ĐỊNH LUẬT MURPHY



Việt Nam có thành ngữ: “Họa vô đơn chí”, tương tự người Mỹ cũng có “Định luật Murphy” (Murphy’s Law) được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Edward A. Murphy là một kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ, phụ trách hệ thống an toàn máy bay, vấp phải thất bại trong một thí nghiệm về hậu quả việc “giảm tốc đột ngột” của động cơ máy bay phản lực. Bình thường, các thử nghiệm đều hoạt động êm xuôi, nhưng cuộc thử nghiệm cuối cùng bỗng nhiên động cơ không hoạt động. Khi kiểm soát lại, tất cả các máy dò đều hoạt động bình thường, các sợi dây nối với cơ thể phi công cũng hoàn hảo, nhưng thay vì lắp 15 máy theo chiều quy định thì các kỹ thuật viên lắp theo chiều ngược lại. Điều nầy tưởng chừng không thể xẩy ra, nhưng do sự nhầm lẫn đáng ngạc nhiên, cuộc thí nghiệm không thành công, khiến ông phải thốt lên: "Nếu một điều xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra!" (Anything that can go wrong, will go wrong). Định luật Murphy là định luật của vận xui, sự đen đủi, cho thấy rằng cuộc sống là chuỗi ngày "đen tối", không êm ả, bằng phẳng, còn được gọi là “định luật bánh bơ”. Murphy dùng hiện tượng “bánh mì phết bơ” để chứng minh: hãy tưởng tượng, nếu bạn đánh rơi miếng bánh sandwich có trét bơ lên một mặt. Chắc chắn phần lớn miếng bánh của bạn sẽ rơi úp mặt có bơ xuống đất.
NASA xem định luật Murphy như kim chỉ nam để tránh những thiếu sót “tưởng chừng không thể mắc phải”. Thật khó tin khi một mẩu dây điện sờn lại khiến tên lửa LockMart Titan 4 nổ tung năm 1998, và sự nhầm lẫn giữa đơn vị đo mét với đơn vị đo của các ưu Anh khi thiết kế đã làm tàu thăm dò Mars Climate Orbite của NASA đâm xuống sao Hỏa năm 1999. Đến nay, định luật Murphy chẳng những phổ biến trong các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật và độ an toàn cao mà còn là nguyên tắc cho các lĩnh vực khác như: luật Murphy trong khoa học, luật Murphy trong tình yêu, luật Murphy trong kinh tế….

Sau đây là 14 định luật Murphy:

Định luật cơ bản: “Nếu một điều xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra, và vào thời điểm tệ nhất”.

1- Điều gì xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra.
2- Nói dễ hơn làm.
3- Mọi việc đều diễn ra lâu hơn dự kiến.
4- Nếu một việc có khả năng sai thì yếu tố gây ra thiệt hại nhiều nhất sẽ sai.
5- Điều vốn không thể sai, nó vẫn cứ sai.
6- Nếu bạn dự đoán được rằng có 4 cách để xảy ra sai sót trong một quy trình, thì cách thứ 5 sẽ xảy ra.
7- Mọi điều có xu hướng đi từ tệ đến tệ hơn nhiều so với bạn nghĩ.
8- Nếu mọi thứ có vẻ suôn sẻ, rõ ràng bạn đã bỏ qua một điều gì đó.
9- Thiên nhiên luôn vạch ra những sai lầm mà con người cố tránh.
10- Mẹ thiên nhiên thích coi con người như một “trò đùa”.
11- Không thể làm gì để hạn chế sai lầm do những kẻ ngốc gây ra, bởi vì họ là những thiên tài.
12- Nếu bạn muốn làm điều gì, sẽ có nhiều thứ khác cần phải làm trước đó.
13- Mọi giải pháp đều sẽ tạo nên vấn đề mới.
14- Điều gì đó không thể tự sai, ai đó sẽ xuất hiện và làm cho nó sai.

Trong cuộc sống định luật Murphy luôn “đúng".
- Như bạn đã biết , nhà hát Opera Sydney được dự đoán là sẽ hoàn thành vào năm 1963. Nhưng tới tận năm 1973 công trình mới hoàn thành, với tổng kinh phí là 102 triệu USD, trong khi con số ước tính là 7 triệu USD (định luật 2,3).
- Titanic được mệnh danh là con tàu "không thể chìm” và kết cục thì bạn biết rồi đấy (định luật 5).
- Để không bị sai sót khi chuyển khoản, các hệ thống e-banking có chức năng khi khách hàng nhập đúng số tài khoản, thì tên chủ tài khoản sẽ tự động hiện ra. Ai cũng tin điều nầy cho đến khi bạn chuyển nhầm tiền cho người khác (định luật 11,14).
- Năm 1958, Trung Quốc tuyên bố chim sẻ là loại phá hoại mùa màng, gây thiệt hại cho nông nghiệp và mở chiến dịch tiêu diệt chim sẻ. Khi diệt chúng xong, một vấn đề khác nẩy sinh là chim sẻ ăn châu chấu, côn trùng nên năm sau, châu chấu tràn ngập vùng quê tàn phá mùa màng, tạo ra nạn đói lớn (định luật 11,13).
- Nếu có một ống nghiệm ngã đỗ thì thường nó chứa mẫu vật quan trọng nhất (định luật 4).
- Người ta thường quên chìa khóa cửa vào ngày mà mọi người khác không có ở nhà (định luật 5).
- Micro thường hỏng vào ngày diễn ra buổi thuyết trình (định luật 1).

