LAN ĐỘT BIẾN

Lê Tấn Tài




Giả Hạc

Hoa phong lan rất phổ biến ở Việt Nam với hàng ngàn chủng loại. Mọi người từ nông thôn đến thành thị đều yêu thích vì trồng lan không cần nhiều diện tích, và giá cả cũng rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, lan đột biến bắt đầu "lên cơn sốt", được dân chơi lan săn lùng dù giá lan đột biến cao chót vót, chỉ các đại gia mới sở hữu được. Những giống lan đang gây "sốt" hiện nay là lan Phi Điệp (miền Nam gọi là lan Giả Hạc) đột biến như: Juliet, Phú Thọ, Trường Sa, Hồng Mỹ Nhân, Hồng Yên Thuỷ, Bạch Tuyết, Tiên Sa, Người Đẹp Bình Dương, Chợ Mơ, Hiển Oanh, Vô Thường, Minh Vũ, Lâm Xung, Bướm Đại Ngàn... Theo bảng giá tháng 6/2021 trên internet, 1 ki (mầm non), bán "lúa non" (trả tiền trước lấy hàng sau) giá từ 10 triệu vnd đến 1 tỉ vnd (# 400 usd - 40.000 usd) - phi điệp có 5 cánh trắng "Người Đẹp Bình Dương" giá 10 tỷ vnd (# 400.000 usd).


Hồng Minh Châu

Theo sinh học, đột biến là những thay đổi về di truyền, là những biến đổi gene, biến đổi ADN hoặc nhiễm sắc thể để có thể di truyền cho các thế hệ sau, thế hệ sau khác thế hệ trước (Xem bài Biến Đổi Gene). Còn thường biến là những cây cũng có kiểu hình khác biệt nhưng chỉ xảy ra đồng loạt ở 1 vùng khí hậu nào đấy và không thể di truyền đặc tính quý hiếm này.
Lan đột biến là loài lan có cấu trúc nhiễm sắc thể mới hình thành, khá lỏng lẻo, nên dễ thay đổi các hình dạng như thân, lá, hoa khác với quần thể lan và chưa từng xuất hiện trước đây. Nguồn gốc của hoa lan đột biến bắt nguồn từ hiện tượng biến dị sinh học rất dễ bắt gặp ở thực vật ngoài tự nhiên, là một dạng của Biến dị di truyền – Đột biến và Biến dị không di truyền – Thường biến.
Đặc điểm lan đột biến là có hình dáng đẹp, độc đáo, đẹp tự nhiên, không lai tạp, có mùi thơm. Nói rõ hơn thì hoa lan đột biến có 3 bộ phận hoặc 1 trong 3 bộ phận cánh, mắt, mũi của nó chuyển sang màu trắng, khác với hoa thường cánh, mắt, mũi lẫn lộn 3 màu sắc tím pha trắng và phớt hồng.
"Một bông hoa lan đẹp cần đạt các yếu tố như: Đài cong và ngửa; vai cánh thuyền, càng bầu, căng, bóng thì càng đẹp; mắt xước, gọn, sạch, cách xa thùy và không lem; mũi có mầu càng trắng, càng quý; thùy (khoảng giữa 2 mắt và mũi) không lem màu… Mặt hoa phi điệp thường có 5 cánh, cấu trúc cũng giống như mặt người, 2 bên là mắt, trên là mũi (có đầu mũi, sống mũi) rồi môi, rồi họng".


Hồng Mỹ Nhân

Lan đột biến độc nhất vô nhị, trong hàng vạn giò, triệu giò mới có được một, hiếm có cây thứ hai giống nó. Tuy nhiên, nó có thể đột biến di truyền để từ một cây lan này nhân lên thành nhiều cây khác, cho ra một loại lan mới chưa từng có, khác hẳn với đặc điểm của cây mẹ, khác màu cây mẹ. Nhưng, trong thiên nhiên, chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau với xác suất 1/1.000.000 hay 1/10.000 để sinh ra một loài mới.
Cây lan nào cũng có gene đột biến, nhưng cách đột biến của mỗi loại khác nhau, nhất là dòng Lan Phi Điệp dễ trồng, dễ nhân giống và số lượng lan đột biến ngoài tự nhiên cao hơn nhiều. Lan đột biến liên tục biểu hiện các kiểu hình khác nhau qua nhiều thế hệ sau, một thời gian sau có thể tách thành loài mới. Lan đột biến cũng có thể đời sau không biểu hiện kiểu hình khác biệt, vì kiểu hình khác nằm trong gene lặn, nên nó không thể biểu hiện ra kiểu hình mới khi có gene trội song hành.


Phi Điệp

Với công nghệ sinh học hiện đại, con người thay tự nhiên tạo ra đột biến. Tế bào thực vật có tính toàn năng, tức là mọi tế bào đều có cùng hệ gene và có khả năng sinh sản vô tính. Do đó, chúng có thể được nuôi cấy để tạo ra loại giống hoàn toàn mới. Dựa trên tính toàn năng này, con người đã ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào để nhân giống các loại thực vật, trong đó có cả những thực vật rất quý hiếm. Để có thể gây đột biến chính xác một gene cụ thể (ví dụ gene kháng sâu bệnh, gene chịu hạn mặn, gene cho cánh hoa màu trắng tuyền, cánh hoa màu trắng môi màu hồng...), các nhà khoa học sử dụng phương pháp biến đổi gene hoặc chỉnh sửa gene.


