BÊN KIA CỬA TỬ

(trích đăng)

Charles Leadbearter


Lời dịch giả:
Một trong những bộ sách đặc biệt của Tây Tạng là bộ Tử Thư (Tibetian Book of the Death) viết về đời sống sau khi chết. Cuốn sách đã được nhiều người nghiên cứu và phiên dịch nhưng vì nó quá hàm súc, khó hiểu nên một số học giả đã rút tỉa vài đoạn trong đó, khai triển rộng ra để an ủi những người đang đau khổ vì cảnh tử biệt. Phần dưới đây trích trong cuốn "To Those Who Mourn" của Giám mục Charles Leadbeater, một nhà thần học nổi tiếng của thế kỷ 20.
Nguyên Phong


Bạn thân mến,
Tử thần vừa cướp mất của bạn một người mà bạn yêu quý nhất đời. Ðối với bạn, hiện nay đời sống bỗng trở nên trống rỗng vô vị, và có lẽ không còn lý do gì để sống nữa. Cuộc đời từ nay chỉ còn là những chuỗi ngày dài đăng đẳng, đầy tẻ nhạt chán chường. Hạnh phúc đã mất sẽ không bao giờ trở lại; những cử chỉ âu yếm, những câu nói yêu thương dường như đã chìm lặn trong màn sương ngăn cách hai thế giới. Có lẽ bạn đang nghĩ về bạn, bạn đang mất mát không thể vãn hồi vừa sẩy ra, nhưng có thể bạn còn đang nghĩ không biết người bạn thương yêu nay đang lâm vào tình trạng nào? Tuy bạn biết người đó đã đi xa rồi, đi mất rồi nhưng bạn không biết là đi đâu, số phận người đó như thế nào? Bạn cầu mong người đó sẽ gặp được những sự bình an, tốt đẹp nhưng rồi bạn lại thấy vẫn có một cái gì không ổn vì không ai có thể giải thích cho bạn một cách thỏa đáng về ý nghĩa của đời sống cũng như cái chết. Giáp mặt trước sự kiện này bạn đâm ra bàng hoàng hoảng hốt, và đời sống đối với bạn bỗng trở nên một gánh nặng không thể gánh vác một mình được nữa.
Này bạn, tâm trạng của bạn là một tâm trạng tự nhiên và thành thật. Tôi ước mong có thể chia sẻ với bạn về sự mất mát lớn lao này bằng sự giúp đỡ chân thành của tôi. Dĩ nhiên bạn nghĩ rằng: Làm sao tôi có thể an ủi bạn được! Làm sao một người như tôi có thể hiểu được nỗi đau khổ vô vàn của bạn kia chứ! Nhưng bạn hỡi, sự buồn rầu đau khổ của bạn đã xây dựng trên một hiểu lầm. Thưa vâng, một hiểu lầm tai hại và tôi mong khi hiểu rõ được điều này thì có lẽ bạn sẽ bớt đau khổ hơn. Tôi muốn trình bày cho bạn một quan điểm khác với quan niệm thông thường như sau.
Này bạn, sự đau khổ của bạn chỉ là một ảo giác rất lớn do sự thiếu hiểu biết về những định luật thiên nhiên, hay nói một cách khác, là đời sống bên kia cửa tử. Nếu bạn có một sự hiểu biết đúng đắn về sự kiện này thì có lẽ bạn sẽ không còn đau khổ nữa. Người Phương Ðông, nhất là người Tây Tạng, đã nghiên cứu về nó qua nhiều thế kỷ và ngày nay khoa học cũng đã bắt đầu chứng minh được rằng "có một đời sống sau khi chết". Cửa tử không còn là một sự bí mật nữa vì cái thế giới bên kia, cái thế giới đầy bí mật đó đã không còn bí mật nữa. Cái thế giới đó thực sự hiện hữu, là một thế giới tương tự như thế giới hiện nay của chúng ta và dĩ nhiên cũng chịu sự chi phối của những định luật trong vũ trụ, tương tự như những định luật mà chúng ta đã biết. Tôi sẽ giải thích rõ rệt một vài nguyên tắc căn bản mà dĩ nhiên bạn có thể khảo sát thêm, nếu bạn muốn. Trước hết, tôi mong bạn hãy ngưng than khóc vì sự đau thương của bạn chỉ làm phương hại cho người bạn thương mến chứ không giúp được gì cho người đó đâu! Một khi bạn hiểu rõ điều mà tôi sắp trình bày thì có lẽ bạn cũng sẽ đồng ý như vậy.
Có thể bạn cho rằng điều tôi sắp trình bày chỉ là những lời an ủi hay những dự đoán mơ hồ mà thôi. Nhưng tôi muốn hỏi bạn, sự đau khổ và suy nghĩ của bạn hiện nay đã được xây dựng trên nền tảng nào? Phải chăng bạn tin tưởng như vậy vì một vài người trong giáo hội chúng ta đã dạy như thế, hoặc căn cứ trên một vài quyển sách, hoặc là sự tin tưởng của đa số người trong thời đại này rằng chết là hết, là thiên thu cách biệt, là vĩnh viễn chia tay? Nếu bạn suy nghĩ thật kỹ mà không bị các thành kiến chi phối, thì bạn sẽ thấy rằng quan niệm đó cũng chỉ là một dự đoán mơ hồ mà thôi.
Nếu đọc kỹ Thánh Kinh, bạn sẽ thấy một sự thật rằng, theo thời gian, đã có nhiều cách giải thích Kinh Thánh khác nhau. Cái quan niệm rằng chết là hết, là chấm dứt vĩnh viễn đã căn cứ trên sự hiểu biết nào? Ðược xây dựng từ thời đại nào? Quan niệm Thiên Ðàng và Ðịa Ngục có từ lúc nào ? Phải chăng đó cũng chỉ là những quan niệm như trăm ngàn quan niệm khác? Phải chăng vì được nhiều người tin tưởng nên người ta đành chấp nhận mà không đòi hỏi một sự giải thích nào? Nhưng sống và chết là một vấn đề trọng đại, liên quan mật thiết đến đời sống hiện nay. Vì lẽ đó, chúng ta không thể chấp nhận nó một cách dễ dãi được. Ðây là một vấn đề lớn, đời hỏi một sự nghiên cứu hết sức đích đáng và phân tích thật cẩn thận. Tôi không đòi hỏi bạn phải tin tưởng một cách mù quáng đâu. Tôi chỉ muốn trình bày những gì mà chính tôi biết là có thật, dựa theo kinh nghiệm của tôi và của những bậc thầy Phương Ðông mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và học hỏi. Tôi mời bạn cùng quan sát nó.

