CHUYỆN NGÀY XƯA



Ở Mỹ, trường học bắt đầu vào mùa thu, sau ngày lễ Lao Ðộng. Tôi ngắm nhìn quang cảnh tựu trường với một vẽ thản nhiên, không xúc động, vì nó không có một kỷ niệm nào với tôi, dù rằng trong suốt quãng đời dạy học, tôi gắn bó nhiều với những ngày tựu trường và bãi trường. Lâu quá rồi mình đã mất đi những cái mình đã có. Thời gian qua, cuộc đời bụi phủ, có còn phải nhớ nhung ray rứt những đền đài cổ mộ hay phải bỏ lại sau lưng những năm tháng cũ đã mất hút và chẳng muốn níu lại làm gì?
Nhưng mùa khai trường năm nay ở đây bỗng nhiên lá ngoài đường rụng nhiều khiến tôi ngậm ngùi nhớ lại những ngày xưa ấy. "Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. " (Thanh Tịnh - Tôi đi học)
Ðoạn văn đẹp ai mà không nhớ, ai mà không từng nhớ mẹ nắm tay đưa đi học, nhớ nỗi sợ hãi trước cổng trường, những lo lắng khi gặp biết bao nhiêu người lạ mặt... Truyền cảm của văn chương có sức thấm sâu vào tận lòng người là như vậy. Thử đọc đoạn thơ sau đây dù không biết thi sĩ muốn nói gì nhưng vẫn thấy vấn vương trong ta những gì mới mẻ xa lạ ...
Lạc về đầu rú khe truông
vốc năm ngón nhỏ gieo buồn rã riêng
Tuổi xanh nhiếp dẫn sai miền
đuổi xiêu phấn bướm phi tuyền vọng âm
Tuần trăng quẫy gánh đau ngầm
cõi bờ phơi dựng gió nhầm tin hoa
Em về rắc cỏ tháng ba
xuống trang hồng hạnh tin già in rêu
(Bùi Giáng - Ngàn thu rớt hột)

Khám phá những con đường mới dù là đường đi, đường đời hay đường đạo cũng là một điều thú vị. Ðó là những con đường đưa đến những chân trời mới. Và phải chăng có một chốn bình yên nào đó để chúng ta tìm về khi tóc đã ngã màu sương khói. Phải chăng chốn đó là quê hương với lũy tre làng từng vươn những cánh tay dài vẫy chào người ra đi. Nơi quê người không tìm thấy hình dáng một luỹ tre làm bóng mát, thế giới ảo không thay thế được trong mắt con người, mọi sự so sánh đều khập khểnh. Mỗi người đều mang một phần cuộc sống của ai đó, tận sâu trong trái tim, không thể tách rời, giống như con ốc sên mang trên mình chiếc vỏ nặng nề, dù vô cùng nặng nề vẫn không từ bỏ được, bởi chiếc vỏ ấy đã gắn chặt với cuộc đời nó.
"All joys want eternity. Want deep, profound eternity" (Nietzsche)
(Niềm vui đòi cái vĩnh cửu của mọi vật, đòi cái vĩnh cửu sâu khôn lường)

Người ta thương nhau tìm về câu hát, nhớ nhau tìm về bến đò đợi sang. Ai cũng có một nơi chốn bình yên để tìm về. Trong hoài niệm của tôi, tôi không thể nào quên được những vẻ đẹp hồn nhiên của quê hương. Thật ra chẳng có gì sâu sắc lắm, nhưng chắc chắn những kẻ lãng tử vẫn mê những con đường quê hơn là những con đường trải nhựa êm ru. Ôi chốn quê, ngày xưa, nơi những thân phận được nuôi dưỡng êm ả, lòng người không toan tính tất bật lo toan, hương vị của thôn quê ngàn năm không đổi.
Miền Nam có những cơn mưa rất lớn, tràn ngập nước. Những cơn mưa nầy như một ân huệ lớn giữa những cơn nắng khắc nghiệt. Ểnh ương, cóc nhái uềnh oang trong một không gian sâu lắng. Nhìn những mái nhà ngói đỏ sẫm, những hàng tre, hàng cau, hàng dừa, bụi chuối mà như thấy lại chính mình. Ðây mới là nguồn thiên nhiên vĩnh hằng. Ở nhà quê, nơi đâu cũng có một giếng nước và một bụi tre. Giếng sâu thăm thẳm, ẩm lạnh rêu phong... Dòng nước là nguồn sống và bụi tre là cái trụ của người dân quê. Lẩn thẩn nhớ món canh măng, nhớ bụi tre tàu, hàng lồ ồ, căn nhà tranh ọp ẹp, mùi vỏ bưởi khô đốt đuổi muỗi, dưới ánh đèn dầu leo lét đứa bé ngồi học bài. Ngoài sân đom đóm bay lập lòe. Ðêm nghe tiếng chõng tre kêu cót két...
Những hình ảnh giản dị thô sơ đó, không rêu phong cổ kính, không náo nhiệt ồn ào, cũng gom được nhiều kỷ niệm mà cần phải viết nếu không sẽ quên mất. Ðây là những cảm xúc chất ngất trong hồn và mang mang hoài vọng của một người đặt chân lên khoảng sân nhỏ ngày nào, nơi có mái tranh và người mẹ hiền chập chờn gậy trúc từng canh, tựa cửa chờ con từng ngày trở lại quê xưa. Ðây cũng là một cuộc hành trình về quá khứ có nhiều nước mắt... Ðã là một cõi quê nhà, tất cả dù có đổi thay nhưng cây đa, mái đình, sân trường, hàng hiên, vẫn tràn qua bao nổi nhớ. Xa thì nhớ, nhưng đến gần thì lại càng thấy xa. Hồn xưa đã gởi vào tiếng thời gian hay là hồi trống thu không vang lên báo ngày đã hết.
Và bây giờ các con tôi đâu còn biết bụi tre tàu, đâu còn biết được những đoạn đời, những dặm đường cách trở của cha nó khi xưa...

Lê Tấn Tài