Ngọn hải đăng trí tuệ
soi đường cho kiếp nhân sinh


Trong kinh Tăng Chi Bộ III.65 hay còn gọi là Kinh Kalama có kể câu chuyện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi cùng tăng đoàn của mình tới Kesaputta, thị trấn của những người Kàlàmà. Người dân Kàlàmà nghe tiếng Đức Thế Tôn là người truyền Đạo, đã từng “giảng dạy chư thiên và loài người, hàng tu sĩ và cư sĩ, vua chúa cùng thường dân, Ngài đã giảng Pháp cao diệu từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối; Ngài đã giảng đời sống phạm hạnh chi tiết và rõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết”, cho nên họ rủ nhau đến gặp Ngài với nhiều mục đích. Có người đến vì tò mò, có người đến để yết kiến, có người đến để thăm hỏi, lại có người đến để chất vấn. Người Kàlàmà tại thị trấn Kesaputta vốn là những người lương thiện, nhưng họ đã tiếp xúc với nhiều người truyền đạo ở bốn phương – những người Sa môn, Bà La Môn. Những người truyền đạo đó “làm sáng tỏ, chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm của người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc”. Bị bao vây bởi những luận thuyết khác nhau, chẳng rõ ai thật ai giả, họ bèn đến hỏi Đức Thế Tôn và tiện dịp cũng để đánh giá giáo pháp của Ngài. Đức Thế Tôn đã trả lời họ đại ý như sau:

– Chớ có tin vì nghe báo cáo.
– Chớ có tin vì nghe truyền thuyết.
– Chớ có tin vì theo truyền thống.
– Chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng.
– Chớ có tin vì lý luận suy diễn.
– Chớ có tin vì diễn giải tương tự.
– Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện.
– Chớ có tin vì phù hợp với định kiến.
– Chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền.
– Chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

Nên hiểu lời khuyên này như thế nào? Điều kiện cần để tìm ra chân lý trong hỗn loạn là phải biết suy nghĩ độc lập.

Vì sao chớ có tin vì nghe báo cáo? Vì báo cáo là lời của một người khác. Trong việc thuật lại có thể đáng tin cậy, nhưng cũng có thể thiếu chính xác, thiếu chi tiết và mang cảm nhận, đánh giá chủ quan của người báo cáo.

Vì sao chớ tin nghe vì truyền thuyết? Vì truyền thuyết có thể có thật, nhưng cũng có thể có phần do con người tự ý thêu dệt nên. Ví dụ như truyền thuyết lịch sử về vụ thảm sát hơn 20,000 người gồm các sĩ quan quân đội, cảnh sát và trí thức Ba Lan vào tháng 4 và tháng 5 năm 1940, gọi là vụ thảm sát Katyn. Liên Xô tuyên bố rằng các nạn nhân này do phát xít Đức giết hại. Mãi đến năm 1990, tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã lên tiếng thừa nhận tội ác này là của Hồng quân Liên Xô, những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ dưới sự ra lệnh của Stalin và các quan chức trong chính quyền của ông ta.

Vì sao chớ tin vì theo truyền thống? Vì dù trong truyền thống có rất nhiều tinh túy văn hóa được lưu giữ lại, nhưng không phải truyền thống nào cũng là tốt đẹp. Cũng giống như trong con người thời cổ đại nhiều chính khí, nhưng cũng có tà khí, nhiều đức tính tốt nhưng vẫn có tính xấu. Những truyền thống lầm lạc vì sao vẫn được lưu lại? Vì nó chiều chuộng tính xấu, tà khí mà con người chưa buông bỏ được. Ví như truyền thống đốt vàng mã của người Trung Hoa và người Việt Nam. Người ta tin rằng, người dưới âm sẽ nhận được tiền vàng do người trần gửi xuống theo cách đó để tiêu xài. Và người chết sung túc sẽ phù hộ cho người sống được thỏa nguyện theo mong ước trong lời khấn. Tuy nhiên, hiện nay truyền thống này đã gây nên quá nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường, lãng phí tiền bạc và tài nguyên, lại dễ gây ra hỏa hoạn. Đặc biệt, nó khiến con người ta lẫn lộn giữa tín ngưỡng cao quý và lòng tin hồ đồ thiếu lý trí.

