Cây Cảnh



Cây cảnh là gieo trồng , chăm sóc và tạo dáng một số loài thực vật để làm vật trang trí trong sân , trong nhà , hoặc bày trí theo phong thuỷ . Cây cảnh được tạo dáng theo sự sáng tạo của nghệ nhân mà vẫn giữ được vẽ tự nhiên của hoa lá . Phần thân được uốn theo một hình dáng nào đó để phù hợp với chậu , đất , nước ...Cây cảnh có nguồn gốc từ Trung Hoa và phổ biến qua Nhật Bản (biến thành nghệ thuật Bonsai), Triều Tiên, Việt Nam...Riêng ở Việt Nam thú chơi cây cảnh phổ biến rộng rãi trong quần chúng , đậm đà dân tộc tính , mang phong cách thiền vị . Mỗi một cây cảnh có sức hấp dẫn kỳ diệu làm thức tỉnh và an dưỡng tâm hồn con người.
Cây cảnh phải trồng trong chậu và từ chậu cảnh đó , người thưởng ngoạn sẽ thấy được mối giao hoà giữa thiên nhiên và con người . Chậu cảnh không nhất thiết phải ép cây nhỏ lại như bonsai , mà phải giữ cây giống như thiên nhiên và chỉ cần uốn nắn thân cây theo cách tạo hình đặc biệt của nghệ nhân . Chơi cây cảnh, các cụ ngày xưa chú ý 4 yếu tố: nhất hình (hình dạng cây) , nhì thế (dáng đứng của cây ), tam chi (nhánh cây), tứ diệp (lá cây). Tuổi cây càng cao, càng quý. Cây cảnh đẹp phải là cổ thụ nhưng nhỏ gọn, để nói lên ý nghĩa trường tồn.
Các nghệ nhân còn sáng tạo nghệ thuật , uốn thân cây và tỉa lá thành những con vật gần gũi trong thiên nhiên như: nai, ngựa... đến những loài vật có hình tượng như: cá hoá rồng, bộ rễ với nét rồng, thường gặp nhất là thế rồng lên (thăng long), rồng xuống (hạ long, long giáng) hay thế rồng bay hoặc cuồn cuộn cả một đàn rồng mẹ, rồng con (quần long).
Hiện nay ở Việt Nam có khuynh hướng chơi cây đại cảnh . Chiều cao của cây đại cảnh có khi lên đến 10m, đường kính gốc vài người ôm mới xuể. Cây cảnh cỡ lớn không cần chăm sóc tỉ mỉ như dạng bonsai, nhưng để tạo được một cây đẹp, có giá trị nghệ thuật lại rất khó bởi nếu như bonsai có đến hàng chục loại dáng thì cây đại cảnh thường chỉ là dáng trực, dáng xiêu .



Cấu trúc cây cảnh
Một cây cảnh đẹp cần có sự cân bằng toàn diện, từ sự tạo hình, uốn nắn kiểu dáng đến sự kết hợp giữa cây và chậu. Có ba nhân tố chính cần lưu tâm:
- Rễ cây ăn lan: Rễ cây lộ ra trên mặt đất làm tăng thêm ấn tượng về sự già dặn và tính chất của cây. Đây là một trong những nét đặc trưng thú vị nhất của nghệ thuật cây cảnh (khác với cây bonsai) Rễ cây cần lan ra nhiều hướng quanh thân và bò rộng ra, tạo cho thân cây chỗ tựa chắc chắn.
- Thân cây: Nét đặc trưng quan trọng nhất của thân cây là có ngọn đẹp , nhưng cây mọc thẳng tắp sẽ làm hỏng sự hài hòa trong kiểu dáng. Phải tìm loại vỏ cây có cấu tạo và màu sắc phù hợp với đường nét, kèm theo tuổi tác, vẻ dày dạn phong sương cũng là điều hấp dẫn của cây cảnh.
- Cành cây: Cành cây tạo nên cấu trúc căn bản của hình bóng cây. Phải điều chỉnh nó bằng phương pháp cắt tỉa và buộc uốn . Hãy ngắm kỹ sự sắp đặt của cành mọc lên và lan ra quanh cây như một cầu thang xoắn ốc, hình dung sự hài hòa cân đối quanh thân cây.



