Đọc truyện "Hán Sở Tranh Hùng" ai nấy cũng đều ngậm ngùi thương tiếc Hàn Tín và trách Hán Bái Công phi ân bội nghĩa. Nhưng nếu ai có chút kinh nghiệm sự đời… thì thấy Hàn Tín sở dĩ bị giết, không riêng gì lỗi ở Bái Công, mà chính nơi cách xử thế vụng về của Hàn Tín.

Hàn Tín xuất thân nghèo khổ, ngày ngày câu cá ở sông Hoài, nhưng cũng không kiếm đủ miếng ăn. Bà Phiếu Mẫu ở cạnh nhà, kiếm ăn bằng nghề giặt thuê, thấy Hàn Tín đói lấy làm thương tình, nên chia phần cơm của mình cho Hàn Tín ăn. Hàn Tín tạ ơn, nói với bà:
- Thế nào tôi cũng có dịp đền ơn bà thật xứng đáng!
Bà lão giận bảo:
- Kẻ đại trượng phu không nuôi nổi thân, ta thương ngươi mà cho cơm ăn, há lại mong đền ơn ư!

Trong bọn làm nghề mổ thịt có một tên nhỏ tuổi, thấy Hàn Tín thường đeo thanh gươm lủng lẳng bên hông, bĩu môi bảo:
- Mầy ngoài tuy lớn con nhưng trong lòng thì nhát, lại lên mặt đeo gươm...
Rồi trước mặt mọi người, muốn làm nhục Hàn Tín, hắn bảo:
- Thằng Tín, mầy có gan thì đâm tao đi, bằng không thì chui qua trôn tao đây mà đi, tao tha cho.
Hàn Tín chăm chú nhìn tên này, suy nghĩ một lúc rồi cúi mình lom khom lòn qua trôn hắn mà đi. Người cả chợ đều cười Hàn Tín, cho là hèn nhát.

Đến khi Hạng Lương qua sông Hoài, Hàn Tín chống gươm theo hầu… Hạng Lương thua, lại theo về với Hạng Võ. Võ cho làm Lang Trung chấp kích. Nhiều lần bày mưu cho Hạng Võ, nhưng Võ không dùng. Khi Hán Vương vào Thục, Hàn Tín trốn Sở về với Hán dưới sự tiến cử của Trương Lương.
Trương Lương tâu với Hán Vương:
“Diệt cái vũ dũng của Hạng Vương, trong thiên hạ không ai hơn Hàn Tín. Việc lòn trôn của anh mà phần đông thiên hạ hiểu lầm khiếp nhược… là một việc đại dũng trong đời. Với cử chỉ ấy, anh ta tỏ ra là người biết tiểu nhẫn để thành được đại mưu. Những kẻ vũ phu tiểu khí, cũng như mọi người, ắt đã đem cái “thất phu chi dũng” để thỏa mãn cái “huyết khí chi nộ” của nhất thời rồi… Những kẻ như thế mà đem tánh mạng muôn quân giao cho thì đại sự ắt phải hỏng. Nếu ta muốn tìm những kẻ tay sai dưới trướng mà sức mạnh địch nổi muôn người thì kẻ dũng sỉ trong thiên hạ ta sẽ chở về cho chúa công mấy xe cũng có. Nhược bằng muốn tìm một người diệt Sở phá Tề, đồ vương định bá cho Hán Vương thì phi người đó không còn ai nữa…”
Nhưng Hàn Tín chỉ được phong làm chức Liên Ngao, coi kho lúa.
Tiêu Hà và Đằng Công biết Hàn Tín là người đại tài, đã không biết bao lần tiến cử với Hán Vương mà Hán Vương vẫn không trọng dụng, nên Hàn Tín toan bỏ Hán mà trốn đi… Tiêu Hà ra sức tiến cử, Hán Vương dù chưa thật tin nhưng vì sự khẩn khoản của Tiêu Hà mà phong cho Hàn Tín làm đại tướng. Tiêu Hà muốn chiêu dụ Hàn Tín, bèn tâu với Hán Vương:
- Bệ hạ muốn phong cho Hàn Tín cách nào?
- Thì vời y đến mà phong chứ sao?
Tiêu Hà lắc đầu, nói:
- Không được. Bệ hạ vốn đã kiêu ngạo không thủ lễ với Hàn Tín lâu nay rồi, giờ lại phong một chức Đại tướng mà làm hình như gọi một đứa trẻ con. Ở bệ hạ thì cho thế là trọng, mà theo ý ngu thần e rằng Hàn Tín rồi sẽ cũng đi mất.
Hán Vương nói:
- Vậy phải phong cách nào?
- Nếu bệ hạ muốn phong Hàn Tín, nên chọn ngày chay giới, lập đàn tế cáo thiên địa như Hoàng đế phong cho Phong Hậu, Vũ Vương phong cho Lữ Vọng vậy… tức là lễ bái tướng.
Hán Vương bằng lòng. Đấy là Hàn Tín đặng hả lòng… mà Hán Vương đã bị chạm, một cách vô tình, lòng tự ái rồi… Lòng Hán Vương đã bị một tỳ vết, hột giống đã khởi đầu âm thầm bắt mộng…