Vì sao chớ có tin vì kinh điển truyền tụng? Vì trong kinh điển cũng có những điều sai lạc. Kinh điển có thể trích dẫn nguyên văn lời của các Giác Giả, cũng có thể do người đời sau tự ý thêm vào và diễn giải sai lạc đi, nhưng lại cho rằng đó là lời của Giác Giả ấy. Do vậy, mặc dù kinh điển có thể là một nguồn tham khảo tốt nhưng không hoàn toàn đáng tin cậy.

Vì sao chớ có tin vì lý luận suy diễn hay diễn giải tương tự? Vì chân lý nhiều khi phải thông qua cảm nhận của trực giác hay từ “ngộ”, tức là những năng lực trực nhận mà không qua suy diễn lý giải. Và tất nhiên việc đánh giá hời hợt các dữ kiện thì chẳng thể nào có được cái nhìn toàn cảnh để đưa ra kết luận.

Vì sao chớ có tin vì phù hợp với định kiến? Vì đó là con đường ngắn nhất dẫn đến sai lầm. “Định kiến hoặc thành kiến là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành trước khi nhận thức các dữ kiện có liên quan hoặc biết rõ những thông tin liên quan của một sự kiện cụ thể” (theo Wikipedia). Chưa nắm bắt hết các dữ kiện của nó đã vội đánh giá về nó là sai lầm thứ nhất. Đánh giá về nó dựa theo chấp trước về tình cảm yêu ghét với nó mà không phải nhờ vào lý trí sáng suốt công bằng là sai lầm thứ hai. Ví như “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” là một định kiến và đầy ác ý. “Không bệnh hỏi ai luyện khí công” là một định kiến khác. “Đời tư chẳng dang dở thì đã không đi tu?” cũng là một định kiến khác nữa. Định kiến chính là đặt ra một giới hạn, một phong bế trên con đường tìm ra chân lý dựa vào nhận thức chủ quan và cảm tính của cá nhân.

Vì sao chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền hay người Sa môn là bậc đạo sư của mình? Tin chỉ vì kẻ ấy có quyền lực, có ảnh hưởng với mình là lòng tin sai lầm của người yếu thế. Lòng tin phải xuất phát từ sự tự nguyện, từ sự cảm ứng, cảm hóa từ bên trong nội tâm, chứ không phải từ quyền lực áp đặt từ bên ngoài, bất kể đó là giáo quyền – quyền lực của người thầy, hay chính quyền – quyền lực nhà nước. Mặt khác, quyền lực không nhất thiết là cái gốc của chân lý. Lạm dụng quyền lực cưỡng ép đức tin như cái cách mà chính quyền Trung Quốc tuyên truyền bịa đặt, phỉ báng và bức hại người tu luyện Pháp Luân Công thì còn đối nghịch với chân lý là đằng khác. Nhà hiền triết Hy Lạp Aristotle đã từng nói: “Thầy là quý, nhưng chân lý quý hơn thầy”. Một người thầy vẫn còn là một người bình thường, chưa phải Đại Giác Giả, thì không thể luôn luôn đúng. Chân lý mới là tiêu chuẩn cao nhất cần tuân thủ.

