Chỉ Số Thông Minh


Theo tự vị Encarta, “Thông Minh” là danh từ mô tả khả năng của Trí Tuệ về lý luận, về giải quyết các vấn dề, về lối suy nghĩ trừu tượng, về học hỏi và hiểu biết những thứ gì mới lạ cũng như biết rút tỉa từ những kinh nghiệm (Intelligence: term usually referring to a general mental capability to reason, solve problems, think abstractly, learn and understand new material, and profit from past experience).

Các nhà trường ngày xưa thường đánh giá rất cao và chú trọng đến IQ trong các địa hạt của khả năng sinh ngữ (linguistic), lý luận (logical), toán học (mathematical). Giáo Sư Howard Gardner trong Phân Khoa Giáo Dục của Ðại Học Harvard cho rằng con người còn có những tài năng (gifts) khác như tài năng sáng tác của các nhà văn, kiến trúc gia, nhạc sĩ, người sáng tạo kiểu mẫu (designers), vũ công (dancers), người buôn bán (entrepreneurs), hay là bất cứ tài năng nào để giúp cho đời sống con người được hoàn mỹ hơn.
Năm 1983, GS Gardner đã là người tiền phong về Multiple Intelligences (tạm dịch là “Thông Minh Ða Dạng”). Ông nêu ra 8 chiều thông minh hay tài năng dưới đây:
- Tài năng về Ngôn Ngữ (Linguistic Intelligence): Năng khiếu về ngôn ngữ, viết lách
- Tài năng về Lý Luận-Toán Học (Logical-Mathematical Intelligence): Năng khiếu về phần các con số- lý luận, toán học.
- Tài năng về Không Gian (Spatial Intelligence): Năng khiếu về hình ảnh và hội họa
- Tài năng về các động tác vận chuyển của thân thể (Bodily-Kinesthetic Intelligence): Năng khiếu về các động tác của chân tay, chạy, nhẩy …
- Tài năng về âm nhạc
- Tài năng về cách xã giao (Interpersonal Intelligence): Khả năng biết cách đối xử với người khác (people smart)
- Tài năng về Nội Xét (Intrapersonal Intelligence): Khả năng về biết cách tự đương đầu với nội tâm và cách suy diễn từ nội tâm (self smart)
- Tài năng hiểu biết về Thiên Nhiên, Vạn Vật (Naturalist Intelligence)
Việc bàn cãi về Thông Minh vẫn tiếp tục. Năm 1986, 25 nhà khảo cứu rất thông thái về đề tài “Thông Minh” đã cho rằng Thông Minh của con người bao gồm các lãnh vực như:
– khả năng về cách ứng xử với các vấn đề nan giải mới có trong cuộc đời (general adaptability to new problems in life) ;
– khả năng suy nghĩ trừu tượng (ability to engage in abstract thinking) ;
– biết cách ứng biến trong mọi hoàn cảnh (adjustments to the environment);
– khả năng trí tuệ và khả năng hiểu biết những gì đã có (capacity for knowledge and knowledge possessed);
– khả năng biết tự tập, suy nghĩ độc đáo và hiệu nghiệm trong suy tư (general capacity for independence, originality, and productiveness in thinking);
– biết cách kiếm thêm khả năng (capacity to acquire capacity);
– thấu triệt các mối liên quan thích đáng (apprehension of relevant relationships);
– khả năng biết xét đoán, thấu hiểu và suy luận (ability to judge, to understand and to reason);
– khả năng suy diễn các mối tương quan (deduction of relationships);
– khả năng thiên bẩm về nhận thức tổng quát (innate, general cognitive ability).
Người Tây Phương quan niệm rằng họ có thể “đo lường” được trí thông minh con người qua cách khảo nghiệm (IQ test – tạm dịch Intelligence Quotient là “Thương Số Thông Minh Trí Tuệ”) và nhiều người thường cho rằng những người có IQ cao thì sẽ thành công khi đi học cũng như khi đi làm.

