Lê Tấn Tài



Tương lai của Trái Đất về mặt sinh học và địa chất có thể được suy ra từ việc ước lượng những tác động dài hạn của một số yếu tố, bao gồm thành phần hóa học của bề mặt Trái Đất, tốc độ nguội đi ở bên trong, những tương tác trọng lực với các vật thể khác trong hệ Mặt Trời, và sự tăng dần độ sáng của Mặt Trời. Trong khoảng thời gian hàng trăm triệu năm, các sự kiện vũ trụ ngẫu nhiên có khả năng đe dọa tới sinh quyển của Trái Đất trên quy mô toàn cầu và thậm chí gây tuyệt chủng hàng loạt.

Ngày Tận Thế là một thời điểm trong tương lai được mô tả khác nhau trong các thuyết của nhiều tôn giáo thế giới. Các tín ngưỡng bắt nguồn từ Abraham lưu truyền nhiều kịch bản ngày cuối cùng về sự biến đổi và cứu chuộc. Trong Do Thái giáo, thuật ngữ "Ngày tận thế" có liên quan đến Thời đại Messia và bao gồm một cộng đồng những người di cư Do Thái bị lưu đày. Một số giáo phái của Kitô giáo mô tả thời kỳ kết thúc là thời kỳ hoạn nạn xảy ra trước khi Giê-su sẽ xuất hiện lần thứ hai. Trong Hồi giáo, Ngày phán xét có trước sự xuất hiện của al-Masih al-Dajjal, và sau đó là sự xuống trần của Isa (Jesus). Trong Ấn Độ giáo, thời gian kết thúc xảy ra khi Kalki, hóa thân cuối cùng của Vishnu, xuống trần gian trên một con ngựa trắng và chấm dứt giai đoạn Kali Yuga hiện tại. Trong Phật giáo, Đức Phật tiên đoán những giáo lý của Phật sẽ bị lãng quên sau 5.000 năm, sau đó là sự hỗn loạn. Một vị Bồ Tát tên là Di Lặc sẽ xuất hiện. Sự hủy diệt cuối cùng của thế giới sau đó sẽ đi qua bảy mặt trời. Dự đoán ngày tận thế xuất phát từ một nguồn tin đáng tin cậy hơn. Đó là “sản phẩm” của Sir Isaac Newton, nhà vật lý người Anh, cũng là một học giả nổi tiếng thế giới. Ông đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện Kinh Thánh. Theo ước tính của ông dựa trên phân tích Sách Thánh, thế giới sẽ kết thúc vào năm 2060.

Ngày Tận Thế trong những bộ phim của Hollywood đã đưa ra một vài viễn cảnh có thể khiến sự sống trên hành tinh của chúng ta bị tiêu diệt hoàn toàn, với những trận động đất kinh hoàng, sự phun trào của siêu núi lửa Fuji, "cơn đại hồng thủy" mặt trời trong phim "2012", thiên thạch có kích thước tương đương bang Texas hút các thiên thạch nhỏ về phía Trái Đất trong "Armageddon" (Tận Thế), trái đất trở về kỷ nguyên băng hà trong "The Day After Tomorrow" (Ngày tận thế), cơn đại hồng thủy đáng sợ nhất trong "The Impossible" (Thảm họa sóng thần), một chùm sao chổi từ hệ mặt trời khác rơi xuống trái đất gây nên thảm họa diệt vong trong Greenland (Thảm họa thiên thạch), cơn địa chấn kinh khủng báo hiệu cho đại họa tận thế sắp xảy ra trong "San Andreas" (Khe nứt San Andreas), biến đổi khí hậu thảm khốc trong "Geostorm" (Siêu bão địa cầu), cảnh diệt vong của trái đất khi một thiên thạch có kích thước khổng lồ rơi vào Bắc Đại Tây Dương trong "Deep Impact" (Thảm họa hủy diệt), hoặc trong cuốn sách "On the Beach" (Trên bãi biển) của tác giả người Anh - Nevil Shute, tả cảnh loài người xóa sổ lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân sau thế chiến III v.v... Đó chỉ là một số trong nhiều sự kiện cấp độ tuyệt chủng có khả năng xảy ra.

Các nhà vũ trụ học cho rằng Trái Đất không tồn tại vĩnh viễn như nhiều người nghĩ, trái lại sự tồn tại của Trái Đất vô cùng mong manh. Vũ trụ rất rộng lớn, Trái Đất chỉ là một phần rất nhỏ trong đó và con người tồn tại nhờ vào sự cân bằng của vũ trụ, các hành tinh và hệ sinh thái. Tuy vậy, chỉ vài thay đổi nhỏ cũng có thể khiến Trái Đất bị tiêu diệt như một số giả thuyết sau đây:
- Lõi Trái Đất nguội đi. Trái Đất được bảo vệ bởi một lớp từ trường gọi là "lớp từ quyển". Những năng lượng khổng lồ từ Mặt Trời khi tới Trái Đất sẽ được giảm thiểu và tạo ra những cực quang hoặc những cơn bão từ tính chứ không phải là những tia chết huỷ diệt Trái Đất. Thế nhưng, nếu lõi Trái Đất nguội đi, từ quyển không còn nữa, Trái Đất sẽ mất đi khả năng bảo vệ khỏi những tia chết từ Mặt Trời. Những tia nầy dần dần huỷ hoại khí quyển và tàn phá Trái Đất.
- Trái Đất có thể bị lệch quỹ đạo. Các hành tinh bay lạc không theo một quỹ đạo nào xuất hiện rất nhiều trong vũ trụ. Số lượng của những hành tinh lạc này rất lớn, theo nghiên cứu mới, tính trong thiên hà Milky Way, số lượng thiên thạch nhiều gấp 100.000 lần các vì sao. Chỉ một hành tinh lạc này vào được hệ Mặt Trời, do có kích thước rất lớn nên có thể đẩy Trái Đất ra khỏi hệ Mặt Trời.
- Độ nghiêng trục quay Trái Đất bị lệch. Trong chu kỳ biến đổi của các siêu lục địa, độ nghiêng trục quay của Trái Đất có thể bắt đầu thay đổi một cách hỗn loạn với độ chênh lệch lên tới 90° so với hiện đại, có khả năng đe dọa tới sinh quyển của Trái Đất trên quy mô toàn cầu.
- Trái Đất có thể gặp phải một hố đen. Hố đen rất kỳ bí, không ai biết chúng hoạt động ra sao, nhưng chúng ta biết rằng nó đen tới mức ánh sáng cũng không thể thoát ra ngoài khi nó hoạt động. Những hố đen này có khả năng di chuyển và chúng đang di chuyển xung quanh vũ trụ giống như các hành tinh. Nhưng nếu chúng có xuất hiện, chúng phải có kích thước lớn hơn Mặt trăng mới có thể gây ảnh hưởng tới Trái Đất. Giả thuyết đầu tiên là sự phá huỷ, khi mà mọi thứ bay vào hố đen đều tan biến.
- Khí quyển Trái Đất có thể biến đổi thành tia gamma. Tia gamma là một trong những hiện tượng mạnh mẽ nhất của vũ trụ. Phần lớn chúng là hệ quả của những ngôi sao chết. Chỉ một tia gamma ngắn mang theo năng lượng nhiều hơn năng lượng Mặt Trời trong quá trình tồn tại của nó. Năng lượng này có khả năng huỷ diệt toàn bộ tầng ozone, khiến Trái Đất ngập tràn tia cực tím và vỏ Trái Đất lạnh nhanh chóng.
- Vũ trụ bị phá huỷ. Đây là ngày tận thế, có thể xảy ra với cả vũ trụ chứ không riêng gì Trái Đất. Giả thuyết năng lượng đen sẽ đẩy vũ trụ đi. Năng lượng này sẽ khiến tất cả mọi thứ hoạt động nhanh hơn và sau cùng mọi thứ sẽ bị phá huỷ hoàn toàn và trở thành phóng xạ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, hành tinh của chúng ta đã qua nhiều lần "tuyệt chủng". Nếu tính trong vòng 540 triệu năm trở lại đây, Trái Đất đã phải hứng chịu 20 cuộc tuyệt chủng quy mô lớn nhỏ khác nhau, trong số đó, cuộc "Đại tuyệt chủng" xảy ra cách đây 252 triệu năm rất tàn khốc và hủy diệt quy mô hơn cả (hủy diệt hoàn toàn 96% sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn; khiến cho tiến trình tiến hóa bị ảnh hưởng mạnh mẽ) và sự sống trên Trái Đất ngày nay chính là hậu duệ từ 4% sinh vật may mắn còn sống sót.
Hai nhà cổ sinh vật học Jack Sepkoski và David M. Raup trong một bài báo năm 1982 đã xác định 5 vụ đại tuyệt chủng nổi bật tiêu hủy ít nhất 50% sinh vật sống trên khắp hành tinh, được đông đảo giới khoa học tán thành. Năm sự kiện tuyệt chủng ấy gồm: Cuối kỷ Ordovic, Kỷ Devon muộn, Cuối kỷ Permi, Cuối kỷ Trias, Cuối kỷ Creta.
Chúng ta có thể xác định các sự kiện đại tuyệt chủng bằng cách nghiên cứu trầm tích và thành phần hóa học của các loại đá, các mẩu hóa thạch, và bằng chứng về các sự kiện lớn trên mặt trăng và các hành tinh khác. Cuộc Đại tuyệt chủng cuối cùng (thứ 5) xảy ra cách đây khoảng 65,5 triệu năm. Và từ đó cho đến nay, Trái Đất vận hành yên bình. Khác với 5 cuộc Đại tuyệt chủng trước, khi con người chưa xuất hiện trên Trái Đất, thì nay, tính đến tháng 4/2019, dân số thế giới đã đạt hơn 7,6 tỷ người. Hơn 7,6 tỷ sinh mệnh (con người) cùng với hàng tỷ sinh vật trên cạn và dưới nước đang đối mặt với "cuộc thảm sát" quy mô lớn đã từng xảy ra trong quá khứ. Sẽ không phải là thiên thạch, siêu núi lửa phun trào, mực nước biển thay đổi đột ngột nữa, hay biến đổi khí hậu tự nhiên mà là biến đổi khí hậu nhân tạo, ấm lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái... sẽ khiến loài người và sinh vật trên Trái Đất lâm vào tuyệt chủng. Thực trạng tàn khốc mà giới khoa học đưa ra để minh chứng việc Trái Đất đang rơi vào cuộc Đại tuyệt chủng thứ 6 và tồi tệ hơn, là chúng ta đang ở kỳ giữa của Đại tuyệt chủng thứ 6 nầy. Một sự kiện cấp độ tuyệt chủng (viết tắt là ELE- Extention Level Event ) là một thảm họa dẫn đến sự tuyệt chủng của đại đa số các giống loài trên hành tinh. Đây không phải là sự tuyệt chủng giống loài thông thường vốn diễn ra mỗi ngày, cũng không nhất thiết là sự "thanh lọc" toàn bộ các sinh vật.

Có khá nhiều hiện tượng có khả năng gây ra tuyệt chủng trên diện rộng, nhưng chúng có thể thu gọn vào một vài danh mục sau:

1. Mặt trời thiêu đốt

Sự sống hiện nay không thể tồn tại nếu không có Mặt trời, nhưng Mặt trời cũng là tác nhân tiêu diệt chúng ta. Những ngôi sao như Mặt trời theo thời gian càng ngày càng cháy sáng hơn khi chúng đốt hydro thành helium. Trong 1 tỷ năm nữa, nó sẽ sáng hơn khoảng 10%. Một tỉ lệ nhỏ, nhưng điều này sẽ khiến nước bốc hơi nhiều hơn. Nước là một khí nhà kính (tiếng Anh: Greenhouse gas, là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài và phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính), do đó nó giữ nhiệt lại bên trong bầu khí quyển, khiến sự bay hơi trở nên nghiêm trọng hơn. Ánh sáng mặt trời sẽ phân tách nước thành hydrogen và oxygen, hơi sẽ bay vào vũ trụ. Nếu sự sống vẫn duy trì được, thì khi Mặt trời bước vào giai đoạn sao đỏ khổng lồ, phình to ra đến quỹ đạo của sao Hỏa. Chẳng có sự sống nào có thể tồn tại bên trong Mặt trời cả.
Ngoài ra Mặt trời có thể tạo một vụ phun trào nhật hoa (viết tắt là CME= Coronal Mass Ejection), đó là khi Mặt trời bắn ra những hạt tích điện từ nhật hoa của nó (vành ánh sáng phát ra từ không gian xung quanh Mặt Trời). Dù một CME có thể bắn vật chất đi theo bất kỳ hướng nào, nó thường không bắn trực tiếp về phía Trái đất. Đôi lúc, chỉ một phần rất nhỏ của các hạt bay chạm đến Trái đất, tạo ra cực quang hoặc bão mặt trời. Trong chỉ một vài phút, bão mặt trời đốt nóng mọi vật lên nhiều triệu độ. CME có khả năng sẽ "nướng" chín cả hành tinh.
Không giống nhiều lời tiên tri khác về Ngày tận thế, giả thuyết nầy được dựa trên nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng. Ông James Kasting, một nhà nghiên cứu địa lý và và giáo sư tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) tính toán rằng trong 500 triệu năm tới, mức dioxide trong khí quyển sẽ giảm đáng kể, và các sinh vật trên Trái Đất sẽ không thể thở được nữa. Nhiều nhà khoa học đã dự đoán rằng trong khoảng 5 tỉ năm nữa, Mặt Trời sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển thành “người khổng lồ đỏ”. Theo đó, trong vài triệu năm tới, Mặt Trời sẽ lớn hơn và nóng dần hơn nữa, gây nguy hiểm cho sự sống trên Trái Đất. Trong 5 tỷ năm, Mặt trời hoặc sẽ nuốt chửng hoặc thiêu đốt hoàn toàn Trái Đất.

