SỐNG BÌNH AN

Lê Tấn Tài



Cuộc đời là một thực tại phức tạp vượt lên trên mọi lý luận. Người ta không thể diễn tả thực tại bằng ngôn ngữ vì ngôn ngữ là sản phẩm của tư tưởng mà tư tưởng là ý niệm nhị nguyên luôn luôn chia cách chủ thể và khách thể. Thực tại là mỗi người thấy rằng hình như đều có một số phận nào đó mặc nhiên an bài cho chính mình. Thực tại là một cuộc đời thay đổi không ngừng. Không ai nghĩ rằng cuộc đời nầy là vững bền, bên bờ đại dương này là thiên đàng hay bên kia bờ đại dương là địa ngục. Và có ai dám nói rằng cuộc đời mình được may mắn toàn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng. Sự an toàn tuyệt đối không có trên đời này. Những tai họa của thiên nhiên: sóng thần, động đất, bão tố, đại dịch, há không phải xảy ra liên miên trong dòng thời gian lưu chảy nầy ư? Rồi còn gì nữa? Chiến tranh, giết chóc, hận thù ... Ôi biết sao mà kể siết!
Vấn đề là trong tâm tư của mỗi người có được an bình hay không mà thôi. Một tâm hồn an bình ví như núi thái sơn cao chót vót mặc cho vật đổi sao dời vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Ranh giới giữa sống và chết vẫn thấp thoáng trong cuộc đời dài đầy dẫy những trò chơi trớ trêu của con tạo. Cuộc đời mà đa số con người đều thích sống giã dối. Có ai sống thật với ý muốn của mình hay chỉ làm nô lệ cho sở thích của mọi người chung quanh. Tâm lý của người đời thường hay bị động nhiều: nghĩ ngợi, toan tính, tưởng tượng, ước mơ... Tất cả đều phức tạp. Nhưng những thứ ấy chẳng ích lợi gì, cũng giống như những phép phù thuỷ không giúp ta đạt được ước mơ.
Ðiều cần thiết nhất cho hạnh phúc là an bình. Muốn an bình thì tâm phải thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tức là tâm không chạy theo những ý nghĩ viễn vông. Cái tâm đó phải trong suốt và không bị ràng buộc để tiếp nhận những gì Thiên Nhiên và Con Người đem đến cho ta. Như một bầu trời trong tiếp nhận trọn vẹn ánh sáng của trăng sao, như mặt nước trong không lao xao tiếp nhận và phản ảnh trọn vẹn tất cả bầu trời.
Con người (nhất là những người tha hương) thường hay cảm thấy cô đơn và mang một tâm trạng trống vắng thoang thoáng buồn. Ngay cả môi trường sống, tương giao giữa người với người, kể cả khẩu vị thức ăn, tất cả đều nhàn nhạt, lành lạnh làm sao ấy! Và những cảm giác lạc lỏng không thể không tránh khỏi được. Nhưng rồi bản năng sinh tồn và khả năng thích nghi sẽ giúp con người quen dần, hội nhập dần với cuộc sống ở xã hội mình đang sống. Hội nhập đây có nghĩa là tham gia vào xã hội mới một cách có ý thức và dễ dàng không bỡ ngỡ, chứ không phải là thả mình buông rơi vào cái guồng máy vận hành không ngừng nghỉ của tiện nghi vật chất, đến nổi rồi cuối cùng mình không hiểu một cách chính xác và minh bạch là thật sự mình muốn gì cho cuộc đời mình. Ðây là cái bệnh của nhiều người. Nhưng người có tấm lòng đôn hậu dù trải qua bao nhiêu bất hạnh, khó khăn cùng khổ vẫn còn có một tinh thần rất mạnh vượt lên trên vật chất trần gian. Họ có một nhạy cảm về sự bình an nào đó mà cơm ăn, áo mặc, tiền bạc không thể cung ứng cho mình được. Hội nhập vào xã hội trong cái thế "hòa nhi bất đồng" (hòa mà không đồng) có nghĩa là hội nhập mà không để mình bị lôi cuốn, tan biến trong cái cộng đồng xã hội mà mình đang hội nhập. Mình vẫn là mình với tất cả những gì tốt đẹp thiết thân nhất của mình, trong khi đó mình vẫn nhuần nhuyễn như những người khác. Giống như loài vịt - là loài vật sống trên cạn - nhưng chúng có thể bơi lội tung tăng thoải mái cả ngày, rồi khi nào muốn lên bờ thì lên. Tạm ẩn dụ: bờ đây là bờ tâm linh của mình, nước đây là xã hội mình đang sống. Cho nên, nếu muốn, chúng ta có thể sống một đời bình yên và hạnh phúc. Vấn đề then chốt ở chỗ: " Một cách minh bạch, một cách chính xác, mình thật sự muốn gì?" Khi thấy rõ rồi thì cái muốn đó sẽ điều động cuộc sống của mình. Tốt hay xấu nó sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời của mình (hay nói theo nhà Phật đó là NGHIỆP mà nó sẽ tạo thành quả và có thể kéo dài vô tận, tác động lên sự tái sinh, hay nói một cách khác nó sẽ tạo nên luân hồi.)