Sau đây là một vài ví dụ về những điều xui xẻo bất ngờ đến với chúng ta:

- Đứng xếp hàng tính tiền trong siêu thị, thấy hàng bên cạnh tính nhanh hơn liền bỏ sang hàng đó. Ngờ đâu vừa sang, máy tính tiền của hàng này bỗng bị hỏng.
- Ngồi chờ cả ngày mà cơ quan tuyển dụng không gọi, đến khi điện thọai reo lên vào lúc đang đi cầu.
- Đi đường tắt cứ ngỡ là nhanh hơn, nhưng lại kẹt xe.
- Đề cương 13 câu, học 12 câu và bài thi ra câu còn lại.
- Hôm nào không trang điểm thì lại gặp người yêu, bồ cũ hay kẻ thù.
- Lúc cần giúp thì không thấy ai, xong xuôi rồi thì mọi người ùa tới.
- Điện thoại đổ chuông khi bạn đang tắm.
- Mới rửa xe xong thì trời lại mưa.
- Hôm nào trốn học, hôm đó điểm danh.
- Ngày bị cảnh sát giao thông bắt là ngày quên mang bằng lái.
- Bạn bè đến rồi đi, nhưng đứa mình ghét thì cứ ở lì.
- Mới lau nhà xong thì có người bước qua.
- Gần tới nơi, phát hiện quên đồ.
- Lúc có việc gấp cần gọi điện thoại, thì hết pin.
- Phát hiện lỗi sai sau khi đã nộp bài xong.
- Mua xong món đồ thì hôm sau nó giảm giá.
- Chụp cả ngàn tấm hình, tấm mình ưng thì bị rung.
- Máy tính hư lúc đang cần sử dụng nó.
- Hôm nào ngủ quên, thì ngày hôm đó có họp đột xuất.
- Lúc nào cũng học bài, đúng ngay bữa không học thì cô gọi lên trả bài.
- Sáu ngày trong tuần đều mang áo mưa mặc dù trời tạnh ráo, tới đúng hôm quên thì trời lại mưa.
- Đang vội thì gặp đèn đỏ liên tục.
- Lên kế hoạch kết hôn, du học, du lịch....thì năm đó bị phong tỏa vì đại dịch.

Những sự kiện trớ trêu như trên thường xuyên xảy ra trong cuộc sống của mọi người. Và chúng ta thường đổ tại “xui”, tại “số đen”, tại “vận rủi”. Nhưng thật ra xui xẻo được định luật Murphy chứng minh. Trong mọi con tính, những con số có vẻ hiển nhiên đúng lại chính là nguyên do dẫn đến sai lầm. Nói rằng có 50% khả năng thành công nghĩa là có 75% khả năng thất bại. Không có hai vật gì có thế thay thế được cho nhau một cách hoàn hảo. Khi bạn thử làm cho mọi việc thật rõ ràng dễ hiểu, bạn chỉ khiến mọi người rối trí. Hay đến đâu mà nhiều quá cũng sẽ nhàm chán.
Bạn hãy thử thả điện thoại từ trên cao xuống giường trong 10 lần thì kết quả như sau:
-3 lần ngửa;
-5 lần sấp (tức là màn hình chạm xuống giường);
-và 2 lần thì điện thoại văng hẳn từ trên giường xuống đất.

Có rất nhiều phê phán về tính đúng sai của ‘định luật’ này. Thật ra, không có định luật nào phổ quát đến mức có thể đúng trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta thường nhớ lâu hơn những xui xẻo nên cảm thấy chúng thường xảy ra hơn. Để chứng minh định luật Murphy sai, nhiều người đã nỗ lực tính toán, thử nghiệm trong tất cả mọi tình huống, mọi lĩnh vực, nhưng đều thất bại. Thật ngạc nhiên, kết quả cho thấy tình huống xấu luôn có xác suất xảy ra cao hơn. Chỉ riêng trường hợp “bánh mì phết bơ”, dù lặp lại thí nghiệm bao nhiêu lần thì hết 90% số lần mặt có bơ sẽ úp xuống.
Định luật Murphy có vẻ như không xác thực và khoa học, nhưng thực ra, định luật được hỗ trợ bởi một định luật tự nhiên xác thực, đó là sự mất trật tự của hệ thống (Entropy). Entropy là thước đo của sự hỗn loạn. Và luôn có nhiều biến thể hỗn loạn vượt xa với những thứ có trật tự. Đơn giản đây là một quy luật xác suất. Có nhiều trạng thái hỗn loạn và chỉ có một số ít trạng thái trật tự. Định luật này được sử dụng thường xuyên trong quá trình nghiên cứu động lực học. Mục đích là giải thích nguyên nhân năng lượng chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác.
Thực tế cuộc đời là vô thường và sự đen đủi của chúng ta gần như không có giới hạn…Dù tin hay không thì định luật Murphy cũng giúp chúng ta đề phòng, nhắc nhở chúng ta không nên chủ quan và lúc nào cũng phải lường trước mọi điều xấu nhất có thể xảy ra. Murphy – sau khi công bố định luật – đã nói: “Tôi không có ý bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các bạn đề phòng thường xuyên. Một khi đã đề phòng cẩn thận ta sẽ tránh được nhiều tình huống không vui. Thế thôi!”

Lê Tấn Tài