Kiến trúc đơn giản là một phong cách ra đời từ những năm 1970, còn được gọi là phong cách Minimalism (phong cách tối giản, phong cách tối thiểu) thể hiện sự đơn giản mà không hề có sự rườm rà, thừa thãi, hướng tới việc hình thành không gian sống thoải mái với không gian rộng, nội thất gọn gàng và nhiều ánh sáng trong phòng. Tất cả những gì không cần thiết được coi là thừa, phải loại bỏ, từ đường nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất, ngược lại với trường phái cổ điển và nhiều trường phái khác hoàn thiện kiến trúc, bằng cách làm đầy, làm đẹp với những chi tiết tỉ mỉ...
Xưa nay, con người đều muốn có một cuộc sống hoàn hảo. Nhưng, hoàn hảo không phải là đích đến, mà là một cuộc hành trình. Cuộc sống vốn phức tạp, con người luôn chạy theo guồng quay không ngừng của xã hội để đạt mục đích về vật chất, các mối quan hệ, thành tích... Nhưng điều nầy lại làm cho cuộc sống con người thêm phức tạp, hỗn loạn... Tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa đe dọa nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, kể cả những việc làm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi con người cũng góp phần vào mối đe dọa này. Để có thể xác định những tác động đó, các tổ chức bảo vệ môi trường đã có khái niệm "dấu chân carbon" hay "dấu chân sinh thái" với tên gọi chung là "carbon footprint". Dấu chân carbon biểu thị lượng khí CO2 chúng ta thải vào khí quyển từ việc chúng ta thở, ăn, ở, giải trí...tức là hầu hết hoạt động của con người. Cho nên chỉ số này càng lớn thì mức tác động xấu đến môi trường càng nhiều.
Đó là lý do ngày nay xuất hiện khái niệm Dematerialism (Phi vật chất), giảm carbon footprint, nhường không gian cho cây cỏ – như các thiết kế của RCR Arquitectes bao gồm mối quan hệ giữa không gian bên trong với bên ngoài, ghi nhận những dấu ấn của thời gian, kết cấu và vật liệu – dường như đang hướng tới một quan niệm sống khiêm nhường hơn, hạn chế lòng tham chiếm hữu, để tham gia vào mối quan hệ đa giác quan, đa chiều không gian với tự nhiên. Sự tiếp nối này có thể chưa phải là thứ kiến trúc hoàn hảo giải quyết mọi vấn đề, nhưng nó đang mở ra những hướng đi rõ ràng để cho công nghệ tương lai có thêm thời gian bắt kịp, thể hiện một phong cách kiến trúc đang dần có những bước tiến mới, tiết chế hơn, như Leonardo da Vinci đã đề cập từ thế kỷ 15: “Sự đơn giản chính là sự tinh tế cuối cùng.” Đơn giản hóa hình thức bên ngoài và tăng cường đầu tư cho hệ thống vật liệu và nội thất bên trong là những đặc điểm quan trọng của xu hướng kiến trúc hiện đại.
Nếu chúng ta thấy sự lộn xộn, hỗn loạn trong nhà, làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, cần phải dọn dẹp và nếu chúng ta yêu thích những đường nét đơn giản trong kiến trúc thì việc thiết kế nội thất theo phong cách tối giản rất phù hợp với chúng ta.
Kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) – một trong những bậc thầy của kiên trúc hiện đại thể hiện lý thuyết “Less is more” (Ít là nhiều, càng ít càng tốt) - đặt nền móng cho phong cách kiến trúc đơn giản với những quan điểm mới về việc tổ chức không gian kiến trúc, với kết cấu, vật liệu mới là thép và kính, với những đường thẳng, mặt phẳng, góc vuông,… bộc lộ rõ cấu trúc của hệ thống kết cấu.
Ở phương Đông, Nhật Bản được coi là bậc thầy của phong cách đơn giản trong kiến trúc, tiêu biểu là kiến trúc sư Tadao Ando với những tác phẩm nghệ thuật của không gian và ánh sáng, của sự giao hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, mang một cá tính đặc sắc và đầy sáng tạo.


Kiểu nhà Việt Nam với mái thái và hàng hiên rộng thoáng mát


Nhà kết cấu đường thẳng nét, không gian rộng, mảng kính to,
đơn giản theo phong cách đương đại


Nhà nóc bằng, phòng rộng lớn chan hòa ánh sáng từ ngoài


Một thiết kế của Mies van der Rohe tại Barcelona. Thiết kế
nổi bật với những khoảng không trong sạch, đơn giản,
tinh tế, trật tự là những đường thẳng, mặt phẳng, góc vuông,...


