SỐNG THỰC VỚI HIỆN TẠI



Thiền sư Đạo Nguyên - tổ sư của tông phái thiền Tào Động Nhật Bản - lúc còn đang đi tầm đạo ở Trung Hoa, một hôm ghé qua một ngôi chùa. Lúc ấy vào giữa mùa hè, trời nóng như trong một lò lửa. Ông gặp một vị sư già đang lom khom phơi nấm ngoài sân dưới ánh nắng thiêu đốt. Thấy vậy, Đạo Nguyên đến gần hỏi: “Tại sao thầy lại làm việc chi cho cực khổ vậy? Thầy đã lớn tuổi rồi, chắc cũng là một bậc tôn túc trong chùa, sao thầy không nhờ các chú sa di trẻ làm giúp thầy. Thầy đâu cần phải làm việc đâu? Vả lại, trời hôm nay nóng như thế này, sao thầy không dời lại một ngày khác?”
Vị sư già nhìn ông đáp: “Này chú kia, chú có vẻ thông minh và thông hiểu Phật pháp, nhưng chú đã không lãnh hội được yếu chỉ của Thiền. Nếu ta không làm công việc này, nếu ta không ở đây và có mặt trong giờ phút này, thì lấy ai để mà hiểu? Ta đâu phải là chú, ta cũng không phải là một người khác. Mà người khác cũng đâu thể là ta. Cho nên đâu có ai khác hơn ta để có thể kinh nghiệm được việc này. Nếu ta không làm, nếu ta không kinh nghiệm được công việc này trong giây phút hiện tại, thì làm sao ta có thể hiểu được! Nếu ta nhờ một ai khác giúp ta, và ta chỉ đứng một chỗ mà nhìn, thì ta sẽ không bao giờ biết được công việc phơi nấm nó ra làm sao! Nếu ta chỉ đứng mà ra lệnh: ‘Làm như thế này, làm như thế kia... để nấm ở chỗ này, để nấm ở chỗ kia...’ thì ta sẽ không bao giờ có kinh nghiệm được. Ta sẽ không thể nào hiểu được công việc đang có mặt trong bây giờ và ở đây.”
Đạo Nguyên lại hỏi thêm: “Thế nhưng tại sao thầy lại chọn phơi nấm ngày hôm nay? Sao thầy không lựa một ngày khác ít nóng hơn?”
Vị sư trả lời: “Bây giờ và ở đây vô cùng quan trọng. Những cây nấm này không thể phơi vào một ngày nào khác hơn được. Nếu ta bỏ lỡ dịp này, ta có thể mất đi một cơ hội quý báu. Ngày mai có thể trời mưa, trời có thể nhiều mây, hoặc không đủ nắng. Ta cần một ngày thật nóng để phơi nấm, và hôm nay là một ngày rất lý tưởng. Thôi chú hãy đi chỗ khác, ta còn phải làm việc!”
Cuộc sống con người diễn ra trên dòng thời gian gồm có quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi ta sanh ra: đó là quá khứ. Khi ta chết đi: đó là vị lai. Giữa hai giới hạn ấy, đó là “hiện tại” tức là ở chỗ hiện giờ, ngay tại cái không gian và thời gian mà ta đang hít thở, ăn uống, hoạt động, nghỉ ngơi... là những sự kiện liên quan đến sự sống. Nó chỉ xuất hiện trong hiện tại, nếu để nó qua đi thì không bao giờ tìm thấy được nữa. Sống trong hiện tại không phải là lý thuyết suông, nó đòi hỏi nhiều nổ lực thực sống. Sự sống của ta chỉ có thể có mặt bây giờ và ở đây mà thôi. Và nó vẫn tiếp tục trong khi ta đang bận rộn chờ đợi một cái gì khác, khoảng thời gian giữa những đợi chờ ấy là một phần rất lớn của đời ta. Nếu ta cảm thấy hạnh phúc, thì hạnh phúc ấy chỉ có thể có mặt ngay bây giờ và ở đây. Trong giây phút hiện tại này, ta có thể đang có những khó khăn và đau đớn, nhưng điều ấy không có nghĩa là giờ phút này không nhiệm mầu! Nếu nơi ta đứng đây mà ngày không vui và trời không xanh thì lúc nào và nơi nào mà ngày lại vui và trời lại xanh? Ta cũng chỉ có thể thay đổi và chuyển hóa nổi khổ đau ấy trong giờ phút này mà thôi. Horace, nhà thơ La Mã, cho rằng nắm bắt ngày hôm nay, như là một phương cách sống hạnh phúc. Nhưng thật ra điều nầy cũng không hoàn toàn chính xác lắm. Vì hiện tại đâu thể nào nắm bắt được, nó luôn trôi chảy. Ta chỉ cần buông bỏ những danh lợi, những hận thù chấp nhặt, những mưu cầu tính toán ..., thì tự nhiên sẽ trở về với hiện tại. Thiền sư Ajhan Chah nói phiền não của ta sẽ được chuyển hóa nhờ sự trải nghiệm những gì đang thật sự có mặt ngay bây giờ và ở đây. Ta được hạnh phúc không phải vì sự dụng công, nỗ lực của ta, mà nhờ biết buông bỏ để trở về và thấy rõ những gì đang xảy ra.