Với kỹ thuật uốn dây kẽm có thể tạo cây cảnh bằng cách thay đổi hướng của thân và nhánh cây. Những cành mọc chĩa lên có thể uốn ngang hay vuốt xuống để tạo ấn tượng già dặn, trưởng thành. Uốn kẽm loại cây xanh quanh năm ở thời điểm nào cũng được (nhưng với các loại như tùng bách thì thời điểm tốt nhất là cuối mùa thu đến đầu mùa xuân). Nên uốn cây rụng lá theo mùa vào cuối xuân (trước khi cây đâm chồi) hay cuối thu (trước khi ngủ đông). Thực tế, người chơi cây cảnh nên dựa vào dạng cây để chọn những cành mềm, dẻo, dễ uốn và không bị tách nhánh.
Trồng cây cảnh bao giờ cũng phải coi trọng gốc cây . Gốc phải to hơn thân, thể hiện cây đã sống lâu năm . Gốc to thì phải có rễ nổi sum suê, càng nhiều rễ càng đẹp . Mỗi một chậu là một gốc cây hoặc một quần thể cây tụ họp vào nhau. Chiều cao và chiều rộng của cây phải tương xứng . Thân cây có dáng mềm mại, nghiêng hay đứng thẳng tuỳ theo các thế cây. Cành cây phải phân bổ hợp lý cấu tạo so le qua nhiều hướng, không gò bó . Từ gốc đến chỗ có cành phải có khoảng cách bằng 1/3 chiều cao của cây để nhìn thấy thân cây khoẻ đẹp . Không nên để cành che lấp thân . Một cây nhiều nhất chỉ nên có 4 cành. Cành dưới thấp gọi là cành hồi âm , để làm cho gốc cây có hậu , vững chải , bền chặt . Cành thứ hai , thứ ba là cành tả hữu , hai cành chính của cây. Cành thứ tư là cành tế thân , hay cành hầu để cho phần trên đỡ trơ trọi và làm cho bố cục tổng thể được chặt chẻ . Các cành phải được cắt xén gọn gàng , không để lá mọc um tùm .



Dáng đứng
Cây cảnh phải được nghệ nhân uốn nắn , chỉnh sữa thành một thế cây hay dáng đứng để cây có một bố cục hài hòa , đẹp đẽ . Như thế cây cảnh mới có được một sức sống , một ý nghĩa mà nghệ nhân muốn sáng tạo . Phần nầy rất quan trọng , vì nếu cây không có thế đứng thì nó không phải là cây cảnh . Nghệ nhân phải chấp nhận từ 10 – 20 năm để hoàn chỉnh một cây thế với những nguyên tắc tạo hình tỷ mỷ và nghiêm ngặt. Mỗi người có cái nhìn thẩm mỹ khác nhau và vì thế cây cảnh cũng có những kiểu dáng khác nhau. Người già, thích kiểu dáng chịu ảnh hưởng của nho giáo, thể hiện những thế cây phúc-lộc-thọ, ngũ phúc, phu tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu… Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành, thế cây nằm ngang hoặc trễ đổ xuống như dòng thác. Có rất nhiều thế cây : thế phượng vũ, thế long giáng, thế phượng vũ long đàn, thế bạt phong hồi đầu, thế trực liên chi, thế long ẩn, thế lão mai thế tam đa, thế tứ quý, thế nguyệt ảnh, thế địa đạo huyên nhi, thế phượng rồng sóng đôi, thế đón gió, thế chờ đợi, thế ngẫu tự, thế nhà hiền triết , thế thất hiền, thế vũ trụ, thế nhất trụ kình thiên, thế tam đa ,thế trung bình cong, thế trung bình ngay, thế trực quân tử liên chi ,thế trực liên chi , thế trực quân tử v.v...Sau đây là một vài thế cây phổ biến ở Việt Nam :



