Thư pháp thiền


           Thư pháp là nghệ thuật viết chữ của những nước sử dụng chữ tượng hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam (chữ Hán Việt)... Viết thư pháp là để thư giản, để bình tâm và cũng để tải Đạo. Nó giúp cho tinh thần ta được thanh thản bằng một thứ hình tượng nghệ thuật tao nhã.
Ðó là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa và đã được các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam chấp nhận và lặng lẽ duy trì. Các nước khác như Hi Lạp , Á Rập cũng có thư pháp theo lối riêng của họ . Ở Tây phương, thư pháp được thực hiện bằng nhiều phương tiện : bút sắt, cọ, thước ...Mỗi chữ bó buộc viết theo tiêu chuẩn và tỷ lệ riêng . Ðó là cái đẹp của chữ theo con mắt của người sử dụng hệ chữ La Tinh. V́ vậy , một số người cho rằng các chữ viết theo mẫu tự La Tinh không thể có thư pháp . Ðối với Ðông Phương, nói đến thư pháp, người ta thường nghĩ đến cách viết chữ Hán với phong cách đặc biệt : viết chữ bằng bút lông .
Nghệ thuật này có thể viết vài chữ vào các hoành phi, câu đối, và các tranh ảnh, quạt giấy... theo các lối viết chữ Hán: Chân, Thảo, Triện, Lệ. Nếu ai đã từng tập viết bút lông, tập cả tuần vẫn chưa chắc đã viết được chữ Nhất, thì lúc ấy mới hiểu thời xưa, những ông nghè ông cống cũng chưa chắc viết được chữ trông ra hồn.
Ví dụ bức đại tự "Thiên hạ đệ nhất quan" treo trên Vạn Lý Trường Thành, có truyền thuyết kể rằng khi viết bức hoành phi này, tiến sĩ Tiêu Hiển ( nhà thư pháp nổi tiếng đời Minh) đã viết một mạch là xong, sau khi viết xong và ngắm lại ông có chút không hài lòng đối với chữ "Nhất", và nhiều lần viết lại, nhưng vẫn không hài lòng. Ông liền quẳng bút và vào quán rượu dưới chân núi vừa uống rượu vừa nghiền ngẫm. Người hầu trong quán quen tay vạch một đường trên bàn, để lại vệt nước. Tiêu Hiển trông thấy vệt nước liền vụt đứng dậy và nói "tuyệt quá ! "tuyệt quá !" Thì ra vệt nước đó là chữ "Nhất" kỳ diệu. Tiêu Hiển liền viết chữ "nhất" này lên bức hoành phi và trở thành bức hoành phi lưu danh thiên cổ.
Chữ Trung Hoa có nhiều biến thể và nhiều cách viết trong suốt lịch sử Trung Hoa, và đến giữa thế kỷ 20 được "giản thể hóa" tại đại lục Trung Quốc. Thư pháp là loại hình nghệ thuật chính tại Trung Hoa, được nhiều người xem là trên cả hội họa và âm nhạc. Vì thường gắn với chủ nhân là những quan lại ,học giả ưu tú, nên những tác phẩm thư pháp sau đó đã được thương mại hóa, trong đó những tác phẩm của các nghệ sỹ nổi tiếng được đánh giá cao. Thư pháp theo Trung Hoa có bốn hình dạng chánh :
-Hình chữ nhật đứng (Trung đường)
-Hình chữ nhật ngang (Hoành phi)
-Hình vuông (Ðấu phương)
-Hình mặt quạt (Phiến diện)
Các nhà thư pháp Trung Hoa triệt để khai thác mười lối viết của cây bút lông đó là : Ức (nhấn xuống), Dương (nâng lên), Đốn (dè dặt), Tỏa (hạ xuống), Trì (chậm lại), Tốc (nhanh như chớp), Hoàn (trả lại), Khẩn (vội vã), Kinh (nhẹ nhàng), Trọng (nặng nghìn cân). Từ những nét sinh động, uyển chuyển trong những dấu, nét ngang, nét dọc, nét cong lên, hay ngoặc xuống, đã tạo ra những hình ảnh bay lượn, nhảy múa một cách nhẹ nhàng thanh thoát.
Với cây bút lông, mực và giấy người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học.
Nhưng thư pháp Trung Hoa chưa đạt đến mức tâm không của thiền . Phải đợi đến khi du nhập sang Nhật nghệ thuật này mới trở thành một nghệ thuật được sự thán phục ở Tây phương.
Song song với sự phát triển của tranh Thiền thì thư pháp Thiền , c̣n gọi là "Thư Đạo" cũng ra đời và phát triển. Thư pháp thiền của Nhật (tức là sumi-e) xuất hiện sớm vào thời kỳ Kamakura (1185-1333). Ban đầu thư pháp được viết chung với các tranh thiền như là các lời minh họa ý dưới dạng thơ hay vài từ ngắn gọn. Về sau thì thư pháp được tách ra. Tuy nhiên về mục đích thì vẩn như tranh thiền.