2. Đảo cực địa từ

Trái đất là một khối nam châm khổng lồ, nhưng mối quan hệ của nó với sự sống không mấy êm đẹp. Trường địa từ đang yếu đi và không ít người tin rằng, việc đảo cực địa từ là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngày tận thế.
Từ trường Trái đất bảo vệ chúng ta khỏi những thứ tồi tệ nhất mà Mặt trời ném về phía hành tinh xanh. Một số dạng hạt điện tích nguy hiểm liên quan đến CME có thể bị từ trường trái đất cản lại. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vị trí của cực từ bắc và nam lại đảo chiều. Dữ liệu địa lý cho thấy trái đất đã trải qua hàng trăm lần đổi cực trong suốt lịch sử của nó. Quá trình này diễn ra khi các đám nguyên tử sắt ở lớp lõi ngoài ở dạng lỏng sắp hàng theo hướng ngược lại.
Mức độ thường xuyên của việc này, và quãng thời gian trước khi từ trường ổn định trở lại, là một biến số rất khó xác định. Các nhà khoa học không biết chắc điều gì sẽ xảy ra khi các cực từ đảo chiều. Có thể chẳng có gì cả. Hoặc có thể từ trường bị yếu đi sẽ khiến Trái đất hứng chịu gió mặt trời, tạo điều kiện cho Mặt trời cướp đi một lượng lớn khí oxy của chúng ta. Các nhà khoa học tin rằng đảo cực từ trường không phải lúc nào cũng là một sự kiện cấp độ tuyệt chủng, chỉ một đôi lúc thôi.

3.Va chạm thiên thạch khổng lồ


Cú va chạm của một thiên thạch (tiểu hành tinh hay sao băng) vào Trái Đất tạo nên một cuộc đại tuyệt chủng duy nhất vào cuối kỷ Creta. Những vụ va chạm khác có thể góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Nhiều nhà khoa học đồng ý các va chạm trong quá khứ có một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến lịch sử địa chất và sinh học của Trái Đất. NEO (Near-Earth Object=Vật thể gần Trái Đất) nhận được sự quan tâm từ thập niên 1980 bởi sự cảnh báo về nguy hiểm tiềm ẩn của một số tiểu hành tinh hay sao chổi có quỹ đạo rất gần Trái Đất, và các hoạt động nghiên cứu theo dõi chúng bắt đầu tăng lên.
NASA khẳng định khoảng 95% số sao chổi và thiên thạch trong không gian có đường kính lớn hơn 1km. Và họ ước tính một vật thể cần phải có đường kính khoảng 100km mới đủ sức công phá để xóa sạch mọi sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên chúng có thể nằm trong số 5% số sao chổi và thiên thạch chưa được xác định, và chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều để ngăn cản số phận với tiến bộ khoa học kỷ thuật hiện nay.
Hiển nhiên, những sinh vật sống ngay tại khu vực va chạm của thiên thạch sẽ ngay lập tức bị xóa sổ. Nhiều sinh vật khác sẽ biến mất vì sóng chấn động, động đất, sóng thần, và bão lửa. Những sinh vật sống sót sau cú va chạm ban đầu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn, bởi khói bụi và đất đá bị bắn tung vào bầu khí quyển sẽ gây ra biến đổi khí hậu, dẫn đến những cuộc tuyệt chủng quy mô lớn.
Theo dữ liệu mới nhất của NASA, một tiểu hành tinh khổng lồ có tên “Apophis” (tiểu hành tinh 99942) không ngừng tiếp cận trái đất. Dự kiến ​​sẽ đến vị trí gần trái đất nhất vào năm 2029 (“Apophis” là tên Hy Lạp của Apep – vị thần đội lớp rắn thời Ai Cập cổ đại). Khoảng cách của “Apophis” và trái đất liên tục thay đổi, các nhà khoa học tin rằng, cuối cùng nó sẽ cách trái đất khoảng 19.000 dặm (khoảng 30.577 km), nhưng sẽ không chạm vào Trái đất, theo kết quả tính toán hiện tại, xác suất tác động ít hơn 1/100.000.
Theo ước tính của NASA, nếu thiên thạch có đường kính 1.115 feet (340 mét) này đâm vào Trái đất, nó sẽ giải phóng 1480 megatons năng lượng, tương đương với 114.000 quả bom nguyên tử ở Hiroshima, nó có sức hủy diệt trên quy mô vô cùng lớn, ngoài sức tưởng tượng của con người.
Ngày nay, giới khoa học về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận về giả thuyết sự tuyệt chủng của loài khủng long: khoảng 65 triệu năm trước, do một thiên thạch đã đâm vào trái đất trên bờ biển Mexico, gây ra động đất và bão lửa, tung hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ tấn vật chất vào bầu khí quyển, ngăn cản tia nắng mặt trời, vì thế làm loài khủng long bị tuyệt chủng. Tại Hội nghị "Phòng tránh va chạm các thiên thạch" được tổ chức từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 2018, Giám đốc NASA Jim Bridenstine đã nhắc nhở mọi người rằng một vụ va chạm thiên thạch với trái đất không phải là kịch bản của một bộ phim khoa học viễn tưởng. Trung bình, cứ 100 năm lại xảy ra một vụ va chạm giữa thiên thạch trong vũ trụ và trái đất.
Vào ngày 30 tháng 6 năm 1908, một vụ nổ đã xảy ra ở Khu tự trị Siberia Evenki của Nga, với sức mạnh tương đương 20 triệu tấn thuốc nổ TNT (khoảng 20 quả bom nguyên tử đã phát nổ ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản). Sau vụ nổ, hơn 80 triệu cây xanh trong vùng diện tích rộng hơn 2.150 km2 đã bị đốt cháy. Theo người dân địa phương, phía tây bắc hồ Baikal, họ nhìn thấy một quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời, độ sáng của nó tương đương với mặt trời. Vài phút sau, cả bầu trời đã sáng rực lên và sức mạnh của vụ nổ đã làm vỡ tan các ô cửa sổ bằng kính trong vòng bán kính 650 km.
Vào ngày 15 tháng 2 năm 2013, tại vùng Krasnabinsk của Nga, một thiên thạch có kích thước khoảng 17 mét đã phát nổ, tạo ra sức nổ tương đương với 5 triệu tấn TNT (khoảng 30 quả bom hạt nhân ở Hiroshima). Cửa sổ của hàng ngàn tòa nhà xung quanh bị vỡ, và mảnh vỡ thủy tinh làm bị thương gần 1.500 người. Tờ Thời báo "Tiếng nói của Nga" đã báo cáo rằng, trong video ghi lại về sự kiện thiên thạch, người ta đã nhìn thấy một ánh sáng trắng, đã nghiền nát thiên thạch ở độ cao 25 ​km cách xa mặt đất, ngăn chặn con người khỏi thảm họa lớn hơn.

4. Đại dương mất cân bằng

Đại dương có nhiều khả năng gây ra những sự kiện cấp độ tuyệt chủng. Methane clathrate (các phân tử cấu thành từ nước và methane) đôi lúc bộc phát từ vỏ lục địa, tạo ra một vụ phun trào methane, gọi là "súng clathrate". Họng súng này bắn một lượng khổng lồ khí methane nhà kính vào khí quyển. Những sự kiện như vậy từng xảy ra trong cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Permi và thời kỳ nóng lên cực độ (Paleocene-Eocene Thermal Maximum).
Mực nước biển tăng hoặc giảm trong thời gian dài cũng dẫn đến tuyệt chủng. Mực nước biển giảm đáng sợ hơn, bởi nó làm lộ ra nhiều phần vỏ lục địa, giết chết vô số loài sinh vật biển. Sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái mặt đất.
Mất cân bằng hóa học trong biển cũng gây ra các sự kiện tuyệt chủng. Khi các lớp ở giữa hoặc phía trên của đại dương trở nên thiếu khí (anoxic), một phản ứng liên hoàn chết chóc sẽ diễn ra. Các cuộc tuyệt chủng Ordovician-Silurian, cuối Devoni, Permian-Triassic, và Triassic-Jurassic đều bao gồm các sự kiện anoxic.
Đôi lúc, nồng độ các yếu tố vi lượng cần thiết (như selenium) giảm đi. Vi khuẩn khử sulfate trong các khe nhiệt vượt ngoài tầm kiểm soát, thải ra một lượng hydrogen sulfide vượt mức cho phép, làm yếu đi tầng ozone, khiến mọi sinh vật sống bị ảnh hưởng bởi tia UV (Ultraviolet=Cực tím) chết người.
Đại dương cũng trải qua một quá trình đảo ngược định kỳ, trong đó nước bề mặt với nồng độ muối cao chìm xuống phía dưới. Nước sâu thiếu khí nổi lên trên, giết chết các sinh vật trên bề mặt. Các cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Devoni và Permian-Triassic đều liên quan đến sự kiện này.
Một nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH California, Davis (UC Davis) đã tiến hành trên bryozoa (động vật hình rêu - một dạng động vật không xương sống, giống như rêu ở trên cạn). Kết quả là, môi trường nước biển ấm lên khiến nồng độ acid trong nước tăng cao, dẫn đến các bryozoa dần bị phân hủy vào nước. Và thế là, những sinh vật bé nhỏ kia "tan rã" trong nước biển (theo đúng nghĩa đen).
Theo các chuyên gia, lượng carbon trong khí quyển do sử dụng nguyên liệu hóa thạch quá mức đang dần được các đại dương hấp thụ, qua đó khiến nồng độ acid tăng lên. Hệ quả, các loài động vật như bryozoa không thể sống sót.

5. Dòng hải lưu tê liệt

Trong bộ phim "The Day After Tomorrow", dòng chảy đại dương ngừng lại do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Hệ quả là hàng loạt những thảm họa xảy ra với các thành phố lớn trên thế giới. Các chuyên gia tin rằng, kịch bản đáng sợ như vậy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Nghiên cứu mới khám phá hiện tượng biến đổi khí hậu có thể khiến dòng hải lưu trên các đại dương tê liệt, biến dần khu vực Bắc bán cầu trở về Kỷ Băng hà.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy lượng carbon dioxide (CO2) trong nước biển sẽ tăng lên gấp 2 lần (700ppm) vào năm 2100. Nếu hiện tượng vẫn tiếp tục, dòng hải lưu đại dương có thể "sụp đổ" vào năm 2400. Kết luận này được giới nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học Scripps tại ĐH California đưa ra. Theo đó, họ đã xây dựng mô hình để làm rõ mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và khả năng các đại dương bị tê liệt. Nếu dòng hải lưu tê liệt, băng tan ở Bắc cực, khu vực Greenland sẽ mang một lượng lớn nước ngọt tràn vào đại dương. Trong khi đó, AMOC (The Atlantic meridional overturning circulation - dòng chảy bề mặt và sâu ở Đại Tây Dương) cần đến sự cân bằng giữa nước ngọt và nước biển. Kết quả nghiên cứu dự đoán, dòng hải lưu sẽ "sụp đổ" 300 năm sau khi lượng CO2 tăng lên gấp 2. Lúc này, nhiệt độ bề mặt Bắc Đại Tây Dương giảm 2,4 độ C và nhiệt độ khu phía Tây Bắc châu Âu giảm mạnh tới 7 độ C.
Wei Liu - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu này đã làm rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương. Hơn nữa, ý nghĩa của nghiên cứu còn chỉ ra hệ quả của sự biến đổi khí hậu khu vực và toàn cầu"

6. Lòng đất chuyển động

Dù các sự kiện giảm mực nước biển có mối liên hệ với 12 sự kiện tuyệt chủng, nhưng chỉ 7 trong số đó khiến số lượng sinh vật sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các núi lửa từng dẫn đến 11 sự kiện cấp độ tuyệt chủng, và tất cả trong số đó đều cực kỳ nghiêm trọng. Các cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Permi, cuối kỷ Trias, và cuối kỷ Cretaceous đều có mối liên hệ với các vụ phun trào núi lửa gọi là "ngập lụt bazan". Núi lửa sát thủ bằng cách thải ra khói bụi, sulfur oxide, và carbon dioxide, làm sụp đổ chuỗi thức ăn khi ngăn cản quá trình quang hợp, làm nhiễm độc đất đai và biển cả với các trận mưa acid, và gây hiệu ứng ấm lên toàn cầu.

