Ra mắt năm 1936, "Thời hiện đại / Modern Times" là bộ phim câm cuối cùng trong sự nghiệp của vua hài Charlie Chaplin, phim có kinh phí 1,5 triệu USD với thời lượng 87 phút, được xem là kiệt tác vĩ đại của điện ảnh thế giới. Thành công của bộ phim về sau được ghi nhận tại nhiều danh sách danh giá của điện ảnh thế giới, như vị trí 81 trong top 100 phim hay nhất năm 1998, vị trí thứ 33 danh sách 100 phim hài hay nhất (2000) và thứ 78 trong danh sách 100 phim hay nhất (2007). Bộ phim được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì "ý nghĩa văn hóa".
Các diễn viên gồm Charlie Chaplin (Gã lang thang), Paulette Goddard (Cô gái bụi đời mồ côi), với sự góp mặt các ngôi sao khác như Henry Bergman vai chủ quán cà phê, Chester Conklin vai thợ máy, Stanley Sandford vai Big Bill (kẻ trộm), Stanley Blystone (bố cô gái) và Al Ernest Garcia (giám đốc nhà máy). Chaplin biên kịch và đạo diễn.

Truyện phim như sau:
Gã lang thang được nhận vào làm công việc siết con vít chạy trên dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy. Sau khi trải qua một số chuyện kinh khủng như bị "ép ăn" bằng một máy ăn trưa hiện đại và phải làm việc với một tốc độ chóng mặt, gã bị suy nhược thần kinh và bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Ra viện, gã đi lang thang thấy một lá cờ đỏ bị rơi và tìm cách trả lại, trớ trêu thay hắn lại trở thành người phất cờ đi đầu trong một đám biểu tình của những người thất nghiệp. Đúng lúc đó cảnh sát ùa đến vây bắt. Trong tù, gã không may ăn nhầm thuốc phiện lậu được lén lút đưa vào. Nhờ thuốc mà gã có sức khỏe đánh gục bọn côn đồ mưu toan vượt ngục, gã trở thành một anh hùng và được trả tự do. Ra tù, gã được giới thiệu đi làm ở một xưởng đóng tàu, rồi lại làm đứt dây, tàu trôi xuống sông. Thế là gã bị đuổi việc, cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn, gã lang thang tìm cách để vào tù trở lại.
Cho đến một ngày gã gặp một cô gái bụi đời mồ côi bị truy đuổi vì ăn cắp một ổ bánh mì lúc quá đói. Gã giúp cô thoát khỏi bị bắt. Cùng cảnh túng quẫn như nhau, hai người yêu nhau, chia sẻ với nhau từng bữa đói no, kéo nhau đứng dậy sau những lần té ngã, hay giúp nhau trốn chạy khỏi sự truy lùng của cảnh sát... Mơ ước có một cuộc sống tốt hơn, gã tìm được một công việc canh gác ban đêm tại một cửa hàng bách hóa. Gã lén đưa cô bạn gái vào cửa hàng và gặp ba tên trộm: một trong số đó là "Big Bill", một công nhân từ nhà máy lúc vào đầu phim, họ nói rằng họ đói và tuyệt vọng. Sau khi chia sẻ đồ ăn uống với họ, gã thức dậy vào sáng hôm sau trong giờ mở cửa và bị bắt một lần nữa.
Sau khi ra tù, cả hai về ở trong một chòi gỗ xiêu vẹo. Hôm sau, gã lang thang đọc một mẩu tin quảng cáo một nhà máy cũ mở cửa lại và tìm một công việc ở đó với tư cách là trợ lý của thợ máy. Trong lúc làm việc, gã làm ông sếp kẹt vào cỗ máy và xoay xở đưa ông ta ra, vừa đúng lúc công nhân nhà máy đình công. Ra về, gặp nhóm cảnh sát bên ngoài nhà máy, vô tình gã làm bay một cục gạch vào đầu viên cảnh sát, gã lại phải vào tù. Khi được thả ra, gã gặp lại cô bạn gái, giờ đã là một vũ công ở quán cà phê nhạc. Cô xin ông chủ cho gã vào làm một công việc tương tự, khiêu vũ và hát để chiêu đãi thực khách trong quán. Tuy nhiên, thành công tạm thời này kết thúc khi cảnh sát đến bắt cô vì ăn cắp ổ bánh mì vài tuần trước đó. Họ lại chạy trốn một lần nữa. Bộ phim khép lại với cảnh hai con người bên nhau sánh bước trên con đường dài trong ánh bình minh, tương lai dẫu vẫn mù mịt nhưng lòng tràn trề hy vọng...

