Tôi sợ chết

J. Krishnamurti


Hỏi:
– Tôi sợ chết. Chết là gì, tôi phải làm sao để hết sợ chết?


J. Krishnamurti đáp:
– Đặt câu hỏi thì rất dễ. Nhưng về cuộc đời, không có câu trả lời đơn giản “có” hoặc “không”. Tuy nhiên, bộ óc của chúng ta đòi hỏi phải có lời giải đáp “có” hoặc “không”, bởi vì nó đã được đào tạo trong cung cách là nên nghĩ về cái gì chứ không phải là nên hiểu và nhìn sự việc như thế nào.
Khi chúng ta nói: “Chết là gì, và làm thế nào để cho tôi có thể không sợ chết?”, là chúng ta muốn tìm ra những cách thức, chúng ta muốn có những sự xác định rõ ràng, nhưng chúng ta chưa bao giờ biết cách suy nghĩ như thế nào về vấn đề đã được đặt ra. Hãy thử coi liệu chúng ta có thể cùng nhau tìm ra giải đáp cho vấn đề này chăng.
Vậy chết là gì? Chết là ngưng sống, là chấm dứt cuộc đời, phải vậy không? Chúng ta biết rằng mọi sự đều có kết thúc, hàng ngày chúng ta nhìn thấy điều đó chung quanh chúng ta. Nhưng mà tôi không muốn chết, thế là có cái “tôi” vào cuộc: “Tôi đang suy nghĩ, tôi đang cảm nhận, kiến thức của tôi”, về những cái mà “tôi” đã thực hiện, về những điều mà “tôi” đã chống đối, về tính chất, về kinh nghiệm, về kiến thức, về sự chính xác, về năng lực, về thẩm mỹ. Tôi không muốn tất cả những điều này chấm dứt. Tôi muốn tiếp tục. Tôi chưa hoàn tất mọi sự. Tôi không muốn đi đến kết thúc.
Hẳn là phải có sự kết thúc. Hiển nhiên là tất cả các bộ phận có chức năng vận hành đều sẽ đến lúc phải ngưng làm việc. Nhưng trí não của tôi không chấp nhận chuyện đó. Cho nên tôi bắt đầu tạo ra một niềm tin, một sự việc có tính cách tiếp nối, liên tục. Tôi muốn chấp nhận điều này bởi vì tôi đã có đầy đủ những lập luận, đã thấm nhuần cái quan niệm về một sự tiếp nối, rằng có sự tái sinh.
Chúng ta không thảo luận về chuyện “có hay không có sự tiếp nối”, hoặc “có hay không có sự tái sinh”. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ngay như bạn có những niềm tin đó, bạn vẫn sợ hãi. Bởi vì, xét cho cùng thì cũng chẳng có cái gì là chắc chắn cả, chuyện đời luôn luôn bấp bênh. Luôn luôn có nỗi niềm băn khoăn âm thầm này đi theo sau sự tin tưởng.
Vì thế cái tâm, vốn biết có sự chấm dứt, nên bắt đầu cảm nhận nỗi sợ hãi, mong mỏi càng được sống lâu bao nhiêu càng tốt, tìm tòi những cách để giải tỏa bớt nỗi ám ảnh nặng trĩu trong lòng. Rồi thì tâm trí cũng tin về một sự tiếp nối sau khi chết. Sự tiếp nối, sự liên tục, là gì?
Phải chăng sự tiếp nối, sự liên tục, hàm ý thời gian, không phải chỉ là cái thời gian trôi chảy theo thứ tự trên đồng hồ, mà là quy trình thời gian tâm lý, trong nội tâm. Tôi muốn sống. Vì tôi nghĩ rằng dây là một quy trình tiếp nối, liên tục, không có chuyện chấm dứt nào hết, cho nên tâm trí tôi luôn luôn tìm cách tự thâu thập thêm trong niềm hy vọng về một sự tiếp nối, liên tục. Mà cái tâm suy nghĩ thì chịu sự chi phối của thời gian, cho nên nếu nó cảm nhận được sự liên tục của thời gian, thì nó không thấy sợ hãi.
Bất tử, bất diệt là gì? Sự tiếp nối, liên tục của cái “tôi” – cái “tôi” trên một bình diện cao hơn – là cái mà chúng ta gọi là bất tử, bất diệt. Bạn hy vọng cái “tôi” sẽ tiếp tục. Cái “tôi” vẫn còn nằm trong lãnh vực của sự suy nghĩ, không phải sao? Bạn đã nghĩ về nó. Cái “tôi”, dù có thể bạn nghĩ rằng nó thuộc hàng thượng đẳng cỡ nào, thì cũng vẫn là sản phẩm của tư tưởng, vì thế, đã bị điều kiện hóa, nảy sinh từ thời gian.
Xin đừng chỉ đơn giản đuổi theo sự lý giải qua lời nói của tôi mà phải nhìn thấu đáo toàn thể ý nghĩa của vấn đề. Thật ra thì bất tử, bất diệt, không phải là sản phẩm của thời gian, do đó, nó không thoát thai từ tâm tưởng, không phải là món đồ có được từ những niềm mơ ước, từ những sự đòi hỏi, từ những nỗi sợ hãi và từ lòng khao khát của tôi.
Người ta thấy rõ là cuộc đời phải có sự kết thúc, bất thình lình kết thúc. Cái gì đã sống ngày hôm qua, chưa chắc hôm nay còn sống, và cái đang sống hôm nay chưa chắc ngày mai còn sống. Đời sống tất nhiên là phải có lúc kết thúc. Đó là sự thực, nhưng chúng ta không chấp nhận nó. Bạn cũng khác với chính bạn ngày hôm qua. Khác về mọi sự, khác về những sự tiếp xúc, phản ứng, cưỡng bách, chống cự, ảnh hưởng, thay “cái đã là”, hoặc chấm dứt nó.
Một con người thực sự sáng tạo thì phải có kết thúc, và anh ta chấp nhận điều đó. Nhưng chúng ta không chấp nhận sự kết thúc bởi vì tâm trí chúng ta đã quá quen với cái quy trình của sự tích lũy. Chúng ta nói: “Tôi đã học được điều đó hôm nay”, “Tôi đã biết được điều đó hôm qua”. Chúng ta suy nghĩ chỉ trong dạng thời gian, trong sự tiếp nối, liên tục. Nếu chúng ta không suy nghĩ trong dạng liên tục, tiếp nối, thì sẽ có chấm dứt, sẽ có chết, và chúng ta sẽ nhìn rõ mọi sự, “đơn giản như chính chúng là như thế “, trực tiếp.
Chúng ta không chịu chấp nhận cái thực tế hiển nhiên của sự chấm dứt vì đầu óc chúng ta luôn tìm kiếm, trong tính cách liên tục, tiếp nối, sự an toàn trong gia đình, tài sản, nghề nghiệp và công việc chúng ta thực hiện. Cho nên chúng ta lo sợ. Chỉ có cái tâm được giải thoát khỏi thói hăm hở tìm cầu sự bảo đảm an toàn, giải thoát khỏi khát vọng có được sự liên tục, khỏi cái qui trình của sự tiếp nối, khi đó nó sẽ biết thế nào là bất diệt, bất tử.
Nhưng với cái đầu óc cứ mải miết tìm tòi sự bất tử cho bản thân, cái “tôi” cứ tìm cầu sự tiếp tục, sẽ không bao giờ biết chết là gì; cái loại đầu óc ấy sẽ không bao giờ biết nổi ý nghĩa của sợ hãi và chết, để vượt qua được.

(On Living and Dying)