Thiên nhiên hay tự nhiên, tiếng Anh là nature, là thế giới vật chất vũ trụ, bao gồm tất cả các dạng vật chất và năng lượng tồn tại từ hạt nguyên tử đến những ngôi sao, dãi ngân hà… Theo cách hiểu thông dụng thì thiên nhiên bao gồm tất cả những gì bao quanh con người mà không do con người tạo nên, như; không khí, nguồn nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn động thực vật, các yếu tố địa lý, địa hình…
Tài nguyên thiên nhiên có 3 loại:
Tài nguyên tái tạo là các loại tài nguyên mà tự bản thân nó có thể duy trì, bổ sung thêm được như nước ngọt, đất đai, động thực vật… Tuy nhiên, với việc khai thác và sử dụng quá mức như ngày nay thì nhiều loại tài nguyên thiên nhiên không còn hồi phục được nữa.
Tài nguyên không tái tạo được là những nguồn tài nguyên được biến đổi qua hàng triệu năm dưới tác động của thiên nhiên. Các loại tài nhiên này một khi đã sử dụng hết thì không còn khả năng tái tạo như các loại than đá, quặng đồng, chì, sắt, nhôm, đá vôi…
Tài nguyên năng lượng vĩnh cửu không bị cạn kiệt như ánh sáng mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển… Nhiều quốc gia phát triển ngày nay đã thay thế dần cách hoạt động sản xuất sử dụng tài nguyên năng lượng vĩnh cửu.

