chưa sạch nghiệp ( tức còn mang theo nghiệp cũ ), hành giả nhờ vào thắng duyên của cõi Tịnh nên không có duyên thối chuyển trên đường tu tiến. Hành giả chỉ còn con đường tịnh tu hóa giải dần nghiệp cũ cho đến ngày chứng quả Như Lai.
Dẫu rằng Thiền là con đường chính thống của đạo Phật nhưng trên sự tu, Đức Phật và chư Tổ đã tùy căn cơ trình độ của chúng sanh mà chỉ cho nhiều đường tu. Do tính câu chấp mà chúng sanh thường đứng ở Pháp nầy bài bác Pháp kia. Thật sự, tất cả Pháp đều là phương tiện chớ không phải là thật tướng. Vấn đề cốt yếu là hành giả cần chọn một Pháp tu sao cho phù hợp với căn cơ trình độ của mình cùng với bối cảnh không gian và thời gian mà hành giả đang sinh sống. Điều đáng ghi nhớ là trong Kinh Đại Tập, Phật đã từng phát biểu:“Trong thời Mạt pháp, muôn ức người tu hành, khó có một người giải thoát, chỉ nương vào Pháp môn Tịnh Độ mà thoát được luân hồi”; Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy: -“Nếu như ai cố chí làm lành, Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc, Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật, Dầu tiên phàm ma quỉ súc sanh, Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành, Được cứu cánh về nơi an dưỡng, Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng, Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”; -“Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh, Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa”; -“Chữ Lục tự trì tâm bất viễn, Thì lâm nguy có kẻ cứu mình”. Ông Thanh Sĩ cũng viết: “Người tự độ cầu thêm Phật độ, Như nước xuôi lại gió thuận chiều, Đường về chóng biết bao nhiêu, Được hai sức độ mau siêu phàm trần.”

THIỀN

Thiền là âm chữ Phạn Thiền-na (Dhyana), nghĩa là tịnh tư lự (trong sạch hóa sự tưởng nghĩ) hoặc tĩnh lự (suy tư trong tĩnh lặng). Nói chung, thiền là phép giúp tâm được an trụ bằng cách loại trừ sự tán loạn, vọng tưởng, buông xả mọi dính mắc phiền não để đạt tuệ giác.
Phương pháp cụ thể của thiền gồm chỉ (để có định) và quán (để có tuệ). Chỉ là dừng lại, dập tắt cái tâm náo động, tưởng nghĩ lăng xăng bằng cách tạm nhớ một niệm duy nhứt ngay trong hiện tại, gọi là chánh niệm. Quán là dùng sự tỉnh thức để soi suốt, lãnh hội lẽ chơn thật. Chỉ thuộc không môn, hướng về chơn như mà lìa chấp tướng; Quán thuộc hữu môn, hướng về vô vi mà thấu suốt lẽ hợp tan, sanh diệt, thấy biết tất cả tướng đều không thật.
Trong thực tập, chỉ đi trước để khống chế phiền não, quán theo sau để thấy được chơn như. Theo chơn nghĩa, chỉ và quán không thể phân biệt làm hai vì trong chỉ có quán và trong quán có chỉ. Pháp tánh (mục tiêu tối hậu của Thiền) có tính vừa thường tịch (tức Chỉ) vừa thường chiếu (tức Quán).
Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, Thiền (Dhyanna, Meditation) được phân tách ra hai phần: Thiền định (Samatha) và Thiền quán hay Tuệ quán (Vipassana).
