Thiền và "thơ rượu"
Nguyên Si




Trời đất sinh ra rượu với thơ,
Không thơ không rượu sống như thừa
(Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu)

Bình rượu, túi thơ là những vật liệu luôn luôn mang bên mình của nhà thi sĩ. Rượu và thơ không thể tách rời nhau, vì rượu mang lại nguồn cảm hứng cho hồn thơ lai láng, mang lại khí hào sảng của đấng trượng phu, và làm toại nguyện ước mơ của người xưa, là: ngâm nga câu thơ dưới ánh trăng, cùng người tri kỷ chuốc rượu...
Nhưng rượu không phải chỉ đem lại nguồn cảm hứng, khí hào sảng, tình tri kỷ. Rượu còn mang lại sự say sưa, quên lảng. Quên sự đời mang đầy ảo tưởng, thất vọng, bất bình. Những nhà "thơ rượu" đa số quả là những nhà thơ bất đắc chí.
Dù là Horace nâng ly ca tụng mùa xuân, khi tuyết tan chảy trên đỉnh đồi, giữa tiếng cừu dê kêu trên đồng nội, dù là Lý Bạch say khướt dưới ánh trăng đến khi tỉnh giấc, lại chuốc rượu hát ca một mình, dù là Tản Đà cất chén quỳnh mải mê đi tìm người tri kỷ:
Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả tấm hình phù du
(Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu).

tất cả đều tìm trong cơn say lúy túy, một giấc mộng bé, trong giấc mộng to... Vì cuộc đời chẳng là một giấc mộng lớn ư ?
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh?
Sở dĩ chung nhật túy,
Đồi nhiên ngọa tiền doanh...
(Lý Bạch: Xuân nhật túy khởi ngôn chí)
Một giấc mộng dài đả làm đau lòng nhiều người, vì xấu nhiều đẹp ít, vì thường là một cơn ác mộng, một giấc mộng lắm phiền hà. Khác xa với cái mơ mộng của tuổi thơ, đó là cơn thực mộng phũ phàng của người từng trải:
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt.
(Cao bá Quát: Ngán đời)

Phải, thất vọng vì cuộc đời, vì con người, ai nấy đều đả trải qua, hơn trong một giây phút. Ai nấy đều đả thoáng nhìn thế sự như mây nổi, bèo trôi, nhìn công danh phú quí như đóa hoa phù dung, như con phù du, sớm tối đả tàn:
Tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy,
Cảnh phù du trông thấy mà đau
(Ôn như Hầu: Cung oán ngâm khúc).

Chỉ vì định luật vô thường của vũ trụ, với sự biến đổi không ngừng của sự vật, khiến cho " mái tóc sớm như tơ xanh, mà chiều đả thành tuyết "( Lý Bạch: Tương tiến tửu), khiến cho "cây cì tươi tốt lúc xuân sang, thu tới đả khô cằn" (Vạn Hạnh thiền sư).
Qua Héraclite, qua các nhà hiền triết Ấn độ Dravidiens với quan niệm samsâra (luân hồi) và mâyâ (ảo giới), tính chất vô thường đả được xác định, cho đến khi được Phật Thích Ca bổ túc bằng thuyết vô ngã, là một giai đoạn quan trọng vô cùng.
Thật vậy, nếu chỉ hiểu vạn vật vô thường, thì con người sẽ suốt đời than thân trách phận, dù lắm khi vì một mối "sầu vạn cổ" vượt khỏi thân phận cá nhân mình:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ
(Trần tử Ngang: Đăng U châu đài ca).
Ai người trước đã qua?
Ai người sau sẽ tới?
Ngẫm trời đất khôn cùng
Một mình rơi giọt lệ.

Nhà "thơ rượu" cũng vậy, vì thấy cuộc đời đầy những bụi bậm tranh giành, chỉ vì công danh tiền bạc hảo huyền, trong khi thế giới đảo điên, quốc gia tao loạn, nên tìm quên trong thơ trong rượu, dưới ánh trăng tưởng chừng như trong sáng muôn đời. Cứ như thế: tỉnh rồi lại say, say rồi lại tỉnh. Khi say, thấy "lòng vui cùng cực, sống chết ngang nhau" ( Lý Bạch: Nguyệt hạ độc chước III), nhưng lúc tỉnh lại cảm thấy "nỗi sầu muôn vạn mối" (Lý Bạch: Nguyệt hạ độc chước IV):
Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu
( Lý Bạch: Tuyên châu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân).
Rút gươm chém nước, nước vẫn trôi
Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu.