* Siêu núi lửa Yellowstone


Theo các nhà khoa học, thế giới sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng gấp nhiều lần dự đoán một khi siêu núi lửa Yellowstone thức giấc. Siêu núi lửa Yellowstone nằm dưới công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ. Dù ngủ yên từ hàng trăm ngàn năm qua nhưng Yellowstone vẫn ngày ngày đun nóng hồ nước nằm trên miệng núi lửa. Các nghiên cứu trước đây cho biết, Yellowstone hoạt động theo chu kỳ 800.000 năm/lần. Nó từng phun trào cách đây 2,1 triệu năm, 1,3 triệu năm và 640.000 năm trước. Trong lần phun trào gần nhất, Yellowstone tạo ra đám mây bụi dày đặc, bao phủ toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Lượng mắc ma (magma - đá nóng chảy, thông thường nằm bên trong các lò magma gần bề mặt Trái Đất) của Yellowstone đủ sức xóa sổ nước Mỹ và biến đổi địa chất toàn cầu.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Utah khẳng định, nhân loại biết quá ít về Yellowstone. Dựa vào kết quả khảo sát địa chấn xung quanh công viên quốc gia rộng 9.000 km2, các nhà nghiên cứu tin rằng túi mắc ma trong lòng siêu núi lửa Yellowstone lớn gấp 2,5 lần theo các ước tính trước đây. Nghiên cứu năm 2013 được công bố trong hội nghị của Liên minh Địa lý Mỹ tại San Francisco, theo đó, túi mắc ma của Yellowstone kéo dài hơn về phía đông bắc công viên, trải dài 88 km, rộng 48 km và sâu 14,4 km.
BBC dẫn lời giáo sư Bob Smith của đại học Utah, người đứng đầu chương trình nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi làm việc ở công viên quốc gia Yellowstone trong một thời gian dài. Chúng tôi luôn nghĩ túi mắc ma sẽ lớn hơn các ước tính trước đó nhưng kích thước của nó nằm ngoài sức tưởng tượng”. Với lượng mắc ma khổng lồ này, Yellowstone sẽ là cơn ác mộng của nhân loại khi nó thức giấc.
Tiến sĩ James Farrell, từ Đại học Utah, thành viên dự án nghiên cứu cho biết, nếu siêu núi lửa Yellowstone thức giấc ngày hôm nay, nó sẽ gây ra đại họa cho loài người. Nó sẽ phun lượng đất đá nóng chảy khổng lồ vào không trung. Đám mây bụi do núi lửa tạo ra sẽ bao phủ toàn bộ trái đất. Khí hậu địa cầu sẽ biến đổi.

* Động đất và sóng thần
Vỏ Trái Đất được tạo thành từ những mảng kiến tạo, khi chúng di chuyển thì chúng tạo ra những nguồn năng lượng tiềm ẩn. Khi năng lượng này được giải phóng, mặt đất nứt ra và sóng địa chấn phát ra, làm rung lắc bề mặt Trái Đất trong những đợt chấn động, mạnh hay yếu tuỳ từng trận (xác định bằng độ Richter).
Động đất:
- do sụp lở các hang động ngầm dưới mặt đất.
- do các vụ trượt lở đất đá tự nhiên với khối lượng lớn.
- do núi lửa, chủ yếu liên quan với các hoạt động phun trào của núi lửa.
- do hoạt động làm thay đổi ứng suất đá gần bề mặt đặc biệt là các vụ thử hạt nhân, nổ nhân tạo dưới lòng đất hoặc tác động của áp suất cột nước của các hồ chứa nước, hồ thủy điện.
- liên quan với hoạt động của các kiến tạo đứt gãy (fault), đặc biệt là các đứt gãy ở rìa các mảng thạch quyển, khe nứt San Andreas, nơi Mảng Thái Bình Dương trượt bên cạnh mảng lục địa Bắc Mỹ, đi qua California và là một trong những ranh giới lục địa nổi tiếng nhất thế giới.
- liên quan đến hoạt động mắc ma xâm nhập vào vỏ trái đất làm phá vỡ trạng thái cân bằng áp lực có trước của đá vây quanh làm đá phát sinh ứng suất và khi bị đứt vỡ thì xảy ra động đất.
- liên quan đến sự biến đổi tướng đá từ dạng tinh thể này sang dạng tinh thể khác gây co rút và dãn nở thể tích đá làm biến đổi lớn về thể tích cũng gây ra động đất.
Số các trận động đất đang gia tăng và mức độ tàn phá cao hơn. Những ghi nhận về động đất trong lịch sử, nhóm đo lường địa chấn cho biết từ năm 1890 - 1900 chỉ có 1 cơn động đất lớn trong khi hiện tại có rất nhiều động đất sóng thần, lở núi… Theo thông tin của "Earthquakes Today" (Động Đất Ngày Nay) mỗi năm có 500.000 cơn động đất và có 100.000 cơn động đất mà con người cảm nhận được. Tính từ tháng 1 năm 2010, có 1.702 cơn động đất từ cường độ 5.0 đến 9.0 Richter và có 226.668 người chết.
Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Khi xảy ra động đất ở trong lòng đại dương, sức địa chấn đẩy khối nước khổng lồ lên cao, rồi rơi xuống, tạo ra những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền. Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu. Do lòng đất bị nứt ra tạo cơ hội cho những dòng mắc ma phun trào. Những hiện tượng này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra những tai họa không lường.
Tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, gây sạt lở đất, lở tuyết, phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất, thay đổi địa hình trên diện tích lớn, thay đổi cả dòng sông, nhìn thấy mặt đất nổi sóng. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.
Nếu động đất xảy ra trong đất liền, biển nội địa hay các hồ nước lớn bị tác động bởi những dịch chuyển của đất đá dưới mặt nước. Nhưng khi động đất xảy ra ngoài biển và có cường độ hơn 6,5 độ Richter thì có thể sinh ra sóng thần có sức tàn phá rất lớn như chúng ta thấy tại Nhật vừa qua hay ở các nước Nam Á năm 2004. Các đợt sóng thần mang theo lượng năng lượng khổng lồ vì chúng do những khối lượng nước rất lớn tạo ra sau khi có một trận động đất bất thình lình dịch chuyển một diện tích đáy biển hàng nghìn cây số vuông chỉ trong vài giây đồng hồ rồi truyền năng lượng thẳng lên bề mặt.
(Xem Phụ Lục 1: Những trận động đất lớn trên thế giới)

7. Khí hậu biến đổi

Nguyên nhân sau cùng của các cuộc đại tuyệt chủng là sự ấm lên hoặc lạnh đi trên toàn quả đất. Lạnh và băng hà dẫn đến những cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Ordovic, Permi-Trias, và cuối Devon. Nhiệt độ sụt giảm giết chết một số chủng loài, mực nước biển hạ thấp vì nước bị đóng băng và còn có một số hiệu ứng kinh hoàng hơn.
Khí hậu nóng lên làm băng ở Bắc cực tan nhưng lại mang đến không khí lạnh cho một số khu vực, trong đó có nam cực. Trái Đất ấm lên, hiểu đơn giản, sẽ khiến băng tan nhanh. Băng tan không chỉ khiến nhiệt độ Trái Đất tăng theo mà còn khiến mực nước biển dâng cao.

* Bão tuyết
Bão tuyết lớn (tiếng Anh: Blizzard) là một cơn bão tuyết dữ dội, bởi gió mạnh ít nhất 35 mph (56 km/h) trong một khoảng thời gian dài. Một trận bão tuyết mặt đất (ground blizzard) là tuyết không rơi nhưng tuyết trên mặt đất được nâng lên bởi gió thổi mạnh. Hiện tượng bão tuyết luôn đi kèm theo mưa tuyết, gió thổi mạnh, gây ra hiện tượng sạt lở tuyết, có thể làm nhiệt độ hạ thấp gần -50 °C. Đây là một thiên tai vô cùng nguy hiểm.
Các hình thức bão ngày nay khác nhiều so với 30 hoặc 40 năm trước, vì sự nóng lên toàn cầu. Giá rét, bão tuyết bất thường hoành hành nhiều nơi trên thế giới.
(Xem Phụ Lục 2: Những trận bão tuyết kinh hoàng trong lịch sử)

* Băng tan
Guardian trích dẫn nghiên cứu mới nhất của giới khoa học, cảnh báo: Chỉ tính riêng dãy núi Alps ở châu Âu, nếu khí thải tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, toàn bộ lượng băng sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi thung lũng Alps cuối thế kỷ này. Vào năm 2050, một nửa sông băng trong tổng 4000 sông băng tại Alps sẽ biến mất do ấm lên toàn cầu vì bị hun nóng bởi khí thải công nghiệp từ cách đây nhiều năm. Khi nhiệt độ tăng, mùa hè không chỉ kéo dài, nhiệt độ tăng liên tục gây sóng nhiệt (được mệnh danh là sát thủ tự nhiên thầm lặng) mà khi đó đại dương được ví như "quả bom nổ chậm" bởi tất cả các cơn bão hình thành ngoài đại dương đến từ các dòng nước ấm. Việc mực nước biển dâng cao khiến cho các khu vực ven biển, hải đảo có nguy cơ bị nhận chìm dưới dòng nước mặn.
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP=Institute of Atmospheric Physics) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, năm 2018 đánh dấu là năm nóng kỷ lục của đại dương trong lịch sử 70 năm trở lại đây. Cụ thể, đại dương trên toàn thế giới đã hấp thu một lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" của Mỹ ném xuống Hiroshima.
Nhiệt độ Trái đất tăng một cách đều đặn có liên quan đến những cuộc tuyệt chủng Paleocene-Eocene Thermal Maximum, tuyệt chủng Trias-Jura, và tuyệt chủng Permi-Trias. Vấn đề dường như xuất phát từ việc nhiệt độ tăng quá cao đã làm cho nước, dẫn đến hiện tượng nhà kính và gây ra các sự kiện thiếu khí trong đại dương. Trên Trái Đất, những sự kiện này qua thời gian luôn được cân bằng trở lại, tuy nhiên một số nhà khoa học tin rằng có khả năng Trái Đất sẽ như Sao Kim – trong tình huống đó, hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ khiến toàn bộ hành tinh tuyệt diệt.
Tổ chức Khí tượng Thế giới xác minh báo cáo nhiệt độ tại thị trấn Verkhoyansk thuộc tỉnh Siberia của nước Nga đã lên mức kỷ lục 38 độ C vào ngày 20/6/2020 vừa qua. Dù thông tin này có được xác nhận hay không, các chuyên gia của cơ quan này cũng bày tỏ lo ngại về hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn lãnh thổ Nga ở cực Bắc đang nằm trong vùng báo động đỏ.

* Hạn hán


Hạn hán là thời kỳ khô hạn kéo dài trong chu kỳ khí hậu tự nhiên, có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Đây là một hiện tượng khởi phát chậm có nguyên nhân từ thiếu hụt lượng mưa. Các yếu tố đồng thời xuất hiện như nghèo đói và sử dụng đất không phù hợp cũng làm tăng khả năng hạn hán. Kể từ thời xa xưa, hạn hán là một đặc điểm tự nhiên trong chu kỳ thay đổi khí hậu. Nhưng tần suất, cường độ và thời gian hạn hán gần đây gia tăng ở một số nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu, cùng với sự tăng trưởng dân số và kinh tế.
Nắng nóng do khí hậu thời tiết bất thường gây nên, lượng mưa thường xuyên ít ỏi hoặc thiếu hụt. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO=World Meteorological Organization), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office=Meteorological Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu và khu vực. Mưa rất ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn. Lượng mưa trong khoảng thời gian dài thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Nắng nóng còn do con người gây ra. Tình trạng phá rừng bừa bãi làm mất nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước trồng cây cần nhiều nước (như lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều; công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, vùng nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ, còn vùng thiếu nước (nguồn nước tự nhiên) lại bố trí xây dựng công trình lớn; tình trạng chăn thả quá mức làm xói mòn đất, thảm thực vật.
Theo thống kê, hạn hán là thảm họa thiên nhiên gây tốn kém nhất thế giới, chiếm 6-8 tỷ đô la Mỹ hàng năm và ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kỳ loại hình thảm họa tự nhiên nào khác. Kể từ năm 1900, hơn 11 triệu người đã chết vì hạn hán và 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng. Hơn 2 tỷ ha đất nông nghiệp trước đây đã bị thoái hóa và hiện nay không còn khả năng sản xuất. Đây là một phần của quá trình sa mạc hóa - một trong số những thách thức về môi trường lớn nhất trong thời đại chúng ta.
Đã có quá nhiều cảnh báo nhưng dường như số đông của nhân loại vẫn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm mà không làm được gì cụ thể. Theo nghiên cứu mới, khi nhiệt độ thế giới tăng thêm 2 độ C, nguy cơ giai đoạn nắng nóng kéo dài hơn 2 tuần sẽ tăng 4% so với hiện nay, thậm chí là còn lâu hơn tại phía Đông của Bắc Mỹ, Trung Âu và Bắc Á.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy tình trạng nắng cực nóng trở nên trầm trọng hơn trong năm 2018 và 2019 khi 2 mùa hạn hán liên tiếp đã tác động đến hơn một nửa khu vực Trung Âu bao gồm các khu vực ở Đức, Pháp, Ba Lan, Thụy Sĩ, Italy, Áo, CH Czech, Bỉ, Slovenia, Hungary và Slovakia. Các nhà nghiên cứu ở Đức và Séc đã phân tích dữ liệu từ năm 1766 và kết luận rằng đây là đợt khô hạn quy mô lớn nhất cũng như nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận trong vòng 250 năm qua, gây ảnh hưởng đến cây trồng và đất canh tác nông nghiệp.
Theo kịch bản khí nhà kính phát thải ra môi trường tiếp tục tăng, các nhà nghiên cứu dự báo số đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài 2 năm sẽ tăng gấp 7 lần ở châu Âu trong nửa cuối của thế kỷ 21 này. Theo đó, tổng cộng 40 triệu hécta đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, tương đương với 60% diện tích đất canh tác trong khu vực.
(Xem Phụ Lục3: Những trận hạn hán lớn trong lịch sử thế giới)