Thiền định (Samadhi) là phương pháp giữ tâm trụ vào một đề mục cố định để cho tâm được bình lặng. Có rất nhiều đề mục: màu sắc (xanh, trắng, vàng, đỏ,…), ánh sáng, đất, nước, gió, lửa,…hoặc niệm tưởng Phật, Pháp, Tăng… Trong thực hành, thiền định còn được gọi là tưởng định. Hành giả cần tinh tấn dụng công tưởng nhớ hình ảnh được chọn lựa rõ từng chi tiết cho đến khi phát khởi một tâm sở đặc biệt mới lạ, được gọi là tâm định. Khi đi sâu vào định một thời gian, hành giả sẽ thấy xuất hiện các ứng tướng như hào quang, màu sắc và các trợ tướng giúp tiến vào các tầng thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và cuối cùng là luyện thần thông: thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm và túc mạng thông. Quá trình tu tập nầy rất cần một chơn sư hướng dẫn. Nên nhớ là thiền định không đem lại giải thoát như đạo Phật mong muốn vì nó không phát sinh huệ (tuệ) mà chỉ có thể trợ duyên cho huệ (tuệ); người ngoại đạo (không phải đạo Phật) vẫn có thể tu tập pháp nầy để thành công như đã nói.
Muốn có huệ (tuệ) để đạt cứu cánh giải thoát, hành giả phải tu thiền quán, còn gọi là thiền minh sát hay tuệ quán (Vipassana). Minh sát là quán sát rõ ràng minh bạch. Các cổ Phật đã tu pháp nầy để thành Phật và hầu như Đức Phật Thích Ca đã dành trọn đời để phổ hóa chúng sanh về pháp tu nầy.
Để thực hành Thiền Minh sát, hành giả bắt đầu với pháp tu sổ tức (đếm hơi thở từ 1 đến 10 và ngược lại) để ngăn sự phóng tâm. Khi đã cột tâm yên tịnh rồi, hành giả mới thực tập thiền quán, dùng chánh niệm theo dõi và nhận biết các giác quan để không cho các tâm bất thiện chen vào. Quá trình tu tập chủ yếu là ở tọa thiền đúng cách (gồm đủ 3 yếu tố: điều thân, điều tâm, điều tức) để đạt định, tuệ; kế đó là thiền hành để tăng cường sự tinh tấn.
Giữa Thiền định và Thiền Minh sát, có sự khác biệt căn bản. Thiền định (Samadhi) là phương pháp định tâm trên một đề mục cố định duy nhất nhằm chế định (tức khống chế phiền não), thuộc về tục đế, không quán thấy vô thường. Thiền Minh sát (Vipassana) là phương pháp định tâm trên nhiều đối tượng khác nhau với đề mục thuộc về chơn đế, thấy vạn pháp đều vô thường mà không dính mắc tướng vô thường nên bứng được gốc rễ của phiền não và tham ái.
Nhờ giữ được chánh niệm và tỉnh thức liên tục, Thiền Minh sát giúp hành giả chẳng những thấy Vô thường mà còn thấy Khổ và Vô ngã của thân ngũ uẩn và vạn pháp (danh sắc) để chứng đắc tuệ minh sát, đạt cứu cánh Niết-bàn, Giải thoát. Thiền Minh sát mới chính là thiền Phật giáo. Bất cứ tông phái Phật giáo nào cũng đều cần lấy thiền làm phương tiện và giải thoát làm cứu cánh. Một pháp tu không có thiền và giải thoát không phải là pháp tu của Phật giáo.
Chiếc gương sạch bụi nhờ lau,
Nhìn vào hình tướng sắc màu rõ lên.
Tâm ngưng tưởng nghĩ quàng xiên,
Tất nhận ra nét trắng đen chánh tà.
Chánh niệm giữ được ấy là
Khổ sầu dập tắt xót xa tự dừng;
Thấy tánh thanh tịnh bỗng dưng
Lạc an chợt hiện, trí bừng sáng trong.
Đôi đầu dính mắc chẳng còn,
Cảnh chi cũng vẫn sắt son một màu.
(Mấy Vần Hoa Đạo, Trạch Thiện)

HOẶC

Theo nghĩa tổng quát, Hoặc là mê lầm, mờ tối, không hiểu thấy rõ thật-giả, đúng-sai. Trong giáo lý nhà Phật, Hoặc là một thuật ngữ chỉ Vô minh, tức trạng thái không sáng suốt. Do Hoặc mà thân, khẩu, ý hành động lung tung để tạo thành Nghiệp; rồi từ Nghiệp mà sanh ra quả Khổ.
