Kiếm đạo


           Kiếm đạo (kendo) là nghệ thuật đấu kiếm của Nhật Bản dùng cả hai tay với một cành tre thay cho thanh gươm dài của hiệp sĩ Samurai .
           Ngày nay người ta tập kiếm đạo với shinai (kiếm tre), và người tập phải mặc đồ bảo hộ. Thanh kiếm dài 1,2m. Bộ đồ bảo hộ (bogu) gồm một mũ giáp bảo vệ mặt (men), tấm giáp ngực (do) và đôi găng tay dày (kote), một tấm bảo vệ hông và bụng dưới (tare). Kiếm sĩ (kendoka) mặc một chiếc quần rộng (hakama) giáp tới chân.
           Một yếu tố quan trọng trong luyện tập là tiếng thét kiai. Tiếng thét có tác dụng làm đối phương khiếp sợ hoặc mất trọng tâm. Để có thể thét vang vọng, kiếm sỉ Kendo phải vận dụng lượng hơi tập trung ở bụng dưới, gọi là "hara"; hay phần hơi ở giữa bụng. Chính một số tay chơi quần vợt cũng biết áp dụng kỹ thuật thét vang như vậy.Tiếng thét phải phát ra cùng một lúc khi cạnh kiếm chạm vào điểm cắt. Trong môn Kendo, người ta dùng tiếng Nhật để chỉ cụ thể từng bộ phận cơ thể mà thân kiếm, phải chạm vào, tức những vùng bị cắt, thí dụ như phần đầu gọi là "men", cổ tay là "kote", phần thân là "do", và phần cổ họng được gọi là "tsuki".
           Một trận đấu (shiai) được tính với 3 điểm, thời gian đấu khoảng 5 phút. Như vậy người chiến thắng là người chiếm được trước 2 điểm. Mục đích của kiếm đạo là mang lại sức mạnh và sự cân bằng giữa cơ thể với tinh thần, sự hòa hợp của một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể lành mạnh.
           Vũ khí và binh giáp của Nhật ngày xưa chịu ảnh hưởng phần nào từ Trung Quốc, trong đó có thanh kiếm. Kiếm là một trong những vũ khí được con người sử dụng nhiều nhất vào thời phong kiến khắp nơi từ Âu sang Á. Thanh kiếm thời đó có hình dạng thẳng, cấu trúc đơn giản, thường dùng để đâm và chém, tuy nhiên động tác chiến đấu cũng chưa tinh xảo. Theo truyền thuyết thì đến thế kỷ thứ 8 thanh kiếm với lưỡi hơi lượn cong, cán dài - cấu trúc đặc thù Nhật Bản - được một thợ rèn tên là Amakuni chế tạo tại tỉnh Yamoto. Song theo những tài liệu đáng tin cậy thì thanh kiếm cong độc đáo như ngày hôm nay , xuất hiện vào thế kỷ thứ 10 (năm 940, vào thời kỳ Heian do một nghệ nhân tài ba về nghề luyện kiếm tên là Hoki rèn). Đây chính là loại kiếm được sáng tạo và rèn rất công phu, muốn sử dụng nó người ta phải dùng sức mạnh của cả hai cánh tay. Ngoài trường kiếm (Tachi hay còn gọi là Katana), còn phải kể đến kiếm ngắn và thanh đoản kiếm (Kodachi hay Wakizashi), được chế tạo cũng theo kiểu dáng cong cong tương tự. Kiếm ngắn chỉ sử dụng khi lâm nguy và dùng trong nghi thức Seppuku hay Harakiri (mổ bụng tự sát để bảo vệ danh dự của Samurai ).
           Có thể nói sau một thời gian dài , môn kiếm thuật Nhật Bản Kenjitsu, với những đặc trưng riêng mới được hình thành, nhưng chỉ được truyền dạy cho giới quý tộc ở Nara. Trong khoảng thời gian từ 1600-1750, xã hội Nhật rất nhiễu nhương, Kenjutsu có cơ hội phát triển cực thịnh, và được đem ra huấn luyện cho các hiệp sĩ Samurai. Sau đó Kenjutsu được hệ thống hóa thành một môn kiếm thuật cực kỳ lợi hại nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của tình hình hổn loạn lúc bấy giờ. Kendo ra đời từ đó.
           Những kiếm sĩ danh tiếng thường có những chiêu kiếm thuật riêng và lập nên những trường phái rồi cứ thế truyền từ đời này sang đời khác.Tinh hoa nghệ thuật cũng theo đó dần dần phát triển thêm lên. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 bài tập đối luyện kiếm thuật (Kata) với tổ hợp động tác công - thủ - phản công có quy ước mới được nghiên cứu và đưa vào hệ thống huấn luyện.