Cho mãi tới thập niên 90, các nhà khảo cứu khoa học nhân văn tây phương mới thấy là phần “Thông Minh Xúc Cảm” (Emotional Intelligence- viết tắt là EI- được đo lường qua Emotional Quotient- viết tắt là EQ- tạm dịch là “Thương Số Thông Minh Xúc Cảm”) mới giúp con người đi đến thành công hơn trong công ăn, việc làm.
Có trí khôn (Intellectual Intelligence) vẫn chưa đủ, nhất là khi ra đời làm việc và theo sự nhận xét của GS Daniel Goleman thuộc Ðại Học Hardvard thì lòng ganh tị, bực tức, buồn rầu, lo sợ, thắc mắc, khắc khoải… thường ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của con người. Có nhiều người mặc dù phần trí tuệ (IQ) rất cao nhưng đến khi phải đương đầu với các vấn đề tình cảm khó xử, họ lại hoàn toàn mù tịt chẳng biết cách ứng xử ra sao hết. Nhiều người đã phải đi đến ly dị, sức khỏe tâm thần của họ bị bê bết và còn có nhiều người đã tự tử luôn.
GS Goleman đã lên tiếng để cho mọi người biết những gì mình cần biết về chính mình để tránh những tai họa về sau. Ông kêu gọi nhà trường nên dậy học sinh những căn bản về EQ , “Thông Minh Xúc Cảm .”
EQ bao gồm những gì? GS Goleman nêu lên 5 điểm chính sau đây:
1. Tỉnh Thức (Self Awareness): Mình nên biết lòng mình (emotions) và những cảm nhận (feelings) mà mình đang có.
2. Quản chế nỗi vui buồn (Mood Management): Cần biết cách đương đầu với những cảm nhận (feelings) đang xẩy ra để có thể đối phó và tự kiềm chế đúng lúc.
3. Ý đồ (Self motivation): Cần gom góp lại những cảm nhận (feelings) đang hiện hữu và đưa chúng tới một mục tiêu (goal) rõ rệt mặc dù mình đang trù trừ (self doubt), trì trệ (inertia), hoặc đang hành động bốc đồng (impulse)
4. Giao cảm (Empathy): Cần phải nhận biết được những cảm nhận (feelings) của người khác và tác động lại bằng ngôn từ (verbal cue) hay cử chỉ (non verbal cue) cho đúng cách.
5. Cách Giao Tiếp (Managing Relationships): Cần có cách ứng xử (interpersonal interaction) cho hợp lý, hợp tình, biết cách hòa giải (conflict resolution) và thương lượng (negotiations).
GS Goleman còn cho biết “Thông Minh Xúc Cảm” không những giúp cho con người tránh được các hậu quả tai hại mà còn giúp cho con người sống hài hòa, an vui với vợ-chồng-con cái và thành công ngoài đời nữa. Ðiều đặc biệt là con người có thể học thêm và phát triển phần “Thông Minh Xúc Cảm” này nếu họ biết cách. Nếu không biết cách duy trì nó, con người sẽ còn giảm mất phần EQ nữa.

Nói tóm lại, nhờ có “Thông Minh Trí Tụê” (IQ) mà con người có thể học hành dễ dàng hơn nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ. Ðó mới là phần “Trí”. Con người cần phải có thêm phần “Thông Minh Xúc Cảm” (EQ) thì mới biết cách ứng xử và thăng tiến kể từ khi bắt đầu đi học cho tới khi ra đời làm việc và về hưu. Các lãnh tụ, các chính trị gia thường có cả IQ lẫn EQ rất cao. Họ có thể rất là khôn ngoan, đức độ mà họ cũng có thể rất là gian hùng và tàn ác.
Cả IQ và EQ không đặt trọng tâm vào vấn đề Ðạo Ðức của con người.
Sang đến Thế Kỷ 21, người Âu Mỹ đã “đi thêm một bước nữa”: họ cho ra đời phần thông minh tạm dịch là “Thông Minh Tâm Linh” (Spiritual Intelligence, viết tắt là SI và được đo lường qua Thương Số Thông Minh Tâm Linh – Spiritual Intelligence Quotient viết tắt là SQ).
IQ có thể ví như là phần thông minh của máy điện toán Computer, EQ là phần thông minh của loài người và vài loài động vật có vú thượng đẳng (mammals), trong khi đó SQ (Spiritual Quotient) thì chỉ loài người mới có được mà thôi vì SQ liên quan đến phần Tinh Thần và Tâm Linh của con người. Các nhà khảo cứu về Khoa Học Nhân Văn cho rằng phần SQ là phần căn bản nhất so với IQ và EQ. Con người cần phải có phần “Thông Minh Tâm Linh” này để phát triển lòng mong muốn tìm hiểu: – về ý nghĩa của sự vật, – về sự việc nhìn xa trông rộng và – về chân giá trị .
Nhờ có SQ mà con người có những ước mơ và cố gắng đạt nguyện chúng. SQ đặt vấn đề về phần tâm linh và vai trò của đạo giáo trong đời sống của con người.
Vì “mới ra lò” sau năm 2000 ít người đã biết đến SQ và SQ cũng đang còn ở trong thời kỳ phôi thai nên chúng ta chưa thực sự thấy rõ được cái tầm vóc và tương lai của SQ ra sao.