Huyền bí tranh Haiga




Giản ước, ẩn giấu và trống vắng…Đó là thần thái của thơ haiku Nhật Bản. Chỉ có mười bảy âm tiết. Dường như trong một hơi thở duy nhất, haiku được soạn ra. Nhẹ nhàng, tinh tế…Dường như trong một làn hương thoảng qua, haiku được hình thành.

Và chơ vơ như một nhánh cỏ.
Nhánh cỏ bạc nào
chơ vơ run rẩy
tâm hồn đìu hiu
Issa

(Hosusuki ya
hosoki kokoro
no sawagashiki)


Với một cảm nghiệm thơ ca như vậy, nếu vẽ nên tranh thì sẽ có tranh haiga.
Khi xem tranh haiga, bạn sẽ có ấn tượng như đang đọc thơ haiku. Thay vì ít chữ thì là ít nét. Cũng giản ước, nhẹ nhàng, trống vắng…Có thể khi vẽ, các họa sĩ haiga lấy cảm hứng từ một bài thơ haiku nào đó, “dịch” nó ra tranh. Nhưng điều đó là không nhất thiết. Một bức haiga vẫn thường độc lập, không cần gắn bó với bài haiku nào.
Haiga và haiku có cùng linh hồn nhưng điều đó không buộc chúng phải kết dính, mà có thể đi con đường riêng của mình. Chúng gợi nhớ nhau do màu sắc, giọng điệu, tính chất hồn nhiên và tình yêu đối với mùa.
Thử so sánh bài haiku trên của Issa với bức tranh haiga gọi là Cỏ bạc của Kikakudô Kiichi.



Cỏ bạc - Kikakudô Kiichi


Cỏ bạc là loài cỏ susuki của mùa thu. Mảnh mai, run rẩy trong gió lạnh, nó gợi ra trái tim bơ vơ yếu đuối của con người. Cái dáng nghiêng nghiêng của cỏ tuy đượm buồn và đìu hiu vẫn thiết tha sự sống, thiết tha tình yêu.
Cả thơ cũng như tranh không có vẻ gì trau chuốt, trang trọng hay rực rỡ.
Trái lại, tranh hay thơ đều như thể thô vụng, tố phác, chểnh mảng, ơ hờ…
Do vậy, họa sĩ Otsuji mới nói: “Huyền bí của tranh haiga nằm trong vẻ vụng về của nó. Nếu vẽ với một linh hồn đầy khí lực thì một vẻ đẹp cao nhã sẽ toát ra từ chính cái thô sơ của bức tranh”. Một bức tranh haiga có thể gây cho ta cái cảm giác rằng nó được vẽ tùy tiện, bất cẩn.
Bạn thử ngắm bức Mây giữa trưa của Ogawa Senô.


Mây giữa trưa - Ogawa Senô


Đó là mây mùa hạ vàng nắng trên cao và đồng cỏ xanh bên dưới. Mây chỉ là một vài nét dợn sóng thô sơ và đồng cỏ xanh có vài bụi hoa kia có vẻ gì rất thơ dại. Vẽ mà như không vẽ. Nhưng toàn thể ngày mùa hạ vẫn hiện ra với mây tụ trên trời và cỏ hoa dưới đất. Mây và cỏ bừng hiện cái hoang sơ kỳ bí của thiên nhiên và sự sống.
So sánh với bài haiku sau đây mà xem:

Mây trôi
xuống chân trời ấy
một hàng biển khơi
. Shiki

(Kumo no mine
narabete hikushi
umi no hate)


Trời và đất không xa nhau như trong bức haiga vừa nhắc. Trái lại, mây và biển như hội tụ nhau. Trời đất giao hòa trong nguyên sơ.
Xem các bức haiga khác, ta đều thấy những cái trống vắng đầy ý nghĩa. Dường như, chính vì tranh haiga và thơ haiku tạo lập nhiều khoảng trống, mà cái nhìn của ta mở rộng hơn hoặc là vào sâu hơn thế giới u huyền.
Như bức tranh Sơn tự mùa xuân của Suzuki Koson.


Sơn tự mùa xuân - Suzuki Koson


Trên đồi núi xanh là những bậc đá dẫn lên ngôi chùa màu nâu đỏ. Hoang vắng. Cô liêu. Mênh mang. Và đó là mùa xuân và thế giới đang sáng tươi.
Dường như có sự đồng điệu của nó và bài haiku sau đây:

Một ngôi chùa núi
bức tranh nhập Niết bàn
không ai đến thăm
Chora

(Yamadera ya
tare mo mairanu
nehanzo)


Đương mùa xuân, mọi người bận rộn trên đồng, không ai lên chùa làm lễ trước bức tranh (hay tượng) Phật nhập Niết bàn. Nhưng mùa xuân vẫn sáng tươi, và Niết bàn vẫn thế. Ngôi chùa cô tịch và chúng sinh bận rộn, và cả mùa xuân nữa, vẫn là một thế giới huyền bí mênh mang.

NHẬT CHIÊU
Tạp chí Văn hóa Phật giáo