Lúc Hàn Tín tương binh đại phá Tam Tần và lấy Hàm Dương rồi, thì Hán Vương bàn với Hàn Tín tính việc đông chinh. Hàn Tín không bằng lòng, cố hết sức giãi bày những việc lợi hại, thế mà Hán Vương vẫn không nghe. Mặc dầu Trương Lương hết sức cản ngăn, Hán Vương cũng nằng nằng quyết một, lấy ấn soái của Hàn Tín lại mà ban cho Ngụy Báo. Trận ấy Hán Vương làm một việc liều lĩnh phi thường, nên bị Hạng Võ đánh một trận không còn manh giáp, suýt bỏ thân trong trận địa.
Người như Hán Vương khôn ngoan sâu sắc, thời thường bao giờ cũng nghe Tử Phòng (Trương Lương), cung kính như bậc thầy… Thế sao, ngày nay bổng dưng hôn ám, đã không chịu nghe Hàn Tín lại chẳng kể Tử Phòng? Trước sự thành công rực rỡ của Hàn Tín, “trăm trận trăm thắng”… trong thâm tâm Hán Vương không mấy vui lòng… Cơ hội đến, Hán Vương muốn tỏ rằng mình cũng có tài chinh phạt như ai… Bởi vậy, mới có cái cử chỉ sỗ sàng là cướp ấn nguyên nhung mà trao cho Ngụy Báo, làm một việc dại dột gàn dở.
Cách xử thế vụng về và vô tâm ấy của Hán Vương lại chạm đến lòng tự ái của Hàn Tín thêm một phen nữa. Bởi vậy, khi Hàn Tín trả ấn nguyên nhung về cố thủ Lạc Dương, Hán Vương cho triệu cũng không về. Tiêu Hà bâng khuâng nói với Tử Phòng:
- Hàn Tín từ khi ở Lạc Dương về, thường phàn nàn rằng: Hán Vương không nghe lời nói phải, lại cướp tướng ấn mà cho Ngụy Báo, không nhớ đến công phá Tam Tần, lấy Hàm Dương. Khi nghe Đại Vương (Hán Vương) bị thua rất nặng ở Truy Thủy, thì Hàn Tín lại đóng cửa không tiếp khách, tôi đến mấy lần cũng không được tiếp, xem ý như muốn cho Hán Vương tự thân đến mời mới được vậy…
Câu nói ấy của Tiêu Hà thật là tỏ rõ được tâm sự của Hàn Tín. Óc làm phản đã bắt đầu manh nha trong tiềm thức. Nếu Trương Tử Phòng không dùng kế khích ông ta thì Hàn Tín chưa chắc chịu nghe lời triệu của Hán Vương mà về Huỳnh Dương mưu phá Sở.
Hán Vương vì lợi cho đại nghiệp của mình, nên bấm bụng bỏ qua cái tội không tuân mạng của Hàn Tín… nhưng trong thâm tâm lòng tự ái đã bị chạm nhiều rồi.
Trong tâm thức của hai người, sự găng nhau càng ngày càng tăng thêm… Nơi Hàn Tín thì lập tâm phản nghịch, nơi Lưu Bang (còn được biết đến với danh hiệu Bái công - tước Hán Vương do Hạng Vũ phong) thì sanh dạ bội ân.
Bởi vậy, sau khi Hàn Tín bình định nước Tề rồi, Hán Vương sai sứ đến mời về cũng nhau hợp sức phá Sở. Hàn Tín thừa dịp bắt bí Hán Vương, viết biểu về tâu xin phong ấn Tề Vương rồi sau sẽ về phá Sở. Đấy là cách trả đũa sự cướp ấn nguyên nhung thuở nọ.