- Thế Tam Đa : Còn gọi tam tài, tam giáo hay là thiên, địa, nhân . Thế này là cây cổ thụ, gốc thân to, nhưng chỉ uốn có ba tán tròn chung quanh thân cây, tàn thứ nhất là một mâm tròn, hớt tỉa lúp búp, nhưng nhỏ hơn, mỏng hơn. Tàn thứ ba là tàn ngọn, cách xa hơn tàn thứ hai cũng hớt tỉa tròn nhưng nhỏ hơn hai tàn trước. Tàn ngọn này cũng tỉa lúp búp chứ không vươn cao, nên xem cây kiểng này có dáng lùn mập, nhưng vì là cây cổ thụ nên cũng rất cân đối, rất đẹp. Thế tam đa tuợng trưng cho ba ông Phước, Lộc,Thọ; ba tàn đều tròn đều đẹp, tượng trưng cho sự vĩnh cửu, sung túc, hạnh phúc, giàu sang và sống lâu. Thế này dùng để chúc thọ rất có ý nghĩa đối với người già cả.
- Thế Ngũ Phúc : Cây ngũ phúc năm từng, có thể uốn như cây tam đa rồi nuôi thêm hai tàn nữa y như vậy là đạt. Nhưng cũng có thể đối thành 5 tầng theo lối chiết chi tứ diện cũng được. Những tàn đều phải uốn tỉa ngang bằng lúp búp chớ không được vươn lên cao. Thế ngũ phúc to cao đẹp hơn thế Phước, Lộc, Thọ, ý muốn chúc tụng nhiều hơn nữa là Phước, Lộc, Thọ, An, Khang.
- Thế Phượng Vũ : Theo cách chim phượng múa. Cây có bốn cành, một ngọn là 5 tán. Cành hồi âm quặt phía sau tượng trưng cho đuôi chim. Hai cành tả hữu thành hình hai tán xòe như hai cánh chim đang xòe múa. Cành ức nhỏ hơn các cành khác, ngọn cây để dài ra vươn lên, tượng trưng cho đầu chim. Dáng cây có làn đi ngang, hơi chúc xuống làm biểu tượng con chim phượng hoàng đang múa đón con người, vui với những thành quả tốt đẹp.



- Thế Huynh Đệ : Cây một gốc, hai thân (có thể trồng ghép hai cây lại nhưng phải tạo thành một gốc). Hai thân có độ cao thấp, to nhỏ suýt soát nhau, kề sát nhau đẹp đẽ. Mỗi thân đều có 5 tán, các tán đan xen nhau. Ngọn cây nhỏ phải ngã hướng sang cây lớn như anh em, biểu lộ tình âu yếm ruột thịt.



- Thế Ngũ Nhạc : Trồng bằng năm cây cảnh trong một cái chậu hay cái khay to làm cảnh núi rừng, mỗi cây có một dáng riêng biệt có thể đứng hết, hoặc cây đứng cây xiêu, cây nằm, nhưng phải có lớn có nhỏ như sơn thủy mới đẹp. Cũng có thể xếp hình chữ ngũ. Xếp “ngũ lão giản đình” năm ông già đàm đạo phải xếp vòng tròn . Thân cành nhánh phải hài hòa, làm sao có tính cách giao chi, hỗ tương với nhau, nếu thiếu một cây thì thấy không đẹp. Thế ngũ nhạc cũng uốn bằng năm cây cùng một loại như mai chiếu thủy, tùng, cần thăng, kim quýt, đều đẹp.



-Thế Quần Thụ Tam Sơn : Ba cây cảnh nằm chung trong một chậu to. Còn gọi là tam tài, ba cây cảnh trực thọ đứng gần ngay hàng, cây cao chính giữa, hai cây thấp hơn ở hai bên, nhưng có thể so le một tý, cây to có 5 tàn, hai cây lùn chỉ cần ba tàn, có thể giao cành với nhau làm thế nào ba cây cân đối mới đẹp và ba cây cũng liên kết với nhau, nếu thiếu một trong ba cây là mất hết vẻ đẹp. Cho nên thế tam sơn biểu tượng cho sự đòan kết . Thế tam sơn nên uốn với cây tùng, cây bách, xếp thành hình chữ sơn là núi rất đẹp.
-Thế Lưỡng Long Tranh Châu : Thế này phải uốn với song thọ trồng chung vào một chậu, uốn đối xứng thành hai con rồng uốn khúc, giao đầu tranh hạt minh châu nằm ở giữa, là thế kiểng cổ thường thấy uốn với hai cây mai chiếu thủy hay cần thăng kim quýt, ngày nay thường uốn với cùm nụm nhanh chóng hơn với nòng bằng kẽm, trồng cây lên tới đâu, gài vô tới đó vài ba năm là thành, thân hai con rồng uốn khúc, đấu đầu lại nhìn quả châu, các nhánh làm chân và mây, đuôi ngẩng lên xòe ra như múa rất đẹp. Nếu uốn với hai cây mai chiêú thủy thì rất quý.
- Thế Long Đàn Phượng Vũ : Có nghĩa là chim phượng hoàng múa trên mình rồng. Đây là thế có thể uốn với một cây, hoặc hai cây trồng chung một chậu. Phải cây cổ thụ gốc to, uốn nằm trên miệng chậu, gốc ngẩng lên làm đầu rồng. Thân uốn cong hạ thấp, các chi xòe ra bốn phía làm chân và mây, ngọn ngã về phía sau làm đuôi rồng, cây thứ hai có hai rễ chẻ ra làm chân phượng, thân ngã ngang qua ôm lấy mình rồng, các cành hậu thân uốn làm đầu và đuôi chim phượng, hai cành tả hữu xòe ra làm hai cánh chim uốn với dáng đang múa, ngọn làm mây. Thế này uốn cho thật dịu dàng mềm mại như phượng đang múa, tàn nhánh xòe ra, trên mình rồng uốn khúc nhịp nhàng. Thế chim phượng múa trên lưng rồng là tuyệt đẹp, biểu tượng cho quyền uy của vua chúa , ngày xưa chỉ có ở trong cung đình.



-Thế Long Bàn Hổ Phục : Uốn với một cây cảnh to có hai thân hoặc với hai cây trồng chung một chậu.Thế long bàn hổ phục có nghiã là rồng nằm uốn khúc và hổ cũng nằm sát đất chịu khuất phục để chầu chủ nhân.Thế này rất khó uốn, phải có bộ rễ thành hình chân thú nằm xòe ra phía trước, tả thanh long, hữu bách hổ, hai chân hổ chồm ra, hai chân rồng ngấu xuống: cây thanh long, gốc nằm trên mặt chậu, đầu ngẩng lên , thân uốn cong làm mình rồng, cành tả hữu uốn theo lối chiết chi làm mây, hai cành trước sau làm chân xòe móng ra, ngọn hồi đầu làm đuôi, uốn dáng mềm dẻo, uyển chuyển. Cây bên phải, gốc thân bò trường lên chậu, đầu cúi mọp xuống, các chi tỉa nhỏ ôm lấy thân để trang trí, ngọn vươn lên làm đuôi, tỉa theo tàn chổi nhỏ, Thế long bàn hổ phục có hình dáng nằm chầu khuất phục hiền hòa, nhưng không kém phần uy nghi, biểu tượng cho quyền lực.
-Thế Long Mã Hồi Đầu : Thế này gồm hai cây to riêng biệt hay cùng gốc, nhưng một cây cao một cây thấp, rễ xòe ra theo chân thú, cây thấp thân to, ngắn nằm ngang, ngọn làm đầu ngẩng lên, không tàn nhánh, tạo dáng con ngựa nằm quay đầu trở lên. Cây cao uốn thân long, cong cong vặn vẹo, phân chi theo lối tứ diện, xòe ra bốn phía làm chân và mây, ngọn uốn tàn to như bông sen rồi bẻ cúp xuống làm đầu rồng quay trở lại. Thế này rất khó uốn, mới đầu phải lựa những cây mềm dẻo như mai, có nhiều rễ để uốn chân thú nằm xòe ra như chân ngựa, uốn làm sao cho khỏi phải giải thích người khác xem mà biết mới hay, cho hài hòa mới đẹp.



-Thế Tiều Phu Quải Tử : Thế này hơi khác một chút là cây tiều phu phải là cây cổ thụ, gốc rễ lồi lõm, thân cây gân guốc, cây tiều phu phải đổ ngã nhiều hơn, gần như bạt phong hồi đầu, cõng cây tử trên lưng; cây tử cùng một gốc, nhưng mọc cao hơn, nhằm trên lưng như nhánh vậy, nhưng gốc to hơn, cây tử có vẻ phong trần hơn, tuy nhỏ nhưng có vẻ già nua, cũng hai tàn một ngọn dạng xuy phong như cây tử của cặp mẫu tử. Cây tiều phu cũng bốn tàn một ngọn, nhưng gồ ghề, gân guốc u nần, gần nằm mọp nhưng vẫn quy căn hồi đầu, để giữ thăng bằng. Cây tiều phu quái tử cũng quấn quýt nhau như tình cảm cuả cha con vậy. Còn nhân ra thế “Lão mai sinh quí tử” rất hay, cha già có con muộn rất được ưa chuộng…