XÁC THÂN CHỈ LÀ BỘ Y PHỤC
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về sự cấu tạo con người. Khoa học đã cho chúng ta biết khá rõ về thể chất con người cũng như các hoạt động sinh lý, tâm lý nhưng vẫn còn một yếu tố khác mà khoa học chưa thể chứng minh, đó là cái mà người ta gọi là linh hồn. Ðây là một danh từ không chính xác lắm nhưng tôi không muốn đi vào những định nghĩa. Ðã từ lâu, các tôn giáo lớn đều đã đề cập một cách mơ hồ rằng con người có một cái gì trường tồn gọi là linh hồn và cái này vẫn hiện hữu sau khi thể xác chết đi . Tôi thấy không cần thiết phải dẫn chứng bằng kinh sách hay lý thuyết về sự hiện hữu của linh hồn, cũng như không cần phải dài dòng về các hiện tượng như đầu thai, thần đồng, người chết sống lại kể về thế giới bên kia, vì đã có nhiều sách vở đề cập đến nó rồi. Tôi chỉ mong bạn vững tin rằng linh hồn vốn có thật và nó là một chân lý đứng đắn. Con người là một linh hồn và có thể xác. Thể xác không phải là con người. Nó chỉ là y phục của con người mà thôi. Ðiều mà chúng ta gọi là sự chết chỉ là sự cởi đi một cái áo cũ, đó không phải là sự chấm dứt. Khi bạn thay đổi y phục, bạn đâu hề thấy mất mình, bạn chỉ bỏ cái áo mà bạn đang mặc đó thôi. Cái áo có thể được cất vào tủ, mang đi giặt ủi hoặc vứt bỏ, nhưng người mặc nó chắc chắn vẫn còn. Do đó phải chăng khi thương yêu ai, bạn thương yêu người ấy chứ đâu phải thương yêu chiếc áo của người ấy?
Trước khi bạn có thể hiểu được tình trạng của người mà bạn thương yêu, bạn cần phải hiểu rõ tình trạng của chính bạn đã. Bạn là một linh hồn bất tử; bất tử vì tinh hoa của bạn vốn có tính chất thiêng liêng, bởi vì bạn là một phần của một đại thể cao cả hơn nhiều. Bạn đã từng sống trong nhiều thế kỷ. Trước khi mặc bộ quần áo này, bộ quần áo mà hiện nay bạn gọi là xác thân, thì bạn đã từng mặc những bộ quần áo khác, và bạn còn sẽ mặc nhiều bộ quần áo khác nữa trong tương lai, khi bộ quần áo hiện tại đã tan thành tro bụi. Kinh Thánh đã nói: "Thượng Ðế sinh ra con người từ hình ảnh bất diệt của Ngài". Ðây không phải là một giả thiết hay một sự tin tưởng nào mà có bằng chứng hẳn hoi. Ðiều bạn cho là một đời thật ra chỉ là một ngày nho nhỏ trong một kiếp sống kéo dài vĩnh viễn thiên thu và điều này cũng xảy ra cho người bạn yêu. Tóm lại, người bạn yêu thương không hề chết, không hề mất đi, mà chỉ cởi bỏ bộ áo của họ mà thôi.
Bạn đừng tưởng chết chỉ như một luồng hơi, không có hình dáng chi cả hoặc thua kém lúc còn sống về một điểm nào đó. Cách đây nhiều thế kỷ, Thánh Paul đã nói: "Có một cái thể vật chất và có một cái thể tinh thần". Nhiều người đã hiểu lầm mà cho rằng những thể đó nối tiếp nhau chứ không hiểu rằng chúng ta đều có cả hai thể đó trong cùng một lúc. Thưa vâng, cái thể vật chất đó chính là cái xác thân mà bạn đang thấy, và cái thể tinh thần kia chính là cái mà bạn không thấy và thường gọi bằng danh từ "linh hồn". Khi bạn bỏ thể xác thì bạn giữ lại cái thể tinh thần kia.
Nếu bạn đồng ý, hay tạm thời đồng ý về quan niệm này thì chúng ta có thể đi xa hơn. Nếu bạn biết rằng chẳng phải khi chết bạn mới cởi bỏ "bộ áo" đó mà ngây khi ngủ bạn cũng tạm thời cởi bỏ nó và đi vẩn vơ trong một cõi giới khác trong cái thể tinh thần của bạn. Dĩ nhiên khi tĩnh dậy thì bạn lại mặc vào bộ áo thể xác đó trong khi người chết thì không còn mặc lại bộ áo đó được nữa. Vì sự cấu tạo và rung động nguyên tử của hai cõi vốn khác nhau nên cõi nào chỉ có thể nhìn được cõi đó mà thôi. Ðôi khi tỉnh dậy, bạn mơ hồ như mình có thấy một cái gì đó, dĩ nhiên nó đã bị thay đổi rất nhiều bởi sự sắp xếp lại qua ký ức và bạn gọi điều này là chiêm bao.