Hán Vương xem biểu đòi phong Tề Vương của Hàn Tín liền nổi giận:
- Thằng nhãi này dám giở giọng như thế ư? Ta bị khốn ở đây đã lâu mong nó về giúp ta, chẳng ngờ nó lại chực xưng bá xưng vương như vậy!
Trương Lương, Trần Bình vội sẽ bấm chân Hán Vương rỉ tai nói:
- Đại Vương tuy được mấy chục quận của Sở. Nhưng hiện nay quân Sở đóng ở dưới núi Quảng Vũ để đánh ta, quân ta hiện đang bất lợi, vậy ta có sức đâu cấm nổi Hàn Tín không cho tự lập làm Vương. Chi bằng hãy cứ phong cho hắn, khiến hắn vui lòng thì rồi hắn sẽ giúp Đại Vương được việc. Nếu không mà để hắn tự biến thì sẽ lại sinh một mối lo to.

Thế là Hán Vương một lần nữa phải bấm bụng mà phong vương cho Hàn Tín. Ở vào địa vị Hán Vương, mình là chúa, mà bầy tôi kiêu ngạo ỷ tài, lấn áp và khu sách mình dường ấy… lòng tự ái bị thương tổn không biết là chừng nào. Nhẫn được, nếu không phải Bái Công chưa ắt có người làm nổi. Nói thì có hơi quá, chứ cái nhục của Hán Vương ngày nay còn nhục hơn là cái nhục của Hàn Tín lòn trôn thuở nọ. Cái ấn Tề Vương của Hàn Tín thật khó lòng mà bền vững được. Người mà có cái chí đồ vương định bái, khuấy nước chọc trời như Bái Công có thể nào chịu nổi cái nhục ấy không? Chịu nổi nó, chỉ có Bái Công và cũng nhờ thế mà Bái Công làm nên nghiệp đế. Nhưng cái vết thương lòng không làm sao mà hàn gắn được. Cái tước Tề Vương của Hàn Tín, tuy xứng đáng thật, nhưng ngày nào nó còn… nó là cái tiếng chửi trên đầu Hán Vương, là cái gai nhọn trong con mắt của Hán Vương… nó hằng nhắc nhở cho Hán Vương sự sút kém nhục nhã của mình. Chi nên thiên hạ vừa định được, thì cái lo nghĩ trước nhất của Hán Vương là cướp lại ấn nguyên nhung của Hàn Tín. Sự đã rõ ràng. Việc ấy ai mà không rõ, thế mà chỉ có Hàn Tín không chịu hiểu.
Hàn Tín tuy hả lòng trả được cái nhục cướp ấn nguyên nhung, lên ngồi trên điện Tề Vương để chịu lễ chào mừng của trăm quan thuộc hạ, nhưng đâu có dè chính ngày ấy là ngày tự rước cái vạ ở cung Vị Ương sau này vậy.

