Nghệ thuật phù du
Lê Tấn Tài


hù du có nghĩa là ngắn ngủi , thoáng qua , nhất thời. Vì vậy Nghệ Thuật Phù Du (Ephemeral Art) được mô tả như là một loại hình nghệ thuật có giới hạn "tuổi thọ", nó tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành một mục đích cụ thể và sau đó bị phá huỷ hoặc dần dà mất đi. Trong văn hóa phương Tây , nghệ thuật phù du có thể bao gồm hình vẽ bậy và sau đó sẽ bị xóa bỏ (tuy nhiên nó có thể được lưu trữ lại) . Tại Ấn Độ có nhiều loại nghệ thuật phù du như : hình nộm tạo ra cho các lễ hội , tượng được mặc quần áo để trang trí cho các cuộc lễ , gạo thiết kế hoa rắc trên mặt đất , sơn vẽ để trang trí trên cơ thể . Tại Tây Tạng , các nhà sư tạo ra các mạn đà la để sử dụng trong nghi lễ . Tại Việt Nam các tín đồ chưng hoa quả để dâng cúng.


Mạn Đà La                            Mâm hoa quả


Từ trước đến nay, chúng ta thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật kéo dài trong nhiều thế kỷ như pho tượng Aphrodite, bức họa La Joconde...Chúng ta cứ mê mãi trong những tác phẩm với những chủ đề kéo dài gần như vô tận . Trong lịch sử nghệ thuật, thế hệ mới luôn luôn tìm cách phá vỡ thế hệ trước . Nghệ thuật đương đại đang tạo ra một nghệ thuật mới với những tác phẩm nghệ thuật bằng các chất liệu tự nhiên như cành cây, hoa, lá , đá, cát... dễ bị hư hỏng hoặc thay đổi theo mùa (tuyết băng), các hình vẽ trên đường phố bằng phấn sáp dễ bay màu ...


Aphrodite                    La Joconde


Mặt khác các tác phẩm được tạo nên bởi các chất liệu dễ tan biến như dùng ánh sáng tạo hình, kỷ thuật số . Một số nghệ nhân khác cảm thấy thú vị khi tạo ra các đề tài nghịch lý từ hình ảnh cụ thể (dùng bóng của chính mình hay của người khác) như là tác phẩm nghệ thuật có tính cách trốn chạy và biến mất nhanh chóng .


Vẽ trên nước


Vẽ trên cát


Tạo hình bằng khói


Nghệ thuật đương đại phát triễn với hai xu hướng chính . Đó là xu hướng không gian bao gồm sắp đặt, biến đổi, trình diễn , sáng tạo không gian bằng mọi chất liệu. Xu hướng thứ hai là áp dụng kỷ thuật số , màn hình , đèn chiếu ...Nghệ thuật phù du phát triễn theo hai xu hướng chính nầy và bản chất của nó là vô thường. Chẳn hạn khi chúng ta nhìn mặt trời lặn trên bầu trời , trong tâm trí chúng ta có thể nhớ một thời gian dài , tuy nhiên hoàng hôn thực tế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà chúng ta cảm nhận trong một giây phút nhất định nào đó . Cũng như hạnh phúc được mô tả là phù du vì chúng ta không tìm được một trạng thái tỉnh tại - trong cuộc sống của chúng ta , luôn luôn có những sắc thái khác nhau của hạnh phúc và thất vọng .


Bờ biển làm từ thịt cá hồi và khoai tây


Tạo hình bằng tuyết băng


Tạo hình bằng cát


Vẽ hình trên người


Xếp người thành hoa


Tranh vẽ trên hè phố


Nghệ thuật phù du được chấp nhận như một sự chuyển tiếp của cuộc sống , như một ngọn sóng thuỷ triều trong đó bao gồm nhiều hạt nước luân chuyển và trôi nổi .
Sự thay đổi trong văn hóa phương Tây dường như là do liều thuốc từ phương Đông . Đó là một cuộc cách mạng thầm lặng , sâu sắc hơn những cuộc cách mạng xã hội hay chánh trị . Trong nhiều thế kỷ trước phương Tây đã sáng tạo những kiến trúc bằng đá vĩnh cửu , những điêu khắc vững chắc theo ý niệm bản thể của Descates . Nay phương Tây đã bỏ lại cái neo cũ của mình để đi theo con đường Đạo của Lão Giáo hoặc Ngộ của Phật giáo và nhảy vào khoảng trống ban đầu với ý tưởng nhẹ nhàng , sâu sắc của Zarathustra. Đó là những ý tưởng siêu thoát từ cái buồn thoáng qua mà không thương tiếc cõi đời mình vì quan niệm hiện nay là mọi sự luôn luôn bị huỷ hoại. Việc tạm thời chấp nhận một vài niềm vui rung động cộng hưởng trong thời gian chờ đợi là loại hình nghệ thuật nhiều cảm xúc , nhiều gợi ý . Đó là các tác phẩm nghệ thuật Mỹ Nhân của Monet hay Pipilotti Rist , Trình Diễn của Journiac , Cánh Hoa của Paul Armand Gette , Ánh Đèn của Turel , Diễn Biến của Kaprow, Phòng Mây của Chris Drury ...