LÀM THẾ NÀO ÐỂ TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI CHẾT

...Chúng ta đang sống ở thời kỳ khoa học và không chấp nhận những ý tưởng vu vơ, hoàn toàn trái với lý thuyết khoa học cũng như trái ngược với những lời dạy bảo đầy bác ái, nhân từ và sáng suốt của đấng Cứu Thế. Chúng ta những linh hồn đang sống trong cõi vật chất và chỉ biết đến những sự kiện liên quan đến cõi vật chất này mà thôi. Tất cả mọi sự hiểu biết của chúng ta đều dựa trên những giác quan của thể xác. Nhưng các giác quan này thì bất toàn. Thí dụ như chúng ta có thể thấy được những vật thuộc thể lỏng hay thể rắn nhưng lại không thể thấy được thể hơi mặc dù chúng ta biết rằng thể hơi hiện hữu. Hiển nhiên nếu có những thể khác thanh nhẹ hơn thể hơi thì làm sao chúng ta có thể thấy được. Nói tóm lại, vì giác quan của chúng ta bất toàn mà chúng ta không thấy được một số dữ kiện, tuy nhiên chúng ta không thể kết luận vì không thấy được mà chúng không hiện hữu. Người Phương Ðông đã ý thức được điều này từ lâu qua các công phu luyện tập đặc biệt mà nhiều người cho là phi thường.
Thật ra nguyên lý của nó rất giản dị. Người nào biết rèn luyện tinh thần, phát triển các "giác quan" của tinh thần thì họ sẽ có các quyền năng về tinh thần. Nếu các bạn biết rằng thể tinh thần cũng giống như thể vật chất (thể xác), đều có những giác quan riêng biệt thì bạn sẽ hiểu điều tôi nói. Nếu thể xác có thị giác thì thể tinh thần cũng có một thị giác tương tự, nhưng đây là một thứ thị giác đặc biệt, có thể nhìn thấy những cái mà nhãn quan của thể xác không nhìn thấy được. Người Tây Tạng gọi quyền năng này là Thần Nhãn hay là con mắt thứ ba (Third eyes). Sách vở huyền môn Tây Tạng nói rõ rằng, thể tinh thần có những giác quan tương ứng với những giác quan của thể xác nhưng bao trùm một giới hạn bao la, rộng rãi hơn nhiều. Các danh sư Tây Tạng gọi đó là các năng khiếu mà con người có thể sử dụng được nếu họ biết cách chủ trị tinh thần, khai triển các giác quan này. Dĩ nhiên những người đã khai mở những quyền năng đó có thể ý thức được nhiều điều mà người thường không thể biết được.
Chính nhờ khai mở được các giác quan đặc biệt này mà các danh sư Tây Tạng đã nghiên cứu về đời sống cõi giới bên kia, cõi giới mà chúng ta thường gọi là "cõi chết" hay "bên kia cửa tử". Họ xác định rằng chết không phải là sự chấm dứt của kiếp sống mà chỉ là một bước đi từ giai đoạn sống này qua giai đoạn sống khác. Xác thân phục vụ tinh thần và là một phương tiện liên lạc (communicate) với cõi trần. Nếu không có xác thân thì phần tinh thần không thể liên lạc được với cõi trần được và dĩ nhiên không thể ảnh hưởng hoặc thọ lãnh ảnh hưởng của nó. Cõi trần là một trường học hết sức quan trọng để linh hồn học hỏi, kinh nghiệm; và những điều học hỏi đều được lưu trữ trong ký ức tâm linh, một thứ ký ức vô cùng giới hạn. Chỉ riêng ở cõi trần người ta mới có thể thực sự học hỏi và áp dụng hay thực hành những điều đã học. Ở những cõi khác, vì sự cấu tạo của nguyên tử quá thanh, quá nhẹ nên việc học hỏi chỉ có tính cách lý thuyết chứ không thể thực hành được.
Ðiều chúng ta cần biết là những người mà ta cho rằng đã chết thực ra không hề chết, không hề lìa xa chúng ta. Vì một lý do mơ hồ mà người ta tin rằng chết là chấm dứt, là chia ly, sau đó linh hồn được lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục rồi ở đó vĩnh viễn. Tác động của Thượng Ðế chắc chắn vô cùng huyền diệu, nhiều khi chúng ta không thể hiểu được nhưng không bao giờ trái ngược với định luật thiên nhiên. Khi một người cởi bỏ bộ áo choàng ra thì họ vẫn đứng ở chỗ cũ chứ nào có thể biến mất được. Hình dáng của họ thay đổi phần nào nhưng chắc chắn họ không thể phút chốc biến ra người khác được. Vì thể xác đã bỏ lại nên bạn không còn thấy người đó nữa mà chỉ thấy cái thể xác bất động nằm ở đó thôi. Nhưng điều này không có nghĩa là người bạn yêu thương đã đi xa rồi.
Khoa học đã chứng minh mắt của chúng ta chỉ đáp ứng được với một số rung động tối thiểu trong vũ trụ. Nếu sử dụng các dụng cụ tinh vi hơn, người ta có thể nhìn thấy được các sự rung động mà mắt thường không thể nhìn thấy như tia hồng ngoại, tia tử ngoại v.v... Nếu bạn tin rằng các giác quan của thể xác đã giúp bạn cảm nhận được những vật chất cấu tạo bằng nguyên tử của cõi hồng trần thì các giác quan của thể tinh thần cũng sẽ giúp bạn cảm xúc được các nguyên tử cấu tạo bởi cõi đó. Nhờ xúc giác, chúng ta có thể sờ mó các vật chất của cõi trần thì một thứ xúc giác đặc biệt của thể tinh thần cũng giúp chúng ta sờ mó được các vật chất cấu tạo bởi nguyên tử cõi này. Bạn đừng nghĩ rằng cõi tinh thần đó nằm đâu xa xôi, thực ra nó và cõi trần này ở cùng một chỗ, chiếm cùng một vị trí trong không gian và thời gian, nhưng vì cấu tạo bởi các nguyên tử khác nhau nên người ta không cảm thấy nhận được nó đó thôi. Quy tắc của điều mà khoa học gọi là "chiều không gian" (dimension) hiển nhiên đã vén lên một phần của sự bí mật này. Dĩ nhiên ngoài cõi tinh thần còn nhiều cõi giới khác nữa nhưng điều đó không quan hệ đến chúng ta hiện nay.
Tóm lại, người mà bạn tưởng đã đi xa rồi thật ra vẫn ở bên cạnh bạn và có thể đứng sát kề vai với bạn nữa kìa. Dĩ nhiên bạn còn mặc một tấm áo choàng dầy, còn người kia thì đã cởi bỏ chiếc áo đó rồi, do đó bạn không còn nhìn thấy người ấy nữa nhưng người ấy vẫn còn nhìn thấy bạn vì sự rung động của các nguyên tử của cõi kia thanh nhẹ hơn nên có thể nhìn thấy được nhiều hơn.
