Nghệ Thuật Mạn Đà La

Lê Tấn Tài




Mạn Đà La phiên âm từ chữ Sanskrit : maṇḍala (मंडलः), tiếng Anh phiên âm là Mandala . Mạn Đà La có nghĩa là vòng tròn viên mãn hay là sự toàn vẹn (circle or completion). Đây là hình vẽ của các bậc giác ngộ biểu thị vũ trụ hay là một đồ hình của vũ trụ thu nhỏ.
Mạn Đà La có trong đạo Bà La Môn thuở xưa và có thể bắt nguồn từ các hình dạng trong thiên nhiên như mặt cắt của các loại hoa, các vỏ sò, các loại cây trái. Hiện nay từ mạn-đà-la được xem như là một đồ hình hay một dạng thức hình học biểu tượng vũ trụ. Theo nghĩa này thì mạn-đà-la có biểu tượng trong nhiều tôn giáo khác như Đạo Giáo với đồ hình lưỡng nghi, Thiên Chúa Giáo với một số dạng thánh giá biểu trưng, Hồi Giáo với các kiến trúc đặt biệt tổng quát của các đền thờ .


Phật Giáo sử dụng Mạn Đà La như một đàn tràng bày các lễ vật cho nghi thức cúng dường, hành lễ, tu luyện... Mật Giáo thiết lập Mạn Đà La để mô tả vũ trụ và biểu hiện trí tuệ viên mãn. Phần lớn Mạn Đà La được vẽ, in, thêu những mẫu hoa văn. Các Mạn Đà La Tây Tạng được tạo bằng các loại đá quý, hoa, gạo khô, đá màu hay bơ, thông thường là cát màu . Mạn Đà La vũ trụ được xem như là một tinh hoa đặc thù của Tây Tạng, là một pháp môn tu tập và Tây Phương xem như là một nghệ thuật.


Một tu viện Tây Tạng xây theo mô hình mạn đà la



Mạn đà la tạo bằng bơ


Hình dạng cơ bản của Mạn Đà La là hình tròn, gọi là nguyệt luân (candra- mandala). Bên trong hình tròn này có biểu tượng của năm vị Như Lai. Chính giữa là vị Đại Nhật Như Lai (MahāVairocana-Tathāgata), đó là Pháp thân của Phật (DharmakāyaBuddha) . Vòng tròn của Mạn Đà La có ý nghĩa sự toàn vẹn. Các vòng ngoại vi để bao bọc cho vòng tròn tâm điểm. Tinh túy chính là tâm của Chư Phật chứa đựng bên trong.


Chư tăng Tây Tạng đã thiết lập Mạn Đà La ngay từ khi Phật Giáo du nhập vào khoảng thế kỷ thứ 7. Tu viện đầu tiên của Tây Tạng (khoảng năm 779) thiết lập Mạn Đà La ba chiều giống như cung điện. Năm 1988, Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 đã chính thức cho phép kiến trúc và biểu thị Mạn Đà La trước công chúng .


Mạn Đà La cát màu có nhiều loại hình thể khác nhau . Thông thường các Mạn Đà La cát đều được đặt trong các khuôn nền hình vuông . Sau đó chư tăng vẽ một sơ đồ ký họa các vòng tròn hình học đồng tâm trước khi dùng cát màu và ống đồng hoặc bạc (ống đồng hình dạng giống như cái phễu dài) để gõ và rắc cát lên từng ô của bản sơ đồ, với công cụ nầy các chư tăng đã tạo ra các Mạn Đà La bằng cát phong phú , tuyệt mỹ, với những đường cong uyển chuyển, mềm mại... Tạo đồ hình Mạn Đà La phải sử dụng nhuần nhuyễn ống đồng, kỹ thuật rắc cát màu cũng như cách chế tạo cát màu. Ngoài ra chư tăng còn phải thanh tịnh thân tâm và thiền định nhiều ngày trước khi tạo đồ hình .




Thông thường chư tăng bắt đầu tạo đồ hình từ trung tâm rồi đến các vòng đai bên ngoài để tránh làm hư hại. Khi chiêm ngưỡng Mạn Đà La chúng ta phải quan sát từ ngoài vào trong. Mỗi phần đều có ý nghĩa riêng :
1. Vòng ngoài cùng là vòng trí luân, tượng trưng cho vòng đai lửa (trí tuệ) bốc cháy bừng bừng, hộ trì và có công năng bảo vệ cho Mạn Đà La.
2. Vòng thứ hai là vòng bi luân rất hẹp và mỏng. Vòng này làm bằng những hình chùy kim cang liên tiếp nhau, tượng trưng cho từ bi và cũng là để bảo vệ hộ trì cho Mạn Đà La.
3. Vòng thứ ba, gồm những hình cánh sen, thường tượng trưng cho 82 chư vị Phật, có khi là 64 hay 42, tùy kích thước lớn nhỏ. Chư vị ở trong vòng thứ ba là các vị đã thành tựu viên mãn hai đức hạnh bi và trí của hai vòng ngoài và đạt giác ngộ viên mãn.
4. Vào phía bên trong, chúng ta thường thấy những hình của “Bát Bảo Cát Tường” là tám bảo vật biểu trưng các điềm lành .
5. Vào sâu hơn nữa là cung điện của chư Hộ Phật, năm màu của Ngũ Trí Phật, với cầu thang leo lên bốn cửa và chính diện trung ương. Tại trung ương là nơi vị Hộ Phật của Mạn Đà La trụ trì.
6. Kể từ đây, tùy theo chủ đề, mỗi Mạn Đà La có thể có các chi tiết biểu tượng khác nhau như Mạn Đà La Phật Quán Thế Âm thì trung ương sẽ là vị Hộ Phật Quán Thế Âm thị hiện dưới dạng của giáo chủ Liên Hoa Bộ là đức Phật A Di Đà, thường được tượng trưng bởi hình hoa sen.
7. Bên dưới của cung điện luôn luôn là Cổng Đông, nền màu xanh, khi bước vào Cổng này sẽ gặp đức Phật Bất Động tượng trưng bởi hình chùy kim cang.
8. Bên trái là Cổng Nam, màu vàng, bước vào sẽ gặp Phật Bảo Sanh Như Lai tượng trưng bởi hình viên ngọc quý.
9. Bên trên là Cổng Tây, màu đỏ, bước vào sẽ gặp đức Phật Tỳ Lô Giá Na, tượng trưng bởi hình bánh xe Pháp.
10. Bên phải là Cổng Bắc, màu xanh lục, bước vào sẽ gặp Phật Bất Không Thành Tựu Như Lai, tượng trưng bởi thanh gươm bốc lửa.


Nói chung , tất cả Mạn Đà La có ba ý nghĩa :
- Mạn Đà La Ngoại Vi được dùng trong việc cúng dường với các ngoại vật thọ hưởng qua ngữ căn , như nước , hoa , hương ...
- Mạn Đà La Nội Thể cúng dường các phần của thân thể (bao gồm đất, nuớc, lửa, gió và khí hoặc các năng lượng kinh mạch vi tế), biểu tượng xương sống như núi Tu Di và tứ chi như Châu Lục.
- Mạn Đà La Mật là cúng dường về sự tỉnh thức vui sướng với tâm thức sáng tỏ.


Sau khi đã tạo xong đồ hình và để cho các Phật tử chiêm ngưỡng chư tăng làm lễ xóa Mạn Đà La biểu trưng vạn vật vô thường và thu gom cát rải trên sông hồ hoặc tặng cho Phật tử để mang lại điềm lành cho dân chúng.


Ngoài ý nghĩa tâm linh và tôn giáo Mạn Đà La được mọi người trên thế giới chiêm ngưỡng và xem như là một nghệ thuật độc đáo, kiệt xuất bởi màu sắc rực rỡ và hài hòa từ thiên nhiên như đất đá, hóa thạch, biển cả, cho đến màu sắc lung linh từ các vì sao của dãy thiên hà xa xôi... và các hình dạng đẹp lạ lùng nằm trong vỏ ốc xoắn, các loài hoa...Nghệ thuật Mạn Đà La hợp nhất giữa thế giới bản thể và hiện tượng, giữa tâm thức (tiểu vũ trụ) và ngoại giới (đại vũ trụ), dùng trực quan và cụ thể hóa khái niệm, biểu trưng cái vô hình trong vô thức bằng những hình ảnh biểu tượng để chúng ta có thể hiểu được.