* Cháy rừng


Cháy rừng là một vấn đề nan giải đối với thế giới ngày nay, và việc Trái Đất nóng lên đang khiến tình hình ngày một tệ hại. Những đám cháy rừng thường có hai nguồn gốc phát sinh từ tác động con người hoặc những điều kiện thời tiết trong thiên nhiên. Phát sinh từ con người thường được hiểu là đốt rừng để lấy đất trồng trọt. Cháy rừng tự phát sinh trong tự nhiên là do khí hậu ấm và khô. Sâu bọ và dịch bệnh phát triển mạnh làm cho cây cối phát triển yếu hơn, cánh rừng sẽ gồm nhiều cây bị chết, gỗ khô và các hiện tượng thời tiết sẽ tạo ra một trận hỏa hoạn thật lớn. Từ tháng 1 đến hết tháng 11/2019, CAMS (California Academy of Mathematics and Science=Học viện Toán học và Khoa học California) tính toán có khoảng 6375 megaton (1 megaton = 1.000 tấn) CO2 bị đẩy lên khí quyển từ các vụ cháy rừng.
(Xem Phụ Lục 4: Các trận cháy rừng trong thời gian gần đây)

* Bão lụt
Hàng năm, rất nhiều tin tức về bão lụt, cơn lốc xoáy gia tăng tại nhiều nơi. Thời tiết thay đổi đem đến mưa đá, tuyết rơi vào mùa hè, lũ lụt, hạn hán...Các chuyên gia khí tượng học nhận định, các siêu bão sẽ xuất hiện sớm hơn, tần suất dày hơn và khó lường hơn (xác định sức mạnh cũng như khả năng hủy diệt của nó). Trung bình mỗi năm, rất nhiều quốc gia ven biển và quốc đảo phải hứng chịu tác động khủng khiếp từ các siêu bão.
Lũ lụt có thể cực kỳ nguy hiểm, dòng nước dữ dội, đủ mạnh có khả năng quét sạch toàn bộ một thành phố khỏi bản đồ thế giới, không chỉ vậy, các trận lụt kéo theo những hậu quả đáng gờm như nạn đói, bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm nguồn nước… Dòng nước lũ có thể phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái, tiêu diệt một phần hay toàn thể thế giới trong một tích tắc.
(Xem Phụ Lục 5: Một số trận lũ lụt kinh hoàng nhất lịch sử hiện đại
Xem Phụ Lục 6: 10 cơn bão lớn nhất ghi nhận trong lịch sử hiện đại)

8. Hủy diệt sinh học

Có rất nhiều cách để thế giới bị diệt vong, không cần phải đợi đến khi thiên thạch đâm xuống hay núi lửa phun trào. Con người hoàn toàn đủ khả năng gây ra một sự kiện cấp độ tuyệt chủng thông qua một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu qua những hoạt động thường ngày, hoặc bằng cách tiêu diệt các chủng loài khác dẫn đến sụp đổ toàn bộ hệ sinh thái.
Điều kinh khủng nhất là các sự kiện tuyệt chủng thường xảy ra từ từ, một hiệu ứng dây chuyền như là “một sự tuyệt chủng tạo đà cho một sự tuyệt chủng khác”, trong đó một sự kiện làm tuyệt chủng một vài loài, sau đó dẫn đến một sự kiện tiếp theo tiêu diệt nhiều chủng loài khác. Do đó, bất kỳ cuộc tuyệt chủng nào cũng thường bao gồm nhiều nguyên nhân. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, Trái Đất đang trải qua quá trình mang tên "Hủy diệt Sinh học" (Biological Annihilation). Theo tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS=Proceedings of the National Academy of Sciences - Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ), sự tuyệt chủng của các loài trên Trái Đất đang trong giai đoạn suy giảm khổng lồ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng hệ sinh thái và cơ sở để duy trì nền văn minh hiện đại. Cụ thể, người ta ước tính rằng 42% trong số 3.623 loài động vật không xương sống trên cạn và 25% trong số 1.306 loài động vật không xương sống biển hiện nay đã nằm trong danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN=International Union for Conservation of Nature), ở hạng mục "Bị đe dọa tuyệt chủng". Trong 177 loài động vật có vú thì 30% trong số đó đã tuyệt chủng; và hơn 40% đang suy giảm số lượng nghiêm trọng. Chưa hết, gần 200 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng chỉ trong vòng 100 năm qua, nghĩa là cứ trung bình mỗi năm có ít nhất 50 loài động vật ở ngưỡng bị tuyệt chủng, trong đó loài vượn cáo được cảnh báo lên tới 94% - “cực kỳ nguy hiểm”.
Đa dạng sinh học, hay nói cách khác tất cả những gì liên quan đến sự sống là một thực tế vô cùng phức tạp. Những gì mà con người biết rõ cho đến nay, vẫn còn là một phần nhỏ. Ngay trong cơ thể chúng ta, số lượng các tế bào vi khuẩn cũng đã nhiều hơn gấp bội số lượng tế bào của toàn cơ thể. Tuy nhiên, dù còn vô số giống loài sinh vật trên trái đất chưa được biết, viễn cảnh tuyệt chủng của sinh học không phải là điều gì xa xôi, do những biến đổi ghê gớm của khí hậu, đặc biệt là sự khai thác bừa bãi của con người đe dọa các hệ sinh thái. Giới nghiên cứu nhận định, tốc độ tuyệt chủng hiện nay lớn nhất, nhanh gấp 4.000 lần được ghi nhận kể từ khi khủng long bị xóa sổ trên Trái Đất.
Năm 2018, các nhà khoa học kết luận, trong vòng 50 năm nữa, kể cả khi loài người hoàn toàn biến mất thì Trái Đất cũng phải mất đến 5 triệu năm nữa mới có thể phục hồi đến thời điểm hiện tại! Và phải mất đến 10 triệu năm nữa mới có thể phục hồi về thời kỳ Trái Đất chưa có con người xuất hiện.
Nghiên cứu này được công bố trên tập san Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nêu ra sự suy giảm với tốc độ tăng vọt như vậy phần lớn là do các hoạt động của con người, như tàn phá rừng hay săn bắt quá mức. Các nhà nghiên cứu đã nêu cụ thể các loài động vật như tê giác Sumatran, chim tiêu đảo Clarion, rùa khổng lồ Espanola và ếch Harlequin là những giống sinh vật đang cực kỳ khan hiếm. Theo như ước tính của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, chỉ còn 80 cá thể tê giác Sumatran trên hành tinh đang sống tại Indonesia. Trong khi đó, rùa khổng lồ Espanola đã được xếp vào Sách đỏ IUCN vì chỉ còn tổng cộng từ 100 đến 200 cá thể. San hô cũng có những dấu hiệu đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Một nghiên cứu khác công bố ngoài tình trạng biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng cao, ước tính mỗi năm, có khoảng 6 triệu tấn rác thải nhựa được "xả" trực tiếp dưới các đại dương và phần lớn trong số đó là nhựa - sản phẩm nhựa, túi nilon. ngập ngụa dưới biển... Các sản phẩm này phải cần tới 500 năm để phân hủy được, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tồn tại nhiều hơn gấp nhiều lần tuổi thọ của sinh vật trên Trái đất. Điểu nầy có thể “quét sạch” một nửa số động thực vật trước năm 2070. Nếu như nhiệt độ trung bình của thế giới tăng thêm 0,5 độ C, khoảng một nửa các giống loài trên hành tinh sẽ bị tuyệt chủng cục bộ. Nếu con số đó tiến đến mức 2,9 độ C, 95% loài sẽ biến mất. Một điều tất yếu, sinh vật chết kéo theo ô nhiễm nguồn nước, rạn san hô bị hủy diệt, dịch bệnh kéo dài, các hoạt động của con người như làm nông nghiệp, đánh bắt thủy sản... cũng theo đó mà ảnh hưởng theo. Nó như một vòng luẩn quẩn khiến cho loài người bị cuốn vào vòng xoáy của môi trường.


Cá chết trắng hàng loạt từ hàng ngàn con đến hàng triệu con một cách bất thường trong các quần thể cá tự nhiên hay cá nuôi. Nguyên nhân phổ biến nhất là sự suy giảm nồng độ oxy trong nước, có thể là do các yếu tố như hạn hán, tảo xâm lấn, nhiễm độc, thủy triều đỏ hoặc một sự gia tăng nhiệt độ trong nước. Các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng cũng có thể dẫn đến cá chết hàng loạt. Độc tính cũng là một nguyên nhân thực sự nhưng ít phổ biến của hiện tượng cá chết. Việc lượng lớn tảo lục lam phân hủy và hút oxy trong nước được cho là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. George Jackman, quản lý khôi phục môi trường sống của tổ chức bảo vệ môi trường Riverkeeper, cho biết thời tiết nắng nóng khiến nước sông ấm lên và chứa ít oxy hơn. Tình trạng càng trở nên trầm trọng do tảo phát triển mạnh nhờ phân bón và nước thải chảy ra sông. Jackman cũng nhấn mạnh hiện tượng cá chết tập thể là dấu hiệu dòng sông đang bị mất cân bằng.
(Xem Phụ Lục 7: Vài số liệu các loài vật chết hàng loạt trên thế giới từ năm 2015)

Loài người xuất hiện trên Trái Đất như một quy luật tất yếu của tạo hóa. Tuy nhiên, phát triển theo thời gian, con người lại là nguyên nhân tạo ra sự tuyệt chủng muôn loài. Liệu con người có chịu chung số phận với loài khủng long hay còn chút cơ hội để sửa sai và may mắn sống sót để khôi phục nguyên trạng từ một thế giới nguyên sơ?