Than ôi! Rượu chẳng tiêu được sầu, ngược lại rượu để lại sau cơn cuồng nhiệt hứng tình, một nỗi buồn ray rứt, khó quên. Trước vò rượu ngổn ngang, túi thơ nhầu nát...
Chỉ vì thi sĩ không quên được cái bản ngả to lớn của mình, không biết thản nhiên trước sự thịnh suy của sự vật chỉ "như hạt sương trên đầu ngọn cỏ" (Vạn Hạnh thiền sư), và không hiểu được rằng: nếu thực là mộng, thì mộng cũng chính là thực.
Và nếu cho rằng sống Thiền là sống thực, sống hiện tại, thì còn gì ngược lại tinh thần thiền hơn là trốn tránh thực tại? là để tâm hồn chìm đắm trong một thế giới mộng ảo, say sưa? Thật chẳng khác chi thay vì tự thức tỉnh mình, lại đi sâu vào một giấc mộng con trong giấc mộng lớn! Các nhà "thơ rượu" làm như vậy, chẳng là làm cho cuộc đời đả ngắn ngủi rồi, lại còn ngắn ngủi thêm ư?
Mà dẫu đời người ngắn ngủi đi chăng nữa, đâu có thể nào đo ví bằng thời gian. Cứ xem như con rùa sống hơn trăm năm, cây cổ thụ sống cả ngàn năm, đâu thể nào so sánh với con người sống mấy chục năm?
Dĩ nhiên (hay không,... tùy bạn), đả là con người, thì phải sống một cách mãnh liệt, trọn vẹn, không để phí một giây một phút, lại càng không thể tìm quên sự sống trong rượu chè ma túy. Nếu cần, xin lấy con ve sầu làm gương: người ta cho nó tên là "sầu" nhưng nó không sầu chút nào. Trái lại, sau bảy năm đầy đọa dưới đất, nó chỉ sống bảy ngày trên cây, nên suốt ngày chú ta kêu inh ìi, như muốn gửi vào từng tùm cây kẽ lá bức thông điệp của mặt trời và sự sống.
Người tu Thiền, coi mình cũng như mọi sinh vật, nên ý thức được sự quí báu của mỗi giây phút sống trên thế gian này, nhưng tuyệt nhiên không chấp chặt vào sự sống đó, cũng như không chấp chặt vào một vật gì. Điềm nhiên, tự nhiên, và hồn nhiên sống, trong một niềm vui nhẹ nhàng, giải thoát. Không lo, không sợ, không sầu. Cuộc đời tuy như "một vì sao mờ dần buổi bình minh, một ngọn đèn dầu leo lét, một tia chớp trong đám mây hè, một bóng ma, một giấc mộng..."(Kim Cương Bát nhả Ba la mật đa), nhưng tiếng hát chim hoàng anh hôm nay thanh hơn bao giờ hết, hương thơm hoa mộc hoa trà hôm nay dịu hơn bao giờ hết!
Và chẳng cần chuốc rượu ngâm thơ, vị Thiền sư cũng thấy lòng vui man mác khi nhìn mặt trăng trong sáng chiếu qua cửa sổ túp lều tranh. Còn chúng ta? Ngày hôm nay, Xuân đả trở về với bao bải cỏ non, bao đóa hoa hàm tiếu. Hảy thưởng thức cái đẹp hiện tại nhiệm mầu để rồi khi hồng thưa, xanh rậm, không còn "tiếc làm gì những đóa hoa rơi" (Vương Duy: Tống xuân từ). Và cũng xin trong một nụ cười cởi mở, cùng một vài nhà "thơ rượu" nhấm nháp, ngâm nga:
Còn thơ còn rượu còn xuân mãi
Còn mãi xuân còn rượu với thơ.
( Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu)