Giàu nghèo


Thường thường ở đời ai cũng thích cảnh giàu sang, mà ghét cảnh nghèo nàn. Người xưa có câu:
Phú dữ quới thị nhơn chi sở dục
Bần dữ tiện thị nhơn chi sở ố
(Giàu và sang người người đều ham
Nghèo và hèn kẻ kẻ đều ghét)
Bởi vậy, sống ở trên đời, ai cũng muốn làm sao cho được giàu và sang, tránh cái cảnh nghèo và hèn. Nhưng giàu sang cũng có nhiều đường giàu, mà nghèo cũng có nhiều đường nghèo.
Nghèo mà như ông Cử Nhơn Phan Văn Trị, ngồi xé mắm sống ăn cơm nguội với Tú Tài Nguyễn Đình Chiểu, nghèo mà trong sạch thanh cao, nghèo mà không bợ đỡ, luồn lọt. Nghèo mà không bán nước để cầu vinh, nghèo như vậy ai dám chê, ai dám khinh. Nhà Nho có câu “an bần lạc đạo” và thí dụ của cái sự “yên trong cảnh nghèo mà vui với đạo” này là cuộc đời của thầy Nhan Hồi, một niêu cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp và vui với sách vở thánh hiền. Khổng Tử khen Nhan Hồi là bậc chí nhơn. Nghèo mà lòng nhơn vằng vặc, nghèo như vậy ai dám dè bỉu, rẻ rúng. Nghèo như Điền Tử Phương gặp nước hữu đạo thì vui mà đến, gặp vua bất đức thì xỏ chưn vô dép cỏ mà đi, áo rách nhưng nghênh ngang giữa chợ, gặp xe của Tử Kích vẫn không thèm quay lại chào. Đó là nghèo mà tự trọng, không xu phụ quyền thế. “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (nghèo nàn không đổi nết, uy vũ không khuất phục).
Nghèo mà như Vinh Khải Kỳ, bận áo cừu rách, đội nón cời, mang dép cỏ, nghêu ngao hát nơi đồng nội, giải thích niềm vui: “Có người sanh ra là đờn bà, ta sanh ra làm đờn ông, đó là một niềm vui... Có người sanh ra bệnh hoạn, què quặt, ta sanh ra thân thể cường tráng, tay chưn lành lặn, đó là hai niềm vui. Có người sanh ra bị chết non, chết yểu, ta sống hơn chín chục, đó là ba niềm vui. Còn cái nghèo là sự thường, cái chết là sự hết. Ta đang xử cảnh thường, đợi lúc hết, có gì mà phải lo”. Như Vinh Khải Kỳ đó là vui trời mà thuận mạng.

(Theo "Hương Giáo Đề Thơ")