Thiên nhiên là cái nôi sinh ra sự sống. Khi một môi trường bị hủy diệt bởi thiên tai, bão lụt, nhưng khi cơn bão qua đi, những mầm cây mới lại mọc trên những thân cây đổ. Nguồn phù sa chảy về cung cấp dưỡng chất cho cây cỏ phát triển, cây cỏ phát triển sẽ thu hút các loài động vật ăn cỏ, động vật gặm nhấm di chuyển về. Số lượng động vật ăn cỏ đông thì các loại động vật ăn thịt cũng kéo nhau đến. Đây chính là vai trò đầu tiên của thiên nhiên: tạo ra sự sống và giúp cân bằng hệ sinh thái.
Con người vốn được sinh ra từ thiên nhiên. Từng tế bào hữu cơ hay vô cơ tạo nên con người đều có thể bắt gặp trong bất kỳ thực thể nào ở trong thiên nhiên. Như vậy giữa lòng thiên nhiên, con người ngang hàng với mọi sinh vật, do đó con người cần phải yêu thương và bảo vệ muôn loài.
Tuy nhiên chúng ta có thực sự gần gũi với thiên nhiên chưa? Trong vòng xoáy của cuộc sống bận rộn và dưới áp lực công việc làm, chúng ta căng thẳng, lo âu. Dần dần, dẫn đến tình trạng thiếu kiềm chế, mất kiên nhẫn, dễ giận dữ với mọi người, không quan tâm và mất lòng tin vào người khác, lo lắng trước bất cứ sự việc gì xảy ra... Đó là biểu hiện của tâm lý bị tổn thương và hiển nhiên sẽ vô tình gây thêm tổn thương cho những người xung quanh. Khi đối diện với những tình trạng bất an trên, con người hiện đại có xu hướng xoa dịu bản thân bằng cách lao vào tiệc tùng, vui chơi giải trí... Nhưng chúng ta có bao giờ nghĩ đến việc tăng cường mảng xanh xung quanh tầm mắt của mình để cân bằng cảm xúc và suy nghĩ, có bao giờ nghĩ đến việc thong dong dạo chơi trong một cánh rừng xanh thẩm hay thả hồn mình theo làn nước biển trong xanh, ngắm nhìn những bãi cát trắng trải dài vô tận, nơi mà bầu trời liền với biển, sóng vỗ miên man và cát trắng hiền hoà, để chúng ta có thể cảm nhận một sự thư giản trong không gian thanh thản.
Carolyn Schuyler – Giám đốc điều hành trung tâm vui chơi tự nhiên ở Virginia, viết: “Khi được vui chơi tự do trong thiên nhiên, bọn trẻ sẽ vui vẻ, hành xử tốt hơn và tương tác với mọi người xung quanh nhiều hơn”.
Trong một nghiên cứu khác, khi khảo sát hơn 19.000 người ở Anh sống gần gũi với thiên nhiên trong một tuần cùng với bản tự báo cáo sức khỏe. Kết quả cho thấy những người dành ít nhất 2 giờ trong tuần để sống hài hòa với thiên nhiên, đã cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần nhiều hơn những người khác.
Người dân đô thị ngày nay đang dần mất đi sự kết nối với thiên nhiên, thường dành hầu hết thời gian ở trong nhà, nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại, và cái giá phải trả ngày càng đắt, trong khi người thời xưa lại sống hài hòa với thiên nhiên nhiều hơn.
Một nghiên cứu ở Mỹ vào thập niên 90 cho thấy những gia đình có cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh thường sống hòa thuận và ít mâu thuẫn hơn những gia đình sống trong không gian kín.
Một báo cáo của Juyoung Lee, Dacher Keltner - giám đốc GGSC - và một số nhà nghiên cứu của Đại học California, Berkeley cho thấy thiên nhiên giúp con người sống bao dung hơn. Những người tham gia khảo sát được cho xem nhiều bức ảnh thiên nhiên có mức độ đẹp khác nhau và được yêu cầu xếp hạc giấy từ thiện. Bức ảnh thiên nhiên càng đẹp, số lượng hạc giấy từ thiện càng nhiều. Kết luận là con người có xu hướng sống bao dung hơn khi tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn.
Trong thiên nhiên có hàng ngàn điều chúng ta có thể học hỏi. Chuyện kể có lần Khổng Tử đến bái kiến Lão Tử. Khi hai người đến bờ sông Hoàng Hà, Lão Tử chỉ con sông rồi quay sang nói với Khổng Tử: “Ông sao không học cái đức của nước. Nước thiện, không tranh giành, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường. Nước mềm mại yếu đuối, nhưng những thứ cứng rắn không thể thắng được, đó là đức nhu”.
Khổng Tử nghe đến đây bỗng bừng tỉnh tiếp lời: “Mọi người ở trên cao, riêng nước ở dưới thấp. Mọi người ở chỗ dễ chịu, riêng nước ở chỗ hiểm trở. Mọi người ở chỗ sạch sẽ, riêng nước ở chỗ dơ bẩn. Chỗ nước ở là chỗ mà mọi người ghét thì ai còn tranh với nước đây?”
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần cảm nhận được phẩm chất tốt đẹp từ thiên nhiên: “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm”.
Nhạc Sĩ Yanni - được xem là Mozart của Hi Lạp - đã từng chia sẻ cảm hứng sáng tác và sáng tạo của ông như sau: “Tôi thường lắng nghe tự nhiên, bởi vì tôi học được rất nhiều điều. Tôi nhớ có một lần vào nhiều năm trước, khi tôi đang ngồi bên ô cửa sổ thì một chú chim nhỏ bay tới đậu ở đó. Trong ánh hoàng hôn, đó là một cảnh tượng rất đẹp. Tôi đã cảm nhận được ngôn ngữ và giai điệu trong những tiếng chim hót. Vì thế tôi đã quyết định sáng tác ca khúc “Nightingale” (Chim sơn ca)”.

Có một thời con người tự hào về việc chinh phục thiên nhiên: chặn các dòng sông, phá những cánh rừng nguyên sinh, đào núi, lấp sông… để không lâu sau đó phải nhận ra những cái giá phải trả quá lớn. Thiên nhiên là người nuôi dưỡng, người bạn, người thầy thuốc, và là nguồn cảm hứng bất tận mà không đòi hỏi ở con người bất kỳ điều gì, nhưng lại cho con người tất cả mọi thứ: sự sáng tạo, sức khỏe, sự an tĩnh tâm hồn.

Lê Tấn Tài

Trái đất - căn nhà của con người