           Ðến cuối thế kỷ 15, kiếm gỗ (Bokken) mới bắt đầu được sử dụng trong những buổi tập luyện. Thời kỳ này lý thuyết về kiếm thuật đã được hoàn thiện nhằm mục đích huấn luyện trong giới Samurai. Kiếm tre ban đầu được chế tạo bằng cách dùng 4 mảnh tre dài ghép lại đút vào một cái bao dài bằng da cóc hoặc da thuộc chưa có miếng lá chắn che tay (Tsuba). Sau này nó được cải tiến với bao vải thay thế bao da, thêm miếng lá chắn vào và có trọng lượng gần bằng kiếm thật song có hình dạng thẳng.
           Đến thế kỷ 18, kiếm tre và sàn tập bằng gỗ trở nên phổ biến tại các trường phái dạy kiếm, hơn thế còn có các dụng cụ hỗ trợ tập luyện như: giáp che ngực, mũ che đầu, gǎng tay bảo vệ... cũng được canh tân từ binh giáp truyền thống để trang bị cho môn sinh theo học kiếm đạo. Sang thế kỷ 19, kiếm đạo phát triển rộng trong quần chúng cũng như nhiều môn võ khác, và nó không còn chỉ thu hẹp trong giới Samurai.
           Kendo chú trọng vào tốc độ xuất kiếm, chiêu thức đơn giản gọn gàng khác với các bài kiếm phức tạp rườm rà của nhiều hệ phái võ cổ truyền Trung quốc. Nhiều người đồng ý rằng kiếm pháp của Nhật nói chung, và của Kendo , cực nhanh, điều này hiển nhiên là một thực tiễn vì trong khi lâm chiến, ai nhanh hơn thì người đó sẽ thắng, tức là còn mạng sống trở về, vì vậy mà Musashi Miyamoto (1584-1645), một đại danh gia kiếm thuật thời đó đã nói rằng: "Muốn đạt đến cảnh giới tối cao của kiếm thuật, phải biết coi nhẹ sự sống chết của mình, bởi vì trong một trận đấu, kẻ không sợ chết bao giờ cũng là người chiến thắng".
           Kendo có nền tảng từ Thiền học (Zen) và Thần đạo (Shintoism). Chủ yếu triết thuyết Kendo dựa trên lẽ phải thông thường, vào kinh nghiệm sống thực tế; chứ không phải do nghiên cứu từ chương, cơ sở của triết thuyết Kendo là ta phải quyết tâm tìm kiếm mọi cơ hội, phải biết bắt lấy cơ hội. Với một lưỡi kiếm sắc bén kiếm sỉ có thể phân xẻ thân thể đối thủ từ xương cổ trở xuống. Ở đây cũng thế, sự chớp nhoáng giữa tấn công và chống trả là một nguyên tắc tuyệt đối quan trọng. Và rốn cũng là trung tâm của mọi động tác. Những nhát kiếm được đưa ra không phải bằng những cánh tay, mà xuất phát từ trung tâm thăng bằng này, chỉ dùng cánh tay như những đòn bẫy. Khi đưa một nhát kiếm lên đầu đối phương, những cánh tay như dán chặt vào giao điểm tiếp xúc, sức mạnh là do toàn thân đẩy tới. Suốt thời gian đấu kiếm, mọi chuyển động của kiếm sĩ phải phát khởi từ tâm điểm ở rốn, sử dụng tâm điểm ấy như một cái trục, trên đó toàn thân có thể quay phải quay trái một cách nhanh nhẹn tùy nghi. Ở đây chúng ta gặp lại nguyên tắc của thiền đạo là "một trung tâm tĩnh lặng ở giữa những hoạt động như sấm chớp". Qua những đường kiếm mau lẹ, điểm thăng bằng phải được giữ tuyệt đối bất động, không có chuyện nhảy mạnh từ bên này sang bên kia hay chạy lui chạy tới, vì trong kiếm đạo không được phí năng lực. Bởi thế nguồn gốc sức mạnh và trọng tâm hoạt động được giữ yên, chờ lúc thuận tiện cho một cú đánh chết người. Khi ấy lưỡi kiếm được đưa xuống chớp nhoáng, dữ dội, kết thúc bằng một động tác bổ tới thật nhanh và mạnh từ trung tâm, tiếp theo là một tiếng thét khủng khiếp...