Lê Tấn Tài
(Tham khảo các tài liệu trên Internet)

----------------------------------------------

PHỤ LỤC 1: Những trận động đất lớn trên thế giới

- Vào sáng ngày thứ 4, 18 tháng 4 năm 1906, vết đứt gẫy San Andreas chuyển động, gây nên một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tàn phá hầu như toàn bộ thành phố San Francisco, giết hại 3,000 người. Chấn tâm nằm ở ngoài khơi cách thành phố 3 km, gần Mussel Rock. Nó gây vỡ dọc theo đứt gãy San Andreas về cả hướng bắc và nam với tổng chiều dài 477 km. Rung động có thể cảm nhận được từ Oregon đến Los Angeles, và nội địa như Nevada. Động đất và cháy nổ được xem là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trước đó, ngày 31/1/1906, ngoài khơi bờ biển Ecuador, một trận động đất mạnh 8,8 độ Richter, gây sóng thần, ít nhất 500 người chết.
- Trận động đất xảy ra ở dải Messina ngăn cách Sicily và Calabria vào ngày 28/12/1908 được xác định mạnh 7,5 độ Richter. Nó kéo theo một cơn sóng thần cao 12 m càn quét bờ biển Italy. Hơn 80.000 người chết và hàng chục thị trấn bị phá hủy. Các cư dân tại Messina phải đến định cư tại các thành phố khác ở Italy.
- Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter năm 1920 tại Haiyuan, Ninh Hạ, Trung Quốc khiến các con sông đổi dòng chảy và một loạt núi sụp đổ. Sự tàn phá xảy ra đồng loạt trên 7 tỉnh Trung Quốc. Ước tính 200.000 người thiệt mạng trong thảm họa này.
- Đúng trưa ngày 1/9/1923, một trận động đất mạnh 7,9 Richter làm rung chuyển toàn bộ khu vực Tokyo-Yokohama. Rung chấn khiến hầu hết các tòa nhà sụp đổ và kéo theo một cơn sóng thần cao 12 m. Nhưng hậu quả của nó còn kéo dài trong nhiều ngày, một loạt trận hỏa hoạn diễn ra sau vụ động đất khiến 90% các tòa nhà của Yokohama bị hư hỏng nặng, khoảng 2/5 thành phố Tokyo bị phá hủy, một nửa dân số bị mất nhà cửa. Gần 143.000 người chết.
- Chỉ trong vòng vài phút, một trận động đất mạnh 7,3 Richter (1948) đã biến thành phố Ashgabat thành một đống đổ nát. Hàng nghìn bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác từ Moscow và các thành phố khác được huy động tới để cứu trợ người dân Turkmenistan. Bất chấp nỗ lực của họ, 110.000 người mất mạng.
- Ngày 15/8/1950, trận động đất cường độ 8,6 richter ở Tây Tạng giết chết ít nhất 780 người.
- Đại thảm họa động đất Valdivia (tiếng Tây Ban Nha: Terremoto de Valdivia) hoặc trận động đất lớn Chile (Gran terremoto de Chile) ngày 22 tháng 5 măm 1960 là động đất mạnh nhất 9,4 - 9,6 độ Richter. Kết quả là sóng thần ảnh hưởng đến miền nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, miền đông New Zealand, đông nam Australia và quần đảo Aleutian. Tổng số người thiệt mạng từ trận động đất và sóng thần đã được công bố khoảng 7.000 người.
- Động đất Alaska 1964, cũng gọi là Đại động đất Alaska, mạnh 9,2 độ Richter là trận mạnh thứ hai trong lịch sử địa chấn học mà con người đo được vào ngày thứ sáu Tuần Thánh, 27 tháng 3 năm 1964. Toàn bộ vùng trung-nam Alaska bị ảnh hưởng bởi mặt đất bị nứt, công trình sụp đổ và sóng thần xuất hiện khiến 143 người thiệt mạng. Sức mạnh của trận động đất tạo ra hiện tượng hóa lỏng đất trong vùng.
- Trận động đất xảy ra tại thị trấn ven biển Chimbote của Peru hôm 31/5/1970 mạnh 7,9 độ Richter và có tâm chấn nằm cách đó 24 km nhưng vẫn cướp đi sinh mạng của 70.000 người và khiến hơn 800.000 dân mất nhà cửa. Các trận lở đất cùng với các mảnh vỡ lao xuống với tốc độ 320 km/h từ ngọn núi Navado Huascaran phá hủy toàn bộ các làng mạc quanh đó. Sự rung chuyển còn cảm nhận được tại Lima - cách đó 640 km.
- Trận động đất mạnh thứ hai trong lịch sử cũng xảy ra tại Trung Quốc, lần này là ở tỉnh Đường Sơn, vào năm 1976. Đây được coi là trận động đất kép bởi cơn dư chấn xảy ra 16 tiếng sau cơn rung chuyển đầu tiên cũng mạnh 7,8 độ Richter. Số người thiệt mạng ước tính lên tới 250.000.
- Vào năm 1989, tại Loma Prieta gần thành phố du lịch Santa Cruz, và cũng không xa thung lũng điện tử Silicon Valley, San Jose, một trận động đất 7 độ Richter đã xảy ra làm 63 người chết và hàng ngàn người bị thương. California nằm tại vùng tiếp nối giữa vỏ đại dương Thái Bình Dương bên dưới và vỏ lục địa Bắc Mỹ bên trên. Và vết đứt gẫy San Andreas, nổi tiếng nhất nước Mỹ và toàn thế giới lại nằm ở California. Vết đứt gẫy này chạy dọc từ Bắc xuống Nam tiểu bang California. Các thành phố lớn và phồn thịnh của tiểu bang này đều nằm dọc theo Andreas: San Francisco, San Jose, San Mateo, Millbrae…
- Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,2 độ Richter làm rung chuyển đáy biển Ấn Độ Dương, tạo ra sức mạnh tương đương 23.000 quả bom nguyên tử. Cơn động đất mạnh nhất trong 40 năm đã tạo ra một cơn sóng thần khủng khiếp, với những con sóng khổng lồ cao 15 m, tràn vào bờ biển của 11 nước. Hàng trăm người bị lôi ra biển trong khi những người khác chết chìm trong các ngôi nhà của mình. Con số thiệt mạng chính thức được báo cáo là gần 227.900 người.
- Trận động đầt ở Kashmir xảy ra vào ngày 8/10/2005, với cường độ 7,6 độ Richter, cơn địa chấn giết chết 79.000 người và khiến hàng triệu dân mất nhà cửa.
Trước đó, ngày 28/3/2005, trận động đất Bắc Sumatra, Indonesia, cường 8,6 độ Richter, khoảng 1.300 người chết.
- Hơn 87.000 người chết trong trận động đất kinh hoàng năm 2008 ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), khiến 10 triệu người mất nhà cửa. Thảm họa mạnh 7,9 độ Richter làm rung chuyển toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên, phá hủy hàng triệu công trình, gây ra thiệt hại ước tính 86 tỷ USD. Gần 10.000 trẻ em chết trong các trường học bị sụp đổ.
- Trận động đất làm rung chuyển Haiti vào ngày 12/1/2010 mạnh 7 độ Richter, có tâm chấn nằm cách thủ đô Port au Prince khoảng 25 km về phía tây. Một loạt các dư chấn sau đó đã được ghi nhận, trong đó có 14 dư chấn có độ mạnh 5 - 5,9 độ Richter.
- Ngày 27/2/2010, một trận động đất 8,8 độ richter, rung chuyển Chile, tạo ra một cơn sóng thần và giết chết 524 người.
- Trưa ngày 11/3/2011, một cơn động đất mạnh 9 độ Richter tấn công vùng ven biển đông bắc Nhật Bản. Cơn địa chấn mạnh tiếp tục có sức hủy diệt ghê gớm khi kéo theo một cơn sóng thần trùm lên ba tỉnh đông bắc Nhật. Hơn 20.000 người đã chết hoặc mất tích chỉ trong khoảnh khắc.
- Trận động đất cường độ 7,8 richter xảy ra vào ngày 25/4/2015 làm rung chuyển thủ đô của Nepal là trận động đất tồi tệ nhất ở quốc gia này trong hơn 80 năm qua, hơn 8.000 người chết và cũng là một trong những trận động đất mạnh nhất trên thế giới kể từ năm 1900.
- Ngày 16/4/2016, trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra tại bờ biển miền Trung Ecuador, mạnh nhất tại nước này trong nhiều thập niên.
Trước đó, tại Nhật Bản xảy ra liên tiếp 2 trận động đất 6,5 độ Richter và 7,3 độ Richter trong 2 ngày 14 và 16/4/2016 gây nhiều thiệt hại.
- Ngày 16/4/2016, trận động đất 7,8 độ Richter, xảy ra ngoài khơi duyên hải phía tây nam đảo Sumatra, Indonesia, có tâm chấn cách thành phố Padang 805km về phía tây nam, ở độ sâu 24km. Ít nhất 41 người chết. Indonesia và Australia ban hành cảnh báo sóng thần.
- Năm 2019, một trận động đất mạnh 7,1 độ đã làm rung chuyển các vùng phía Nam California. Đây là cơn chấn động mạnh nhất trong vòng 20 năm qua tại khu vực này. Hơn 24 giờ sau đó, cũng tại Ridgecrest, trận động đất thứ hai xảy ra với cường độ lớn hơn 7 độ Richter, không có thiệt hại nhân mạng. Tâm chấn của trận động đất gần thành phố Ridgecrest, khoảng 240km phía đông bắc Los Angeles.

PHỤ LỤC 2: Những trận bão tuyết kinh hoàng trong lịch sử

- Mùa đông năm 1880 -1881 được coi là mùa đông khắc nghiệt nhất từng được biết đến ở Hoa Kỳ. Từ tháng 10/1880 từ blizzard này đến blizzard khác rơi suốt mùa đông cho tới tháng 3 năm 1881. Bão tuyết lớn mang tuyết rơi dày đến nỗi những ngôi nhà hai tầng có tuyết lên tới cửa sổ tầng hai. Vào ngày 2 tháng 2 năm 1881, trận bão tuyết lớn thứ hai xảy ra kéo dài 9 ngày. Trong các thị trấn, những con đường được lấp đầy những đống tuyết đông cứng trôi dạt lên tới đỉnh nhà và đường hầm. Khi tuyết tan vào cuối mùa xuân năm 1881, nhiều vùng đồng bằng đã bị ngập lụt. Hầu hết các thị trấn Yankton, bây giờ là Nam Dakota, đã bị quét sạch khi nước sông tràn lên bờ.
- Trận bão tuyết năm 1972 ở Iran đã làm 4.000 người thiệt mạng. Tuyết rơi xuống nhiều dày đến 7.9 m, bao phủ toàn bộ 200 ngôi làng. Sau khi tuyết rơi kéo dài gần một tuần, một diện tích lớn hoàn toàn bị chôn vùi dưới tuyết.
- Trong trận bão tuyết năm 1977 tại Buffalo, New York, tuyết rơi dày đến mức mặt đường được nâng cao, người đi đường có thể chạm tay vào đèn giao thông. Đây là trận bão tồi tệ nhất trong lịch sử với sức gió 70 dặm mỗi giờ và nhiệt độ có nơi xuống tới -60 °C. Nhiệt độ xuống thấp tới mức cốc nước sôi vừa đổ ra đã đông đá.
Khu vực gần Lovund, một hòn đảo nhỏ cách bờ biển phía Bắc của Na Uy vài dặm, nhiệt độ chỉ -7 °C, nhưng cơn gió lạnh đã khiến cả đàn cá bị đóng băng tại chỗ.
Nhiệt độ tại Hà Nội lúc bấy giờ ghi nhận 5,4 °C.
- Bão của thế kỷ, còn được gọi là Great Blizzard năm 1993, là một trận lốc xoáy lớn đã hình thành trên Vịnh Mexico vào ngày 12 tháng 3 năm 1993 và tan rã ở Bắc Đại Tây Dương vào ngày 15 tháng 3. Trận bão độc đáo với cường độ mạnh, kích thước lớn và hiệu quả rộng. Cơn bão kéo dài từ Canada về phía Trung Mỹ, nhưng tác động chính của nó là về phía Đông Hoa Kỳ và Cuba. Các khu vực ở phía Nam Hoa Kỳ nhận được tuyết từ 15 đến 41cm (6 đến 16 inch). Tổng cộng 310 người, trong đó có 10 người Cuba, đã thiệt mạng trong cơn bão này.
- Mùa đông 2010, từ ngày 27/12, một đợt mưa tuyết và không khí lạnh bổ sung đã bao phủ hầu như toàn bộ khu vực bắc Bán cầu, gây trở ngại lớn cho giao thông ở nhiều nước. Tuyết vẫn rơi dày tại nhiều nơi ở châu Âu.
- Mùa đông 2014, tuyết rơi dày đặc khu vực núi Alps của Pháp. Nhiệt độ tại Mỹ đã xuống đến mức thấp kỷ lục, khiến một số nơi có lúc còn lạnh hơn cả Bắc Cực. Theo Hãng tin AFP, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS=National Weather Service) cho biết thị trấn Embarrass ở bang Minnesota ghi nhận có nhiệt độ thấp nhất tại Mỹ -37 °C. Tuy nhiên, nếu tính cả tác động của gió thì nhiệt độ giảm xuống mức kỷ lục -52 °C tại một số khu vực bang Montana và dao động mức -40 °C đến -50 °C ở nhiều nơi. Các bang vốn ấm áp như California và Florida cũng không thoát cái lạnh -0 °C. Thậm chí tại một vài khu vực ở bang Hawaii thuộc miền nhiệt đới, nhiệt độ cũng xuống -70 °C. Các chuyên gia cho biết lúc đó nhiệt độ tại Mỹ còn thấp hơn cả nhiệt độ bề mặt sao Hỏa xa xôi lạnh lẽo. Trong những ngày này, robot tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng Không Vũ Trụ Mỹ (NASA) thông báo nhiệt độ trên bề mặt sao Hỏa là -25 °C đến -31 °C. Tình hình tại Canada cũng tồi tệ không kém với nhiệt độ một số nơi giảm xuống -50 °C.
Hơn 50.000 người được huy động dọn tuyết ở một thành phố thuộc vùng đông bắc của Trung Quốc, sau khi đô thị này phải đối mặt với trận bão tuyết tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua.
Thành phố Sendai ở miền bắc nước Nhật hứng lượng tuyết dày 35 cm, cao nhất trong 78 năm qua, còn tại thủ đô Tokyo, lượng tuyết được ghi nhận là dày 27cm, nghiêm trọng nhất kể từ năm 1969.
- Mùa đông 2016, bờ Đông của Mỹ đương đầu với "tình trạng bão tuyết đe dọa tới tính mạng", và trận bão duy nhất trong một thế hệ tiếp tục dội tuyết xuống nhiều bang, từ bắc Georgia tới New Jersey. Sau khi đổ gần 60 cm tuyết xuống Washington, bão tuyết tiếp tục mạnh thêm khi tiến về phía bắc và New York, nơi có 20 triệu người đang sinh sống.
- Mùa đông 2018, nhiệt độ tại nhiều nước châu Âu xuống thấp kỷ lục, kéo theo trận bão tuyết bất thường vào thời điểm cuối tháng. Khối khí lạnh “Quái vật phương Đông” từ vùng Siberia khiến giá rét và bão tuyết bất thường càn quét nhiều nước châu Âu vào thời điểm cuối tháng 2. Tại Croatia, tuyết rơi dày kỷ lục, đặc biệt là khu vực vùng núi Lika và Gorski. Tại Italy, đất nước nằm phía Nam châu Âu vốn ít khi chứng kiến các đợt lạnh khắc nghiệt, nhiệt độ thấp kỷ lục cũng được ghi nhận ở vùng núi phía Bắc nước này, ở mức -40 °C. Tại thủ đô Roma, tuyết rơi dày đặc khiến giao thông gần như bị đình trệ hoàn toàn.
Các khu vực của các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam và Giang Tây (Trung Quốc), lượng tuyết rơi dày có thể cao tới 15 cm.
Tuyết đổ xuống thủ đô Moscow bằng phân nửa lượng tuyết rơi cả tháng. Có nơi tuyết phủ dày hơn 40 cm.
- Mùa đông 2020, nhiều nơi trên thế giới phải trải qua điều kiện thời tiết bất thường với giá rét, bão tuyết kinh hoàng, như: Mỹ, Canada, châu Âu và Trung Quốc…
Miền Đông nước Mỹ và Canada tiếp tục trải qua thời tiết giá lạnh khắc nghiệt khi nhiệt độ trong ngày 6/1/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tại Mỹ, vùng Mount Washington ở New Hampshire khu vực được xem là nơi lạnh nhất thế giới với nhiệt độ trong không khí xuống mức -40 °C, có lúc xuống đến -70 °C, với sức gió di chuyển lên tới 144km/giờ, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 100 triệu người. “Bom bão tuyết” ngày 4/1/2020 gây ra hiện tượng tuyết rơi dày và giá rét đã hoành hành tại khu vực này. Trong khi đó, tại Canada, nhiệt độ tại khu vực phía Bắc tỉnh Ontario và Quebec đã xuống -50 °C.
Không chỉ tại Bắc Mỹ, người dân châu Âu cũng chật vật vì cơn bão tuyết có tên Eleanor. Cơn bão tuyết được xem là một trong những trận bão tuyết nghiêm trọng nhất ở khu vực này trong vài năm gần đây. Đã có báo cáo thiệt mạng tại Thụy Điển, Slovenia, Ba Lan, Anh và Czech. Khu vực dãy núi Alps của Pháp ngày 4/1/2020 đã được đặt trong tình trạng cảnh báo lở tuyết ở mức cao nhất. Tại Thụy Sĩ, bão Eleanor làm nhiều cây đổ và lật một toa tàu khiến 9 người bị thương. Tại Áo, vùng Tyrol đã ban bố mức cảnh báo cấp 4 trong thang cảnh báo gồm 5 mức đối với một số vùng.
Bão tuyết cũng hoành hành tại Trung Quốc. Tại một số khu vực tuyết có thể rơi dày tới hơn 10cm.

