CHÍNH TRỊ và THIỀN


Thái cực sinh lưỡng nghi thì chính trị và thiền là hai lưỡng nghi đối nghịch nhưng có cùng thái cực.
Đối nghịch vì một đàng phóng tâm, một đàng quy tâm. Không phóng tâm ra ngoài thì không thể làm chính trị và không quy về tâm thì sẽ không thấy được ba cõi: dục, sắc và vô sắc như trong duy thức luận ghi: Ba cõi duy tâm vạn pháp duy thức.
Có cùng thái cực vì cả hai đều khởi đi từ một chủ thể, gọi là Ngã. "Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn" nói lên chủ thể không chỉ riêng của lưỡng nghi và bát quái, mà còn của cả vũ trụ càn khôn. Thời trong cùng một kiếp mà đã có người hội đủ hai lối sống chính trị và thiền. Không ai xa lạ, đó là thái tử Tất Đạt Đa con của Tịnh Phạn Vương và cũng là Phật Thích Ca, người mở lối cho thiền.
Nói đến chính trị là nói đến khả năng trị quốc, bình thiên hạ. Khả năng càng lớn càng bình được nhiều thiên hạ. Do đó, người ta có thể biết được khả năng làm chính trị của một chính trị gia qua lượng số bách phân thiên hạ bầu chọn, kế đến là thời gian tại nhiệm lâu mau. Qua quá trình tiến hóa của nhân loại mới thấy rõ một nước văn minh là một nước có dân trí cao. Muốn làm chủ nhân dân của những nước nầy bắt buộc phải qua những cuộc tranh cữ lẫn tài và đức với nhiều người không cùng đường lối với mình. Nói khác đi, một đảng nổi bật trong đa đảng qua kết quả bầu cữ và hoàn toàn khác hẵn với sự chỉ huy một bộ lạc.
Muốn có khả năng chi phối đời sống thiên hạ không thể ra ngoài hệ luận "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Thật vậy, từ ngàn xưa cho đến nay đã có không biết bao nhiêu người muốn bình thiên hạ và cũng đã có biết bao người chết vì thiên hạ, bị thiên hạ nguyền rủa cũng như tôn vinh, thờ phượng. Dù bình thiên hạ bằng cách nào, phong kiến, quân chủ, dân chủ, cộng hòa, cộng sản, tư bản, xã hội, kẻ muốn có quyền uy chi phối thiên hạ cần phải có tài và đức. Có tài thiếu đức thì dân loạn, có đức thiếu tài thì dân tụt hậu. Muốn có hai yếu tố nầy người đó phải tu thân trước đã. Thân tham muốn hưởng thụ thì làm sao chăm chỉ thành tài, làm sao có một quá khứ tốt để được người chọn lựa.
Ở thời đại không còn chuyện kế thừa quyền uy, không còn chuyện người chột trong đám người mù, mà chỉ có những người sáng mắt thấy nhau, coi chừng nhau, thì Thiền cũng không còn cô đọng trong kinh sách từ chương, không qua hình thức tôn giáo, không hệ lụy vào giới luật ăn mặc. Điều mà người tu thân cần giữ ở thời nầy là tôn trọng luật lệ công cộng và tư hữu. Thí dụ: vượt đèn đỏ hay cắp trộm thì dù tín đồ nào, da màu nào cũng đều bị phạt, cũng bị thưa gởi. Đó là dân chủ. Giữ được các luật lệ của một xã hội tiến bộ đề ra khó còn hơn giữ giới luật trong tôn giáo và cần thiết hơn trong việc thể hiện tự giác giác tha, tự độ độ tha.
CHÍNH TRỊ ở thời đại dân chủ là PHỤ TRỊ. Thật vậy, bất cứ ai có tinh thần phụ giúp tập thể đều được trân trọng, ngay cả người làm chính trị cũng coi trọng họ. Bởi, chính những người phụ trị mới là người giữ được bền lâu nền dân chủ, hơn là những người đã bầu chọn nền dân chủ. Sự sụp đổ của nền dân chủ, nếu có, đồng biến với sự giảm dần số người phụ trị nầy.
Trong đời sống chung đụng có thiếu chi chuyện phụ giúp. Kẻ quen gây rối không còn gây rối cũng giữ được bình an cho người khác. Kẻ không xả rác cũng giữ được sạch sẻ đường phố như phu quét đường. Đó cũng là CHÍNH TRỊ THEO PHONG CÁCH THIỀN ở thời vi tính.

TrầnThế