Hồi thứ 58 trong Tây Du Ký: “Nhị tâm làm loạn càn khôn rộng / Một thể khó tu tịch diệt chân” thật thâm thúy và triết lý, giới thiệu cái nhìn toàn diện của Phật giáo: " thật và hư hòa quyện vào nhau, chúng là sản phẩm của tâm thức nhưng không phải thực hữu của cuộc đời."

Truyện kể

"Trên đường thỉnh kinh thầy trò Tây Tạng bị bọn cướp đón đường. Tôn Ngộ Không nặng tay đánh chết mấy người, Đường Tăng giận Ngộ Không giết người vô cớ nên lập tức lần tràng hạt niệm “Khẩn cô nhi chú”, xiết vòng kim cô khiến Ngộ Không đau đớn tột cùng, sau đó đuổi đi. Tôn Ngộ Không ra đi không trở về động mà đến Bồ Tát Quan bộc bạch sự tình oan khúc. Không có Tôn Ngộ Không, Bát Giới phải đi xin cơm, nhưng đi lâu quá không về, Tây Tạng bảo Sa Tăng đi tìm. Đường Tăng ở lại một mình bị Tôn Ngộ Không giả đánh ngất đi rồi lấy hết hành lý đem về động Thủy Liêm. Đường Tăng tỉnh lại nghĩ rằng Tôn Ngộ Không thật đã làm phản thật sự nên bảo Sa Tăng đến động Thủy Liêm năn nỉ xin lại hành lý. Khi Sa Tăng đến nơi, Tôn Ngộ Không giả không đưa mà còn biến ra Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng và Ngựa Bạch giả chuẩn bị lên đường sang Tây thiên thỉnh kinh. Sa Tăng biết không phải sư huynh mình, bèn đánh chết Sa Tăng giả rồi tẩu thoát đến chỗ Bồ Tát Quan Âm cầu cứu thì gặp Tôn Ngộ Không thật ở đó. Sa Tăng thuật chuyện đã xảy ra cho Bồ Tát nghe. Bồ Tát sai Tôn Ngộ Không thật đến xem tình hình. Khi gặp nhau cả hai chiến đấu không phân thắng bại, còn Sa Tăng đi theo muốn đánh giúp sư huynh mà không biết ai thật, ai giả đành đứng nhìn. Tôn Ngộ Không thật vừa đánh vừa dẫn dụ đi đến chỗ Bồ Tát nhờ đọc thần chú để Sa Tăng nhận ra ai thật ai giả. Bồ Tát đọc thần chú cả hai đều đau đầu nên cũng không phân biệt được, bèn nhờ đến Ngọc Hoàng Thượng đế. Ngọc Hoàng cũng không nhận ra, ngay cả pháp nhãn của thần thánh, gương chiếu yêu của Lý Thiên Vương, cũng đều không nhìn ra được ai thật, ai giả. Dẫn xuống Diêm Phủ, Bồ Tát Địa Tạng sai con thú cưỡi Đế Thính ngửi xem ai thật, ai giả. Đế Thính biết nhưng cũng không nói được và không thể giúp sức bắt yêu tinh, vì thần thông yêu tinh không kém với Tôn Ngộ Không. Địa Tạng nói: “Như vậy làm sao diệt trừ”. Đế Thính nói: “Phật pháp vô biên”. Địa Tạng tỉnh ngộ bèn chỉ đến Như Lai Phật Tổ. Cả hai đồng ý cùng đến trước Phật. Phật nhìn liền biết hết cả và nói lai lịch về Tôn Ngộ Không giả. Tôn Ngộ Không giả nghe Phật nói rõ gốc gác của mình, sợ quá lông tóc dựng đứng, biết chừng khó thoát, vội vàng lắc mình một cái, biến thành một con ong mật, bay vút lên không, bị Như Lai tung ngay chiếc bát bằng vàng úp chụp, con ong rơi xuống. Mọi người đến cầm lấy bát lên, nó hiện rõ bản tướng là con Lục nhĩ hầu (khỉ sáu tai), Tôn Ngộ Không không nhịn được liền đánh chết..."

