BIẾT “CÚI XUỐNG”


Cách đây rất lâu, có một chàng thanh niên người Na Uy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào học viện âm nhạc Paris nổi tiếng.
Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.
Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách học viện đó không xa, đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm vang lên theo nhịp kéo của anh.
Anh ta chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe.
Chàng thanh niên đói khát cuối cùng nâng hộp đàn của mình lên, những người xem xung quanh xúm lại lấy tiền ra và bỏ vào hộp đàn.
Có một tên ngạo mạn khinh thường anh ta và ném những đồng tiền xuống dưới chân của người thanh niên.
Người thanh niên nhìn tên vô lại rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, đưa cho người ngạo mạn và nói: “Thưa ngài, tiền của ông rơi xuống đất này”.
Người ngạo mạn cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của người thanh niên và nói: “Tiền này đã là của ngươi rồi, ngươi phải nhận lấy”.
Người thanh niên lại một lần nữa nhìn nhìn người ngạo mạn rồi cúi người thật sâu xuống cám ơn người ngạo mạn và nói: “Thưa ngài, cảm ơn sự giúp đỡ của ngài, vừa rồi tiền của ngài rơi xuống mặt đất, tôi đã cúi người xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ngài cũng nhặt lên giúp tôi”.
Người ngạo mạn kinh ngạc trước hành vi của người thanh niên, nhưng cuối cùng cũng nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của người thanh niên, rồi bước đi với bộ mặt xám xịt.
Những người vây xung quanh đều yên lặng dùng ánh mắt chăm chú mà theo dõi người thanh niên này, người ngạo mạn đó chính là vị Giám khảo ban nãy.
Cuối cùng vị Giám khảo đó lại đưa chàng thanh niên về học tại học viện. Chàng thanh niên này tên là Bill Sardinia.

Trong cuộc sống có thời điểm mà chúng ta lâm vào ngưỡng thấp nhất của cuộc đời, có thể sẽ gặp phải một số sự khinh thường vô duyên vô cớ. Khi chúng ta ở vào giây phút khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống, có thể gặp phải sự chà đạp nhân phẩm của người đời. Phản kháng lại một cách gay gắt là bản năng của chúng ta, nhưng thông thường sẽ khiến cho hành động của những người thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức đó càng thêm tệ hại hơn. Chúng ta không dùng lý trí để phản kháng, mà dùng một loại tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi cũng có thể bảo vệ được danh dự của mình. Khi đó, bạn sẽ khám phá ra rằng, bất luận là người có dã tâm nào đi nữa, khi đứng trước chính nghĩa thì đều không cách nào đứng vững nổi. Đôi khi “cúi xuống nhặt lên” lại thể hiện phẩm chất vô giá của bạn! Biết “cúi xuống” mới là trưởng thành, biết “hạ mình” mới là cao thủ.