Trong khi ngủ, khi bạn tạm thời cởi bỏ bộ áo vật chất này ra thì bạn và người đó có thể tiếp xúc với nhau dễ dàng. Vì đa số mọi người thiếu sự chuẩn bị công phu hàm dưỡng tinh thần nên vẫn luôn luôn có một khoảng cách giữa tri thức của thể xác và thể tinh thần, do đó họ không thể nhớ lại được việc làm của thể tinh thần trong giấc ngủ. Hiển nhiên nếu chúng ta có thể nhớ trọn vẹn thì sự chết đâu còn nữa. Một số đạo sư phương Ðông đã tập luyện được công phu gìn giữ cái trí nhớ liên tục này mà giao tiếp với cõi tinh thần trong giấc ngủ hoặc khi hành thiền. Dĩ nhiên đôi lúc ngủ cũng có người nhớ lại một vài chi tiết trong lúc ngủ nhưng họ thường kết luận là chuyện chiêm bao vô giá trị. Một người biết đoán điềm giải mộng có thể nói cho họ biết nhiều điều lý thú mà họ không ngờ.
Ðối với những người thân quyến vừa lìa đời, nếu họ ngủ được một giấc thoải mái thì khi tỉnh dậy họ đều có cảm giác an tĩnh, phúc lạc như vừa được gần người thương yêu. Ðiều này không lạ vì hiển nhiên họ đã tiếp xúc được với người thân trong giấc ngủ. Nếu bạn biết rằng cõi trần của chúng ta là cõi thấp, và cõi bên kia cửa tử vốn cao hơn thì hiển nhiên cõi cao bao trùm cõi thấp theo định luật thiên nhiên. Ở cõi tinh thần người ta có thể nhớ lại rất rõ ràng các chuyện gì đã xảy ra trong cõi trần. Cũng như thế, khi ngủ người ta có thể hồi tưởng được nhiều chuyện đã quên từ lâu rồi, vì không còn bị cản trở bởi các chướng ngại thuộc thể xác. Khi thức giấc, con người khoác lấy bộ áo vật chất, ký ức bị chi phối bởi các ảnh hưởng của thể xác, nó che khuất các linh năng cao hơn nên ít ai nhớ được điều gì rõ ràng. Các danh sư Tây Tạng chỉ dẫn rằng, nếu muốn chuyển đạt tin tức cho người quá cố, bạn có thể giữ trong tư tưởng điều bạn muốn nói thì chuyện đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên bạn nên biết rằng ở cõi tinh thần, người ta có thể đọc được tư tưởng của người sống. Nếu người quá cố vẫn còn luẩn quẩn gần đó thì họ có thể đọc được tư tưởng của bạn dễ dàng. Ở cõi tinh thần, người ta không rảnh rỗi ngồi không mà có những việc khác để thi hành, do đó nếu có thể, bạn không nên làm rộn đến họ....
Cho đến nay, tôi chỉ đề cập đến vấn đề tiếp xúc với người chết bằng cách vào thế giới bên kia trong giấc ngủ vì đó là đường lối tự nhiên thông thường. Dĩ nhiên vẫn có những đường lối khác thường và không tự nhiên. Có người chết tạm thời mượn lấy một hình thể khác trong chốc lát (trường hợp lên đồng, nhập cốt) hoặc sử dụng một hình nộm, một cái bóng, tạo ra bởi các nguyên tử vật chất, để tiếp xúc với người cõi trần. Ðây là những điều không đứng đắn, mơ hồ, khó kiểm chứng, dễ bị lợi dụng, có thể đưa đến sự bịp bợm, phỉnh gạt của một số thầy pháp, thực hành tà thuật. Dó đó, theo sự nghiên cứu và hiểu biết của tôi, đây là điều nên thận trọng vì việc vong linh cố gắng liên lạc với cõi trần bằng cách này thường bắt nguồn từ những nguyên nhân đặc biệt. Có thể vì họ có điều gì oan ức cần biện bạch, hoặc các đau khổ lo âu cần được giúp đỡ. Trong trường hợp này, tốt nhất là rán tìm hiểu xem họ muốn gì rồi chúng ta giúp họ giải quyết những việc đó sớm chừng nào tốt chừng nấy để tâm hồn họ được an tĩnh...
Tôi mong bạn hiểu rằng sự chết không đem lại một thay đổi gì cho con người thật sự cả. Không thể nào một người vừa chết đã trở nên một vị thánh, hay một đấng thiên thần. Người chết không thể trở thành một bậc vĩ nhân hiểu biết tất cả mọi sự được, mà chỉ là một người giống như trước khi chết một ngày hay một vài giờ mà thôi. Hiển nhiên người đó cũng có tình cảm, kiến thức, sự hiểu biết; chỉ khác ở chỗ họ đã cởi bỏ bộ áo mặc trên người ra, cởi bỏ gánh nặng trên vai (bệnh tật, mệt nhọc của xác thân) và có cảm giác thảnh thơi tự tại. Khi còn sống, ai ai cũng phải làm việc để giải quyết những nhu cầu vật chất như thực phẩm, nơi chốn cư ngụ, quần áo che thân, v.v... Tại cõi tinh thần, những thứ này trở nên vô dụng. Thể tinh thần không cần thực phẩm hay nơi chốn cư ngụ, do đó người ta dường như thoát được cái áp lực lớn lao về sự sinh sống. Ðây là cả một sự cởi bỏ gánh nặng rất lớn nên người ta thường thấy nhẹ nhàng thoải mái.
Theo các danh sư Tây Tạng, trong cõi tinh thần, không gian không còn là một trở ngại nữa. Người ta tự do di chuyển đó đây tùy theo ý muốn. Nếu thích phong cảnh trời biển, họ tha hồ ngao du những chỗ nào đẹp đẽ nhất. Nếu thích mỹ thuật, họ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sẽ tài ba mà không phải chờ đợi xếp hàng hay mua vé vào cửa. Nếu thích âm nhạc họ có thể di chuyển từ hí viện này đến hí viện khác để thưởng thức các khúc nhạc tuyệt diệu. Bất cứ thích điều gì họ có thể thưởng thức điều đó hết sức dễ dàng, miễn là những cái đó thuộc về phạm vi tinh thần hay xuất phát từ các tình cảm cao thượng. Tại sao? VÌ những thứ này không cần phải sử dụng đến một thể xác vật chất. Dĩ nhiên nếu điều họ thích là một thú vui dựa trên các cảm xúc của thể xác thì vấn đề hoàn toàn khác hẳn vì họ sẽ không thỏa mãn được.
Một người nghiện rượu sẽ không uống được rượu vì đâu còn xác thân nữa để mà uống. Cũng như thế một kẻ thèm ăn sẽ khổ sở, luôn luôn có cảm giác đói khát! Một kẻ tham lam, bỏn xẻn tiền bạc sẽ khổ sở vì không còn gì để chất chứa. Kẻ ham nhục dục sẽ điên cuồng vì thèm khát mà không được thỏa mãn. Người ghen tuông sẽ bị tình cảm dày vò, nhất là khi họ không còn xen vào công việc của người mà họ ghen tức được nữa.
Tóm lại, sự khổ sở chỉ bắt nguồn từ những đam mê xây dựng trên căn bản xác thịt, trên thể vật chất. Nếu biết kiềm chế những cảm giác này thì họ bớt đau khổ hơn, vì nguyên nhân của đau khổ bắt nguồn từ ham muốn. Khi hết ham muốn thì những đau khổ sẽ chấm dứt ngay.