Trong pháp Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật mô tả vòng dây luân hồi của chúng sinh gồm có 12 mắt xích. Do Vô minh mà 12 mắt xích nầy liên tục duyên với nhau để sanh diệt không ngừng, giam hãm chúng sanh mãi mãi lặn lộn xuống lên trong ba cõi sáu đường đầy khổ não. Có thể mô tả 12 mắt xích đó một cách giản lược như sau:
1. Ngay từ thời vô thỉ, Vô minh (Hoặc) đã sanh ra Hành động tạo tác (Nghiệp) từ trong tâm thức. Hai mắt xích Vô minh (hoặc) và Hành (nghiệp) chính là cái Nhân trong quá khứ tạo ra cái quả Khổ trong hiện tại, bao gồm 5 mắt xích khác: Thức (thần thức, ý thức, tàng thức), Danh sắc (thai bào: thân ngũ ấm), Lục nhập (6 căn – 6 thức), Xúc (tiếp xúc, đụng chạm), Thọ (cảm thọ vui buồn). Đó là tầng Nhân Quả thứ nhất.
2. Trong hiện tại, 5 mắt xích quả khổ vừa kể làm Nhân tạo thêm 3 mắt xích kế tiếp: Ái (yêu thích, đam mê), Thủ (chiếm giữ), Hữu (chấp chặt sự hiện diện của mình). Ái (hoặc)Thủ-Hữu (nghiệp) lại chính là cái Nhân trong hiện tại để sanh ra cái quả Khổ trong tương lai là Sanh (ra đời), Lão Tử (già chết). Đó là tầng Nhân Quả thứ hai. Và cứ thế. Nhân Quả, Quả Nhân liên hệ luân chuyển, duyên sinh tiếp nối vô cùng tận nếu ta không biết cách phá vỡ cái vòng luân chuyển đó.
-Vô minh : Hoặc ↓
-Hành : Nghiệp ↓ Tầng thứ nhất
-Thức-Danh sắc-Lục nhập-Xúc-Thọ : Khổ ↓
-Ái : Hoặc ↓
-Thủ-Hữu : Nghiệp ↓ Tầng thứ hai
-Sanh-Lão Tử : Khổ ↓
Như thế, Hoặc là cái nhân tạo Nghiệp và Nghiệp là cái nhân sanh ra quả Khổ. Nói vắn tắt, do Hoặc mà dẫn tới Khổ. Đạo Phật dùng dụng ngữ Phiền não để chỉ cho Khổ. Có vô vàn Phiền não nhưng về căn bản thì có 10: Tham (tham lam), Sân (nóng giận), Si (mê mờ), Mạn (cống cao tự đắc), Nghi (ngờ vực, thiếu lòng tin), Thân kiến (chấp thân giả hợp làm cái thật ta), Biên kiến (thành kiến cực đoan), Kiến thủ (cho sự hiểu biết của mình là chơn chánh), Giới cấm thủ (chấp theo giới cấm của tà sư ngoại đạo), Tà kiến (mê tín dị đoan). Mười món căn bản phiền não nầy có chung tính chất là trói buộc sai khiến loài hữu tình không cho ra khỏi ba cõi sáu đừờng nên gọi là kiết sử (kiết là trói buộc, sử là sai khiến); nhưng chúng không giống nhau về sự mạnh hay yếu, sâu hay cạn, nhanh nhẹn hay chậm chạp,…vì Hoặc Nghiệp sanh ra chúng khác nhau. Theo giáo lý Nguyên thủy (Nam tông) thì Hoặc được chia làm hai thứ: Kiến hoặc và Tư hoặc.
1. Kiến hoặc là sự mê lầm xuất phát từ Ý căn. Khi tiếp xúc với pháp trần, Ý căn suy lường mọi lẽ phải trái, vọng chấp phân biệt đủ điều mà khởi ra các ý kiến tà vạy sai lầm , không nhận ra chơn lý. Do đó, Kiến hoặc còn được gọi là Phân biệt hoặc – do mê lý mà sanh ra lầm lẫn. Tất cả 10 căn bản phiền não đều có thể do Kiến hoặc mà sanh ra. Tuy nhiên, Kiến hoặc là thứ mê lầm mong manh cạn cợt nên chỉ tu hành đến địa vị Kiến đạo (hiểu được chơn lý) thì đoạn trừ được.