PHỤ LỤC 3: Những trận hạn hán lớn trong lịch sử thế giới

- Hạn hán ở Úc, 1982-1983
Năm 1982-1983 là đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Australia trong thế kỷ XX. Đợt hạn hán này bắt đầu vào mùa thu năm 1982, với sự thiếu hụt lượng mưa nặng nề ở phía đông Úc và sự xuất hiện của sương giá lạnh càng khiến thời tiết trầm trọng hơn trong tháng Sáu và tháng Bảy. Thời điểm đó, lượng nước ở thượng nguồn sông Murrumbidgee và các hồ chứa khắp miền đông nam Úc giảm đến mức chưa từng có trước đó.
- Hạn hán ở Ethiopia, 1983-1985
Nạn đói tồi tệ nhất xảy ra ở Ethiopia trong lịch sử hiện đại do một đợt hạn hán khắc nghiệt xảy ra trong khu vực, khiến hơn 400.000 ca tử vong.
- Hạn hán Trung Quốc năm 1941
Đây là thảm họa tồi tệ nhất hoàn toàn do hạn hán và thiếu mưa gây ra, gây thiệt hại hàng triệu cây trồng và thiếu lương thực, hậu quả là gần ba triệu người đã chết.
- Hạn hán ở Việt Nam năm 1944.
Việt Nam đã hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 1944. Hạn hán kết hợp với sâu bệnh, lũ lụt trong mùa thu hoạch và chính sách phá lúa trồng ngô của Nhật Bản đã dẫn đến nạn đói ở Việt Nam năm 1945 làm chết khoảng 2 triệu người. - Hạn hán ở Bắc Mỹ năm 2002
Hạn hán kéo dài và khá nghiêm trọng ở một số khu vực, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến miền Tây Hoa Kỳ, miền Trung Tây.
- Hạn hán ở Đông Phi năm 2011
Giữa tháng 7 năm 2011 và giữa năm 2012, một đợt hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn bộ Đông Phi. Hạn hán gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng khắp Somalia, Djibouti, Ethiopia, Kenya và đe dọa cuộc sống của hơn mười triệu người.
- Hạn hán ở Sahel năm 2012
Năm 2012, gần hai mươi triệu người ở tám quốc gia Tây Phi gồm các khu vực Sahel đã phải đối mặt với hạn hán khủng khiếp kèm theo loại cây trồng chết hàng loạt, bệnh dịch hạch bùng phát, xung đột vũ trang giữa các phe phái. Điều đó khiến họ lâm vào nạn đói, thảm họa này trở thành một trong những thảm cảnh tồi tệ nhất trên hành tinh trong những năm gần đây.
- Hạn hán ở Tây Ban Nha năm 2014
Năm 2014 nhiều nơi ở Tây Ban Nha bị hạn hán cường độ cao nhất trong hơn một thế kỷ rưỡi. Valencia và Alicante là hai trong những khu vực tồi tệ nhất bị ảnh hưởng. Theo cơ quan khí tượng của nước nước này, trong vòng 150 năm qua, họ chưa bao giờ chứng kiến ​​một đợt hạn hán dài và dữ dội như vậy.
- Hạn hán ở Brazil năm 2015
Hạn hán Brazil năm 2015, là một đợt hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến phía đông nam của Brazil bao gồm cả khu vực đô thị Sao Paulo và Rio de Janeiro. Đợt hạn hán này được mô tả là tồi tệ nhất trong 80 năm qua.
- Đợt hạn hán kéo dài ở Việt Nam năm 2016
Năm 2016, Việt Nam gánh chịu đợt hạn hán được cho là chưa từng có trong lịch sử 100 năm qua. Đợt hạn hán kèm theo xâm nhập mặn, sông ngòi trơ đáy, đất khô nứt nẻ. Tại nhiều cửa sông, độ mặn tăng lên mức hơn 30g/l. Trong đợt hạn hán này, có 13 tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long và 20 triệu người dân đã chịu ảnh hưởng. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, có khoảng 160.000 ha lúa bị thiệt hại, ước tính có khoảng 800.000 tấn lúa đã bị mất trắng. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn hán này là Kiên Giang (hơn 54.000 ha), Cà Mau (gần 50.000 ha), Bến Tre gần (14.000 ha), Bạc Liêu gần (12.000 ha).