LÀM THẾ NÀO ÐỂ KHI CHẾT KHÔNG ÐAU KHỔ

Cõi giới bên kia cửa tử cấu tạo bởi các nguyên tử hết sức thanh nhẹ nên thích hợp với những người sống về tâm linh. Những người này sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi còn ở cõi trần vì cõi bên đây có các rung động thanh cao, thuận lợi cho việc trau dồi kiến thức, phát triển khả năng tinh thần.. Nếu các nhà trí thức, nghệ sĩ; những người có tâm hồn hướng thượng đều cảm thấy thoải mái, ung dung tự tại; thì người giàu lòng bác ái, không mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà chú tâm đến hạnh phúc của người khác; còn sung sướng hơn nữa, vì họ có thể làm việc một cách đắc lực. Tuy cõi này không có ai nghèo khổ, lạnh lẽo nhưng vẫn có những tâm hồn buồn rầu, đầy hoang mang sợ hãi, cần được sự giúp đỡ an ủi. Do đó các danh sư Tây Tạng thường chú tâm nghiên cứu cõi vô hình để hướng dẫn và giúp đỡ cho những kẻ này.
Vì đa số mọi người không biết gì về thế giới bên kia cửa tử nên họ đều thiếu chuẩn bị. Chính vì thiếu chuẩn bị mà nhiều người chịu đau khổ, mê muội; cứ lang thang sợ hãi trong một cảnh giới kỳ lạ, mơ mơ màng màng hư hư thực thực, không siêu thoát được. Thượng Ðế thường hành động một cách bí mật, không mấy ai có thể hiểu. Có khi nào bạn tự hỏi tại sao phần lớn con người khi già yếu, các cơ quan thể xác dần dần thoái hóa, các ham muốn như ăn uống, thèm khát cảm xúc xác thịt cũng theo đó mà giảm bớt đi . Khi bệnh tật đau ốm, người ta chỉ mong sao chóng khoẻ thôi chứ đâu mấy ai còn ham muốn gì khác. Phải chăng đó là một cách gián tiếp giúp con người kiềm chế các thú vui xác thịt, bớt ham muốn vật chất để tránh khỏi phải đau khổ khi từ giã cõi đời, khi ham muốn mà không thể thỏa mãn được nữa? Hiển nhiên nếu biết vậy, người ta cần phải chuẩn bị, phải tập làm chủ các giác quan, kiềm chế các ham muốn vật chất, phát triển đời sống tinh thần ngay từ lúc này, để tránh không bị khổ sở khi bước vào thế giới bên kia.
Thật đáng tiếc khi đa số người ta cứ mải mê lo lắng cho đời sống phù du, giả tạo, ngắn ngủi ở cõi này mà không biết gì đến những đời sống khác. Họ có thể bỏ ra cả tuần hoạch định chương trình cho một chuyến du lịch, trong khi không hề chú ý gì đến một nơi mà trước sau ai cũng phải đến.
Có lẽ bạn tự hỏi những người chết trẻ khi lòng ham muốn vật chất còn mãnh liệt thì sẽ ra sao? Dĩ nhiên họ gặp nhiều khó khăn hơn người chết già hay chết vì bệnh. Họ dễ bị lôi kéo, thu hút vào những cảnh giới thấp thỏi, ngột ngạt, bị chìm đắm trong các rung động xấu xa, sống trong tình trạng hoang mang đau khổ, đầy thèm khát cho đến khi biết kiềm chế lòng ham muốn thì mới siêu thoát được.
Vì đã mấy ai biết được giờ chết, tử thần có bao giờ báo trước nên con người cần chuẩn bị một đời sống thanh khiết, hướng thượng ngay từ bây giờ. Ðiều chính yếu là nên giảm bớt các ham muốn vật chất để tránh khỏi lâm vào tình trạng như đói mà không được ăn, khát mà không được uống, thèm muốn không được thỏa mãn, toàn thân nóng rực như than hồng vì ham muốn hành hạ...
Tiếc thay phần đông nhân loại cứ nhởn nhơ vui chơi, tìm khoái lạc qua các cảm xúc của thể xác mà không ý thức rằng thể xác vốn vô thường, nay còn mai mất, trước có sau không; những thú vui ngắn ngủi phù du của một kiếp người trong chốc lát đã dọn đường cho sự đau khổ trền miên ở cõi bên kia. Thời gian ở cõi trần bị giới hạn bởi các điều kiện vật chất vì thể xác được cấu tạo bởi các nguyên tử trọng trược, không thể kéo dài quá lâu. Trong khi thời gian ở cõi bên kia hoàn toàn tùy thuộc vào sự rung động của các nguyên tử cấu tạo nên tinh thần. Nếu lòng ham muốn còn mãnh liệt, sự rung động còn thô thiển nặng trược, thì thể tinh thần không thể siêu thoát lên cõi trên mà lưu lại nơi đây rất lâu.

