Hakuin (1686-1768) là thiền sư nổi tiếng của Nhât Bản, người Trung Hoa gọi là Bạch Ẩn Huệ Hạc. Hakuin có công gây dựng lại dòng thiền Lâm Tế ở Nhật, chủ trương tu tập thiền định thay vì suy tư nhiều về công án. Thiền sư còn nổi tiếng về họa, văn và tạc tượng...
Những bức tranh mực tàu (mặc tích), cũng như những bức thư pháp của Hakuin đã trở thành những kiệt tác của thiền hoạ Nhật Bản. Hakuin dùng tranh vẽ để tặng cho các đệ tử với mục đích khuyến khích hoặc chỉ dạy cho họ quán chiếu sâu về một đề tài nào đó, bằng cách sử dụng những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày để đưa thiền sinh bước vào thế giới chân thật. Mỗi bức tranh là một công án, một pháp thoại không lời. Hakuin xem nghệ thuật là một phương tiện để truyền bá Phật pháp và đã sáng tác hàng ngàn bức họa và thư pháp, chuyển tải những nghĩa lý sâu xa về thiền, về lời Phật dạy.
Để mọi người dễ tiếp thu tranh của mình, Hakuin mở rộng đề tài bao gồm hình ảnh, chủ đề, thậm chí những phong cách hội họa lấy từ văn hóa dân gian hiện đại, văn hóa dân gian truyền thống, và trong cuộc sống hàng ngày.
Trong tranh "Củ khoai nước" có một cụ già và đứa bé rửa những củ khoai nước (taro root) bằng hai cây xào và thùng nước trong một ngày mùa thu, bên cạnh một dòng suối. Trong phút chốc, cả hai chợt dừng lại, để ông lão có thể ngước nhìn lên ngắm một vầng trăng thu thật đẹp.


Củ khoai nước


Tranh "Khỉ và con chim én" với hình ảnh một con khỉ ngồi như đang trầm tư suy nghĩ một điều gì, có một con chim én bay ngang và hót. Trên tranh dòng chữ viết “Dù không lắng nghe, đưa lên một bàn tay, chim én.”


Khỉ và con chim én


Tranh vẽ một con kiến bò trên chiếc cối xay bằng đá, nhưng có lẽ nó chỉ phí công thôi vì chiếc cối quay ngược chiều lại. Hakuin viết, “Đi vòng quanh trên cối đá. Một con kiến – tiếng thầm thì nhỏ nhoi của thế giới”.


Con kiến bò trên cối xay


Bức tranh "Con trâu qua cửa sổ" Hakuin vẽ từ công án thứ 38 trong Vô Môn Quan. Một con trâu nhảy qua khung cửa sổ nhỏ bé, đầu sừng, thân, bốn chân đều vượt qua hết. Nhưng chỉ kẹt lại cái đuôi không qua được. Tại sao vậy?


Con trâu qua cửa sổ


Những vị thần trong dân gian là một chủ đề được Hakuin ưa thích. Thần Ebisu bảo vệ ngư dân, được vẽ với tay đang cầm con cá chép màu cam đỏ.


Ebisu


Thần Shoki chế ngự yêu ma, xuất hiện trong một bức họa nằm gối đầu lên một con yêu ma bị bắt giữ với đôi mắt trừng trừng giận dữ.


Shoki


Một ông lão mù đang đi dạo nói với một bóng ma hiện trước mặt mình, “Ai đang gầm gừ ở đó? Cái gì? Quỷ một mắt đó à? Ta đâu có thấy ngươi đâu mà sợ. Ngươi có một mắt, ta không có mắt nào hết, ngươi sợ ta mới phải chứ!” ("Con quỷ một mắt")


Con quỷ một mắt


Những bức tranh vẽ các vị thiền sư và các bậc thánh trong Phật giáo được phác họa một cách rất kỳ lạ. Phật Thích Ca, vừa trải qua 6 năm khổ hạnh và tham thiền nhưng vẫn chưa được giác ngộ, dường như bị dồn nén và trầm tư rất nhiều.