PHỤ LỤC 4: Các trận cháy rừng trong thời gian gần đây

- Cháy rừng ở Nga (2015)
Từ 12-16/4/2015, một loạt các vụ cháy rừng đã lan rộng khắp miền Nam Siberia, Nga. Nguyên nhân do người dân đốt cỏ nông nghiệp, lửa bị mất kiểm soát khi gặp những cơn gió mạnh ở Khakassia. Thời tiết ấm và khô đã làm cho đám cháy nhanh chóng lan rộng vào khu vực rừng. Có 86 vụ cháy rừng được báo cáo ở Zabaykalsky trong 2 ngày 13-14/4/2015. Các vụ cháy xảy ra gần thành phố Chita, đe dọa đến kho chứa vũ khí gần đó. Theo Russia Today, có ít nhất 23 người chết và hơn 900 người bị thương trong vụ cháy rừng này.
- Cháy rừng ở Hy Lạp (2018)
Đám cháy bùng phát tối 23/7/2018 tại thị trấn Rafina, Hy Lạp, sau đó nhanh chóng lan đến khu nghỉ dưỡng Mati, cách Thủ đô Athens 29km về phía Đông Bắc. Hơn 600 nhân viên chữa cháy và 300 phương tiện tham gia khống chế đám cháy. Ngày 24/7/2018, giới chức trách ở Hy Lạp cho biết, số người thiệt mạng do cháy rừng lên tới 74 người, 187 người bị thương trong đó có 23 trẻ em, hàng trăm người mất tích. Con số trên đã vượt quá số thương vong kỷ lục năm 2007, khi xảy ra đợt cháy rừng ở vùng Peloponnese, miền Nam Hy Lạp, làm 70 người thiệt mạng.
- Cháy rừng ở California (2018)
Tính đến ngày 11/11/2018, các vụ cháy đã gây ra thiệt hại hơn 2.975 triệu USD, bao gồm 1366 triệu USD chi phí dập lửa. Vào giữa tháng 7-8/2018, một loạt các vụ cháy rừng lớn xảy ra khắp California bao gồm cả trận hỏa hoạn Carr tàn phá và trận hỏa hoạn phức hợp Mendocino. Ngày 4/8/2018, một thảm họa chảy rừng đã diễn ra ở Bắc California. Vào tháng 11/2018, gió phơn (foehn=gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng) gây ra hỏa hoạn lớn, tàn phá khắp bang. Mỹ đã huy động tới gần 6.000 lính chữa cháy chuyên nghiệp và các phương tiện chữa cháy tối ưu nhưng phải mất hơn 3 tuần mới khống chế được vụ hỏa hoạn. Vụ cháy đã khiến 84 người thiệt mạng, thiêu rụi diện tích 680km2 bao gồm 20.000 ngôi nhà, làm hơn 1000 người mất tích.
- Cháy rừng ở Bắc Cực (2019)
Hàng trăm vụ cháy xảy ra tại vành đai Bắc Cực trong năm 2019, đẩy một lượng carbon khổng lồ vào khí quyển và khiến khí hậu trở nên ngày càng tồi tệ. Nền nhiệt cao làm bùng phát các vụ cháy rừng bất thường ở khắp những khu rừng hẻo lánh và vùng đồng bằng lạnh lẽo. Lửa sau đó đã lan rộng ra vùng đất than bùn vốn ngập nước ở điều kiện bình thường. Đáng lưu ý là dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt đất liền trên Trái đất nhưng lượng carbon tập trung ở "bể than cổ đại" này nhiều gấp đôi tổng lượng nhiên liệu hóa thạch của các cánh rừng trên thế giới. Cảnh tượng những rừng thông chìm trong biển lửa hay những vùng đất than bùn biến thành ‘mồi ngon’ cho ‘giặc lửa’ đang xảy ra ở nơi ít ai ngờ - trị trấn Verkhoyansk thuộc tỉnh Siberia của nước Nga, vùng đất nằm ở phía bắc vòng Bắc Cực, vốn nổi tiếng vì mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ xuống tới âm 50 độ C. Các nhà khoa học lo ngại rằng đám cháy là dấu hiệu báo trước tình hình thời tiết tại đây trở nên hanh khô hơn, dẫn đến các vụ cháy rừng xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, đốt cháy than bùn và cây cối, qua đó giải phóng lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính - yếu tố làm Trái đất ấm lên.
- Cháy rừng ở Amazon, Brazil (2019)
Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Đây được coi là một khu dự trữ sinh quyển lớn của trái đất, là quê hương của 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật và khoảng hơn 2500 loài chim, thú động vật lưỡng cư và bò sát. Nó cũng là nơi sinh sống của hơn 30 triệu người. Không những thế, với diện tích hơn 550 triệu ha, khu rừng này đóng vai trò “sản xuất” 20% lượng oxy và hấp thu hơn 140 tỷ tấn carbon trên trái đất, nó góp phần không nhỏ làm chậm quá trình ấm lên trên toàn cầu.
Thật không may, do nạn chặt phá rừng bừa bãi, ngay lúc này, hàng nghìn vụ cháy rừng đang xảy ra tại Amazon, với mật độ dày đặc, tốc độ lan rộng nhanh và quy mô kỷ lục trong suốt thập kỷ vừa qua. Chúng lớn đến mức thậm chí có thể quan sát được từ vũ trụ. Theo Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE=Instituto Nacional de Pesquisas Espaciais), tính từ đầu năm đến nay, tại khu vực rừng Amazon thuộc Brazil đã xảy ra hơn 75.300 vụ cháy (tăng 85% so với năm 2018). Con số này đã góp phần làm tăng tổng số vụ cháy ở rừng Amazon lên đến hơn 140 nghìn vụ. Gần 79.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong 8 tháng đầu năm 2019, cao nhất kể từ năm 2013, và một nửa trong đó xảy ra tại rừng Amazon, nơi được coi là 'lá phổi xanh' của hành tinh.
Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil, riêng hai ngày 23 và 24/8 đã có hơn 1.600 đám cháy mới tiếp tục bùng phát tại Amazon. Cháy rừng ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 30 triệu người.
Amazon đang suy giảm cùng với đà phá rừng và hậu quả trước mắt của các vụ cháy rừng Amazon đó là một lượng rất lớn khí CO2 sẽ phát ra. Sự tàn phá này ảnh hưởng lớn đối với tính đa dạng sinh thái của con người và sinh vật trên toàn Thế giới.
Sau hàng loạt vụ cháy, toàn bộ hệ sinh thái của rừng mưa nhiệt đới cũng bị thay đổi. Ví dụ, các tán rừng dày đặc của Amazon - có nhiệm vụ che ánh nắng chạm tới mặt đất - bỗng nhiên phơi mình trơ trọi và không còn là nơi nương náu của hàng ngàn loài thú, bò sát, lưỡng cư và chim chóc sinh sống ở Amazon.
Tại một số cánh rừng như ở Mỹ và Úc, các vụ cháy thường xuyên (do nguyên nhân như sấm sét) lại là một phần của hệ sinh thái khỏe mạnh. Động vật cũng thích nghi với điều đó, thậm chí một số loài còn dựa vào đám cháy để sinh tồn. Ví dụ chim gõ kiến xanh hông đỏ. Nó sinh sống ở rừng phía tây nước Mỹ và chỉ làm tổ trên những thân cây bị cháy, ăn lấy những con bọ phá hoại gỗ, từ đó giúp cây cối tái sinh. Thế nhưng Amazon lại hoàn toàn khác biệt. Vốn là rừng mưa nhiệt đới, nó chứa đựng đời sống sinh vật vô cùng phong phú, vì mọi thứ tích tụ theo năm tháng mà chưa bao giờ bị "thiêu cháy". Trước đây, các đám cháy tự nhiên ở Amazon đều diễn ra với quy mô nhỏ, không thể vươn cao quá tán cây và sẽ bị mưa dập tắt nhanh chóng. "Về cơ bản, rừng Amazon đã không bị thiêu cháy trong suốt hàng trăm ngàn hay hàng triệu năm" - ông Magnusson nhận định. Nhiều loài lưỡng cư, bò sát vốn dựa vào màu sắc thân để ngụy trang vào vỏ cây, đột nhiên lại trở nên lộ liễu, biến thành con mồi dễ dàng. Và nếu chúng bị tận diệt, toàn bộ chuỗi thức ăn cũng đảo lộn theo. Một ví dụ khác là chim toucan. Với cái mỏ cong dài của mình, chúng có thể chạm vào các ngõ ngách để ăn trái cây mà nhiều con vật khác không chạm tới được. Nhưng sau vụ cháy, những loại hoa quả nào chưa bị thiêu rụi cũng sẽ phơi bày ra trước mắt - khiến nguồn thức ăn của chim toucan đã khan hiếm còn bị cạnh tranh gay gắt. Điều này có thể khiến số lượng cá thể loài sụt giảm nghiêm trọng. Những loài động vật sống dưới nước cũng không thoát khỏi bị liên lụy, nhất là ở kênh rạch hay sông nhỏ - nơi chứa đựng hệ động thực vật lớn đến đáng kinh ngạc. Ở những dòng suối chẳng hạn, lửa có khả năng cháy ngay bên cạnh và "bức tử" những loài lưỡng cư vì chúng cũng cần lên bờ trong nhiều hoạt động sống. Ngọn lửa còn có thể thay đổi các chất hóa học của môi trường nước và sát hại hàng loạt sinh vật trong đó.
- Cháy rừng ở Úc (2019)
Ngày 7/2/2009, các vụ cháy rừng đã lan ra khắp tiểu bang Victoria vùng Ðông Nam Úc. Đám cháy có chiều rộng lên đến 20km và lan nhanh với tốc độ 60km/giờ. Chỉ trong 1 ngày, đã có 298km2 bị thiêu rụi. Các ngọn lửa cao ngất đã thiêu hủy toàn bộ nhiều thị trấn tại Victoria, số người thiệt mạng lên đến 173 người (thống kê ngày 10/02/2009). Đây là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này. Biển lửa khủng khiếp đã thiêu hủy khoảng 750 căn nhà. Hơn 30.000 nhân viên được huy động để chữa cháy. Thiệt hại sau vụ cháy ước tính 10.000 người phải lưu lạc khi lửa thiêu rụi hơn 2.000 ngôi nhà. Số người chết là 210 người. Vụ cháy rừng này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Úc trong 110 năm. Cháy tại Úc thời gian gần đây đã khiến chất lượng không khí tại Sydney đi xuống, độ độc hại cao hơn ngưỡng thông thường tới 12 lần.
- Cháy rừng ở Trung Quốc (2019)
Ngày 30/3/2019, một vụ cháy rừng bất ngờ xảy ra tại làng Lập Nhĩ, thị trấn Nhã Lung Giang, huyện Mộc Lý, khu tự trị Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Ngọn lửa cháy cao đến 3,8m, địa hình tại khu vực lại hiểm trở, khắp nơi là dốc đứng và thung lũng sâu, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sét đánh. Ngày hôm sau, 689 nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng đến giải cứu khu rừng nguyên sinh cao 4.000m. Tuy nhiên, vì lực gió và hướng gió thay đổi đột ngột, khiến đám cháy bùng nổ lan khắp khu rừng khiến 30 nhân viên cứu hộ mất tích ngay hiện trường. Ngày 01/4/2019, đã tìm thấy được thi thể 30 người lính chữa cháy bị mất tích trong vụ cháy rừng ở tỉnh Tứ Xuyên, trong đó có 27 lính chuyên chữa cháy rừng và 3 lính chữa cháy nghiệp dư hỗ trợ ở địa phương.
- Cháy rừng ở Hàn Quốc (2019)
Ngày 05/4/2019, một trận cháy rừng dữ dội khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và buộc gần 10.000 người khác phải sơ tán khỏi nhà cửa. Đám cháy đã bao trùm khoảng 525ha rừng, ảnh hưởng đến 5 thành phố gần cảng Sokcho. Tốc độ gió khoảng 90 km/giờ đã khiến đám cháy lan rộng. Hơn 800 xe chữa cháy dân sự từ Seoul, 16.500 binh sỹ, 32 trực thăng quân sự và 26 xe chữa cháy quân sự đã được triển khai đến khu vực cháy nỗ lực dập lửa. Mất nhiều ngày, Hàn Quốc mới khống chế và dập tắt hoàn toàn vụ cháy.
- Cháy rừng ở Indonesia (2019)
Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh Châu Âu cho hay những đám cháy ở Indonesia đã tạo ra khoảng 709 triệu tấn CO2, cao gấp 1,2 lần so với lượng khí phát thải từ sự cố tương tự ở rừng Amazon trong năm nay. Trong khi đó, tại Indonesia, hạn hán kéo dài cũng làm tình hình cháy rừng thêm tồi tệ. Ước tính, hơn 850.000 ha đất rừng đã bị lửa tàn phá. Khói bụi từ đám cháy cũng khiến đời sống của hàng chục ngàn người dân Indonesia và Đông Nam Á bị ảnh hưởng. Chỉ trong sáng 23/9/2019, có 1.591 điểm nóng cháy rừng được phát hiện trên khắp đảo Sumatra. Khói mù cũng ảnh hưởng chất lượng không khí ở những nước láng giềng như Malaysia, Singapore hay xa là Thái Lan và Philippines.
- Cháy rừng ở Canada (2019)
Trong ngày 1/6.2019, cháy rừng đã lan rộng trên phạm vi khoảng 280.000 ha, bằng gần một nửa phạm vi vụ trận cháy rừng Fort McMurray cũng ở tỉnh này vào năm 2016. Do các đám cháy rừng hiện nay, đã có 11.000 người phải sơ tán. Hơn 2.300 lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy với sự hỗ trợ của 228 trực thăng.
Thảm họa cháy rừng ở Fort McMurray xảy ra hồi tháng 5/2016 đã đi vào lịch sử cháy rừng Canada với số người phải sơ tán lên tới 88.000 người. Với thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 9,9 tỷ CAD (khoảng 7,2 tỷ USD), vụ cháy rừng thiêu hủy 2.400 ngôi nhà này là thảm họa thiên tai gây tổn thất kinh tế lớn nhất trong lịch sử Canada. Đám cháy vượt ngoài tầm kiểm soát đã thiêu rụi toàn bộ các khu vực lân cận của thành phố Fort McMurray, thuộc khu vực trung tâm khai thác năng lượng của Canada và buộc tạm ngừng một phần hoạt động khai thác dầu để đề phòng.
- Cháy rừng ỏ Phi Châu (2019)
Các quốc gia Trung Phi đang hứng chịu số lượng vụ cháy rừng lớn hơn so với Amazon. Bản đồ các vụ cháy rừng trên thế giới được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xây dựng dựa trên dữ liệu vệ tinh cho thấy các vụ cháy ở miền trung châu Phi đang lan rộng, tạo thành chuỗi đỏ rực từ Gabon tới Angola. NASA gọi châu Phi là châu lục đang bị thiêu đốt, nơi hứng chịu 70% trong tổng số 10.000 đám cháy xảy ra trên khắp thế giới trong trung bình một ngày. Theo các số liệu thống kê mới đây, số vụ cháy rừng trong tuần trước ở Brazil là 2.127 vụ, bằng 2/3 so với Congo với 3.395 vụ, 1/3 so với Angola với 6.902 vụ.
Rừng ở lưu vực sông Congo được coi là "lá phổi xanh thứ hai" của Trái Đất sau Amazon, trải rộng trên nhiều quốc gia châu Phi như Cộng hòa Congo, Gabon, Congo, Cameroon và Cộng hòa Trung Phi. Giống rừng Amazon, nó hấp thụ CO2 trong cây cối và đầm lầy, đóng vai trò quan trọng trong chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là ngôi nhà của nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
- Cháy rừng ở Miền Tây Hoa Kỳ (2020)
Hơn 30 người đã thiệt mạng do các đám cháy rừng quét qua các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, khung cảnh đỏ rực như tận thế. Hỏa hoạn đã hoành hành ở các tiểu bang Oregon, California và Washington trong suốt ba tuần lễ, thiêu rụi hàng triệu mẫu đất và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Hàng chục nghìn người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn.
Các vụ cháy tại California (Mỹ), lớn đến mức để lại một cột khói quan sát được từ trạm vũ trụ. Hàng trăm tòa nhà đã bị phá hủy, số đất đai bị thiêu rụi lên tới hàng vạn mẫu Anh. Đây một trong những vụ cháy tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử ở tiểu bang California (Mỹ). Trong năm 2018, tổng số 7.579 vụ cháy đã đốt cháy diện tích 1.667.855 mẫu Anh (6.749.57km2).

PHỤ LỤC 5: Một số trận lũ lụt kinh hoàng nhất lịch sử hiện đại

- Tháng 8/1926, mưa bắt đầu nặng hạt và nước mưa đều đổ vào sông Mississippi. Tháng 12/1926, những trận mưa lớn liên tiếp kéo đến khiến cho mực nước sông Mississippi ngày càng dâng cao. Đầu năm 1927, những cơn mưa chuyển hướng kéo xuống khu vực bang Louisiana. Nước lũ quá lớn đã khiến Louisiana biến thành hồ chứa nước, phải đến tháng 6/1927 nước lũ mới bắt đầu rút. Thống kê cho biết, khoảng 60.000 người tại bang Louisiana đã phải sống trong các trại tị nạn để chờ nước lũ rút. Trận lụt đã gây ra thiệt hại nặng nề khi toàn bộ nhà cửa bị nhấn chìm, 1000 người thiệt mạng, hàng ngàn gia súc, cây trồng... bị cuốn trôi.
- Lũ lụt sông Dương Tử năm 1931 đứng hạng nhất trong những trận lụt kinh hoàng nhất thế kỷ XX. Sông Dương Tử hay còn được biết đến với tên gọi Trường Giang là con sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ ba trên thế giới. Mùa xuân 1931, thời tiết biến đổi một lần nữa với sự xuất hiện của các trận bão và mưa lớn kỷ lục. Tháng 4/1931, lưu vực sông Dương Tử nhận lượng mưa vượt xa mức trung bình, có nơi lên tới 60cm. Cuối tháng Bảy, nửa đầu tháng Tám, những đợt mưa xối xả và không ngừng đã khiến nước sông Dương Tử tiếp tục dâng lên và đạt tới đỉnh điểm vào ngày 18/8/1931. Các nguồn tin chính thức của Trung Quốc công bố, tổng cộng có 145.000 người thiệt mạng vì lũ lụt do ba con sông, đặc biệt là sông Dương Tử gây ra. Song, nhiều nguồn tin độc lập thống kê, số trường hợp thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa cao hơn nhiều, lên tới 3,7 triệu người. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hàng chục triệu USD.
- Năm 2020, xảy ra nhiều trận mưa lớn ở miền Tây Nam Trung Quốc gây lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng. Mực nước hồ Phàm Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đã vượt quá mực nước lũ năm 1998, phá vỡ mức cao nhất trong lịch sử. Theo thống kê, ít nhất 27 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc hiện đang bị ngập lụt và số người bị ảnh hưởng lên tới gần 34 triệu người. Ngày 13/7 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo lũ lụt cho 433 con sông trong nước khi mưa lớn liên tục tàn phá các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Nam của Đại Lục. Theo AP, tính đến ngày 13/7/2020, các trận mưa và lũ lụt đã khiến 141 người mất tích hoặc tử vong, 28.000 ngôi nhà bị phá hủy, 38 triệu người phải sơ tán. Ngoài ra, theo truyền thông Trung Quốc, thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra được ước tính lên đến 82,23 tỷ NDT (khoảng 11,76 tỷ USD). Nguy hiểm hơn, đập Tam Hiệp, đập thủy điện trọng lực lớn nhất thế giới được cho là có thể làm tăng mức độ trầm trọng của lũ lụt tại Trung Quốc. Trong đó, tỉnh Hồ Bắc nhiều khả năng sẽ gánh chịu thảm họa nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc, khi đập Tam Hiệp khổng lồ nằm tại tỉnh này điều tiết dòng chảy của sông Dương Tử.