Modern Times ra đời trong thời đại chuyển mình của nghệ thuật làm phim, do đó khi ra mắt, bộ phim bị rất nhiều người phê phán. Tuy nhiên, thành công và phẩm chất của Modern Times đã chứng minh giá trị phim câm của Charlie vẫn đủ sức đánh bại bất cứ bộ phim nào trong thời kỳ đó.
Chaplin miêu tả một công nhân nhà máy trên dây chuyền lắp ráp mà chủ nhân cố tăng tốc vượt quá khả năng của người lao động để theo kịp tốc độ máy chạy. Chủ nhân chỉ coi trọng hiệu quả, vì vậy ông ta theo dõi công nhân của mình qua màn hình. Ông mắng họ khi họ hút thuốc trong thời gian nghỉ năm phút. Chủ nhân giống như Big Brother trong tiểu thuyết George Orwell, xuất bản năm 1949 (là một nhân vật và biểu tượng hư cấu trong tác phẩm "Một chín tám tư" của George Orwell. Big Brother là lãnh tụ của Oceania, một nhà nước toàn trị trong đó đảng cầm quyền nắm toàn bộ quyền lực vì lợi ích riêng của mình...) Ngoài ra, ông chủ còn muốn thử nghiệm một cỗ máy hiệu quả mới cho phép một công nhân vừa ăn vừa làm công việc của mình. Rõ ràng, chủ nhân không muốn để cho công nhân thư giãn bất cứ lúc nào. Những cỗ máy có nhiều bánh răng lớn xuất hiện trong bộ phim như một biểu tượng của thế giới hiện đại, bao gồm nhiều cảnh tượng, trong đó có cảnh công nhân bị rơi trong các bánh răng này, giống như việc họ bị giam giữ trong hệ thống doanh nghiệp, mà chủ nhân không hề chú trọng đến an toàn, phúc lợi hay hạnh phúc của công nhân. Tầm vóc nhỏ bé của gã lang thang là một sự tương phản rõ nét với các đồng nghiệp cao hơn gã và với những cỗ máy khổng lồ.

Ý tưởng phim này xuất phát từ một cuộc nói chuyện giữa Chaplin và Gandhi vào đầu những năm 1930, trong đó nhà lãnh đạo cho nền độc lập Ấn Độ đề xuất với diễn viên rằng tự động hóa công nghiệp và nạn thất nghiệp kéo theo là một trong những mối đe dọa lớn nhất của thời hiện đại. Phim phản ánh chân thực sự bóc lột sức lao động và cuộc sống bấp bênh của con người trong thời hiện đại, Modern Times còn mô tả sự xói mòn nhân cách, tha hóa về lối sống của đại phận con người. Giữa xã hội đang ngày càng bị lệ thuộc vào máy móc cứng nhắc, vô tri, vô tình, vẫn tồn tại một con người thuần khiết, có khát vọng về những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống như bản thân gã lang thang vẫn duy trì được sự nhạy cảm của mình và nhân tính, phản ánh qua tình yêu với cô gái bụi đời.
Với Modern Times là một trong những bộ phim câm nổi tiếng cuối cùng và là bức tranh câm cuối cùng cho Chaplin. Năm 1940, Chaplin tiếp tục thực hiện bộ phim nói đầu tiên của mình - Nhà độc tài vĩ đại - một trong những bộ phim thực sự có ý nghĩa lịch sử.




Video: Modern times