Lúc bấy giờ quân Sở đang vây Hán Vương rất gấp ở thành Huỳnh Dương.
Hán Vương nghe theo các quân sư, liền sai Trương Lương đến Tề phong Hàn Tín làm Tề Vương, trưng dụng binh của ông đến đánh Sở. Sau khi sứ giả về, người nước Tề là Khoái Triệt biết rằng thiên hạ ai thắng ai bại là ở Hàn Tín, cũng ra sức thuyết phục ông cắt đất Tề, Yên, Triệu để chia ba thiên hạ, tạo thế chân vạc.
Khoái Triệt khuyên Hàn tín:
- Thiên hạ lúc mới loạn, các anh hùng hào kiệt cùng gào, cùng thét. Người trong thiên hạ đều như sương đùn mây họp, lửa bốc gió tuôn… cá mè một lứa. Trong lúc ấy chỉ lo có một điều là làm sao cho mất nhà Tần mà thôi. Bây giờ Hán Sở tranh nhau, khiến cho những kẻ vô tội dưới gầm trời, óc gan lầy đất, cha con phơi sương ở giữa ruộng đồng, không sao kể siết…Sở cất quân từ Bàng Thành, vừa đánh vừa đuổi, đến mã Huỳnh Dương… oai danh lừng lẫy thiên hạ. Thế mà quân lại bị khốn ở Kinh Sách, bức bách ở Tây Sơn. Đã ba năm rồi không sao tiến được nữa. Còn vua Hán thì đem vài mươi vạn quân, giữ Cung, Lạc, nhờ thế hiểm của núi sông. Nhưng một ngày đánh mấy trận, không lấy được tấc công. Thua chạy không ai cứu, bại ở Huỳnh Dương, bị thương ở Thành Cao bèn chạy sang miền Uyển Khí. Thật là “khỏe cũng khốn, mà khôn cũng khốn”. Trăm họ khổ sở kêu ca, nhong nhóng không nơi nương tựa. Cứ như tôi tính, trừ phi hạng Hiền Thánh trong đời, không sao dẹp yên nổi tai vạ trong đời. Hiện nay tính mạng hai vua treo cả ở tay ngài. Ngài giúp Hán thì Hán được, mà sang Sở thì Sở được. Tôi xin mở lòng dạ, phơi gan mật, bày kế ngu, chỉ sợ ngài không biết dùng. Nếu ngài thực biết nge kế của tôi, thì không gì bằng giúp cả đôi bên mà để họ còn cả! Chia ba thiên hạ ra như ba chân vạc, thế không ai dám động binh trước. Ngài giữ đất cường Tề, gồm đất Yên đất Triệu, chẳng đủ dựng nên cơ nghiệp lớn ư? Tôi nghe Trời cho mà không lấy sẽ có họa hại, thời đến mà không làm sẽ phải tai ương. Vậy ngài nghĩ cho kỹ.
Hàn Tín nói:
- Vua Hán hậu đãi tôi rất hậu, tự đem xe cho tôi đi. Tự cởi áo cho tôi mặc. Tự sẻ cơm cho tôi ăn. Tôi nghe: Đi xe người ta thì mang lo cho người ta ăn. Mặc áo người ta thì bận nghĩ vì người ta. Ăn cơm người ta, thì chết về việc người ta. Tôi há tham lợi mà quên nghĩa ư!
Khoái Triệt nói:
- Ngài tự cho là thân với vua Hán, muốn dựng cơ nghiệp muôn đời! Tôi trộm nghĩ, không gì lầm hơn nữa… Xưa, khi Thường Sơn Vương cùng Thành An Quân lúc còn áo vải, cùng kết làm bạn sống chết với nhau. Về sau, cãi nhau về chuyện Trương Áp, Trần Thạch mà hai người trở lại thù nhau. Thường Sơn Vương phản Hạng Vương đem đầu Hạng Anh mà trốn sang với Hán Vương, lại nhờ Hán Vương xuống miền Đông giết Thành An Quân ở phía Nam sông Kỳ, đầu một nơi, chân một nẻo. Rút lại làm trò cười cho thiên hạ. Hai người ấy là hai người chơi thân với nhau nhất ở trong đời, vậy mà rốt cuộc đến giết lẫn nhau là vì sao? Hại sinh ra bởi muốn nhiều mà lòng người khó lường được! Nay ngài muốn giữ trung tín để cầu thân với vua Hán, tất cũng không sao bền hơn tình bè bạn của loại người kia. Còn việc thì nhiều việc còn lớn hơn Trần Thạch và Trương Áp nữa kìa. Vậy, việc ngài tin vua Hán quyết không hại ngài, tôi cho là lầm to tát vậy. Đại Phu Văn Chủng và Phạm Lãi làm cho nước Việt mất mà lại còn giúp cho Câu Tiễn được nên nghiệp bá… thế mà rồi kẻ chết, người trốn. “Muông nội đã hết, thì chó săn cũng giết đi mà ăn thịt”. Nói về tình bạn, thì ngài và Hán Vương không được bằng Thường Sơn Vương và Thành An Quân; mà nói về trung tín, thì chẳng qua ngài như Văn Chủng và Phạm Lãi đối với Câu Tiễn là cùng. Cứ xem hai người đó là đủ. Xin ngài nghĩ cho sâu điều đó. Vả lại tôi nghe “dũng lược mà át cả chủ thì khốn thân; công lớn mà trùm cả đầu thì mất thưởng”. Nay tôi xin kể những công lược của Đại Vương: Ngài sang qua Tây Hà tóm vua Ngụy, bắt Hạ Thuyết; dẫn quân xuống Vĩnh Hình giết Thành An Quân, tuần đất Triệu, hiếp đất Yên, định đất Tề; sang Nam đánh tan quân Sở hai mươi vạn; qua Đông giết Long Thư, quay về Tây để trả lời… Kể ra thì công ấy trong thiên hạ có một không hai, mà lược ấy không mấy đời đã có. Nay ngài đem “oai át cả chủ”, cầm cái “công hết lối thưởng” mà về Sở, thì người Sở không tin, về Hán thì người Hán hoảng sợ… Ngài định mang cái đó về đâu? Thế ở địa vị kẻ làm tôi mà cái oai át cả chủ, danh cao nhất thiên hạ… Tôi trộm nghĩ lấy làm nguy cho ngài.