2. Tư hoặc là sự mê lầm do lòng suy tư nghĩ ngợi tiềm tàng từ thời vô thỉ đến nay, hễ có ta là có nó; nó xuất phát mỗi khi 5 căn đầu (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) tiếp nối với 5 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc chạm) mà sanh si mê ái nhiễm. Do đó, Tư hoặc còn được gọi là Câu sanh hoặc – do mê sự mà sanh ra lầm lẫn. Đặc biệt, 4 căn bản phiền não: Tham, Sân, Si, Mạn có nguyên nhân sâu xa khởi sanh từ Tư hoặc. Dầu cho Kiến hoặc đoạn diệt (tức đã thấy hiểu rõ chơn lý), Tham, Sân, Si, Mạn vẫn còn vi tế khởi sanh là đều do Tư hoặc cả. Tư hoặc rất khó trừ vì là thứ mê lầm có căn gốc quá sâu xa nên phải tu hành đến địa vị Tu đạo (công phu diệt trừ tập nhiễm bền bỉ) thì mới đọan trừ được.
Kiến Tư Hoặc đoạn diệt hẳn thì hành giả đạt đến quả vị cao nhất của Thanh văn thừa là Thánh quả A-la-hán. A-la-hán là đấng Ứng cúng (phước đức, trí huệ cao cả, mảnh đất để chúng sanh gieo trồng ruộng phước), Phá ác (sạch hết trược nhiễm, phiền não tội ác) và Vô sanh (ra khỏi sanh tử luân hồi trong 3 cõi).
Theo giáo lý Đại thừa, Thánh quả A-la-hán chưa phải là quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức cứu cánh của Phật quả. Các Thánh A-la-hán có khuynh hướng tự mãn trong địa vị tu chứng nên sanh trầm không trệ tịch (chìm trong cái không, an trú trong cái tịch mịch) trước sự mê lầm nhiều như cát bụi của chúng sanh mà thối chí độ sanh, chỉ muốn an hưởng quả vị Niết bàn. Đức Phật không bằng lòng ở chỗ dừng đó mà luôn luôn khuyến cáo các hàng A-la-hán cần phải phát tâm Bồ-tát Đại thừa để hoàn thành rốt ráo chức năng cứu vớt chúng sanh hầu viên mãn Phật quả. Muốn thế, các Thánh A-la-hán cần phải tiếp tục đoạn diệt Trần sa hoặc và Vô minh hoặc:
- Trần Sa Hoặc là sự mê lầm của chúng sanh nhiều như cát bụi và thể hiện dưới thiên hình vạn trạng không sao kể hết. A-la-hán không còn Kiến Tư Hoặc nơi cá nhân mình nhưng nhìn thấy Trần Sa Hoặc mà sanh pháp chấp, mê lầm thấy có thật pháp mình tu, có thật Niết bàn mình chứng mà muốn dừng chân an trú. Cho nên, các Thánh A-la-hán còn phải tiếp tục khắc phục chướng hoặc nầy bằng cách phát tâm cứu độ dõng mãnh, gây lợi lạc cho chúng sanh để phá tan Trần Sa Hoặc.
- Vô Minh Hoặc là sự mê lầm khiến chưa thấy rõ bản chất rốt ráo của chơn tâm, còn vi tế dính mắc pháp tướng mà chưa đạt viên mãn chơn lý bất-nhị (bát nhã trung đạo). Nó là gốc rễ của mọi mê lầm nên được gọi là căn bản vô minh (khác với Ái là chi mạt vô minh). Vô Minh Hoặc vẫn còn trói buộc các vị A-la-hán trên đường tiến đến quả Vộ thượng Chánh đẳng Chánh giác nên các Ngài cần phải tiếp tục đọan trừ cho rốt ráo.