CÁCH HAY NHẤT ÐỂ GIÚP ÐỠ NGƯỜI MỚI QUA ÐỜI

Này bạn, tôi muốn nhân dịp này đề cập đến tâm trạng của những người vừa cởi bỏ bộ áo vật chất vì đây là một điều hết sức quan trọng. Dĩ nhiên khi vừa qua đời, ai cũng hoang mang, hốt hoảng vì sự thay đổi đột ngột bất ngờ. Tuy nhiên nếu khóc than thảm thiết thì bạn chỉ làm cho người đó thêm bối rối, đau khổ, quyến luyến mà thôi. Khi từ bỏ bộ áo vật chất, các giác quan thể xác đã hư hoại, người bạn yêu không thể sử dụng ngũ quan như nhìn, nghe, ngửi, nói hay sờ mó được nữa và không thể biết được những sự kiện xảy ra trên cõi trần. Tuy nhiên các giác quan của thể tinh thần từ lâu vẫn bất động (inactive) bỗng được khích động dần dần và trở nên linh hoạt. Chỉ một lúc sau họ bắt đầu nhận thức ít nhiều về các sự kiện xảy ra chung quanh. Tùy tâm trạng lúc chết bình tĩnh hay hoảng hốt, đau khổ hay thoải mái mà các giác quan của thể tinh thần sẽ hoạt động nhanh hay chậm. Có khi vì quá xúc động mà các giác quan này bị tê liệt không hoạt động được nữa, hiển nhiên người chết sẽ không ý thức được gì mà cứ mơ mơ màng màng như người say ngủ. Cũng có trường hợp các giác quan này hoạt động ngay khiến người chết có thể đọc được tư tưởng của người thân, biết họ sung sướng hay đau khổ ngay khi vừa lìa bỏ bộ áo vật chất.
Sự khóc lóc than van có thể làm người chết hoảng hốt, lo lắng, luyến tiếc, đúng vào lúc mà họ cần phải bình tĩnh hơn bao giờ hết để thích hợp với hoàn cảnh mới. Tâm trạng người chết khi đó ở giữa hai cảm giác kỳ lạ: Cảm giác trước các sự kiện vật chất đang dần dần tan biến, và cảm giác trước các sự kiện mới lạ đang bắt đầu thành hình vì các giác quan mới bắt đầu hoạt động. Khi linh hồn trút khỏi thể xác, nó tạo ra một thay đổi trong bộ óc, khơi động "cuốn phim ký ức" vẫn chứa đựng trong tiềm thức. Tất cả mọi chuyện buồn hay vui; thành công hay thất bại; danh vọng, giàu sang hay nghèo đói, khổi sở; các hậu quả mà họ nhận lãnh, nguyên nhân mà họ gây ra; nỗi đau khổ, sự đam mê, hành vi tội lỗi cũng như lòng quả cảm hy sinh... đều lần lượt hiện ra trong tâm thức một cách rõ rệt. Ðây là giai đoạn hết sức quan trọng vì nó quyết định số phận người chết trên đường tiến hóa tâm linh.
Nếu bình tĩnh, biết chấp nhận mọi sự, không luyến tiếc thì họ dễ dàng thích hợp với hoàn cảnh mới hơn. Nhờ các giác quan thể tinh thần được khơi động mà họ ý thức được thế giới bên kia và có những quyết định sáng suốt. Ða số thường có cảm giác như đang trôi nổi, vật vờ trong một luồng ánh sáng êm dịu và dần dần hiểu biết mọi sự. Tâm trạng của họ khi đó ảnh hưởng đến sự rung động của các nguyên tử cấu tạo của thể tinh thần. Nếu hoảng hốt, sợ hãi hay luyến tiếc hối hận một điều gì thì các rung động của thể tinh thần sẽ bị rối loạn khiến họ bị thu hút vào những rung động tương tự theo định luật "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Họ sẽ lôi cuốn ngay vào bầu ánh sáng lờ mờ, nhầy nhụa như bùn của các cảnh giới nặng trược, xấu xa. Nếu thoải mái, bình tĩnh, thì họ sẽ thấy nhẹ nhõm, an vui tự tại, người họ lơ lửng trong bầu ánh sáng chói lọi, trong suốt như pha lê. Họ thấy khỏe khoắn và có thể sử dụng các giác quan mới để theo dõi sự việc xảy ra quanh đó. Dĩ nhiên họ có thể hoảng hốt, mất bình tĩnh nếu thấy người thân kêu la, khóc lóc. Cái cảm giác ung dung tự tại lúc ban đầu có thể thay đổi ngay, và hậu quả không thể lường được.
Trong thế giới tinh thần, tư tưởng chiếm vai trò hết sức quan trọng vì nó chủ động tất cả mọi việc. Thử tưởng tượng, tự nhiên bạn bị bịt mắt dẫn ra khỏi nhà, đến một nơi xa lạ với tiếng người la hét, than khóc cùng các tiếng động ồn ào phức tạp mà bạn không thể hiểu thì tâm trạng của bạn sẽ ra sao? Phải chăng bạn không thể bình tĩnh được? Cũng như thế, sự bình tĩnh, sáng suốt là điều hết sức quan trọng khi trong nhà có người từ trần. Theo các danh sư Tây Tạng, không gì đẹp hơn sự chân thành cầu nguyện của những người thân quyến. Các rung động âm thanh của lời kinh có một oai lực rất lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến cõi bên kia. Một sự tha thiết chí tâm chí thành cầu nguyện, hay việc được một tu sĩ đạo hạnh cao dầy chú tâm hành lễ là một bảo vật không gì có thể sánh bằng.
Một lần nữa, vì sự kiện hết sức quan trọng này mà tôi mong các bạn hãy ngưng việc khóc than vô ích; hãy lắng lòng, bình tĩnh cầu nguyện cho người ở thế giới bên kia. Họ có thể nhận được lòng thương yêu chân thành của bạn ngay khi bạn vừa phát tâm vì ở thế giới bên kia, tư tưởng có sức mạnh rất lớn và mầu nhiệm. Này bạn, người thân của bạn không hề đi đâu xa mà vẫn ở gần bên bạn. Người đó không nhìn được thể xác vật chất của bạn nhưng vẫn thấy được thể tinh thần của bạn. Dĩ nhiên họ cũng cố gắng liên lạc với bạn mà nào bạn có biết. Vì bạn không để ý đến họ nữa nên họ tưởng như bạn đã quên họ rồi. Nếu thấy một người còn sống đang ngủ say, bạn biết người đó đang ngủ nhưng người ngủ say đâu hề biết gì về bạn. Cũng thế, đối với người đã qua đời thì bạn cũng như người đang ngủ say, họ thấy bạn nhưng không thể nói chuyện với bạn được nữa...
Này bạn, tôi đã trình bày những hiểu biết của tôi về thế giới bên kia. Tôi mong bạn hãy bớt buồn rầu vì sự chia ly tạm thời này. Có chi phải lo lắng buồn phiền khi người bạn yêu thương đã bước vào một đời sống rộng rãi, thoải mái với những ý nghĩa đặc biệt của nó? Nếu buồn rầu về sự chia ly tưởng tượng đó thì trước hết điều bạn lo âu chỉ là ảo tưởng, vì người đó đâu hề xa cách bạn... Bạn nên biết rằng lòng yêu thương chân thành của bạn với người đã qua đời vẫn còn mãi chứ không thể mất đi được. Tại cõi bên kia, nó còn gia tăng thêm mãnh lực vì tại đây nó không còn bị trở ngại hay giới hạn bởi thể xác. Ở cõi tư tưởng, người ta không thể dối trá được; cách hình thức bên ngoài như khóc than, bi lụy không xuất phát từ bên trong chỉ là những hình thức giả dối và người ở cõi bên kia biết rõ điều này hơn ai hết, vì họ đọc rõ tư tưởng của bạn. Dù thành thật, nhưng nếu than khóc, buồn rầu thì bạn đã phóng ra những tư tưởng có ý "kềm chân, níu giữ" người kia lại thì làm sao họ có thể ung dung tự tại mà siêu thoát được?