Còn gì rõ ràng hơn nữa lời can ngăn cuối cùng của Khoái Triệt. Khi nghe Hàn Tín sắp khởi binh kéo đến Thành Cao giúp Hán Vương đánh Sở, Khoái Triệt vội vã vào thăm. Hàn Tín hỏi:
- Tiên sinh lâu nay đi không trở về bởi tôi ngày trước không biết nghe theo lời dạy, nay đến đây thăm tôi, chắc hẳn là có cao ý gì?
- Tôi chịu ơn tri ngộ của ngài không nỡ để ngài lâm vào cái vạ tày đình.
- Cái vạ tày đình như thế nào?
- Ngài đóng quân ở đây, Hán Vương bị vây khốn ở Cổ Lăng, mấy lần cho vời mà ngài kháng cự không chịu về cứu. Lẽ nào ngài không còn nhớ việc ấy? Vì không có cách gì sai khiến cho nổi, bất đắc dĩ Hán Vương mới sai Trương Lương đem hịch văn đến phong cho ngài làm Tam Tề Vương. Chia đất phong cho, đó là lấy lợi mà đấm miệng để ngài đem quân về giúp. Đâu phải vì ngài công to mà đươc hậu thưởng một cách tuyệt vời như thế, thực ra chỉ vì muốn cho ngài phá Sở để đồ thiên hạ cho người ta. Tôi chắc chắn rằng sau khi bình định, họ sẽ không bao giờ để cho ngài ngất ngưỡng ngồi trên ngôi Vương mà hưởng cái phúc thái bình đâu. Bấy giờ họ sẽ nhớ lại cái thù mà ngài chống mạng bắt bí lúc trước đây, và lại lo rằng ngài có chí đồ vương, họ sẽ quyết kế hại ngài để trừ đi cái bệnh tâm phúc, và mưu cái nghiệp vững bền cho con cháu. Vậy ngay bây giờ, chi bằng thừa lúc hai vua đều mệt mỏi cả, ngài chiếm lấy đất Tề, chia ba thiên hạ mà đứng thành chân vạc mới có thể giữ được vô sự. Chứ nếu lại không nghe lời tôi mà đi phá Sở, sau khi Sở vỡ, ngài sẽ không sao tránh khỏi cái vạ tày đình. Ngài rất nên nghĩ kỹ.
Hàn Tín nói:
- Lời nói của tiên sinh thật là suốt lẽ, nhưng lòng Hàn Tín này thực không nỡ bội Hán.
Khoái Triệt nói:
- Bây giờ không nghe lời tôi, ngày khác bị hại, sao cho khỏi hối!

Thật lời Khoái Triệt như tiên tri… Có gì lạ, đó là lẽ dĩ nhiên phải như thế. Hàn Tín đâu phải là không thông minh, thế mà chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng… chỉ vì đem tình cảm chen ngăn vào lý trí không phải chỗ. Hàn Tín đa cảm, chỉ thấy lấn được Hán Vương là thỏa lòng, thấy được người ta chiều mình là đắc ý… Trăm lần khôn, một lần ngu… cũng đủ chết.