Có một vị Tổng giám đốc của một công ty lớn nảy ra một ý nghĩ thú vị, anh ta muốn đi trải nghiệm cuộc sống của những người dân thường trên xe buýt, không ngờ lại bị một cô gái xấu xí làm cho mất mặt…
Vị TGĐ.mỗi ngày đều chen lên xe buýt ngồi, mặc dù cũng có chút kham khổ nhưng trong lòng anh lại cảm thấy rất lạ lẫm và vui vẻ.
Thế rồi, có một chuyện không bình thường đã xảy ra…Hôm ấy anh ta cũng lên xe buýt và ngồi xuống ghế. Trong lúc còn đang nhìn ngó quanh quẩn thì đột nhiên, một giọng nói như thét vào mặt anh: “Anh không thể nhường ghế cho người khác à? Không đáng mặt đàn ông gì cả!”
Anh ngước lên thì thấy một người phụ nữ trạc ngoài hai mươi tuổi đang bế cậu con trai nhỏ. Còn người vừa lên tiếng mắng anh là một cô gái có phần “xấu xí”. Lúc anh còn đang sững sờ thì cô gái ban nãy lại to tiếng: “Nhìn cái gì mà nhìn? Tôi nói anh đấy!”
Tất cả những người trên xe buýt đều hướng về phía anh với đôi mắt tò mò, thậm chí “lườm lườm”. Mặt anh bỗng đỏ bừng lên mà không nói được lời nào…
Không còn cách nào khác, anh từ từ đứng lên và nhường ghế ngồi cho hai mẹ con cô gái kia. Đến trạm dừng xe tiếp theo, anh vừa chật vật vừa xấu hổ “trốn” khỏi chiếc xe buýt ấy. Anh không ngờ rằng mình lại gặp phải một việc như vậy. Trước khi xuống xe, anh cũng đã kịp nhìn qua mặt của cô gái “xấu xí” ấy một lần để ghi nhớ.
Không ngờ, một tuần sau đó cô gái “xấu xí” kia lại có mặt trong vòng phỏng vấn tuyển dụng nhân viên của công ty anh. Hơn nữa, anh lại là người trực tiếp phỏng vấn và quyết định tuyển.
Cô gái kia vừa nhìn thấy anh cũng phát hiện ra, nét mặt cô có phần lo lắng, dường như trên trán cô vã cả mồ hôi…
Vị Tổng giám đốc nói: “Cô lau qua một lượt giày của ban tuyển dụng, thì có thể được nhận vào làm”.
Cô gái đứng ở đó một lúc và do dự thật lâu. Cô nghĩ: “Kinh tế trong nhà mình đã khó khăn lắm rồi, mình quá cần công việc này!”
Thực tế, cô ấy rất có năng lực và những thành tích mà cô đạt được cũng rất cao. Tuy nhiên, bởi vì cô có dung nhan hơi xấu nên dù đã đến dự tuyển ở một số công ty nhưng đều bị từ chối.
Cô lại phân vân: “Bây giờ cơ hội bày ra trước mặt mình, chỉ cần mình buông tự tôn, lau giày cho họ thì sẽ có việc làm. Thế nhưng mà mình sao có thể đổi sự tôn nghiêm của mình đây?”
Vị Tổng giám đốc cũng cho rằng: “Cô ta ngang ngược thế chắc sẽ không hạ mình đâu!” Thế là anh ta nhắc lại một lần nữa như để khiêu khích cô, thúc giục cô.
Cô gái lập tức ngồi xổm xuống, cầm giẻ lau và bắt đầu lau giày cho những vị giám khảo kia.
Vị Tổng giám đốc thắc mắc: “Cô ta chắc không phải là một cao thủ, nhưng sao lại không có phản ứng gì hết?”
Khi cô gái bắt đầu lau đến giày của anh, anh ta còn cố ý ngồi bắt chéo và giơ chân lên. Tuy nhiên, bất giác anh ta lại cảm thấy mình có chút gì đó quá đáng. Anh thầm nghĩ: “Cô ta dù làm mất mặt mình trên xe buýt nhưng cũng là vì việc tốt, có chút nghĩa hiệp!”
Nghĩ vậy, anh ta liền xem hồ sơ của cô, không ngờ trước mắt anh là những thành tích tốt mà cô đạt được, vượt xa những người khác. Từ mọi phương diện, dường như cô đều xuất sắc, hơn nữa không thể nuốt lời được. Thế là, sau khi cô gái đã lau hết giày cho mấy vị tuyển dụng, anh tuyên bố trước mặt mọi người: “Cô đã trúng tuyển!”
Cô gái cũng không bộc lộ vẻ vui mừng mà chỉ hướng về phía giám khảo nói lời nhỏ nhẹ: “Tôi xin cảm ơn!”
Sau đó, cô quay người sang phía vị Tổng giám đốc và nói: “Tính cả giày của ngài là 5 đôi, mỗi đôi tôi lấy 20.000, tổng cộng là 100.000. Sau khi ngài trả xong tiền, tôi mới bắt đầu đi làm.”
Vị Tổng giám đốc không biết nói thế nào, mà cũng không thể rút lại quyết định của mình, nên đành phải trả cho cô gái 100.000.
Tuy nhiên, điều khiến anh ta kinh ngạc hơn là cô gái sau khi nhận 100.000 ra về. Lúc cô vừa đi đến cổng công ty thì cô liền đưa hết số tiền đó cho một ông lão nhặt ve chai.
Vị Tổng giám đốc từ sau hôm đó lại có phần nể phục cô gái. Và cũng từ sau khi được tuyển vào công ty, cô gái làm việc rất xuất sắc, đã thay vị tổng giám đốc ký được nhiều hợp đồng lớn.
Có một hôm, vị Tổng giám đốc nhịn không được liền hỏi cô: “Hôm cô đến phỏng vấn, tôi làm khó cho cô như vậy, cô có oán trách tôi không?”
Cô gái trả lời ngay lập tức: “Tôi cúi người xuống, chỉ vì muốn đổi một cơ hội để có thể ngóc đầu lên!”

Nhất thời “cúi người” không có nghĩa là đánh mất tự trọng, càng biết lúc cần “cúi người” thì tương lai càng ngẩng được cao đầu!