Con đường nào là con đường dẫn đến hạnh phúc? Không có con đường nào cả. Cuộc sống là tạm bợ. Không ai có cảm giác an lành. Ðúng hơn, điều đó dần đi vào quên lãng trước dòng chảy miệt mài của cuộc mưu sinh. Ai cũng hiểu rằng mình đang sống trong một thế giới bất ổn, không có Chân Thiện Mỹ. Mong ước bình yên, hạnh phúc, bằng niềm tin diệt khổ, để tìm đến sự tĩnh lặng, vô ưu và thanh thản tâm hồn trước từng cơn giông bão của cuộc đời là khát vọng của mọi người. Mark Twain có nói: "Everyone is a moon and has a dark side which he never shows to anybody". Vâng, cái gì cũng đều có hai mặt tốt xấu, sao chúng ta không nhìn vào mặt tốt để an vui thanh thản. M. Maeterlinck cho rằng chúng ta nên tha thứ tất cả, vì mọi thứ đều bị xóa nhòa (Tout pardonner, parce que tout s'efface). Krishnamurti cũng cùng một ý nghĩ như vậy: "Vivre dans le présent, complètement, totalement c'est vivre avec ce qui "est", avec l'actuel, sans le condamner ni le justifier. Tout problème vu dans cette clarté est résolu." (Sống toàn diện là sống với "hiện hữu" không lên án, không biện minh).
Sao chúng ta không biết nhìn đời bằng cặp mắt cười tươi? “Pourquoi ne contemple-t-on la vie par un regard aux yeux riants?” Chủ nghĩa lạc quan, optism. Người đời thường hay phiến diện chẳng thấy ai quan tâm đến liên kết từ ngữ. Phải chăng optique (về mắt) và optimist chẳng có quan hệ hữu cơ nào hay sao? Lạc quan là gì? Nghĩa nôm na là thấy đó mà vui. Lạc là vui. Mà vui là gì? Là những sự kiện bên ngoài đem đến cho ta. Bởi vậy, “hỉ tại tâm, lạc tại ngoại” (mừng là tự trong lòng mình phát sinh, vui thường mang ý nghĩa cộng đồng.) Nhưng lạc quan hay bi quan không phải do tính khí mà tùy thuộc vào tâm trạng chủ quan của từng người, từng lúc. "Chacun a son sort". Phải chăng đó là định mệnh của mỗi người.
Sở dỉ có sự khác biệt đó là vì con người nằm trong luật tương phản của xã hội và vũ trụ. Mầm tai họa phát xuất trong cảnh thái bình. Mất mát là vì con người cứ nghĩ là tồn tại mãi mãi. Bởi thế lúc đang hưởng thái bình phải nghĩ sẽ có lúc loạn lạc, lúc đang hưởng hạnh phúc là nghĩ phải có lúc hoạn nạn, lúc còn phải nghĩ lúc sẽ mất ... Ðừng cho rằng khi mình lo lắng đến cái chết là sợ hãi. M.Maeterlinck nói càng nghĩ về cái chết thì càng thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. (Plus on pense à la Mort, mieux on connait la Vie). Có khát mới tìm nước. Có chiến tranh mới ước mong hòa bình ...
Water is taught by thirst
Land - by the ocean passed
Transport - by throe
Peace - by its battle told
Love - by Memorial Mold
Birds - by the snow
( Emily Dickinson)

Ðó là những cặp tương phản mà con người thường hay vướng mắc. Ðể sống an nhiên tự tại trước hết phải diệt trừ cặp tương phản đó. Muốn mà không đặng thì ưu sầu. Do con mắt tục mà xem thì ta thấy sự vật có lớn, có nhỏ; mà nhỏ thì ham lớn. Nhưng hễ có lớn thì phải có cái lớn hơn. Nếu có cái lớn vô cùng thì lòng tham muốn của ta cũng vô cùng tận. Chim phượng, chim bàng, đã không kêu thì thôi, mà khi đã kêu thì vang trời động đất. Lúc bay cánh nó xòe như mây che cả một phương trời, rồi cất lên không trung chín muôn dặm cao. Và ở trên đó mà nhìn xuống cảnh trần nầy chỉ thấy lúc nhúc bọn phù sinh. Nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn. Lấy chung nước mà thả thuyền lên thì thuyền mắc cạn. Lớp gió không dầy thì không sức chở nổi cánh chim bằng nên chim bằng khi bay thì vượt lên cao cỡi lên lớp gió ở duới nó. Con chim cưu nhỏ bay lên bay xuống trên cây đu, cây phượng, nếu bay không tới mà té xuống đất cũng không sao rồi tìm mấy cái trái nho nhỏ gần đấy mà xơi cho no bụng. Rồi sáng sớm khi nhìn những hạt sương long lanh đọng trên cành cây, ngọn cỏ cũng đủ thấy thú vị cuộc đời . Hai con vật đó biết cái gì? Chim lớn so với trời đất nó cũng chỉ là một vật rất nhỏ. Chim cưu so với con trùng, con kiến nó vẫn là vật lớn hơn. Con ếch không thể phình to thành con bò được. Con người chỉ sống một trăm năm là hạn, không thể sống 1000 năm như cây đại xuân. Mỗi người một phận. Nếu như vua Nghiêu chưa đủ đức để trị nước, thì Hứa Do với tâm hồn phóng dật tự do cũng không thay thế được. Một người biết an phận mình, dù nhận lảnh một chức quan nhỏ trị an được một quận huyện thì cái đức đó cũng không thua gì một ông vua trị một nước lớn.

Có viết nhiều cũng không biết làm sao cho đủ. (Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý). Viết là đóng khung làm mất đi tính cách sống động của sự việc và ý tưởng. Dùng lời hữu hạn không sao diễn tả được cái chuyển động của vũ trụ, của cuộc đời...Cái khó là làm sao luyện được tâm thanh tịnh vô cầu, vì đời là một sự chuyển động liên tục, mình bị động không do tâm muốn, mà do ngoại cảnh tác động lôi cuốn. Làm sao nhận thức được cuối năm nếu không có tờ lịch gỡ mỗi ngày, không có những cơn gió lạnh làm ta nhận thức được sự chuyển mùa? Quả tim không cảm nhận được điều đó thì có lẽ chúng ta không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa rồi.