Sau hoà ước Hồng Câu, năm 202 TCN, Hán Vương theo kế của Trương Lương, bội ước mang quân đánh úp Hạng Vương, nhưng vẫn bị Hạng vương quay lại đánh cho đại bại ở Cố Lăng. Hán Vương lo sợ, bèn theo kế của Trương Lương, triệu Hàn Tín cùng Bành Việt mang quân về giúp, hứa sẽ phong cho nhiều đất. Hàn Tín cùng Bành Việt nghe theo, đem binh họp nhau với Hán vương ở Cai Hạ, đánh bại Hạng Vũ, diệt Tây Sở. Sau khi Hạng Vũ đã bị phá, Hán Vương lập tức đoạt lấy quân của Tề Vương Tín lần thứ hai (sau lần ở thành Tu Vũ).
Hán Vương lên ngôi hoàng đế, tức là Hán Cao Đế (sử gia gọi là Hán Cao Tổ) .
Hàn Tín được phong làm Sở Vương, liền cho người đi tìm tên đồ tể đã làm nhục khi trước mà phong tước cho. Hàn Tín nói với kẻ tả hữu:
- Hắn là một kẻ tráng sĩ đó. Khi hắn làm nhục ta, giá ta giết hắn đi cho hả lòng, thì lấy đâu được có ngày nay. Chỉ vì ta biết nhẫn, lập chí cao, hoài bão lớn mà ngày nay mới được như thế này… Phong cho hắn, há không phải là không có ý nghĩa ư ?
Đấy là cách trả thù của Hàn Tín. Nhìn sâu vào tâm sự của Hàn, ta thấy Hàn Tín chưa đủ sức để quên các mối nhục nhỏ ấy… Bởi vậy vừa được phong vương là nhớ đến cái nhục ngày xưa, cho người đi tìm kiếm, phong chức cho tên đồ tể là để tỏ cái lòng quảng đại hơn người và nhắc cho tên thiếu niên ác nghịch nọ cái việc làm ngu dại của nó để cho nó hằng ngày tưởng nhớ đến cái khoan hồng của người trượng phu cao hơn nó. Hàn Tín nghĩ: "Trả thù là tỏ ra mình ngang hàng với người thù. Tha thứ là đứng trên họ. Phong tước lại càng đứng trên nữa." Than ôi! Đối với một kẻ thất phu, Hàn Tín còn không quên được cái nhục… thảo nào đối với Hán Vương… ông không đi so đo từng việc một sao được. Bởi cái độ lượng ấy chưa thật rộng, nên suốt đời ông mới tự chuốc không biết bao nhiêu tai họa.

Viên tướng bỏ trốn của Hạng Vương là Chung Ly Muội nhà ở núi Y Lư, vốn chơi thân với Hàn Tín. Sau khi Hạng Vương chết, Muội bỏ trốn về với Hàn Tín. Hán Cao Đế truy lùng Muội, nghe nói Muội ở Sở, ra chiếu cho Sở Vương bắt Muội. Năm sau, có người đưa thư lên báo Sở Vương Tín làm phản. Cao Đế dùng mưu kế của Trần Bình, giả cách thiên tử đi tuần thú hội họp chư hầu. Ở phương Nam có đất Vân Mộng, Hán Đế bèn sai sứ báo cho chư hầu sẽ họp ở đất Trần: "Ta sẽ đi chơi Vân Mộng", kỳ thực vua Hán muốn bắt Hàn Tín, nhưng Hàn Tín không biết.
Cao Tổ sắp đến Sở, Hàn Tín lo lắng vì chứa Chung Ly Muội trong nhà. Có người khuyên ông chém Muội để ra mắt nhà vua thì sẽ khỏi tội.
Hàn Tín bèn đến gặp Muội nói về việc ấy, Muội nói:
- Nhà Hán sở dĩ không dám đánh lấy Sở là vì Muội ở nhà ông. Nay ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì ta hôm nay chết nhưng ông cũng chết theo như trở tay mà thôi.
Rồi Muội mắng Hàn Tín:
- Nhà ngươi không phải bậc trưởng giả!
Sau đó đâm cổ chết. Hàn Tín ôm đầu Muội ra mắt Hán Đế ở đất Trần. Hán Đế sai võ sĩ trói Hàn Tín lại.
Hán Đế nói:
- Người ta bảo nhà ngươi làm phản.
Rồi sai áp giải ông về kinh. Đến Lạc Dương thì tha tội cho ông, giáng phong làm Hoài Âm Hầu. Hàn Tín không được trọng dụng… ngày tháng ăn không ngồi rồi… cũng như bị giam lỏng ở tại triều. Thế mà khi Hán Đế cho vời hỏi chuyện thì lại giở giọng làm khôn…
Hán Đế hỏi:
- Như trẫm đây, khanh liệu có thể cầm nổi bao nhiêu quân?
Hàn Tín nói:
- Bệ hạ bất quá cầm được độ mười vạn quân là cùng.
Hán Đế lại hỏi:
- Còn như tướng quân thế nào?
Hàn Tín nói:
- Như thần thì càng nhiều bao nhiêu, càng tốt bây nhiêu.
Hán Đế cười hỏi nữa:
- Càng nhiều càng tốt, cớ sao lại còn bị trẩm bắt?
Hàn Tín nói:
- Bệ hạ không giỏi cầm quân, nhưng giỏi cầm tướng, vì thế mà thần bị bắt. Vả lại, bệ hạ có trời vừa giúp, nên sức người sao thể theo kịp.
Hán Đế tuy cười nói, nhưng lòng không vui, lại càng thêm nghi kỵ… nên cho Hàn Tín về nhà riêng dưỡng bệnh, chứ không tính đến việc cất dùng.

