Bí quyết kiếm thuật


Có một anh học trò đến gặp Takahara Bokuden, kiếm khách nổi tiếng dưới thời Mạc phủ Ashikaga. để học đánh kiếm. Takahara lúc đó đã về hưu và đang sống trong núi, đồng ý cho anh theo học. Người học trò giúp ông kiếm củi, gánh nước từ con suối gần bên, bửa củi, đốt lò, nấu cơm và quét nhà quét vườn, nói chung là lo việc nhà cửa cho ông. Không hề có một buổi dạy thực sự nào về kỹ năng sử dụng kiếm cả. Sau một thời gian, anh học trò tỏ ra không hài lòng vì anh đến đây không phải là làm đầy tớ cho ông thày già mà là để học kiếm thuật. Do đó, một hôm anh đến cạnh thày và xin ông dạy cho. Takahara đồng ý.
Kết quả là anh học trò từ đó không làm được việc gì mà cảm thấy an toàn. Sáng sớm khi anh bắt đầu nấu cơm, Takahara đã có thể hiện ra và đập cho anh một gậy từ sau lưng. Giữa lúc anh đang quét nhà, anh cũng có thể bị ăn đòn kiểu đó bất cứ ở đâu và không biết từ hướng nào. Anh không còn được bình an trong tâm hồn. Anh lúc nào cũng ở trong trạng thái phòng thủ. Phải mất một vài năm như thế trước khi anh đủ sức tránh né được ngón đòn cho dù nó đến từ đâu. Tuy vậy, Takahara vẫn chưa lấy làm bằng lòng về trình độ của anh.
Một hôm khi thấy Takahara đang xào rau ăn cơm trên một cái lò. Anh học trò thấy thế và không bỏ qua cơ hội tốt. Cầm lấy một cây gậy lớn, anh phang xuống đầu Takahara lúc đó đang cúi mặt xuống chảo xào nấu. Thế nhưng cây gậy của anh đã bị thày chặn lại bằng cái nắp vung. Điều này đã làm anh tìm ra được bí quyết của kiếm thuật được Takahara giữ kín và hoàn toàn xa lạ với anh cho đến hôm ấy. Đó là lần đầu tiên anh cảm thấy biết ơn tấm lòng quí hóa vô vàn của Takahara.
Bí quyết tuyệt luân của kiếm đạo nằm ở chỗ kiến tạo nên một khung sườn hay một cấu trúc trong tâm hồn giúp cho chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng đối phó nhanh chóng với những đột biến đến từ bên ngoài. Trong khi kỹ năng đóng một vai trò rất lớn, nó vẫn chỉ là một cái gì giả tạo, tập đắc được là nhờ có ý thức và biết tính toán.