Sự xuất hiện của Lục Nhĩ Mỹ Hầu (Tôn Ngộ Không giả)

Lục Nhĩ Mỹ Hầu (Mỹ hầu 6 tai) và Tôn Ngộ Không là cùng thuộc một họ. Tôn Ngộ Không 500 năm trước là một yêu tinh đại náo thiên cung. Trải qua nhiều kiếp nạn, khốn đốn mới đưa được Ngộ Không vào con đường chính đạo, phò tá sư phụ Đường Tăng tới Tây Thiên thỉnh kinh. Nhưng có điều “ma tâm” bên trong con khỉ ấy vẫn chưa trừ dứt, chỉ đợi có dịp là lại nổi lên. Như vậy, xem ra Lục Nhĩ Mỹ Hầu chỉ là ma tâm do Ngộ Không tạo ra. Và cuộc chiến giữa Ngộ Không và Lục Nhĩ chính là cuộc giằng xé nội tâm giữa một bên là Phật tâm (sang Tây Phương thỉnh kinh) và một bên là ma tâm (trở về động để thành tướng cướp). Các vị Bồ Tát, không phân biệt được Mỹ Hầu sáu tai với Tôn Ngộ Không là do không phải ma từ ngoài vào mà là ma từ trong tâm xuất ra. Ngộ Không đã phát thiện tâm phò tá Đường Tăng thỉnh kinh nhưng cũng lại phát ra loại ma tâm tà đạo.
Trên đường hành đạo, nếu chúng ta nhận định kỹ thì sẽ thấy có hai hành giả nơi cõi lòng mình:
- Một giả, ý thức ở sáu căn khi còn mê tối vọng động, lầm các pháp là thật, tức là con khỉ sáu tai (Tôn Hành Giả giả).
- Một thật, ý thức đã chuyển hóa thành trí tuệ sáng suốt biết rõ các pháp đúng như thật (Tôn Hành Giả thật).

Như Lai biết được thật giả

Phật tổ nói: “Quan Âm tôn giả, ngài xem hai Hành Giả này, ai thật ai giả?”
Bồ Tát nói: “Vừa rồi họ có tới hoang sơn của đệ tử, đệ tử cũng không phân biệt nổi. Họ lại lên cả thượng giới, xuống cả âm phủ, cũng không ai nhận ra. Vì vậy họ mới tới cầu với Như Lai, muôn ngàn lần mong Phật tổ phân giải giúp cho”.
Như Lai cười nói: “Các ngài pháp lực to lớn thật nhưng chỉ biết được mọi việc trong vòng trời, mà không biết hết các giống vật trong đó, và càng không biết rộng khắp các giống loài trong vòng trời”.
Phật đã chỉ ra những chỗ thiếu sót trong các pháp tu của chúng sinh. Cũng là đối tượng đó và có đôi mắt như nhau mà một người nhìn ý động, một người khác nhìn ý không động. Ý động phân biệt là sinh diệt, lúc có lúc không. Ý không động thì luôn luôn an trụ. Thiền sư thường dạy: “Thấy sắc như mù, nghe tiếng như điếc”. Mù mà chẳng phải mù vì thấy rõ ràng, điếc mà không phải điếc vì nghe tất cả tiếng bởi khi nghe thấy không khởi vọng niệm so sánh đẹp xấu, hay dở, phải quấy v.v… Nếu được như thế, lúc nhận diện thế gian chúng ta mới có cái nhìn giữa mình và trần cảnh không còn khoảng cách, cái nhìn đó là nhìn mà không thấy ta là người đang nhìn, và cảnh sắc bị nhìn (không có chủ thể và đối tượng). Thế nên trong kinh nói: “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri”, nghĩa là "Bát Nhã (trí tuệ) không biết mà không cái gì chẳng biết". Không biết nghĩa là Bát Nhã đối với cảnh không khởi vọng thức so đo, phân biệt Không chỗ nào chẳng biết vì Bát Nhã là trí tuệ hằng sáng, hằng giác ví như gương sáng; tất cả cảnh vật hoặc người qua lại đều hiện rõ ràng không thiếu sót. Khi pháp trần hiện khởi thì thấy biết rõ ràng, nhưng đừng hùa theo, bởi nó hiện khởi rồi sẽ tự lặng.
Con khỉ sáu tai là nói đến ý thức ở sáu giác quan, tức là sáu thức. Nếu dùng ý thức để tu thì không thể nào đạt đến giải thoát, vì ý thức chỉ hạn hẹp trong thế giới hiện tượng. Nếu có kết quả chỉ là thành quả trên bản ngã, làm cho tự ngã càng ngày càng to, lầm lẫn mà chẳng hay. Khi nhân diệt thì quả của nó cũng diệt. Ở đây, chúng ta khó phân biệt được cái nào là ý thức và cái nào là trí tuệ. Nhưng đối với người đã rõ Phật tâm, sẽ có cái nhìn thông suốt hơn. Phân biệt mà có ý là khi ta nhìn cái áo liền khởi niệm áo này xấu quá, vì ta so sánh nó với chiếc áo mới toanh ở hiệu buôn. Hay nhìn người nào đó khởi niệm nói đẹp là ta hình dung một người đen đúa, xấu xí ở trong tiềm thức để so sánh. Khi có ý niệm đẹp xấu, cũ mới, thì ý niệm vui buồn, khen chê theo đó tiếp nối. Niệm chồng niệm, tiếp nối không dừng. Đẹp xấu là hai hình thái nương nhau, thảy đều do tâm chấp nhất mà đặt định, suy ra những việc thuận nghịch, phải quấy, được mất v.v... cũng đều như thế. Cho nên hết thảy các pháp chỉ là giả định, và sự huyễn ảo đều do tâm dựng lên cả.