Năm 196 TCN, Trần Hy làm phản. Hán Đế thân chinh đem quân đi đánh. Hàn Tín mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô để làm nội ứng cho Trần Hy. Nhưng vì có một thuộc hạ có tội với Hàn Tín bị ông bỏ tù, muốn giết đi, nên em của người này ra đầu thú báo tin với triều đình, tố cáo ông muốn làm phản. Lã Hậu muốn gọi Hàn Tín vào, nhưng sợ ông không đến, nên bàn với tướng quốc Tiêu Hà, giả vờ sai người từ ngoài chiến trường chỗ Hán Đế trở về báo tin rằng:
- Trần Hy đã chết, các chư hầu, các quan đều đến mừng.
Tiêu Hà lừa Hàn Tín rằng:
- Tuy ngài ốm, cũng xin cố gắng vào mừng.
Hàn Tín theo Tiêu Hà vào cung, Lã Hậu lập tức sai võ sĩ trói ông, rồi mang chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc. Lúc sắp bị chém, Hàn Tín nói:
- Ta hối hận không dùng mưu kế của Khoái Triệt, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng phải là vì trời muốn thế hay sao?

Hàn Tín chết… Hán Đế xem biểu mừng lắm, nhưng rồi lại nhớ công lao to lớn của Hàn Tín bụng những ngậm ngùi… Thương xót nước mắt dầm dề… Người ta bảo, cái khóc của Hán Đế là giả dối… Không, nó là biểu hiện của một sự tranh chấp mãnh liệt nơi lòng của Hán Đế: cười, là hả được lòng tự ái, mà rơi nước mắt dầm dề là nghĩ đến cái án bội bạc của mình nó cũng đang giày xé tâm can…
Lưu Bang giỏi biết mình, giỏi biết người, nên Lưu Bang đã thắng. Hạng Vũ đã không biết người, lại cũng không biết mình, nên Hạng Vũ đã thua . Hàn Tín biết người nhưng lại không biết mình, tuy có thành công, nhưng cuối cùng đã thất bại. Không tự biết mình thì chắc gì đã có thể biết người một cách rõ ràng. Hàn Tín lấy bụng kẻ tiểu nhân cư xử với Chung Ly Muội, lấy lòng người quân tử đối xử với Lưu Bang. Thực là trái phải lẫn lộn.
Nếu Lưu Bị là nhà lãnh đạo có tham vọng lớn, biết cách nhìn người, biết nắm bắt cơ hội, là người nổi tiếng trầm tĩnh, dùng việc làm vườn để che giấu chí lớn, nuôi chí từ gốc rễ sâu, thì Hàn Tín chỉ là hạng người điều binh khiển tướng, hữu dụng trong thời chiến, nhưng bản lĩnh chính trị không vững vàng, không khôn ngoan, kín đáo, khiêm tốn. Hàn Tín bị giết là vì vậy!