Tóm lại, Hoặc là một khái niệm rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Càng đoạn diệt được Hoặc là càng tiến triển trên đường tu hành, càng mở dần sự trói buộc sai khiến của Phiền não. Kiến Tư Hoặc được diệt sạch là phá được cái vòng luân hồi khổ não, thoát ly sanh tử, ra ngoài ba cõi, tức chứng Thánh quả A-la-hán. Đoạn diệt được Trần Sa Hoặc thì chứng từng bậc quyền Bồ-tát. Đoạn diệt được Vô Minh Hoặc thì chứng pháp tánh Bồ-tát. Đọan diệt sạch vi tế Vô Minh Hoặc thì chứng quả Phật vô thượng. Như vậy, việc tu chứng có một quá trình trải qua từng nấc với một thời gian vô cùng lâu dài. “Kiến Tánh thành Phật” là để chỉ cái Lý Đạo chớ không phải là chỉ Sự Tu dễ dàng và nhanh chóng.

TRÍ TUỆ

Sống trên đời nầy, nếu được chút ít khai sáng, mọi người đều mong muốn có “Trí tuệ” (tức sự hiểu biết) cho mình và cho con em, người thân của mình. Người thế gian có thể hy sinh lao nhọc, của cải vật chất lo cho con đi học để có được trí tuệ cao, bằng cấp lớn.
Trong đạo Phật, Trí tuệ là mục tiêu cao nhất mà người con Phật, bằng mọi giá, phải hướng tới. Do đó, khái niệm về một đức Phật rất giản dị: một người đã đạt đến tột đỉnh cao Trí tuệ; Phật là Giác giả (người có tầm hiểu biết tột đỉnh) và đạo Phật là con đường dẫn chúng sanh đi đến đỉnh cao đó mà thuật ngữ Phật giáo gọi là “thành Phật”. Theo đạo Phât, có Trí tuệ là có tất cả. Bi (tức tâm cứu giúp người) từ Trí tuệ mà ra, nên hễ có Trí là có Bi – Đại Bi cũng chính là Đại Trí và ngược lại. Ở vào trạng thái của một vị Phật, không còn ngôn ngữ để diễn tả. Ngài là thể tánh thường hằng bất sanh bất diệt nên được gọi là Chơn Thường; Ngài đối cơ mà sanh khởi một cách an lạc nên được gọi là Chơn Lạc; Ngài luôn luôn tỉnh thức trong mọi sắc thái, sáng suốt chiếu soi trong mọi tình huống nên được gọi là Chơn Chiếu và tuyệt đối thanh tịnh không dính mắc, không trụ vào hình tướng nào nên được gọi là Chơn Tịnh. Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là 4 khái niệm căn bản về một vị Phật, nói lên đặc tính Chơn Không mà Diệu Hữu.
Tuy nhiên, Trí tuệ của con người thế gian hoàn toàn khác với Trí tuệ Phật. Trí tuệ thế gian do sự phân biệt đối đãi mà hình thành, thuật ngữ Phật giáo gọi đó là THỨC có tính chất hữu ngã. Còn PHẬT TRÍ do vô phân biệt, vô chấp trước mà có và tính chất của Phật Trí là vô ngã. Trên quá trình tiến về Phật Trí, Trí tuệ thế gian có thể làm phương tiện và cần phải được gỡ bỏ từng lúc; chấp trước Trí tuệ thế gian trong tu học là một chướng ngại lớn mà Phật giáo gọi là Sở Tri chướng. Dính mắc vào Sở Tri chướng thì không thể tiến đến Phật Trí. Phật Trí còn được gọi là Bát Nhã Trí (prajnâ) – Đức Phật phải mất đến 22 năm giáo hóa trong 49 năm thuyết pháp độ đời của Ngài. Thời kỳ nói về giáo lý Bát nhã, Phật phải trải qua 4 nơi với 16 kỳ hội và được sưu tập thành bộ kinh Đại Bát Nhã. Đại tạng Bát Nhã bao gồm 600 quyển được Ngài Pháp sư Huyền Trang dịch sang Hán văn mất 3 năm. Tâm Kinh Bát Nhã là một bài kinh ngắn gọn (chỉ có 260 chữ) đúc kết được tinh hoa của giáo lý Bát Nhã nên là một bài kinh toát yếu vô cùng quan trọng.