KHI RỜI THỂ XÁC LINH HỒN NHẸ NHÀNG NHƯ BAY

Cuối tháng 4 năm 1987, người ta chở bà Mary Houghton, 68 tuổi vào bệnh viện Boston vì chứng đau tim. Bệnh nhân ngưng thở lúc 6 giờ tối, mọi cứu chữa đều vô hiệu và bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã chết. Xác bà được tạm đặt trong một căn phòng riêng chờ thân nhân đến làm giấy tờ tẩm liệm. Khoảng 11 giờ đêm, bà Houghton tỉnh lại bấm chuông gọi y tá. Bác sĩ trực đến khám và xác nhận bà lão đã hồi sinh. Trường hợp bệnh nhân tắt thở vài giờ sau lại sống dậy không có gì lạ lùng với y giới nhưng bà Houghton đã nhớ lại những diễn tiến sau khi chết và kể lại như sau:
"Tôi đang ngồi ở nhà đọc báo thì thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày và tự nhiên hôn mê. Khi tỉnh dậy tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, chung quanh tôi là một lớp sương khói dày đặc khiến tôi bỡ ngỡ không biết mình đang ở đâu. Tôi lên tiếng gọi nhưng vô hiệu. Tôi mò mẫm đi trong lớp sương mù đó được một lúc thì nhận thức rằng có lẽ mình đã chết. Tôi biết mình mắc chứng đau tim đã lâu, bác sĩ nói rằng tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa nên tôi không lấy thế làm buồn. Ðiều bất ngờ là khi vừa chấp nhận điều này thì tôi thấy mình đang đứng ngay bên cạnh giường quan sát thân thể của tôi nằm bất động trên đó. Sau một lúc xúc động tôi cố gắng trấn tĩnh và tự chủ rằng mình sống như thế cũng là đủ rồi. Trong khi xúc động thì luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên đen tối, khó chịu, tôi có cảm giác như bị lôi kéo vào một vũng bùn nhầy nhụa, hôi hám. Tôi bèn lên tiếng cầu nguyện thì thấy trong mình dễ chịu lạ thường, lớp ánh sáng bao quanh dần dần trở nên quang đãng hơn.
Một lúc sau tôi thấy thân thể nhẹ hẫng như có thể bay bỗng lên được. Tôi bèn để cho nó tự nhiên và thấy mình lơ lửng trên không nhìn xuống phía dưới. Lúc ở trên cao nhìn xuống, tôi thấy có một chùm chìa khoá màu đỏ của ai để trên nóc tủ thuốc. Tôi thầm nghĩ ai lại để chìa khoá ở đó làm chi ? Ðang suy nghĩ vẫn vơ thì tôi thấy mình đã đi xuyên qua trần nhà để lên lầu trên và thấy hai người y tá đang xem một trận đấu bóng rỗ trên ti-vi, trận đấu vừa kết thúc khi đội Los Angeles Lakers thắng Boston Celtics, và một người y tá đánh cuộc thua phải trả cho bạn đồng nghiệp 20 mỹ kim. Tôi thong thả đi dọc theo hành lang bệnh viện và gặp rất nhiều người như tôi cũng đang lướt đi, không ai nói với ai lời nào. Ða số có vẻ vội vã, có người hoảng hốt là đàng khác. Tôi thấy một thanh niên đang đứng cạnh xác mình một cách đau khổ, tôi lên tiếng an ủi nhưng có lẽ anh không nghe được lời khuyên bảo của tôi. Vì một lý do gì không rõ, tôi hiểu ngay sự bận tâm của anh ta vì đã không hoàn tất được một số việc. Anh ta cố sức chui lại vào cái xác đã lạnh cứng nhưng vô hiệu. Anh ta cố sức chui lại vào cái xác đã lạnh cứng nhưng vô hiệu. Anh đâm ra hoảng hốt khiến tôi cũng mất bình tĩnh theo nên tôi đành bỏ anh ta ở đó mà đi chỗ khác. Tôi nghĩ đến các con của tôi và lập tức thấy mình đang đứng trước mặt đứa con gái lớn. Con gái tôi đang khóc. Tôi muốn ôm lấy nó nhưng tiếng khóc của nó làm tôi thấy khó chịu. Mỗi khi trong người khó chịu thì lớp ánh sáng bao quanh tôi lại chuyển sang một màu đen tối, nhầy nhụa khiến tôi sợ hãi. Tôi cố gắng trấn tĩnh tâm hồn và nghĩ đến hai đứa con trai thì thấy mình đang đứng ngay bên cạnh chúng. Hai đứa đang bàn việc chôn cất cho tôi. Thằng Michael phàn này về việc tôi đã không chịu mua bảo hiểm nhân thọ.. Cả hai chỉ nghĩ đến số tiền mà chúng sẽ phải chi ra hơn là nhớ thương đến mẹ của chúng. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể đọc rõ tư tưởng của các con tôi như vậy. Càng đứng đó tôi càng bực bội vì hai đứa cứ cãi nhau mãi về việc chôn cất và việc phân chia gia tài nên tôi lại bỏ đi. Tôi không biết sẽ đi đâu. Tôi chẳng có thân nhân hay bạn bè nào cả. Ðến lúc đó tôi mới bắt đầu nghĩ lại cuộc đời của mình. Hình như tôi đã sống một cách ích kỹ, không giao thiệp với ai và cũng không có ai là bạn thân thiết. Cả một quá khứ bỗng hiện ra trước mắt tôi như người đang xem phim chiếu bóng. Tôi thấy rất rõ những quyết định của mình, những lỗi lầm mà tôi đã tạo ra. Những việc mà tôi nghĩ là tầm thường, không đáng kể đều hiện ra rõ rệt và phản ảnh tâm trạng của tôi khi đó; vì sao tôi đã hành động như vậy; tại sao tôi lại làm việc đó... Hơn bao giờ hết tôi thấy mọi sự việc một cách khách quan vô tư chứ không chủ quan như trước. Tôi không hiểu tại sao mình lại có thể bình tĩnh nhận xét như thế được. Tôi bắt đầu cầu nguyện và tự nhiên thấy lớp ánh sáng bao quanh bỗng sáng chói một cách lạ lùng. Tôi thầm nghĩ phải chăng tôi có thể hành động khác khi xưa khi biết rõ những nguyên nhân, hậu quả việc làm của mình. Tất cả có thể quy về một điều duy nhất: Tôi là một người quá tự hào về mình, quá hãnh diện về những giá trị viển vông, tạm bợ mà không hề biết rằng những điều đó hoàn toàn vô giá trị khi người ta từ bỏ cõi sống này. Chính vì tự hào mà tôi đã khoác lên mình những mặc cảm tự tôn, coi thường người khác, bất chấp dư luận và nghĩ rằng tôi luôn luôn có lý trong mọi công việc. Hậu quả là tôi có một đời sống khô khan, không bạn bè thân thiết, ai ai cũng muốn xa lánh tôi, ngay cả những đứa con của tôi nữa. Phải chăng tôi có thể chuộc lại những điều đã làm? Chưa bao giờ tôi lại có ý nghĩ lạ lùng như vậy. Lần đầu tiên tôi hối hận một cách chân thành và tự nhiên tôi lên tiếng cầu nguyện.
Tự nhiên tai tôi bỗng ù đi, luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên sáng chói một cách lạ lùng, tôi thấy bình tĩnh như có một sự an ủi lớn lao nào đó vừa đến với tôi, và tôi cương quyết rằng tôi sẽ chuộc lại những lỗi lầm khi xưa. Tôi chắp tay cầu nguyện Thượng Ðế hãy cho tôi một cơ hội nữa và luồng ánh sáng chung quanh tôi tự nhiên sáng chói một cách mãnh liệt khiến tôi phải nhắm mắt lại và bất chợt tôi nghe được các âm thanh quen thuộc. Tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện... Tôi đã tỉnh lại".
Lời khai của bà Houghton đã được bác sĩ Elizabeth Kubler Ross kiểm chứng rất kỹ. Hai nhân viên trực trong bệnh viện xác nhận họ có đánh cuộc với nhau về trận bóng rỗ, kết quả trận banh xảy ra đúng như lời bà Houghton đã thuật lại. Hai đứa con trai của bà Houghton cũng xác nhận họ đã cãi nhau về việc bảo hiểm và tiền chôn cất. Ðiều bất ngờ là một bác sĩ trực đánh mất chùm chìa khoá xe hơi màu đỏ từ mấy tuần trước, nhờ lời khai của bà Houghton mà ông nhớ rằng trong lúc vội vã, ông đã ném đại nó lên nóc tủ thuốc. Chiếc tủ này rất cao, gần chạm đến trần nhà, một người đúng dưới đất không thể nhìn thấy nó được nên mặc dù tìm kiếm mãi mà vẫn không ai thấy... trừ khi họ đứng trên trần nhà nhìn xuống.

..................................................