Tâm lý người đời thường bị cuốn hút trở về dĩ vãng mà ta cho là tốt đẹp hơn hiện tại với sự nuối tiếc; hoặc mơ đến tương lai với những viễn ảnh mà ta hy vọng sẽ tươi sáng hơn những gì đang có. Những ý nghĩ này giúp ta tránh được những khó khăn đang xảy ra trong hiện tại, tạo một ảo giác dễ chịu.
Nhớ về quá khứ không có gì sai. Quá khứ cho con người kinh nghiệm, và xã hội được tổ chức tốt nhờ vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm là phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng cuộc sống lại chính là hiện tại. Kinh nghiệm từ quá khứ chỉ để làm bệ phóng cho ta vững bước trong hiện tại. Charles Dickens có viết: “Hãy suy nghĩ về những cơ hội may mắn trong hiện tại – điều mà mọi người đều có thể đón nhận; chứ không phải về quá khứ – điều mà người ta chỉ có hối tiếc”.
Giống như hoài niệm, ta thường mơ ước về tương lai khi ta không hài lòng với hiện tại, với những ước muốn tốt đẹp hơn. Nhưng tương lai thì mờ mịt, chứa đựng nhiều nỗi lo sợ – lo công việc không ổn định, lo làm ăn không tiến triển, lo bản thân và những người thương yêu của ta bệnh, rồi chết…
Tương lai phải được xây dựng trên nền tảng hiện tại. Cuộc sống bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, quan hệ chằng chịt với nhau, nên ta không thể định đoạt được tương lai. Nói vậy không có nghĩa ta chẳng có dự định, kế hoạch gì cho tương lai. Tương lai phải căn cứ trên nền tảng thực tế cuộc sống, ta cần lên kế hoạch hành động ngay trong hiện tại. Đó là mối nối giữa hiện tại và tương lai. Kế hoạch là hành trình đưa ta đến tương lai, dù phải thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với những diễn biến mới.
Sống trong hiện tại là lo chuyện của ta, không lo chuyện vớ vẩn của người khác. Nếu ta sống mà tâm hồn không nằm trong thân thể, chu du đây đó, suy nghĩ lung tung, thì có khác gì như người đã chết? Bắt đầu bằng những thói quen rất đơn giản như ăn uống, đi đứng, nằm ngồi, hít thở..., nên chú tâm để ý những gì đang làm, đang sống, và đang có. Một trong những bí quyết sống thọ là không nên lo chuyện "con bò trắng răng!". Nên bớt quan tâm những chuyện không dính dáng đến ta từ tin tức lẫm cẫm “xe cán chó, chó cắn xe”, chuyện linh tinh trên mạng, chuyện hàng xóm… Nên nhớ, không có ta thế giới vẫn tồn tại, nhưng nếu không có ta thì gia đình và người thân yêu của ta mới thật sự mất mát.
Sự an bình nội tâm sẽ lan tỏa ra thế giới bên ngoài và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người chung quanh. Một cuộc sống điều hòa ở nội tâm không thể đạt ở quá khứ và tương lai, mà chỉ có thể đạt được tại giao điểm của “hiện tại”. "Sự giải thoát không nằm ở ngày mai mà cũng không có ở ngày hôm qua. Tôi dám quyết rằng chỉ có hiện tại, hiện tại ngay bây giờ đây, mới chứa đựng tất cả sự vật. (Krishnamurti).
Nếu ta không tìm thấy sự giải thoát ngay trong những sinh hoạt hiện tại, thì không bao giờ ta được giải thoát cả, người xưa có câu: “Sinh tiền bất tri thiên đường lộ, tử hậu nan ly địa ngục môn” (Con người ngay khi còn sống - tức là hiện tại - mà không tìm ra con đường đi đến Thiên đường, thì sau khi chết khó rời được cửa địa ngục).

Lê Tấn Tài