Ánh Đèn của Turel


Phòng Mây của Chris Drury


Trình Diễn của Journiac


Trong khi các loại hình nghệ thuật khác đều được tạo ra với ý tưởng vĩnh cửu thường tồn , nghệ nhân đương đại tạo ra nghệ thuật phù du bằng các hình thức kết hợp các vật liệu được lắp ghép vào mẫu tạo hình. Các lắp ghép nầy đều tạm thời vì chúng được làm từ vật liệu không bền chắc như thực phẩm , giấy hoặc các vật liệu được tìm thấy trong thiên nhiên như lá, cành, hoặc đá ... Các tác phẩm điêu khắc trên cát , trên tuyết băng, vẽ phấn trên lối đi bộ là những ví dụ về nghệ thuật phù du. Một số nghệ nhân còn cho phép người xem cùng tham gia sáng tạo . Nghệ nhân Andy Goldsworthy tập hợp đá , lá , cành cây và sắp xếp chúng theo một hình dạng mới rồi Ông để các mẫu vật đó ngoài trời cho mưa , nắng tuyết thay đổi màu sắc và hình dạng các mẫu vật đó .


Các tác phẩm của Andy Goldsworthy


Nghệ nhân có thể thả bộ trên bãi biển chọn những mãnh vụn như túi nhựa, phế liệu kim loại, cành khô hoặc chọn hàng trăm vỏ sò , hàng ngàn viên sỏi, màu sắc của đá, sự di chuyển của cát... để sắp xếp lại thành một tác phẩm nghệ thuật rồi sau đó để cho thuỷ triều cuốn đi hoặc tự tạo những hình dạng mới.
Để hoàn thành một công trình nghệ thuật như vậy , nghệ nhân phải cảm nhận cái gì tồn tại trong một thời gian ngắn là cái đẹp bất chợt rất mầu nhiệm, sống động. Nó giống như câu nói "cuộc sống không phải là một buổi diễn tập trang phục" mà đó là thời điểm ngắn ngủi duy nhất rất cần được thưởng thức, vì sẽ không bao giờ có được một thời điểm khác như vậy nữa. Đây thực sự là ý tưởng của Thiền .


Tác phẩm của Peter Donelly


Tác phẩm của Pearson Dunn


Tác phẩm của Diana Lynn


Cuộc sống không ngừng trôi chảy, mà cuộc đời của mỗi con người thật ngắn ngủi quá. Hãy lấp đầy bằng niềm vui và hạnh phúc trong những khoảnh khắc mà chúng ta nắm lấy được . Khi nói đến "vô thường" , "phù du" , "mộng ảo" chúng ta cảm nhận phần nào ý nghĩa sâu sắc của nó trong đời sống , nghệ nhân đương đại đã tạo nên một hành trình khám phá tâm linh bản ngã , đó là khởi nguồn của nghệ thuật phù du hiện nay. Trong nhiều thế kỷ người Tây Phương thường có quan niệm xem vật chất và tinh thần là hai thứ hoàn toàn khác biệt. Nghệ nhân đương đại hy vọng rằng ngày nay chúng ta không xem thường cảm xúc của nội tâm cũng như các kinh nghiệm sống . Nếu những tác phẩm nghệ thuật hoành tráng làm chúng ta bàng hoàng thì những hình dáng thô sơ nho nhỏ hay những đường nét giản lược cô đọng trong giây phút cũng làm cho tâm hồn siêu thoát. Nghệ thuật phù du nắm bắt cái giây phút đó để có thể đi sâu vào tâm hồn người vì những cái dễ tan biến ấy có thể còn tồn tại dài lâu trong tâm trí của chúng ta. Cái phù du trong các tác phẩm không phải là vấn đề hỉnh thức, mà là một nội dung truyền cảm thu gọn vào một hình thức tạm bợ, nhằm thể hiện những gợi ý sâu sắc cho người thưởng ngoạn .