Thư pháp thiền có một số đặc tính sau . Mực pha bằng các khối nhỏ gọi là sumi làm từ nhọ đen của đèn trộn với keo. Mực khi dùng được nhúng ướt và mài cho tới khi đạt được độ đậm nhạt vừa ý. Cọ từ lông thú. Nó được nhúng nước và để cho khô trước khi dùng. Khi viết cọ đuợc nhúng ngập trong mực được giữ trong tư thế thẳng đứng với giấy và được viết những nét cọ nhanh chắc chắn và có các độ dầy khác nhau. Vì thư pháp thiền không cho phép những sai sót nên nó thể hiện trạng thái của tâm. Các nét cọ quét và biến đổi theo cùng lúc và không dự đoán trước cũng như không tuân theo phép tắc nào.
Thư pháp hiểu theo nghĩa đơn giản là cách viết chữ đẹp, như vậy mọi người đều có thể thực hiện thư pháp của riêng mình. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, trong bộ "Thiền Luận" Daisetz Teitaro Suzuki một Thiền Sư người Nhật đã quan niệm Thiền như : "thuật trừng tâm và khai phóng nhân sinh". Điều nầy cho thấy Thư pháp và Thiền dung họp nhau. Qua cái nhìn của Thiền thì thư pháp là phương tiện tải đạo có tính cách sâu sắc tế nhị. Một khi hơi thở của Thiền đi vào Thư pháp thì thư pháp trở nên sống động, tràn đầy sinh khí, mỗi chữ, mỗi nét bút biểu hiện tính hồn nhiên, thanh thoát. Chính sinh khí của Thiền đã làm thư pháp có ý nghĩa và tạo cảm giác cho người thưởng ngoạn tìm thấy một niềm vui thanh nhã.
Từ những nét chấm phá bay bổng trên mỗi tác phẩm thư pháp, xuyên qua tâm hư các nhà thư pháp tự do thả hồn vào nét bút. Dấu mực tuy đơn sơ nhưng ẩn tàng một chân lý sâu sắc. Các thiền giả đã nhìn thấy thư pháp như là một phương tiện tu tập . Ngoài ra thư pháp có khả năng hướng dẫn con người thâm nhập vào thế giới tâm linh, chính lúc đó thư pháp không còn là một bộ môn nghệ thuật thuần túy, và thư pháp biến thành thư đạo (Shodo). Thiền giả tin tưởng thư pháp sẽ đưa họ đến trạng thái giác ngộ.
Muốn tạo một bức thư pháp đẹp và có hồn không phải là một chuyện dễ dàng. Những du khách khi đến thăm đền Obaku ở Kyoto, phía trước cổng đền có một bảng gỗ to chạm mấy chữ "Đệ Nhất Đế", những ai thích chữ đẹp đều chiêm ngưỡng như là một kiệt tác. Nó được viết bởi thiền sư Kosen hai trăm năm trước. Thực ra ngài viết trên giấy, rồi nghệ nhân mới dựa theo khắc trên gỗ thật lớn. Khi Kosen viết thảo thì một thiền sinh đã đứng bên cạnh mài cả hàng mấy hủ mực to lớn , và cũng bạo dạn không ngừng phê bình lối viết của sư phụ: "Chưa được" . " Còn cái này thì thế nào?" . "Còn kém, tệ hơn bản trước nữa" . Kosen kiên nhẫn viết bản này qua bản khác cho đến khi đếm được tám mươi tư bản với chữ " Đệ Nhất Ðế" chồng chất mà đệ tử vẫn chê. Ðến một lúc thiền sinh trẻ kia bước ra ngoài trong chốc lát, Kosen nghĩ: "Bây giờ là lúc ta thoát ra khỏi cái dòm chừng của nó," và ngài phóng bút viết liền tay với tâm thơ thới chữ "Đệ Nhất Ðế." Quay vào, nguời đệ tử reo lên: "Tuyệt tác."
Để có một bức thư pháp đẹp và có hồn, ngoài cách trình bày sao cho thẩm mỹ, các nhà thư pháp đã phải trải qua một thời gian khổ luyện. Nếu đem so sánh một thư pháp gia với một kiếm gia cũng không có gì quá đáng. Nhà thư pháp mỗi khi chấp bút, khí bút phải vận hành một cách tự nhiên. Hơi thở sinh động và luân chuyển trong trạng thái nhiếp tâm. Nhìn một nhà thư pháp hạ bút cũng giống như một kiếm gia múa một đường gươm tuyệt mỹ .