           Thái độ tinh thần của kiếm sĩ phải là thái độ mà người ta gọi là trạng thái Mura - nghĩa là không có cái cảm giác rằng "tôi đang làm việc ấy". Cảm giác này được xem là một trở ngại lớn, vì cũng như khi nghe âm nhạc, cái ý thức về chính mình đang lắng nghe hay chính mình đang đánh kiếm đã kéo sự chú ý ra khỏi khúc nhạc hay khỏi hoạt động đánh kiếm. Ý thức về bản ngã phải phục tùng sự tập trung vào công việc đang làm, tâm phải theo dõi bén gót những động tác của đối phương để phản ứng lại một cách tức thì, làm cho tấn công và chống trả trở thành một. Thái độ tâm thức này là tinh thần của võ sĩ đạo. Ở Nhật Bản vào thời phong kiến, thường xuyên xảy ra những cuộc nội chiến giữa những bá tước, nên hiệp sĩ Samurai phải luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng lâm chiến. Chính nhờ tinh thần thiền mà họ duy trì được sự bình tĩnh, và người hiệp sĩ Samurai thường đến viếng các thiền sư để thêm sức mạnh từ nơi triết lý "đi thẳng tới trước không ngoái nhìn lui", một triết lý dạy rằng sống và chết chỉ là hai khía cạnh của một hiện hữu, và chỉ cho người ta thấy có thể quên cái ngã bằng cách nhập làm một với sự sống. Võ sĩ đạo đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối, lòng dũng cãm vô biên. Bài tâm niệm người hiệp sĩ là:

"Tôi không có cha mẹ nào ngoài trời đất.
Tôi không có thần linh nào ngoài lòng cương trực.
Tôi không có của cải nào ngoài sự phục tùng.
Tôi không có phép lạ nào ngoài sức mạnh nội tâm.
Tôi không có sinh tử nào ngoài sự bất diệt.
Tôi không có mắt nào ngoài tia chớp.
Tôi không có tai nào ngoài sự bén nhạy.
Tôi không có tay chân nào ngoài sự nhanh nhẹn.
Tôi không có mục đích nào ngoài cơ hội.
Tôi không có thần thông nào ngoài chánh pháp.
Tôi không có nguyên tắc nào ngoài sự thích ứng.
Tôi không có bạn nào ngoài tâm tôi.
Tôi không có kẻ thù nào ngoài sự bất cẩn.
Tôi không có khí giới nào ngoài thiện chí và chánh đạo.
Tôi không có lâu đài nào ngoài tâm bất động.
Tôi không có gươm nào ngoài giấc ngủ của tâm ."

           Khởi đầu thanh kiếm chỉ là vũ khí giết người , nhưng sau đó kiếm sư Sekishu - người sáng lập trường phái Yagyu Shinkage đã truyền giảng cho môn sinh của mình khái niệm về sự cảm nhận tâm linh đạt được qua việc tập luyện kiếm thuật. Con trai của ông là Munenori (1571 - 1646) đã biên soạn cuốn "Fudochi - shinmyoroku" mà nội dung chủ yếu của nó kể về kinh nghiệm trực ngộ "Thiện đạo" trong kiếm thuật. Yagyu Shinkage cũng như Maniwa Nen, Shinkatato, Ono - ha Intto là những trường phái tiên phong trong khuynh hướng chuyển từ Kiếm thuật sang Kiếm đạo (Kendo), đồng thời đưa kiếm tre (Shinai) vào luyện tập và thi đấu. Tinh hoa kiếm đạo được tóm gọn trong bốn câu thơ:

“Tâm vô ưu
Thần bất động
Khí uy dũng
Kiếm vô chiêu”

           Phương pháp luyện kiếm là quên hẳn thân mình, không còn biết là mình múa kiếm hay là kiếm múa mình nữa. Khi mới luyện kiếm, thấy kiếm là kiếm, thấy ta là ta. Khi thuần thục, thấy kiếm chính là ta và ta chính là kiếm. Nhưng khi đạt được chỗ diệu lý của kiếm đạo, lại thấy kiếm chính là kiếm và ta chính là ta. Cái không biết ấy cũng vẫn còn là biết đấy. Kiếm Thân hợp nhất mới chỉ là ngã rẽ tạm thời, chưa đạt đến chỗ tận diệu của kiếm đạo. Chỉ trong kiếm đạo, sinh mệnh mới thực sự treo lơ lưng trên đường tơ kẻ tóc. Vấn đề sinh tử không còn được nêu lên để trầm tư suy tưởng như một công án nữa, mà biên giới giữa tử và sinh giờ đây có khi chỉ cách nhau trong một sát na. Từ đó triết lý cũng hóa thân vào các kiếm pháp thượng thừa .