-Thế Mẫu Tử : Thế mẫu tử (mẹ con) phải có hai cây cùng một gốc, cây lớn là mẫu, cây nhỏ là tử; cây mẫu cao gấp 3 lần cây tử mới đúng là mẹ con. Cây này phải cổ thụ, bộ rễ xoè ra nổi lên trên mặt chậu, gốc dạng xuy phong phải cỡ 45 độ, cây tử cũng vậy, cây mẫu và cây tử phải xiên cỡ 90 độ mới đẹp, đủ chỗ để phân chi tán cành nhánh ôm lấy cây tử, như mẹ chăm sóc con với dáng vóc trìu mến thương yêu tình cảm thật sự của mẹ đối với con! Tán thứ nhất cuả cây mẫu bẻ ra bên ngoài chừa chỗ cho cây tử mọc lên. Hai cây mẹ con đều uốn theo chiết chi nhị diện, cây tử vươn lên thẳng đứng, hai tàn một ngọn nhỏ. Cây mẫu đến đoạn thứ ba cũng uốn quy căn thẳng đứng, để giữ trọng tâm nằm trong chậu, gọn gàng, cân đối, có bốn tàn một ngọn hồi đầu. Tàn cuả cây mẫu tử lớn hơn tàn cây tử, đều uốn theo tàn hồng nhật tròn đẹp, hoặc tàn hoa rơi xoè ra ôm lấy cây tử, mềm mại duyên dáng, cây tử thì quấn quýt không dời cây mẫu, tả được tình cảm giữa mẹ con, thế này thường là “Tam cang ngũ thường hay tam tùng tứ đức” rất được ưa thích trong bộ ba kiểng cổ ngày xưa. Thường bộ kiểng cổ 3 cây, có hai cây mẫu tử đối xứng hai bên rất đẹp. Nếu cây tử không phải cùng chung một gốc với cây mẫu, mới tháp vào thì gọi là “Minh linh dưỡng tử” xem như là con nuôi vậy .



- Thế Phụ Tử : Thế này cũng y như thế mẫu tử, nhưng cây phụ (cây cha) phải to cao và đứng thẳng hơn cây mẫu, tạo vóc dáng cuả người cha, ít dịu dàng hơn, cứng rắn hơn, nhưng không phải là không che chở cho con, thể hiện đúng tình cảm cha con, cây tử nhỏ hơn cây phụ nhiều, cũng ba tàn, quấn quýt lấy cây phụ, lúc nào cũng nhờ sự bao bọc cuả người cha. Cây phụ cũng 5 tàn quy căn hồi đầu như cây mẫu. Cây phụ tử có thể mập mạp to hơn cây mẫu tử, thường uốn thế tam cang ngũ thường, biểu hiện tính trung hiếu xử lý ở đời cuả người quân tử.
-Thế Phụ Tử Giao chi : Thế này y như thế phụ tử, nhưng phần nhánh cuả hai cha con có thêm phần quấn quýt, ôm lấy nhau, mặc dù cha con, nhưng yêu thương trìu mến y như tình yêu thương dịu dàng cuả mẹ con. Thế này cây tử có thể to cao hơn và có một nhánh quyện lấy cây phụ nên gọi phụ tử giao chi. Các thế khác như huynh đệ, tỷ muội, đồng khoa, đều có dáng tương tự như cây mẫu tử, nhưng chỉ khác nhau về kích thước, to nhỏ, và cách uốn mô tả tính tình quan hệ với nhau mà thôi, nhưng hai cây gần bằng nhau, coi như bạn bè, gọi là đồng khoa, nếu cây cao cây thấp chút đỉnh, coi như anh em được gọi là huynh đệ, còn hai cây có dáng mềm dịu, duyên dáng hơn được gọi là tỷ muội, chị em. Những cây này đều rất dễ uốn tùy theo dáng mà đặt tên, nhu phụ tử tương tùy, phụ tử tương thân, mẫu tầm tử, mẫu tử tương thân v.v..