Hồng Yên Thủy

Có 2 phương pháp nhân giống lan đột biến:
- Nhân giống bằng hạt (hữu tính): Phương pháp này hạt phấn sẽ bị phân ly, khi cây con lớn lên sẽ không giữ được đặc tính ban đầu của cây mẹ mà có sự thay đổi về hình dạng và màu sắc của hoa. Vì vậy cần phải nhân giống vô tính để duy trì các đặc tính của cây mẹ.
- Trồng cây con: Lan có khả năng mọc thêm cây con mới từ các mắt của nhánh hoa đã tàn. Cây con này là keiki (là những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ nằm trên thân mẹ) Nhưng thường chúng sẽ không nhảy ra cây con mới, mà sẽ tiếp tục mọc hoa. Chỉ khi được chăm sóc tốt và dùng thêm chất kích thích hợp lý, thì mới có thể sinh cây con.
Phương pháp giâm cành: Cắt cây mẹ thành từng đoạn rồi tiến hành giâm cành.
Cấy mô: Ngoài ra, người ta cũng có thể nhân giống bằng phương pháp Invitro (nuôi cấy mô) nhưng đòi hỏi công nghệ phức tạp, chuyên môn cao và máy móc hiện đại. Cấy mô, cây con khỏe, hệ số nhân giống cao, sức sống tốt. Hiện nay, phương pháp nhân Invitro đã được các nhà khoa học cải tiến rất nhiều. Trong đó có một số trường hợp nhân từ mô, có trường hợp nhân từ bao phấn, từ noãn, từ lát cắt và từ một đoạn thân… của cây trồng. Thực tế ở các nước tiên tiến như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… người ta đều đang sử dụng phổ biến phương pháp này cho cây lan.


Juliet

Có loài hoa biểu tượng cho tình bạn, cho tình yêu, cho sự thơ ngây trong trắng, sự ủy mị, hay sự phiêu bồng lãng mạn… riêng hoa lan thì lại là vua của các loài hoa (Vương giả chi hoa), biểu tượng cho cái đẹp hiếm có.
Lan đẹp không cần điểm trang son phấn. Không như các loại hoa khác phải cắm trong một bình thật đẹp, chèn vào vài cành hoa khác, các loại lá khác làm nền thì vẻ đẹp mới tăng lên.
Lan mọc cheo leo trên ngọn cây vách đá, mưa nắng vùi dập, vẫn rực rỡ trong thời tiết khắc nghiệt. Dù bám vào cây như thân tầm gửi nhưng không làm chết cây chủ, không hút dinh dưỡng cây chủ. Cánh hoa nhỏ bé, mỏng manh, yếu đuối, nhưng lại ẩn tàng một sức sống mãnh liệt, một sự cao sang thanh lịch mà không loài hoa nào có được. Chính sự đạm bạc ấy thể hiện được phẩm giá của người quân tử. Sống nơi núi rừng tịch mịch, xa lánh bụi trần, chẳng đua tranh bon chen với đời, “vẫn ngát hương dù chẳng bóng người”. Cái đẹp ấy hình như chỉ dành riêng cho tạo hóa.


Lâm Xung

Phạm Đình Hổ thuở xưa "gọi lan là vương giả hương”, bởi thứ lan “thanh nhã bất phàm”, không cỏ cây hoa lá bình thường nào đều có thể ví được.
Cao Bá Quát có mấy câu thơ vịnh lan:
“Nhã khiết phù quân tử
U lan phẩm tối lương
Kỳ nhân nguyên tỷ ngọc
Thử quốc hợp danh hương”
(Lan vi quân tử)

Dịch:
Tao nhã hợp quân tử
U lan chất lạ thường
Quân tử ấy là ngọc
Nước lan là danh hương
(Thái Trọng Lai dịch)



Ngọc Sơn Cước

Lan đột biến tự nhiên là thứ lan trời cho, “cho ai nấy hưởng”. Người chơi chỉ chăm sóc chứ không thể ươm trồng, tạo ra được. “Hoa bản vô tình nhân hữu tình, tửu bất túy nhận nhân tự túy” (Tự hoa không có tình, mà là người có tình, rượu tự nó không say mà người tự say).
Chăm lan và ngắm lan làm cho con người trở nên điềm tĩnh và gần gũi với thiên nhiên. Dòng đời hối hả, vội vã… chơi lan để sống chậm lại.
Thú chơi lan hiện nay đã bị thương buôn tục hóa, làm ô uế phong cách chơi lan. Hơn nữa với sự nhân giống theo phương pháp khoa học hiện nay thì chỉ một thời gian ngắn, lan đột biến sẽ được nhân giống rộng ra, không còn hiếm nữa. Cái gì phổ biến rổi sẽ bão hòa, nhưng thú chơi lan vương giả sẽ ngày càng… “đột biến” hơn, người ta nhìn hoa lan không phải để thưởng thức vẻ đẹp mà qua đống tiền tỷ của nó. Ôi, còn đâu nữa, nỗi đam mê, hàng ngày, ngắm nghía từng giò lan của mình, qua những hạt mưa sương lất phất, chứa đựng đầy mầm sống, đón chờ những cành lộc, những nụ hoa hé nở, cùng với cỏ cây, hoa lá...

Lê Tấn Tài