Động Tĩnh


Nói theo Dịch Lý Đông Phương, trong cái động có cái tĩnh, trong cái tĩnh, có cái động. Động để chuẩn bị cho tĩnh, mà tĩnh để mà sắp sửa động. Trời hạn hán, hoặc bão tố cuồng phong, ảnh hưởng tới mùa màng, thóc lúa, đó là trời động. Đất sụp, núi lở, sâu rầy, châu chấu xuất hiện, đó là đất động. Người bị đói khổ lầm than, rời nhà bỏ xứ, lê lết kiếm ăn, tiếng than khóc đầy đường, nỗi lo sợ hiện lên nét mặt, đó là người động. Kết hợp cái động của trời, của đất, của người vào một lúc, thì cái động nầy thật là ghê gớm, có thể xô ngã cả tường thành, có thể làm sụp đổ cả bạo quyền. Bởi vậy, ngày xưa các bực nhơn chủ, mỗi khi thấy then máy chuyển động, đều phải xét lại mình, mà chịu tội với trời.
Ông Thành Thang thấy trời hạn hán, phải trần mình ra nằm phơi nắng mà chịu tội với trời. Ông Tề Hoàn Công thời Xuân Thu, thấy núi lở, sông cạn, phải ăn chay nằm đất ba ngày để chịu tội với đất. Ông Lưu Huyền Đức thời Tam Quốc, dắt dân Tân Dã chạy loạn, thấy dân khóc bi thương, đã sa nước mắt mà nhận rằng “đây là tội của quả nhơn”.
Đó là hành động của các bực nhơn chủ đức trị ngày xưa. Hành động nầy khiến cho nhơn dân cảm phục, khiến cho đại nghiệp được vững bền.
Ông Thành Thang lập nên nhà Thương dài tới bốn trăm năm. Ông Tề Hoàn Công làm bá chủ chư hầu thời Xuân Thu. Ông Lưu Huyền Đức từ một kẻ dệt chiếu bán dép mà chia ba thiên hạ.
Cái đạo của người quân tử, “mẫn ư sư, nhi thận ư ngôn” (sáng suốt trong công việc mà cẩn thận ở lời nói). Thiên hạ càng động thì lòng mình phải càng thật tĩnh để mà nhận định đại thế. Có như vậy, mới không có quyết định sai lầm.
Thời Hớn Sở tranh hùng, Phạm Tăng lỡ theo Hạng Võ, đến chết còn ôm hận. Thời Tam Quốc, Trần Cung lúc bị Tào Tháo đem ra xử chém ở Hạ Bì mới biết theo phò Lữ Bố là ngu. Cái chỗ đứng của người quân tử là “thời trung vị chánh”.