Tất cả những lời khuyên nói trên của Đức Thế Tôn đối với người dân Kàlàmà tựu trung lại đều có ý khuyên người ta rằng, muốn có kết luận sáng suốt thì điều kiện cần là hãy biết độc lập trong suy nghĩ chứ đừng phụ thuộc hoàn toàn vào bất cứ một nguồn tham khảo nào hết. Cùng thời với Đức Phật Thích Ca, nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp là Socrate đã nói rằng: “Để tìm thấy chính mình, hãy biết cách suy nghĩ độc lập”. Ngài cũng nói: “Hãy tự hiểu chính mình”.
Khi đã đạt được yêu cầu suy nghĩ độc lập, khách quan, Đức Thế Tôn mới nói tiếp: “Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!”. “Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: ‘Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!”.
Thuyết mà đạt được tiêu chuẩn, theo Đức Thế Tôn, là thuyết mà không gợi lên lòng tham, sân, si — đó là nguồn gốc của bất hạnh, khổ đau của con người. Ngược lại thuyết ấy phải khuyên người ta buông bỏ nó. Khi bị tham, sân, si chinh phục thì “tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy”. Lòng tham, sự giận dữ và mê muội sẽ dẫn dắt người ta làm những việc bất thiện, bị chê cười, bị người có trí tuệ chỉ trích và đưa đến bất hạnh. Do đó, nó là tà thuyết và cần phải bị loại bỏ.
Tại sao người ta có tham, sân, si? Vì người ta có nhiều chấp trước vị kỷ, mà chấp trước nhiều nhất là vào Danh, Lợi, Tình.
Chấp vào Danh, chính là chấp vào sự công nhận của người khác đối với mình.
Chấp vào Lợi, là chấp vào các lợi ích vật chất đối với mình.
Chấp vào Tình, là chấp vào tình cảm yêu ghét riêng tư giữa mình và người, giữa mình và sự vật, sự việc.
Theo đuổi, truy cầu Danh, Lợi, Tình chính là ham muốn, là lòng tham. Khi không đạt được nó, sẽ sinh ra giận dữ bất mãn, ấy là sân. Bám chấp vào nó không dứt ra được sẽ khiến con người thiếu sáng suốt, ấy là si.
Ví như lúc sinh thời, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng tăng đoàn của Ngài mỗi người chỉ có 3 chiếc áo cà sa may từ những mảnh vải vụn. Họ phải đi chân trần cầm một chiếc bát để xin ăn và tặng lại người cho đồ ăn một bài giáo pháp, gọi là hóa duyên. Họ ăn bữa nào thì chỉ xin bữa ấy không được xin nhiều hơn, nói chi đến chuyện tích tài vật là hoàn toàn bị cấm. Họ còn phải đoạn tuyệt với gia đình, sống đời xuất gia. Ấy cũng là một phép tu lấy hình thức “Giới” tức là cấm, để buông bỏ chấp trước vào Danh, Lợi, Tình. Do vậy, Phật Giáo thời Đức Phật tại thế chính là Chính Giáo. Và điều Ngài rao giảng là Chính Pháp. Một chính Pháp sẽ khuyên nhủ con người buông bỏ những chấp trước ấy. Còn tà pháp sẽ làm cho những chấp trước ấy mạnh lên.
Lòng sân hận chỉ có thể được buông bỏ khi người ta phát triển lòng bao dung, nhẫn nại. Ấy là một biểu hiện của chữ Nhẫn.
Tình yêu ghét riêng tây sẽ được buông bỏ nếu người ta phát triển lòng từ bi, thấy chúng sinh đều khổ, đều đáng thương xót, không phân biệt thân hay sơ. Ấy là một biểu hiện của chữ Thiện.
Và chỉ có sự thật mới có thể hóa giải những hiểu lầm, nghi ngờ, mới làm sáng tỏ mọi việc, mới có thể khiến người ta bớt si mê lầm lẫn. Ấy là một biểu hiện của chữ Chân.
Đương nhiên, trong sự bao dung cũng hàm chứa lòng từ bi và ngược lại. Cũng như trong sự chân thật cũng bao hàm tính thiện. Do vậy Chân, Thiện, Nhẫn là đồng thời tồn tại và bổ sung cho nhau. Khi chúng ta một mực tuân thủ Chân Thiện Nhẫn trong mọi suy nghĩ, lời nói, hành vi, đồng thời ta buông bỏ mọi chấp trước của con người vào Danh, Lợi, Tình thì tâm càng tĩnh, trí càng sáng, tham sân si sẽ bị tiêu diệt. Khi tham sân si bị tiêu diệt, ta đạt được như lời Đức Phật: “Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc” thông qua việc “tự mình biết rõ” chứ không vì nghe ai cả.

Cũng như người dân Kàlàmà, chúng ta cũng có lúc ở trong vòng vây của những tuyên truyền nhiễu loạn khiến thật giả lẫn lộn, có khác gì lạc giữa biển đời mù mịt tối tăm. Ta biết tin vào ai, biết tin vào đâu? Đâu rồi cây hải đăng trí tuệ giúp ta nhìn thấy luồng lạch để tiến thoái, để tránh va phải đá ngầm, tránh bị cuốn vào sóng dữ? Lúc ấy, chúng ta hãy bình tâm để tự mình đánh giá sự việc mà không hoàn toàn tin tưởng vào bất cứ nguồn tham khảo nào. Bất kỳ ai nói lên sự thật không thêm bớt, bất kỳ ai có lòng bao dung quảng đại trước sự nghi ngờ, xúc phạm của người khác, bất kỳ ai có lòng từ bi thương xót đối với người khác, kể cả kẻ mang lòng thù địch với anh ta… người ấy nắm chân lý và xứng đáng có được lòng tin của chúng ta.
Những tiêu chuẩn xét đoán ấy chính là cây Hải đăng Trí tuệ Chân Thiện Nhẫn đưa đường dẫn lối cho chúng ta ra khỏi đêm tối mịt mùng giữa ngàn trùng khơi bão tố của biển đời vậy.