PHỤ LỤC 6: 10 cơn bão lớn nhất ghi nhận trong lịch sử hiện đại

- Ida xuất hiện phía phía Tây Thái Bình Dương vào ngày 20/9/1958. Siêu bão nhanh chóng đạt tới sức gió 321km/giờ chỉ sau 3 ngày. Tuy nhiên đến khu vực đảo Honsu của Nhật Bản, siêu bão Ida chỉ còn sức gió 129km/giờ. Cơn bão tạo nên trận mưa xối xả ở phía Đông Nam Nhật Bản và phá hủy hai ngôi làng nhỏ. Mưa lớn khiến 888 người chết và 1900 trận lở đất.
- Siêu bão Joan xuất hiện từ phía Tây Thái Bình Dương. Ngày 28/8/1959, siêu bão Joan đạt sức gió 314km/giờ. Chỉ một ngày sau, siêu bão Joan đổ bộ vào Đài Loan với sức gió 298km/giờ. Siêu bão di chuyển qua eo biển Formosa trước khi suy yếu và tan rã ở Trung Quốc. Siêu bão Joan gây ra lũ lụt nặng nề, phá hủy 3.308 ngôi nhà và khiến 14 người thiệt mạng.
- Siêu bão Kit hình thành ở Thái Bình Dương vào ngày 25/6/1966. Báo cáo xác nhận rằng cơn bão đạt tới sức gió 313km/giờ nhưng khi đó công nghệ đo sức gió vẫn còn ở mức sơ khai. Siêu bão Kit đổ bộ vào đảo Honsu ngày 28/6/66 khiến 64 người chết.
- Siêu bão Irma (1971) xuất hiện ở phía Tây Thái Bình Dương nhưng không đổ bộ vào đất liền. Sức gió mạnh nhất từng được ghi nhận ở mức 290km/giờ vào ngày 11/11. Cơn bão đã gây nên tình trạng giảm áp suất mạnh từ mức 981hPa xuống còn 884hPa chỉ trong vòng một ngày.
- Siêu bão Nora xuất hiện ở phía Đông Philippines vào ngày 1/10/1973. Cơn bão nhanh chóng mạnh lên trong 4 ngày với sức gió 298km/giờ. Áp suất không khí khi đó ở mức 877 hPa, mức thấp nhất từng được ghi nhận tại thời điểm đó. Siêu bão Nora đổ bộ vào hòn đảo của Luzon của Philippines 6 ngày sau đó. Khi cơn bão đến khu vực phía Đông Nam Trung Quốc vào ngày 10/10, cơn bão đã suy yếu đi đáng kể. Siêu bão Nora khiến 18 người thiệt mạng và gây ra tổng thiệt hại trị giá khoảng 2 triệu USD.
- Siêu bão June được ghi nhận vào năm 1975 với sức gió mạnh nhất lên tới 297km/giờ. May mắn cơn bão đã không thể tiếp cận đến khu vực đất liền và biến mất trên Thái Bình Dương. Siêu bão June cũng là cơn bão đầu tiên có ba vòng tròn đồng tâm xung quanh mắt bão.
- Siêu bão Rita xuất hiện vào ngày 15/10/1978 nhưng chỉ đạt sức gió ở mức 5 sau 8 ngày. Áp suất không khí đo được ở mức 878hPa, ít hơn 8 hPa so với áp suất của cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận. Siêu bão Rita duy trì cường độ này trong vòng 3 ngày. Trong quá trình đổ bộ vào Philippines, siêu bão Rita trở nên suy yếu.
- Cơn bão Tip xuất hiện vào năm 1979 gần Micronesia, phía Tây Thái Bình Dương. Với áp suất không khí thấp kỷ lục ở mức 870hPa và có đường kính 2.200 km, bão Tip đã phá vỡ mọi kỷ lục về quy mô và cường độ trong lịch sử. Ngày 12/10/1979, bão Tip hình thành trên Thái Bình Dương với sức gió 305km/giờ nhưng khi đến khu vực đất liền thuộc đảo Honsu chỉ còn ở mức 130 km/giờ. Bão Tip tạo nên 600 trận lở đất ở Nhật Bản, phá hủy 22.000 ngôi nhà và khiến 86 người chết.
- Bão Vanessa (1984) đổ vào đảo Guam, phía Tây Thái Bình Dương với tốc độ gió 109km/giờ. Sau khi vượt qua đảo Guam cơn bão tiếp tục mạnh thêm và đạt tới sức gió 298km/giờ. Siêu bão Vanessa gây nên tổng thiệt hại trị giá 1.700.000 USD trên đảo Guam.
- Cơn bão Katrina 2005 được đánh giá là một trong những cơn bão gây tổn thất nặng nề nhất từng đổ bộ vào nước Mỹ nhưng vẫn xếp sau cơn bão Wilma.
Bão Wilma hình thành trong vùng biển Caribe vào tháng 10/2005 và di chuyển về hướng Tây nam. đạt sức gió 296km/giờ với áp suất 885hPa. Wilma đổ bộ lần đầu tiên vào khu vực hòn đảo Cozumel ở Mexico và tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền. Bão Wilma gây nên thiệt hại nặng nề nhất ở Florida, Mexico và Cuba. Cơn bão đã khiến 62 người thiệt mạng và gây nên tổn thất ước tính trị giá 29 tỷ USD.

PHỤ LỤC 7: Vài số liệu các loài vật chết hàng loạt trên thế giới từ năm 2015

- Cá chết trắng ở khắp nơi trên thế giới: Indonesia (khắp mặt hồ Jakarta, hồ Toba - Bắc Sumatra), Hoa Kỳ (khắp bãi biển Brevard County - Florida, bờ kênh Texas, Bắc Carolina, con lạch ở Georgia, hồ nước ở Baytown, Texas), Ấn Độ (Madhapur), Brazil (bờ biển Ferreira Gomes, đầm phá Rio de Janeiro, cảng Sirmione), Úc (hồ nước Cairns, bãi biển Buddina ), Ai Cập (sông Nile - Beheira), Trung Quốc (Hefei, Qingdao, Anhui, sông Kazuo, Khâm Châu, hồ nước Haikou - Hải Nam), Anh (Cumbria), Mexico (đập Sinaloa, Jalisco), Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ (Silifke), Nga (Vyborg), Bắc Ireland (sông Ballymartin, Sandy - Maherees), Bỉ (kênh Roeselare), Thái Lan (Lam Luk Ka), Myanmar (hồ nước Mandalay), Ý (bờ biển Battipaglia), Colombia (vịnh Morrosquillo, Cienaga de Zapayan, hồ nước ở Barranquilla), Việt Nam (Huế, Quảng Trị), Tây Ban Nha (hồ ở Soria), Canada ( hồ Koocanusa, bãi biển Wasaga), Colombia (Buenaventura), Thụy Điển (hồ Orust), Bồ Đào Nha (sông Ardila), Chile ....
- Ít nhất 337 con cá voi mắc cạn chết " bất thường" hàng loạt được phát hiện tại khu vịnh Patagonia, thuộc Chile, số lượng lớn chưa từng có đối với loài cá bơi nhanh nhất và khổng lồ này.
- Trên 300 trâu, tê giác, hươu cao cổ và các động vật khác đã chết trong Vườn quốc gia ở hồ Nakuru, Kenya.
- Hàng trăm ngàn con sứa phát hiện trôi dạt chết nằm dọc khắp các bãi biển Anh.
- Hàng trăm con chim biển, cá heo và rùa chết trên nhiều bãi biển Santos, Brazil.
- Hàng trăm con chim, sư tử biển và cá heo chết trôi dạt vào bờ Lambayeque, Peru.
- Một số lượng cá heo, rùa và cá voi chết trôi dạt bờ biển Mumbai, Ấn Độ.
- Số lượng lớn các loài rùa chết tìm thấy trôi nổi trong một hồ nước ở Agra, Ấn Độ.
- Lượng lớn cá và cua chết trôi dạt dọc theo bờ biển Kocaeli, Thổ Nhĩ Kỳ.
- Chim chết hàng loạt trải dài từ khu vực California và Alaska.
- Hàng trăm con Hải cầu chết hàng loạt phát hiện tại bờ biển Alaska.
- Hàng trăm con thuộc họ linh dương chết hàng loạt sông Mara, Tanzania.
- Một số lượng lớn chim biển chết tại Kodiak, Alaska, Mỹ.
- Hàng trăm con lươn trôi dạt chết bãi biển Wasaga, Canada.
- Số lượng lớn các loài chim biển chết ở Bay Area, California, Mỹ.
- Hàng ngàn gia súc chết ở Guerrero, Mexico.
- Trên 45 sư tử biển được phát hiện chết trên bãi biển trong Lambayeque, Peru.
- Hàng ngàn cá, sò huyết, sò và cua chết cùng Hood Canal ở Seattle, Mỹ.
- Hàng trăm con chim chết và hấp hối dọc theo bờ biển Oregon và Washington, Mỹ.
- Hơn 500 con chim trời chết trên các đường phố ở Tulsa, Oklahoma, Mỹ.
- 600 tôm chết ở một con sông ở County Cavan, Ireland.
- 21 con cá voi chết đã được phát hiện ở phía đông nam Alaska, Mỹ.
- Lượng lớn cá và sò chết dạt vào bờ trên bãi biển ở Comacchio, Italy.
- Chim biển và cá heo chết ở La Libertad, Peru.
- Lượng lớn tôm càng, tôm và sò chết ở tỉnh Chachoengsao, Thái Lan.
- Hàng chục loài chim biển chết dọc bãi biển ở Homer, Alaska, Mỹ.
- Trên 1.000 cừu chết ở Quận Zhanakorgan, Kazakhstan.
- Hàng ngàn con cua chết dạt vào bờ ở New Jersey, Mỹ.
- Hàng chục nghìn ốc biển chết trôi dạt vào bờ trên bãi biển ở Florida, Mỹ.
- Ước lượng 8 tấn tôm và cá chết hàng loạt Vũng Áng, Việt Nam.
- 700 con rùa chết trong suốt 2 tháng qua dọc bờ biển của Guerrero, Mexico.
- Hơn 300 con chim chết tại Battle Creek, Michigan, Mỹ.
- Hàng trăm ngàn con sên chết trôi nổi dạt dọc khắp bờ biển Thái Lan.
- Tổng cộng phát hiện có ít nhất 23 con cá voi nằm chết trên bãi biển Đức.
- Khoảng 150 con rùa biển phát hiện nằm chết tại bờ biển Ấn Độ.
- Hàng ngàn con mực nằm chết tại bãi biển thuộc đảo Santa Maria, Chile.
- 120 con cá voi trôi dạt nằm dọc bãi biển Tiruchendur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.
- Hàng ngàn con sứa và trai chết dọc bãi biển Big Island, Hawaii.
- Mực chết trắng trên đảo Santa Maria, California.
- 2.600 con rùa và hàng ngàn chim biển chết trong vòng 6 tháng qua tại nam Brazil.
- Hàng ngàn con sứa chết trong khoảng vài ngày, dọc bãi biển Odisha, Ấn Độ.
- Hàng triệu loại hải sản thân mềm chết trắng biển ở Los Lagos, Chile.
- Số lượng chim chết hàng trăm nghìn con được ghi nhận ở New Mexico, Mỹ.