Theo những tài liệu viết về cõi giới bên kia cửa tử như cuốn Tử Thư Ai Cập và Tử Thư Tây Tạng thì những người chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử, nghĩa là chết trong lúc bất cập, chưa chuẩn bị, thường bị những áp lực rất nặng của vật chấtnên khó siêu thoát. Người chết trẻ giống như quả non chín héo. Trong một quả non chín héo, người ta có thể tách rời cái hột ra khỏi cái trái. Ở một người chết trẻ, vong linh cũng khó có thể thoát ra khỏi áp lực của vật chất, của các dục vọng, thèm khát của xác thịt. Các vong linh này không muốn lìa bỏ cõi trần, không muốn rời bỏ thể xác đang tan rã, nên đau khổ rất nhiều. Hầu hết các tôn giáo đều dạy rằng khi có người saắp tử trần cần phải tụng kinh cầu nguyện. Sau khi họ qua đời cũng cần cầu nguyện tiếp tục trong một thời gian. Mặc dù đây là việc nên làm, cần làm và thường được làm nhưng nếu chờ đợi đến khi chết rồi mới lo cầu nguyện thì có lẽ đã quá trể chăng? Cuốn Tử Thư Tây Tạng khuyên người ta cần chuẩn bị càng sớm càng tốt, nếu có những ham muốn vật chất thì phải biết hạng chế lần hồi các dục vọngnày bằng cách thay thế nó với những thú vui trí thức, nghệ thuật có tính cách hướng thượng. Chương thứ sáu của cuốn Tử Thư đã ghi rõ:
- "Muốn được hữu dụng ở cõi trần và thoải mái ở bên kia cửa tử, ngay bây giờ phải biết làm chủ các dục vọng vật chất, nghĩa là tránh các thú vui tửu sắc, tránh sự tha thiết với tài sản, sự nghiệp, không nên chạy theo tiền tài, danh vọng vì đó là những vật vô thường, nay còn mai mất. Khi nhắm mắt từ bỏ cõi trần, người ta không thể mang nó theo được mà còn bị nó tạo những áp lực khiến cho thần trí hoang mang, u mê không sáng suốt, dễ bị đọa lạc vào cảnh giới ma quỷ hay súc sanh".
Hơn lúc nào hết, sự hiểu biết về cõi giới bên kia cửa tử là một đề tài cần được nghiên cứu rộng rãi để chuẩn bị cho mọi người vì trước sau ai cũng qua bên đó. Tại sao trước khi đi du lịch một nơi nào, người ta đã thu xếp hành lý cẩn thận, nhưng lại cố tình phủ nhận không chịu chuẩn bị, bỏ qua một nơi chốn mà trước sau ai cũng phải đến? Theo tài liệu của viện nghiên cứu Gallup thì với sự tiến bộ của nền y khoa hiện đại, một số người đã chết nhưng được hồi sinh ( Near death experience) mỗi ngày một nhiều. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, cơ quan Gallup đã ghi nhận hơn 8 triệu trường hợp xảy ra.
Cũng theo cơ quan này, đa số dân chúng Hoa Kỳ ( 68%) đều tin rằng " có một đời sống bên kia cửa tử. Kết quả cuộc nghiê cứu Gallup cho thấy mặc dù kinh nghiệm cá nhân có phần khác nhau ít nhiều nhưng nói chung đa số đều cho biết họ thấy "nhẹ nhõm, thỏai mái, không đau đớn gì khi lìa bỏ thân xác". Phần lớn kể rằng họ đã thấy cái thể xác nằm bất động của mình( out of body experience) và sau đó bị lôi cuốn đi trong một đường hầm đen tối sâu hun hút trước khi đến biển sáng dịu dàng, thỏai mái. Có người kể rằng họ gặp lại các thân nhân đã từ trần trước đó, có người tin rằng họ đã gặp Thượng Đế hay gặp Chúa Jesus và được Ngài chỉ dạy.
Một số khoa học gia đã phủ nhận sự kiện này và cho rằng đó chỉ là sự tưởng tượng trong lúc mê sảng. Họ cho rằng khi sắp chết, cơ thể của con người đã tiếtra những hóa chất đặc biệt, có công dụng gây ảo giác như một thứ ma túy, mặc dù họ chưa chứng minh được những hóa chất này như thế nào. Một số người khàc tin rằng lúc chết, cơ thể con người bị xáo trộn mạnh mẽ, bộ óc không còn kiểm soát được mọi sự nữa nên hệ thần kinh đã hoạt động rất bình thường. Giống như một bình điện bị chạm, xẹt lửa lung tung, bộ óc con người lúc tan rã cũng có những rối loạn khiến người ta có cảm tưởng như đang ở trong một thế giới với muôn ngàn tia sáng lắp lánh. Tuy nhiên họ không thể giải thích nếu bộ óc đã tan rã ( xẹt lữa) như vậy thì tại sao khi hồi sinh nó lại hoạt động bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Các nhà tâm lý học cho rằng hình ảnh về thế giới bên kia chỉ là những sự tin tưởng tôn giáo, nằm sâu trong tiềm thức con người, khi đầu óc bị chấn động lúc chết nó đã phát động như một " phương tiện tự vể để giúp con người tránh sự xúc động. Tuy nhiên theo dữ kiện của viện nghiên cứu Gallup, thì phần lớn số người hồi sinh nói về "đời sống ở cõi bên kia " không phải những người có nhiều đức tính về tôn giáo hay những người không đáng tin cậy. Một số lớn là những người có địa vị hay trình độ học thức rất cao trong xã hội, một số khác là các trẻ em còn ngây thơ, chưa biết thêu dệt hay thêm thắt những điều bịa đặt.
Trong cuốn Learning from Children's Near Death Experience, bác sĩ Melvin Morse viết:
- "Tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một lĩnh vực mới, có thể nối liền khoa học với tôn giáo. Hiểu biết được sự việc này, chúng ta có thể thay đổi quan niệm sống một cách toàn diện và nền y khoa cũng sẽ bước vào một giai đoạn khác hẳn khi xưa"
Bác sĩ Morse đã ghi nhận hơn 1000 trường hợp trẻ em bị tai nạn, tưởng đã chết nhưng lại được hồi sinh. Các em này kể lại hoạt vẽ lên giấy những hình ảnh mà các em đã thấy, cũng như những người mà các em đã tiếp xúc ở cõi giới bên kia. Đa số các em đều nói về một nơi chốn rất sáng, có các thiên thần toàn thân sáng chói dìu dắt, an ủi và ôm các em vào lòng. Nhiều em kể lại đã gặp thân nhân; họ hàng đã qua đời, hoặc bạn bè giúp đỡ trong lúc các em bị xúc động.
Bác sĩ Elizabeth Kubler Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết:
- "Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì làm gián đoạn sự liên tục của cuộc sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn, lá cây rụng để nhường chỗ những mầm non xuất hiện, hết mùa Đông lại có mùa Xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được". Phần lớn các tài liệu nói về người chết hồi sinh chỉ ngưng lại ở một cảnh giới có ánh sáng chói lọi, ít khi đi xa hơn nhưng đã có những tài liệu khác của những người đã chết tìm cách liên lạc với cõi trần, kể rõ về cảnh giới bên kia cửa tử. Chúng tôi trích lại một tài liệu từ cuốn La Revue Spirite
- Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà những nhà khoa học chưa giãi thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẵng qua là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử. Cậu con trai Pierre Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói:
- "Nếu đã chết làm sao cha có thể liên lạc với con được".
Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì buổi bàn luận đó nữa. Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết:
- Xin cho gọi bác sĩ Pierre Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi". Được thông báo, Bác sĩ Pierre Desrives không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn kêu các em lại dự buổi cơ bút này, một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành một bức thư như sau:
- Các con thân mến,
Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trong đợi để kể cho các con nghe về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội. Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mỏi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh
Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha lại thấy trong mình dể chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết lúc đó cha đang bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thỏai mái, không đau đớn gì. Đang vẩy vùng trong biển ánh sáng đóthì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm cây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đang xúc động và không thể hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha buớc đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha có ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dể chịu không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ.
Cha ở trong tình trạng vật vờ, nữa ngủ nữa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắt rất lạ không giống như bầu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thé cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biềt tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không tiếp xúc được với một số người vì họ có sự rung động khác với "tần số rung động" (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tầng số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha vô cùng cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa. Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đ àng địa ngục nhưng hiện nay cha cảm thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau, người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay nhữnng người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặt cậu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tác chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được. Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xa xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước đến nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì só với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người ta nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình.
Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đay cũng không khác cõi trần bao nhiêu, cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn, có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc, có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Thay vì xây cất nhà cửa bằng chất liệu vật chất như gạch đá thì họ lại tạo ra những thứ này bằng tư tưởng. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưngn ở cõi trần, sức mạnh tư tưởng này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc rồi thôi. Ở bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thự hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn.
Các con đừng nghĩ rằng những người bên này suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ, mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh, vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trướng rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời gian theo đuổi những công hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, kẻ theo đuổi các ngành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương, thơ phú.v.v.. Tóm lại, đây là môi trường để học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thì nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng gì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là "khuôn vàng thước ngọc" thì đời sau lại bị coi là "cổ hủ lỗi thời" và như cha đã biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đ ào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tổn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy gẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi những giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.
Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta nhu một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại, nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bầy rõ rệt trước mắt. Nhờ thế mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chíng nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với nhựng cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy ráng làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu.
Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang những thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vật chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như miếng đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thật sự, để họ tiến lại gần nhau, kết hợp với nhau. Nó là một mãnh lựv bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự kinh nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thang cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến.
Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên cá nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, dó đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một giòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau, và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sự của nó. Cũng như sóng biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu! Chỉ khi nào biết nhân thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, ba muốn nói thêm rằng hiện nay ba đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.