Phật tức Tâm

Vì sao chỉ có Phật Tổ Như Lai mới phân biệt được Thật - Giả? Phật tức là Tâm của chính ta. Và chỉ ta mới biết được ta mà thôi. Người tu thiền là biết trở về sống với hiện tại, thực hữu. Hiện tại thì không dừng trụ, vì mới vừa nói hai tiếng hiện tại thì nó trở thành quá khứ mất rồi. Sống thực hữu thì đừng để bị trói buộc vào tâm vọng cầu, vẩn đục ích kỷ, tham, sân, si... Mỗi hành động nào cũng phải tự chủ sáng suốt không bị ngoại cảnh chi phối hay những vọng niệm lừa gạt, thì lúc đó mới được tự do tự tại. Kinh Lăng Nghiêm viết: “ Thấy mà biết là gốc vô minh. Thấy mà không thấy tức Niết bàn”. Vì vậy con vật Đế Thính nói là Phật pháp vô biên, Địa Tạng tỉnh ngộ liền chỉ qua Phật. Người không có trí tuệ khó phân định được đâu là chân giả, vì cả hai phát xuất từ tâm, cái thật thì biết cái giả, mà cái giả nương vào cái thật để lừa gạt. Thấy có ý thức là còn tham vọng, tức còn ngã, tứ tướng hiện rõ. Giáo lý Phật có câu “Y trí bất y thức”, nghĩa là hãy nương nơi trí mà chẳng nương nơi thức.
Bởi lúc chúng ta chưa thức tỉnh giác ngộ, ý thức thường ở nơi sáu căn hay quấy rối, khi tâm còn mê mờ thì làm việc gì cũng làm theo bản năng của nghiệp, như mắt thấy sắc liền phân biệt đẹp xấu, tai nghe tiếng hay, lời dở, mũi ngửi mùi thối, mùi thơm v.v... Chúng ta thấy đủ thứ chuyện, vì nó chạy theo bản năng tự ngã, cái nào hợp với bản ngã thì khen, còn không thì chê. Đó là trí thức. Còn khi thông suốt được sự thật thì nhận thức rõ ràng, thấy rõ tâm thiện và bất thiện đang diễn biến, từ đó không còn lầm lẫn hành động theo duyên nghiệp bất thiện nữa. Đó là trí tuệ.
Cái hư tâm của con người thì dễ thấy; cái vọng niệm của thiền giả cũng dễ nhận; cái chấp của tâm Từ cũng dễ soi; nhưng cái biết của trí tuệ thì khó nhận, như sự xuất hiện một Tôn Ngộ Không làm náo loạn cả trời đất, chỉ có trí tuệ toàn giác của Như Lai mới thấu suốt.
Nếu vọng tâm chưa trừ sạch, thì chân tâm khó hiện. Có thể nói rằng hành trình tu tập là hành trình phá đổ hết thảy vọng tâm để chứng đạt chân tâm. Toàn bộ Kinh Kim Cang Bát Nhã đã diễn giải cho ta thấu hiểu được tinh thần “chơn không”, dùng trí tuệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ các vô minh vọng chấp được thể hiện qua câu: “An trụ tâm, hàng phục tâm”. Đây chính là ý thiền mà Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi nghe mà liễu ngộ. Vì thế Ngô Thừa Ân đã để cho chính tay Tôn Ngộ Không thật đánh chết Tôn Ngộ Không giả sau khi được Như Lai chỉ rõ gốc gác của Lục Nhĩ Hầu. Lục Nhĩ Hầu chết là mầm sinh tử, phiền não đã bị diệt trừ.

Con người là một hiện hữu phức tạp, biến động. Nhưng phức tạp không có nghĩa là không thể hiểu được. Nói đến con người là nói đến các biểu hiện trí tuệ, tình cảm, ý chí và hành động. Các biểu biện đó dù dưới hình trạng nào (thiện hay ác) ẩn tàng một trong hai giá trị: chánh hoặc tà, thực hay hư. Biết rõ nó chỉ có tự thân mới nhận ra động cơ hành động của mình. Cái nhìn vô ngã, vị tha và nhân bản, không chấp thủ các tự ngã, thì các tướng thật mới hiện ra. Chuyển đổi cái nhìn, chuyển đổi tâm thức, tu tập và giải thoát tâm vọng là trọng tâm của cuộc hành trình Tây du.

Lê Tấn Tài