LO ÂU và ĐAU KHỔ


Bạn có lo lắng không? Bạn có đau khổ không? Nếu có, xin mời bạn đọc bài viết nầy. Đề mục được viết trong đây là dành cho bạn và cho những ai thường có các mối lo không chính đáng, lo thái quá, lo cho đến chết!
Lo Âu và Đau Khổ là cặp ác quỷ song sinh luôn luôn tay trong tay đi với nhau . Chúng nó cộng sinh trên cõi đời nầy. Khi bạn cảm thấy lo lắng tức khắc bạn sẽ cảm thấy đau khổ và ngược lại, khi bạn đau khổ chắc chắn bạn sẽ lo âu. Chúng ta bắt buộc phải đối mặt với điều hiển nhiên ấy. Nhưng dù rằng chúng ta không thể trốn chạy khỏi chúng, chúng ta cũng không thể để cặp bài trùng yêu quỷ nầy chiến thắng chúng ta. Chúng ta phải chế ngự chúng. Chúng ta có khả năng làm được điều ấy bằng sự điều khiển đúng cách những cố gắng của chính chúng ta với sự quyết tâm và lòng kiên nhẫn. Nếu chúng ta thấu triệt sự việc một cách thích đáng và biết cẩn thận áp dụng trí thông minh, chúng ta sẽ đè nén được những cảm xúc và thoát ra được mọi lo âu và đau khổ .
Cái gánh lo âu của chúng ta là do tự ta mang vào thân. Chúng đã được chính chúng ta tạo ra trong tâm bởi bất lực hoặc thất bại không hiểu được sự hiểm nguy khi ta có những cảm nghĩ vị kỷ và cái nhìn lầm lạc khi đánh giá sự vật. Phải chi chúng ta có thể nhìn sự vật qua bối cảnh của nó để thấy rằng không có gì vĩnh viễn tồn tại trên cõi đời nầy và cái ý thức tự ngã trong ta chỉ là trí tưởng tượng man dại được tự do phóng nước đại trong cái tâm không được huấn luyện của chúng ta, để biết rằng chúng ta cần phải đi một đoạn đường dài hầu tìm ra một phương thuốc để diệt trừ lo lắng và khổ đau. Chúng ta phải tự trau dồi Tâm và Trí để quên đi Cái Tôi mà phục vụ nhân loại. Đó là một trong những phương cách dựa vào đó chúng ta có thể tìm được bình an và hạnh phúc thật sự.
Có nhiều người trong tâm mang đầy ham muốn và khát vọng, sợ hãi và lo âu. Họ không biết làm thế nào để thay đổi tình huống được tốt đẹp hơn vì chính họ cũng cảm thấy hổ thẹn không dám thừa nhận rằng đã rơi vào tình huống ấy dù rằng thừa nhận ngay cả với chính họ. Những cảm xúc độc hại ấy có một sức mạnh vô cùng. Cho dù ta làm cách nào đi nữa để dồn ép chúng xuống, chúng cũng tìm cách vượt ra bằng cách làm xáo trộn bộ máy cơ thể tạo nên những căn bịnh kinh niên.
Tất cả những điều nầy có thể bị đẩy lui bằng cách tham thiền đúng cách hoặc tu tập tinh thần bởi vì Tâm không được tu dưỡng là nguyên nhân tạo nên các mối lo âu như thế.
Bạn chớ bao giờ chường bộ mặt nhăn nhó của bạn trước mặt thiên hạ khi trong tâm bạn có cả khối lo âu đè nặng. Bạn chỉ nên tâm sự với người thực sự có thể giúp bạn mà thôi. Nếu trong lúc phải đối đầu với những khó khăn mà bạn có thể luôn luôn giữ được vẻ mặt vui cười thì quả thật là đẹp biết bao! Điều này không khó lắm đâu nếu bạn thực tâm thử làm. Nhiều thanh thiếu niên ở lứa tuổi đôi tám đã quá đổi phiền muộn khi “thất tình” với người bạn khác phái. Trong tình trạng bất lực và thất vọng như vậy thường thì họ hay nghĩ đến việc quyên sinh . Vài người khác được đưa vào dưỡng trí viện . Rất nhiều người trẻ với trái tim tan nát như thế đã kéo lê một cuộc đời rất đau khổ.
