Thiền và Ăn uống


Ăn uống chánh niệm

Ăn uống có tỉnh thức khởi nguồn từ thực hành chánh niệm, có nghĩa là sống trong khoảnh khắc hiện tại, có ý thức về tất cả những gì mình đang làm, nó bao gồm việc nhận thức được bạn đang đói như thế nào và bạn đang ăn bao nhiêu.
Cô Annie B. Kay, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của trung tâm yoga và sức khoẻ Kripalu nói rằng “Đây là một dạng thiền định mà bạn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, từng khoảnh khắc một, với một thái độ thiền không phán xét”
Thực phẩm là để nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra trong xã hội hiện tại của chúng ta thật sự khác biệt với ý niệm này. Chúng ta ăn khi đang di chuyển, hấp thụ thức ăn nhanh và dành rất ít thời gian để nấu nướng.
Việc ăn uống trở nên không được bền vững vì rỗng trong cảm xúc và thiếu sự kết nối sâu sắc với thực phẩm. Đã đến lúc cần bắt đầu nhìn vào sự liên hệ một cách đầy đủ với việc ăn uống, chúng ta cảm nhận thế nào khi ăn loại thực phẩm nào đó, tại sao ta ăn vào những thời gian nhất định, đói bụng tác động thế nào đến cơ thể ta.

Những lợi ích khi ăn chánh niệm

· Ăn vừa đủ, không bị nhiều quá. Từ đó hạn chế được cảm giác no ứ, đầy hơi.
· Có thể thưởng thức món ăn tốt hơn, tận hưởng được những hương vị nguyên thủy nhất của thực phẩm đưa vào cơ thể mình, giúp cho vị giác ngày càng tinh tế hơn.
· Tiêu hóa được cải thiện. Sự tiêu hóa thức ăn bắt đầu ngay trong miệng bằng nước bọt. Nếu thức ăn không được nhai kỹ, thì các bộ phận còn lại trong hệ thống tiêu hóa phải làm việc rất nhiều.
· Sống lành mạnh hơn. Ăn có chánh niệm phần nào cũng có nghĩa là giảm bớt việc ăn uống quá độ và tùy tiện, lắng nghe cơ thể và hiểu rõ mình đang cần bổ sung gì, nhờ vậy cũng nâng cao khả năng chọn lọc thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Những bước đầu làm quen với việc thiền ăn

1. Xem xét xem bạn đói như thế nào
Khi cảm thấy muốn ăn gì đó, hãy hỏi bản thân: Mình đang đói, đang buồn chán hay đang stress? Nếu bạn thực sự đói bụng, hãy chú ý tìm đến những món snack lành mạnh. Nhưng sau một lúc suy xét bạn nhận ra mình chỉ muốn giải lao một chút hoặc đang cảm thấy lo lắng, căng thẳng, vậy hãy tìm giải pháp khác, như là đi dạo, thiền, tập yoga, đọc sách hoặc trò chuyện với bạn bè. Nếu miệng của bạn đang thèm muốn một chút phấn khích, hãy thử một tách trà hoặc một viên kẹo nhai không đường.

2. Hãy bắt đầu từ từ từng bước.
Cũng giống như mọi thói quen mới, tốt nhất là đặt ra những mục tiêu khả thi. Mỗi ngày chọn một bữa ăn chính hay bữa ăn dặm, và thực sự thực hành ăn trong chánh niệm ở những thời điểm đó. Điều này giúp cho cơ thể dần làm quen với những sự thay đổi mới một cách tự nhiên nhất.

3. Lúc ăn không làm việc khác
Khó mà chú tâm vào việc ăn uống nếu cùng lúc bạn làm việc khác. Ăn uống trước một cái màn hình, cho dù là điện thoại, laptop hay TV, chắc chắn là một phương pháp tự làm xao lãng bản thân.. Hãy dành thời gian cho việc ăn và không làm gì khác nữa.

4. Chỉ ăn ở tại bàn ăn
Một cách nữa để tránh tình trạng ăn uống thiếu chánh niệm là tập thói quen chỉ ăn khi có thể ngồi tại bàn ăn và hoàn toàn để tâm đến thực phẩm ta đang ăn. Không vừa đi vừa ăn vặt nữa.

5. Chú tâm vào từng miếng ăn.
Hãy để ý đến vị, kết cấu (cứng, mềm, dai…) của thực phẩm và cả âm thanh khi nhai thức ăn trong miệng. Chú tâm xem bạn thích hay không thích những cảm giác này như thế nào. Mỗi khi ăn nên nhai kỹ. Đặt muỗng nĩa xuống bàn trong mỗi lần nhai, như thế ta mới có thể chú tâm.

6. Chuyện trò và chia sẻ
Một trong những niềm vui khi ăn uống là có thể cùng ăn chung với những người mình thương yêu. Trong không khí đó, cũng khó để giữ chánh niệm, nhưng không phải là điều không thể. Hãy hướng đề tài về bữa ăn bạn đang dùng. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về mùi vị, kết cấu của thực phẩm, tránh nói về những chủ đề không tích cực.

7. Hãy chọn chất lượng thay vì số lượng
Khi chọn một phần nhỏ hơn của thực phẩm chất lượng nhất trong khả năng của mình, bạn không những sẽ thưởng thức món ăn nhiều hơn, mà còn cảm thấy thỏa mãn và không phải ăn quá độ.

8. Dành thời gian để tự chuẩn bị bữa ăn cho mình
Quá trình chuẩn bị cũng có thể là những giây phút thư giãn, thoải mái như khi ăn. Sự tiêu hóa bắt đầu ngay từ trong suy nghĩ. Khi nấu nướng, hãy chú ý đến cảm giác khi cắt, gọt. Bạn cảm thấy vui vẻ hay khó chịu khi nấu ăn, bữa ăn này có ý nghĩa thế nào với bạn và các thành viên trong gia đình? Lắng nghe các âm thanh khi nấu.

Kết luận

Cách chúng ta ăn phản ánh một cách trực tiếp cách chúng ta đang sống. Cách ta tương tác với thức ăn cũng cho thấy cách ta nuôi dưỡng các mối quan hệ, cách ta làm việc và cách ta cảm nhận về chính bản thân mình. Khi thực hành ăn trong chánh niệm, ta sẽ được kết nối với thân tâm của mình, từ đó cuộc sống của chúng ta cũng sẽ được an yên hạnh phúc hơn.