Đôi khi ngước mặt lên bầu trời chúng ta thấy những tảng mây cao vời vợi và cảm nhận được một không gian bao la trên trời cao đầy những sự nhiệm mầu.
Dưới mắt nhà khoa học, hơi nước ngưng tụ tạo thành các giọt nước nhỏ hay tinh thể nước đá, treo lơ lửng trong khí quyển tạo thành mây mà con người có thể nhìn thấy. Khi mây mỏng, chúng sẽ để cho phần lớn ánh sáng xuyên qua và lúc đó mây có màu trắng, nhưng chúng cũng có thể có màu xám hay đen nếu chúng quá dày hoặc quá đặc do ánh sáng không thể đi qua. Từ đó, chúng ta nhận dạng được nhiều loại mây: mây ti tích, mây trung tích, mây tầng tích, mây vũ tầng, mây xà cừ, mây dạ quang...


Vân cẩu


Với thi nhân mây bay, mây trôi là những hình ảnh đẹp. Đã là mây thì phải đẹp.Tên người với chữ Vân ghép vào từ ngữ nào cũng mỹ miều, cũng phiêu ảo như mây trời lang thang và gợi cho chúng ta hình bóng một giai nhân như Bạch-Vân, Hồng-Vân, Hoàng-Vân, Thu-Vân, Y-Vân, Tường-Vân, Thanh-Vân, v...v…
Có những buổi trời nhiều mây và thay đổi nhiều hình dạng khác nhau người ta đặt tên cho mây là Vân Cẩu (mây hình chó, tất nhiên còn nhiều loại hình thù khác nhau). Trong thơ, văn, nhạc có nhiều ý tưởng rung động về những áng mây. Văn chương, nghệ thuật đã làm thăng hoa đời sống con người, để ngay cả khi đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn nhất, con người vẫn tìm ra cái đẹp của nơi mình đang sống.
Hãy cùng với Thanh Tịnh nhớ lại những kỷ niệm trong sáng thời thơ ấu:
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường."
(Tôi đi học)

Hãy buồn với cái buồn của Lý Văn Sâm:
"Tôi chớp mắt nhìn trời. Mây cao cao vô hạn. Nước xuôi xuôi vô định. Nỗi buồn của tôi mênh mông như mây nước lúc bấy giờ."
(Nắng bên kia làng)



Mây bão


Với thiền sư các hiện tượng thiên nhiên như mây trôi, nước chảy, dòng chảy của một con sông, sóng biển nhấp nhô, một chiếc lá rơi trên thảm cỏ xanh, một cành cây trơ trụi đều là những hình ảnh mà thiền giả thường liên tuởng đến cuộc đời bất định và thân phận của con người.
Hình ảnh bầu trời xanh ngắt với vài cụm mây trắng trôi lửng lờ, đôi khi tạo ra những hình thù kỳ dị làm cho sự tưởng tượng của thiền giả càng thêm phong phú. Mây một hình ảnh đẹp đượm màu sắc lãng mạn dễ thương trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi cho thiền giả về cuộc đời.
Tuy nhiên cuộc đời biến đổi khôn lường. Thi nhân cũng như thiền giả sớm nhận ra những biến đổi; tang bể nương dâu trong một sớm một chiều, thấm thía nỗi đau của con người:
"Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương"
(Cung oán ngâm khúc)

Đỗ Phủ viết:
"Thiên hương phù vân như bạch y
Tú tự hốt biến vi thương cẩu"
(Trên trời mây bồng bềnh như chiếc áo trắng,
Phút chốc lại biến thành con chó xanh.)



Mây thấp


Thi nhân hay thiền sư thường ngắm mây có phải là một tâm hồn lạc lối ? Người ngắm mây thường đặt câu hỏi tại sao? Tại sao những việc này lại diễn ra? Tại sao cuộc đời lại như thế?
Rồi ngẫm nghĩ về “hôm nay” và “ngày mai”. Con người không có phép mầu để ngưng đọng thời gian, nên sẽ có lúc, ngày mai trở thành hôm nay, ngày sau ngày mai cũng trở thành hôm nay, rồi cứ thế tiếp diễn. Rồi một ngày chúng ta sẽ chết. Sau cuộc sống này là gì? Chúng ta sẽ luân hồi chuyển kiếp hay thành cát bụi. Dòng người và dòng việc cứ ồ ạt kéo vào đời người. Vì vậy, tốt nhất ta nên tạm quên đi ngày mai, tạm quên những tưởng tượng, mà tập trung ngộ ra điều quan trọng nhất đời mình.
"Treo lòng lên mũi Chân Mây
Lim dim nghe tiếng lá cây trở mình
Thương em, khép nép ngồi rình
Mây vào lá, lót ổ tình đẻ thơ
Trên tuyệt mù đỉnh hư vô
Ta chìm nổi giữa phất phơ bụi trần"
(Mây Trắng Bay Nhiều Quá - Luân Hoán)



Mây vũ tích


Có những người thân thương mà ta yêu quý không biết do một duyên nghiệp nào đó mà lạnh nhạt ra đi vô tình để cho người ở lại phải ơ thờ, gượng gạo, nhìn người đi như mây vô danh như chưa bao giờ quen biết. Vâng, người đời giống như một cuộc đi dạo chơi cõi trần một chuyến, rồi buông xuôi lặng lẽ:
"Hãy cứ vui như mọi ngày
Nhìn người đi như mây vô danh
Dù chân xưa dặm nghìn
Vẫn như còn thắp thoáng
Dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn."
(Trịnh Công Sơn)

Rồi nhìn những áng mây buồn mênh mang nhẹ nhàng như sương khói chiều hôm:
“Mây buồn giấu nắng ở đâu,
Để mưa nặng hạt em lâu chưa về…”
(Trường Giang)
"Nên mắt em ướt, và tóc em ướt,
Nên em hiền như mây chiều trong…”
(Vũ Hữu Định)



Mây xà cừ


Từ đó, thi nhân và thiền sư chỉ mong làm kiếp mây trắng thong dong để lang thang cho hết cuộc hành trình, tản mạn nơi chân trời vô tận, soi bóng trên sông hồ, biển cả . Thế rồi cuộc đời sẽ lặng thinh trong chuyến rong chơi vòng sinh tử:
"Tử sinh đừng hỏi, kẻo phí lời.
Thời tiết "nhân duyên" vốn tại trời.
Mây núi nào không bay cạnh núi,
Sóng nào chẳng ở chốn xa khơi.
Hoa nở tháng Ba, luôn vẫn vậy.
Gà gáy canh năm đánh thức người.
Cái đạo, cái tâm ai thấu hiểu,
Mới biết phù du sống ở đời."
(Tuệ Trung Thượng Sĩ)



Mây dạ quang


Lặng thinh không phải là sự vắng mặt của âm thanh mà là lắng nghe tiếng nói tự trong mình, tiếng sóng vỗ ngoài biển khơi, tiếng nước reo bên dòng suối, tiếng cầu kinh vang vọng từ cánh đồng xa. Lặng thinh để nhìn mây trắng ngàn năm giữa trời bay (Bạch vân thiên tải không du du - Thôi Hộ) Và chỉ trong cái lặng thinh nầy ta mới thấy bầu trời bao la vô tận so với cái lo âu phiền muộn của con người chỉ là một gợn mây nhỏ thoáng hiện và tan biến vào hư vô. Dạo chơi giữa bầu trời thấp thoáng mây trắng bay xa, lòng ta dâng trào niềm khinh bạc thế tục , thảnh thơi không vướng bận sự đời.

Lê Tấn Tài