Căn nhà hình khối đơn giản không trang trí,
các đường nét gắn liền với ngôn ngữ hình học,
với gian phòng rộng rãi, thoáng đãng

Hình thức bên ngoài được xem là “diện mạo” của những công trình kiến trúc. Ví dụ trong những công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển nổi bật nhất là những họa tiết tinh xảo trên các cột trụ, mái vòm, tường và cửa…Tuy vậy trong xu hướng thiết kế hiện đại với những công nghệ tiến tiến của một “thế giới phẳng”, có hình thức bên ngoài vô cùng đơn giản, ít cầu kỳ. Đó có thể là những ngôi nhà với mái thái - kiểu nhà theo kiến trúc thấp tầng, chủ yếu là 1 trệt 1 tầng. Các bộ phận trong thiết kế từ phần mái, cửa chính, cửa sổ, mái che đều thể hiện nét kiến trúc Thái đặc trưng.
Thiết kế bên trong, về bản chất, cũng giống như những phong cách thiết kế nội thất khác, vật liệu được sử dụng đa dạng tùy thuộc theo sở thích của gia chủ. Những chất liệu tự nhiên hoặc giả tự nhiên như gỗ, bê tông, tre, đá nhám thường được ưa thích hơn cả. Các loại vật liệu được sử dụng nên được phối màu đồng nhất với tổng thể không gian, thiết kế đơn giản sẽ giúp tạo nên những tiết diện tuyệt vời làm nổi bật kiến trúc và phản chiếu ánh sáng. Nét đẹp của một không gian tối giản đến từ cấu trúc, ánh sáng tự nhiên hay chất liệu đồng nhất và hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều đồ nội thất với chi tiết rườm rà.


Trong không gian kiến trúc đương đại, các yếu tố
đều phải gọn gàng và tối giản, cửa kính trợt lớn,
chiều cao thông thoáng, màu nâu sẩm là màu nhấn
giúp không gian không bị đơn điệu, mà vẫn hiện đại và trẻ trung.


Không gian sinh hoạt chung này hướng ra khoảng sân rộng
rợp bóng cây xanh trước mặt


Gam màu nhẹ nhàng cùng sự tối giản về đường nét
khiến căn phòng rất trang nhã và linh hoạt


Tạo hình kiến trúc và màu sắc đạt đến tối giản
với hai tông màu đối lập đen và xám xi-măng
đại diện cho nét cổ điển và hiện đại


Giảm bớt các chi tiết xuống tới mức tối thiểu là một phần
quan trọng giúp định hình phong cách tối giản
trong thiết kế nội thất, những đường nét kiến trúc
trở nên ấn tượng với sự hổ trợ của nguồn sáng
tự nhiên và ánh sáng nhân tạo


Ánh sáng tự nhiên giúp không gian trông rộng hơn,
dùng những đồ đạc cần thiết giúp căn phòng khách này
thoát khỏi cảm giác chật hẹp, lộn xộn và làm nổi bật
được vẻ đẹp của bộ salon.


Sự cân bằng về ánh sáng và tông màu sáng tối
tạo ra cảm giác rõ ràng và tự do với cảm hứng Thiền.


Không gian của một công trình mang phong cách tối giản hiện đại phải đảm bảo được tính thoáng đãng với những mảng tường, mảng trần và sàn phẳng, tạo khoảng trống lớn, ít chi tiết giúp tối ưu diện tích sử dụng. Hạn chế sử dụng đồ nội thất, màu sắc và vật liệu sẽ mang lại cho không gian công trình một vẻ tĩnh lặng và đơn giản, phù hợp với những lối sống đậm chất thiền Á Đông.
Việc loại bỏ, hạn chế các chi tiết, màu sắc, những thứ không cần thiết nhằm hướng sự tập trung cho không gian kiến trúc. Chính không gian tạo nên xúc cảm chứ không phải bởi những chi tiết trang trí, đồ đạc hay điều gì khác. Do màu sắc hạn chế nên ánh sáng là một yếu tố quan trọng bậc nhất và càng có ý nghĩa hơn, nhất là ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên luôn biến đổi và làm thay đổi những cảm nhận, cảm xúc của người đứng trong không gian đó. Việc tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên qua các khung cửa có diện tích lớn, những vách kính hay mái nhà sẽ mang lại hiệu ứng thị giác với giá trị thẩm mỹ cao.
Sự sử dụng hạn chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất của phong cách này. Thông thường, có không quá ba màu trong không gian nội thất: một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn. Màu sắc của các mảng tường là màu trung tính nhằm tạo ra một phông đệm cho các vật dụng trang trí bên trong, hướng sự chú ý của người quan sát đến những điểm nhấn quan trọng.
Châu Âu sau một thời gian dài say mê với các chi tiết cầu kỳ, hoa văn phức tạp, hiện nay quay sang tìm kiếm cái đẹp trong sự đơn giản. Với nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, tính cạnh tranh trong công việc ngày càng lớn và mật độ dân số ngày càng tăng, một không gian thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng trở thành điều mà mọi người mơ ước. Đó có lẽ là lý do giải thích tại sao phong cách đơn giản lại có nhiều ảnh hưởng và thành công lớn trong trang trí nội thất và kiến trúc như hiện nay.

Lê Tấn Tài

Xem thêm trên Youtube

Những căn nhà thiết kế theo phong cách tối giản