Phật Thích Ca


Bồ tát Quan Âm, vị Bồ tát của tình thương yêu, tỏ ra buồn bã và kiệt sức.


Bồ tát Quan Âm


Bồ tát Di Lặc có cái bụng bự biểu trưng cho sự hoan hỷ, sự may mắn - đang đưa lên một bàn tay với nụ cười dò xét. Bồ tát cân xứng với cái túi vải truyền thống của Ngài, được phác họa với một vài nét bút tinh tế, trong khi cái y của Ngài thì dường như đang tuột khỏi đôi vai được vẽ bằng một lớp dày cùng với những đường gợn sóng màu đen sâu, còn cái túi vải của Ngài thì được vẽ bởi những nét bút mạnh với mực xám nhạt.


Bồ tát Di Lặc


Trong bức tranh "Núi Linh Thứu" Hakuin vẽ ngọn núi hình một con chim ưng lớn, tượng trưng cho núi Linh Thứu (Vulture Peak), nơi Phật giảng kinh Pháp Hoa. Bên dưới là một làng đánh cá nhỏ với dăm ba mái nhà nằm rải rác, với những chiếc thuyền chài, biểu tượng cho một đời sống bình thường. Trên tranh ông viết, “Nếu bạn nhìn lên, núi Linh Thứu. Nếu bạn nhìn xuống, những chiếc thuyền đánh cá bên ngôi làng Shigeshishi nhỏ.”


Núi Linh Thứu


Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (Linji Yixuan) có nét mặt dữ tợn nhưng cũng rất có tính người, khi được làm nổi bật bởi cái ngực lõm và cái cằm râu ria lởm chởm.


Lâm Tế Nghĩa Huyền


Phong cách vẽ của Hakuin càng trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn lúc về già. Chẳng hạn bức thư pháp "Chi Fuku Zen" (Nơi hành thiền lý tưởng) viết theo chiều ngang được thực hiện trên giấy không thấm, sự biến đổi độ dày của mực ghi lại một cách trung thực sự chuyển động không chút do dự của nét bút, dường như được viết ra từ một nét bút liên tục, không ngừng nghỉ.


Chi Fuku Zen


Hakuin thích vẽ biếm họa các nhà sư nửa mùa, thường xuyên chế giễu Yoshida Kenko (1283-1350), tác giả cuốn Essays in Idleness (Tsurezure-gusa), mô tả vị này như một con khỉ dại khờ tìm cách chụp bóng trăng dưới nước. Một con khỉ tay nắm cành cây và một tay vói xuống ao vớt mặt trăng trên nước. Trên bức tranh, thiền sư Hakuin viết bốn câu kệ, "Con khỉ nhỏ với tay bắt trăng trên nước. Dẫu trọn đời cũng chẳng ích lợi gì. Nếu phải chi nó buông mình xuống ao. Và thế giới này sẽ trở nên rực sáng."


Con khỉ vớt trăng


Hakuin mô tả Bố Đại Thiền Sư (Hotei , “vị Phật cười”), như là người chủ tiệm với dòng chữ kế bên: “Các chủ tiệm cũng phải nghe tiếng vỗ của một bàn tay, nếu không thì buôn bán sẽ ế ẩm!” Thiền sư Hakuin cũng là tác giả của công án âm thanh của một bàn tay. Hakuin viết “Núi, sông và mặt đất này tất cả đều là tai của ta. Những gì ngập tràn tai ta, tự nguyên thủy của nó không phải là âm thanh. Ta có thể lắng nghe sâu sắc mà không cần đến lỗ tai của mình… mà thật ra không có mắt, không có tai mới chính là cái thấy và cái nghe chân thật nhất.”


Âm thanh của một bàn tay