           Theo truyền thống thiền, phàm những gì có thành thì phải có hoại bởi vì vạn vật đều được cấu tạo từ chổ bất toàn của nó . Do đó, mọi chiêu kiếm dù cao thâm đến đâu, hễ đã thành chiêu thức thì ắt phải có chổ sơ hở để địch nhân phản kích. "Nếu ta đánh không theo chiêu thức nào cả thì địch nhân phá vào đâu ? ". Kiếm pháp vô chiêu vốn không có khuôn khổ nhất định, nó cứ linh động tùy cảm mà ứng nên nó có thể thâu hóa tất cả kíếm pháp trong thiên hạ vào một mối để biến thành kiếm pháp của chính nó, thế thì thử hỏi có kiếm pháp nào trong đời địch lại nỗi ? Kiếm pháp đó sẽ cực kỳ phức tạp, khó hiểu đối với những kẻ uyên bác đầy ắp kiến thức, nhưng lại dễ dàng tiếp cận với những trái tim thuần phác hồn nhiên, không câu nệ cố chấp, những đầu óc không mang sẵn những định kiến cứng nhắc, những tâm hồn đã đạt mức "hư kỳ tâm" (giữ lòng trống rỗng) . Một số người không quen nếp suy tư phương Đông sẽ cho rằng nếu như thế thì hóa ra kẻ không biết gì về võ công, đánh không theo một chiêu thức qui củ nào lại hơn cả những tay cao thủ ! Đây là một kiểu ngộ nhận khá phổ biến. Vô ở đây không phải là không biết gì theo suy tư thông thường mà là cái Vô đã vượt trên cái Hữu. Vô được ví như cái hang rỗng chứa được tất cả nhưng vẫn trống không. Trong truyền thống Phật giáo tiểu thừa, người đạt quả vị tối cao là A la hán còn được gọi là bậc Vô học. Từ "Vô" trong vô chiêu nên được hiểu theo nghĩa đó hoặc hiểu theo nghĩa tính Không (sunyata) trong hệ thống tư tưởng Bát Nhã Phật giáo. Triết lý thiền không tin rằng lý trí có thể thấu hiểu được mọi vấn đề bằng khả năng, phân tích tổng hợp của nó. Bởi vì sự tích lũy không thâu hóa sáng tạo chỉ đưa đến tổng số thay vì tổng hòa. Họ chỉ đăng đường chứ không thể nào nhập thất. Chỗ tận diệu của võ thuật vẫn như một huyền án lơ lững thách đố trí thông minh của con người. Càng thông minh, càng tích chứa kiến thức mà không có được một đầu mối nhất dĩ quán thấu suốt tất cả để dung hòa thành một mối thì dễ dàng rơi vào trạng thái tẩu hỏa nhập ma. Trái lại những tâm hồn thuần phác và tĩnh lặng mới có thể đạt đến chổ tận diệu đó.
           Theo đó , Thiền hiển thị chữ Ðạo trong kiếm đạo .Chúng ta nên nhớ rằng thiền sư Huệ Năng, tổ thứ sáu của lịch sử Thiền tông Trung Quốc, người đốn củi không học hành lại được sư phụ truyền y bát để kế tiếp tông phái thay vì truyền cho Thần Tú, là một vị cao tăng uyên bác . Cái diệu lý của kiếm đạo, của Ðạo đã vượt quá ngôn ngữ văn tự mà đi thẳng vào tâm hồn những người đồng điệu theo lẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu . Theo kinh Dịch, tất cả thiên sai vạn biệt trong vũ trụ này đều phát sinh từ cái một đơn nhất : đó là Thái Cực. Cho nên đỉnh cao của kiếm đạo cũng tiến dần đến chỗ đơn nhất. Trên con đường trở về nguồn cội, tức là quay về cái lẽ đơn nhất đó, tự thân kiếm học mất đi những cái rườm rà, những chi tiết tan biến đi và chỉ còn lại nguyên lý "Vạn vật qui ư nhất" . Tất cả vạn sự đều quay về cái Một. Rồi chính cái Một đó tự nó cũng tiêu dung lặng lẽ, hòa nhập với Tâm. Kiếm pháp lúc đó đã hợp nhất với thân tâm, kiếm chiêu thu hay phát đều theo tâm niệm như nước chảy mây bay, không bị ngăn ngại. Từ cái Một đó mà biến hoá ra thiên sai vạn biệt. Cái Một là cái nền cho mọi thay đổi, nó trở thành cái trục giúp cho mọi biến dịch xoay quay đó theo đủ thể cách mà vẫn không bị rơi vào sự hỗn độn (Chaos).
           Tóm lại , theo thiền sư Trạch Am Tông Bành (Takuan Soho) thì tâm trạng của một kiếm sĩ cũng giống như tâm trạng của một thiền sư . Nếu hiểu kiếm đứng đắn thì không phải chỉ thiền mà qui luật của thiên địa cũng như tất cả qui luật của vũ trụ đều là kiếm đạo và ngược lại nhìn theo thiền thì không chỉ kiếm đạo mà là tất cả vạn vật đều là những làn sóng trên biển thiền . Sự hợp nhất của Kiếm và Thiền tương ứng một cấp bậc mà trên đó Thiền và Kiếm đều chẳng có nhưng chúng ta lại chẳng tìm được một vật không phải Thiền , không phải Kiếm .