Những nhà thư pháp nổi tiếng khi chỉ dạy cho đệ tử thường nói: "Viết một cách chủ tâm nhưng không tác ý." Để hướng dẫn cho lối viết như thế, các thầy bảo: "Cẩn thận chấm bút vào mực, cân nhắc cho vừa đủ, khi nâng ngọn bút lên trong một tư thế phải nhẹ nhàng, xoay một vòng nhẹ trong không trung trước khi hạ bút xuống trang giấy. Để ngòi bút nhẹ xuống giấy tựa như cánh hoa đang rơi trên mặt hồ. Khi kéo ngọn bút qua trang giấy phải tập trung nội lực cũng giống như một tảng đá nặng được treo bằng một sợi dây rất nhỏ có thể rơi bất cứ lúc nào cũng không biết . Như vậy mỗi nét chữ mới có cái xung khí của sự sống."
Đây chỉ là phần kỹ thuật, riêng phần nội tâm các nhà thư pháp thường để hết tâm hồn của mình trên những chữ sắp viết, thường là một câu thơ, một danh ngôn, một câu đối, cũng có thể là một chữ duy nhất..v.v.. Tập trung toàn thể tâm ý vào câu đó, điều hòa khí lực sao cho tâm cảnh hợp nhất, lúc đó ngọn bút sẽ linh hoạt, bay lượn, phiêu bổng. Thời khắc nầy các nhà thư pháp thường gọi là "Xuất thần" hay "Tâm bút hợp nhất". Đây chính là phần hồn mà các nhà thư pháp đã gởi gắm vào những nét bút.
Điểm đặc biệt của thư pháp là sự đơn giản, chỉ một ngọn bút lông (lớn nhỏ tùy theo nhu cầu), nghiên mực, thỏi mực xạ, tờ giấy xuyến chỉ, lụa, gấm hay những vật dụng khác như quạt, dĩa bằng sứ..v.v. Phần màu sắc chỉ có một màu đen của mực xạ cùng với một nền màu duy nhất. Đặc tính của thư pháp là thể hiện rõ nét bình dị, không trau chuốt, màu mè.
Dưới cái nhìn của thiền người ta thấy rõ nét chữ đã thể hiện nét người, nhìn một bức thư pháp chúng ta có thể biết được tâm trạng tác giả đang ở trong trạng thái nào. Khi nhà thư pháp phóng bút trong trạng thái "Tâm Bút hợp nhất", người thưởng ngoạn sẽ nhận ra ngay, người ta sẽ thấy một sức sống kỳ diệu, sự trong sáng thanh thoát trong từng nét bút.
Rèn luyện thư pháp chính là rèn luyện tâm thức vì vậy các nhà thư pháp thường sống ẩn cư, phong thái của nhà thư pháp thì khoan thai từ tốn, khi chấp bút một cách tự nhiên nhẹ nhàng, thư pháp càng đơn giản thì người ta càng thấy cái "thần" trong chữ viết . Sự luyện tập nội tâm được kết tinh trong từng nét bút. (Danh từ chuyên môn trong thư pháp gọi là "Mạc khí" hay dấu mực). Nhà thư pháp thực hiện mỗi nét chữ như đang đối diện với những giây phút quan trọng nhất, nói một cách khác thư pháp là một sự nối dài cá tính và năng lực nội tâm của người sáng tạo.
Qua ngọn bút lông người ta có thể thực tập Thiền, tương tự như lần chuỗi hạt để theo dõi câu niệm . Nhà thư pháp thực tập chuyên cần đến một lúc cái "tâm không" sẽ tuôn trào qua ngọn bút. Đây là một sự khác biệt với những nhà viết chữ theo lối thủ công, họ chỉ biết rèn luyện ngòi bút làm sao viết cho có mỹ thuật, kỹ năng có được của họ là do sự tập luyện nhuần nhuyễn. Trong khi đó phần linh hồn của tác phẩm được phát ra từ sự chuyển hóa tâm thức nhà thư pháp. Tính độc đáo trong tác phẩm của họ là nhờ vào kinh nghiệm Thiền .
Những nhà thư pháp khi phóng bút tâm phải tĩnh lặng, giải trừ mọi chấp trước, ung dung tự tại. Không có những chuẩn bị như vậy, thì không thể hướng tâm mình vào việc sáng tạo. Trong trạng thái chín mùi của tâm thức hòa hợp với kỹ năng sẵn có, nhà thư pháp cảm thấy nhẹ nhàng trong khi thực hiện công trình.
Thư pháp thiền là một thư pháp sống động . Trong từng chữ , ngoài những nết thẩm mỷ tìm ẩn một đạo lý, một cách thế sống an nhiên tự tại , một triết lý đầy tính chất nhân bản . Thư pháp được thực hiện bằng cả một tâm hồn tự do và sáng tạo , người viết chữ được tu tập cho đến lúc tình và ý không còn tách rời làm hai , thân và tâm trở thành Một . Lúc bấy giờ cái sức sống ấy trào lên ngọn bút để thể hiện sinh khí vào chữ viết. Ðó là cái vi diệu của bộ môn nghệ thuật thiền nầy . []