Tất cả những sự kiện bất hạnh ấy xảy ra đều do nơi sự kém hiểu biết về bản chất thật sự của cuộc sống. Bất luận thế nào đi nữa thì sự ra đi hoặc chia ly là những điều không thể nào tránh được . Ta có thể phân lìa nhau từ buổi đầu, có thể ở đoạn giữa, hoặc vào lúc cuối cùng của cuộc đời, nhưng chắc chắn không thể tránh. Khi những sự việc như vậy xảy ra, ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân từ đâu. Tuy nhiên nếu cảnh phân ly ấy vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của một người thì người ấy nên có đủ can đảm chịu đựng bằng cách nhận định rằng đó là bản chất của cuộc đời. Mặt khác việc tìm bạn mới để lấp vào chỗ trống cũng không khó khăn gì với bất cứ người nào nếu người ấy thực sự muốn .
Đức Phật có dạy rằng:”Ở bất cứ nơi nào có sự sợ hãi phát sinh, nó chỉ phát sinh ở những người khờ dại, không ở những kẻ khôn ngoan.”
Sự sợ hãi chẳng là gì cả, chẳng qua đó là trạng thái ở tâm. Cái tâm thái nầy của ta cần phải được kiểm soát và hướng dẫn. Một tư tưởng bi quan sẽ tạo ra những nỗi sợ hãi. Ngược lại một tư tưởng lạc quan sẽ tạo trong chúng ta niềm hy vọng và lý tưởng. Trong những trường hợp nầy, sự chọn lựa hoàn toàn từ chính chúng ta. Tạo Hoá đã phú thác cho mỗi con người cái khả năng kiểm soát tâm thức của người đó. Chỉ có một việc mà con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối, đó là tư tưởng của mình. Sự kiện này – hợp cùng một sự kiện khác ấy là mọi việc do một người tạo nên đều khởi sự dưới hình thức một ý nghĩ – đưa người ấy đến gần cái nguyên lý dựa vào đó họ có thể chế ngự được sự sợ hãi.
Một nhà cơ thể học trứ danh người Anh lần kia đã được một sinh viên hỏi về phương cách hay nhất để diệt trừ sự sợ hãi, ông đã trả lời:: “Hãy cố gắng làm điều gì cho một người nào đó”.
Anh sinh viên vô cùng ngạc nhiên với câu giải đáp ấy nên yêu cầu ông giải thích rõ hơn để soi sáng vấn đề. Vị giáo sư nói:
“Trong đầu anh không thể có hai luồng tư tưởng trái ngược nhau cùng một lúc. Luồng tư tưỏng nầy sẽ loại bỏ luồng tư tưởng kia. Thí dụ như nếu tâm trí của anh hoàn toàn bận rộn vào việc giúp đỡ người khác không vụ lợi thì cùng lúc ấy sự sợ hãi sẽ không còn chỗ trú ngụ trong tâm anh nữa”.
“Sự lo âu làm cạn giòng máu trong cơ thể, sớm hơn là tuổi già”. Càng ít sợ hãi, ít lo âu và phiền muộn, sức khoẻ và tuổi thọ càng được bảo tồn tốt đẹp. Biết chế ngự những cảm xúc ấy đó là cách bảo tồn sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ vì những sợ sệt không ngừng, những lo âu triền miên là những kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta, chúng làm xáo trộn hoạt động bình thường của cơ thể con người.
“Nếu anh có thể học được cách làm vui lòng người khác thì anh sẽ luôn luôn có một gương mặt tươi tắn chính bởi vì tâm của anh đã ngăn cản không cho phép những lo âu có cơ hội nhiễm vào”

Lê Thy dịch