Loại cây
Để tạo một chậu cảnh , trước tiên phải tìm một cây ở ngoài thiên nhiên hoang dã như :sung, si, thông, trắc cũng có thể cấy ghép ở vườn, trồng vào chậu như khế, me, tùng, mai...Thông thường, các cụ xưa dùng các loại cây chia thành 3 loại chính :
-tứ linh gồm 4 loại cây: đa, sung, sanh, si ứng với tứ hình trong động vật: long, lân, quy, phụng ;.
-tứ quý gồm: tùng, trúc, cúc, mai ứng với tứ bình, hợp với tứ thời ( xuân tùng, hạ trúc, thu cúc, đông mai ) thể hiện ước vọng hạnh phúc vĩnh cửu của con người.
-tam đa gồm 3 loại cây: sung, lộc vừng, vạn thọ, ứng với Phúc- Lộc- Thọ.
Ngày nay , nghệ nhân dùng nhiều loại cây khác nhau : trầm hương , bồ đề , bách tán , kim quất , bạch đàn , thông , táo dại , tùng , đào , thanh liễu , kim ngân , huyết dụ . trắc bá diệp , lựu , lê, giẻ gai, sứ v.v...Một số cây thông trồng làm cảnh gọi là “weeping pine”, thân nhỏ và nghiêng qua một bên như sắp đổ cũng hay được dùng để làm cây trồng trong chậu cảnh. Trà hoa nữ là một loại cây hoa cũng rất phổ thông để trồng trong chậu. Các loại xương rồng cũng là những thứ rất được ưa chuộng để tạo ấn tượng đặc biệt.



Chậu
Chơi cây cảnh cần chú ý đến sự cân đối giữa cây và chậu , tất cả những đặc điểm tạo dáng và vị trí của cây trong chậu.
Tùy theo từng loại cây cảnh mà trồng vào các chậu cảnh thích hợp, tương xứng và đẹp. Chậu cảnh đẹp sẽ làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ.
Mỗi một loại cây cảnh đòi hỏi nhu cầu về đất, phân bón và một diện tích lớn nhỏ khác nhau để sống và tăng trưởng. Có những loại cây cảnh trồng trong chậu lớn có thể cao đến trên dưới 3m. Nhưng với những loại hoa ẻo lả như hoa tương tư (pansy) thì lại lè tè như ngọn cỏ. Phải chú ý đến sự hài hòa giữa những loại chậu với hình dáng và màu sắc giữa những loại cây cảnh. Diện tích chỗ để chậu cảnh không nhất thiết phải lớn rộng, tuỳ sự sắp xếp khéo léo để tạo ấn tượng thẩm mỹ.
Sang chậu là một công việc bắt buộc đối với người chơi cây cảnh. Lâu không sang chậu, cây hỏng. Sang chậu sai kỹ thuật cây ốm , không ra cành và chết. Vì vậy người chơi cây cảnh phải biết rành kỹ thuật sang chậu.
Sang chậu nhằm nhiều mục đích khác nhau:
- Cây cảnh trồng trong chậu lâu năm, đất cứng, hết màu, rễ cây ăn ra bám vào một lớp dầy xung quanh thành chậu. Mùa hè nắng chiếu vào thành chậu đốt nóng rễ phía trong, cây hết đất nên lụi tàn rồi chết dần. Phải sang chậu để thay đất cho cây.
- Sửa bộ rễ, cắt bỏ rễ thối, rễ thừa, uốn nắn cho bộ rễ đẹp, nâng bộ rễ nổi lên.
- Thay đổi chậu cho phù hợp với cây, làm tăng giá trị nghệ thuật của cây.
- Thay đổi dáng thế cây cho ngoạn mục hơn dáng thế cũ.
- Xem hệ thống thoát nước ở những chậu bị tắt nước.



Chăm sóc
Các loại cây cảnh như thiên tuế, cau, trúc đùi gà, trúc Nhật, thiết mộc lan, tùng, trắc bách diệp... rất cần được bón phân thường xuyên để duy trì thế cây và tán cây được cân đối. Khi đất trong chậu đã cạn kiệt chất bổ dưỡng thì cây cảnh không còn tươi tắn, xuống sức, bộ lá kém tươi và bắt đầu nhuốm vàng bệnh hoạn, các cành như không thể cất cao lên được, nhiều rễ con lồi lên mặt đất chậu, lớp đất trên bề mặt chậu mỏng dần đi. Những triệu chứng trên cho thấy đã đến lúc thay đất cho cây.
Sau khi trồng cây cảnh ổn định trong chậu, trong quá trình phát triển của cây cần phải tưới nước và bón phân thường xuyên. Tưới nước là khâu quan trọng trong việc trồng cây cảnh nhằm cung cấp nước cho cây bị thiếu hụt do phạm vi trồng hay phát triễn của cây hạn hẹp. Việc tưới nước tuỳ thuộc vào loại giống cây cảnh, yêu cầu trong giai đoạn sinh trưởng trong năm và điều chỉnh đặt để của cây cảnh như thế nào mà xác định cho thích hợp.



Bố trí chậu cảnh
Nhà ở của người Việt thường gắn liền và hòa hợp với thiên nhiên. Hình thành các cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ còn có ý nghĩa về thiền . Cây cảnh trong nội thất phải là những loại cây tốt, có nhiều mầm lộc phù hợp với môi trường sống ít ánh sáng trực tiếp và chịu bóng râm. Nhưng việc bài trí cây cảnh trong nhà là cả một nghệ thuật . Tất nhiên trong điều kiện nội thất thì khó có loại cây nào bền lâu mà phải thường xuyên luân chuyển, đưa cây ra ngoài khí trời hoặc thay đổi thường xuyên thì cây mới xanh tươi.
Ở các phòng riêng như phòng ngủ , phòng làm việc chỉ nên chưng bày các chậu cây cảnh nhỏ , một chậu xương rồng hoặc một chậu bonsai thì rất tốt .
Ở tiền sảnh hoặc phòng khách nên để các chậu cảnh bề thế , nghiêm túc : chậu mai , kim quất , hay một chậu cây phát tài...
Ở lối đi trong vườn nên đặt những chậu cây nhỏ, ít gai nhọn hay cành chĩa, thân lá gọn và không vướng víu như trúc Nhật hoặc hoa, cây bụi thấp, mềm mại, không che khuất tầm nhìn và cản trở di chuyển .
Ở ngoài vườn hoặc ngoài sân có thảm cỏ xanh mượt thì cần thêm cây cao dáng thẳng; chậu cây chủ yếu là lá tròn nhỏ xanh với những hoa lớn đỏ. Cây xanh vươn lên thuộc dương, phần bóng râm thuộc âm, do đó dù đất có rộng vẫn nên dành ra khoảng trống để ánh sáng chiếu vào, làm hồ nước, tạo cao thấp và thay đổi độ cao cây, tạo âm dương thay đổi .



Thiền trong cây cảnh
Cây cảnh là nghệ thuật mô phỏng thiên nhiên hay "thiên nhiên được nghệ thuật sắp xếp lại". Cái vi mô trong cây cảnh gợi lên cái vĩ mô của vũ trụ. Cây cảnh là một tác phẩm sống, hay là một tác phẩm điêu khắc sống. Cái đẹp ở cây cảnh là đơn giản, vừa đủ, ẩn tàng một trạng thái tinh thần dồi dào mãnh liệt, làm cho con người thấy được sự hiện hữu của chính mình trong đời sống mầu nhiệm. Nghệ nhân tạo cây cảnh cũng đồng thời tạo dựng cuộc đời, tâm hồn, trí tuệ, ước muốn của mình. Vì vậy, cây cảnh là mảnh tâm hồn của con người, giúp cho con người hướng về cái đẹp, cái thiện, sống đẹp đẽ và tốt lành hơn. Thưởng ngoạn một chậu cây cảnh người xem sẽ thấy tập trung trọn vẹn hay một phần vũ trụ. Trong cái nhìn tổng thể, sẽ thấy được cái hùng vĩ của một cây đại thụ trong thiên nhiên. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, có nhựa sống của thiên nhiên và làm cho người thưởng ngoạn cảm nhận được mối giao hoà giữa thiên nhiên và con người, thể hiện phong cách thiền là con người có thể hoàn thiện thiên nhiên chứ không thể sáng tạo thiên nhiên.

Lê Tấn Tài