Huyền thoại Hi lạp


Huyền thoại Hy Lạp tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại không chỉ để giải thích cội nguồn của thế giới, mà còn để giải thích vì sao thế giới này luôn vận động, biến đổi và duy trì sự tồn tại vĩnh hằng của thế giới và vạn vật. "Truyện Thiền" xin giới thiệu sau đây một số huyền thoại có tính nhân bản và triết lý thiền.





Huyền thoại Procrustes (Áp đặt định kiến)

Tên cướp Procrustes là hung thần của khách qua lại vùng Attique. Sau khi cướp của, Procrustes thường đặt những nạn nhân của hắn lên một cái giường đặc biệt bằng sắt, tay chân ai dài quá kích thước của giường sẽ bị chặt đi, tay chân ai quá ngắn sẽ bị kéo dài ra cho vừa với kích thước của giường. Về sau, Theseus đã bắt Procrustes phải đền tội cũng bằng chính cực hình này.




Huyền thoại Sisyphus (Thân phận con người)

Sisyphus, chuyên ăn trộm và ăn cướp ở Attique, bị Theseus bắt đày xuống địa ngục và bị trừng phạt phải lăn một hòn đá lớn lên núi dốc, khi đến đỉnh hòn đá lại rơi trở xuống chân dốc, cứ thế Sisyphus tiếp tục lăn lên rồi rơi xuống theo một chu kỳ vĩnh cữu .




Huyền thoại Orpheus (Ảo ảnh tình yêu)

Orpheus , con của vua Thrace, chàng vừa chơi đàn Lyre vừa ca hát. Giọng ca của chàng tuyệt vời đã quyến rũ tất cả những động vật chung quanh, khi chàng hát, chim trên cành ngưng hót để lắng nghe, chó sói trong rừng trở nên hiền lành như cừu con, những cây cối trong rừng nghiêng theo lời chàng hát, núi đá rẽ đường để chàng đi qua, khi chàng hát bên bờ sông cá dưới nước cũng trồi lên nghe và dân chúng khóc hay cười theo lời ca lúc buồn , lúc vui của chàng ......
Orpheus yêu nữ thần Eurydice , cưới làm vợ và họ chung sống rất hạnh phúc. Một ngày Orpheus có việc phải đi vắng, Eurydice quyết định trở về thăm nhà. Khi băng qua khu rừng lá , Eurydice bị một con rắn độc cắn . Nàng chết đi không một tiếng khóc, không gia đình và không có Orpheus bên cạnh.....
Orpheus chôn cất Eurydice và chôn luôn những bài ca vui, rồi chàng chỉ hát những bài ca buồn, thú dữ trong rừng cũng rưng rưng nước mắt khi nghe chàng hát, cả vũ trụ buồn theo chàng, Orpheus không còn thấy niềm vui trên cõi đời này nữa, chàng quyết định đi tìm Eurydice . Orpheus quyết đến Địa Phủ. Trải qua bao nhiêu dặm đường, mà Orpheus vẫn không tìm ra đường đi đến Địa Phủ. Chàng cất tiếng ca não nề , làm động lòng những cây lá trong rừng và những cành cây đã ngả chiều để chỉ lối cho chàng đi. Trên đường đi , khi gặp trở ngại chàng lại ca . Tiếng ca của chàng giúp chàng vượt qua trở ngại và gặp được Diêm Vương. Diêm Vương ngồi trên ngai vàng, những sợi tóc đen rũ trên trán, cặp mắt lạnh lùng và gương mặt trắng bệch làm chàng sợ hãi, nhưng tình yêu dành cho Eurydice quá mãnh liệt làm Orpheus can đảm và chàng cất tiếng ca tả tình yêu của chàng với Eurydice, tiếng chàng hát làm dịu những linh hồn trong hỏa ngục và làm động lòng Diêm Vương .
Diêm Vương hứa sẽ cho Eurydice theo chàng trở về cõi sống với điều kiện là Orpheus không được quay lui nhìn Eurydice khi chưa rời khỏi âm đình. Orpheus mừng rỡ cám ơn Diêm Vương và lên đường về lại trần gian, trên đường trở về sự im lặng tĩnh mịch đã làm cho Orpheus sợ, nghĩ không biết Eurydice có đi theo chàng hay không, quên đi lời dặn của Diêm Vương Orpheus quay nhìn ra sau và chợt thấy hình ảnh Eurydice biến dần trong sương mù, người vợ yêu quý của chàng đã trở về âm phủ.
Quá đau khổ Orpheus tìm cách trở lại âm phủ nhưng không còn lối nữa, chàng trở về đất liền sống với mối tình của Eurydice, với tất cả nỗi đau khổ vô tận của chàng.




Huyền thoại Œdipe (Quy luật đời người)

Ngoài cửa thành Athena có con quái vật Sphinx đầu người, mình sư tử, năm trên con đường đi Thebes . Sphinx cho biết là nó sẽ rời bỏ chỗ đó nếu có người trả lời được đúng câu hỏi của nó, người nào trả lời sai sẽ bị giết chết. Những người ra vào cửa thành đều bị nó giết chết vì họ không trả lời đúng câu hỏi của nó đặt ra.
Œdipe tình nguyện đi gặp Sphinx. Câu hỏi của Sphinx là : Con vật gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, và buổi chiều đi ba chân? Œdipe trả lời : Đó là con người. Buổi sáng là lúc nhỏ vì phải bò nên coi như đi bốn chân, buổi trưa là lúc lớn lên thì đi hai chân, và buổi chiều tức lúc tuổi già thì phải chóng gậy nên kể như đi ba chân. Œdipe đã trả lời đúng, con Sphinx bỏ đi.




Huyền thoại Narcissus (Hình hài hư ảo)

Narcissus là một nam thần rất đẹp trai. Ngày nọ chàng đi lang thang bên bờ suối, soi bóng dưới nước, chợt nhận ra khuôn mặt chàng rất xinh đẹp. Đẹp đến nỗi Narcissus không còn có thể yêu ai khác ngoài cái bóng của mình. Nhưng cái bóng chỉ là hư ảo, đụng vào là tan biến, luôn luôn hiện ra trước mặt mà vẫn nằm ngoài tầm tay. Từ đó Narcissus thường ngồi một mình bên bờ suối, thì thầm gọi tên mình: Narcissus! Narcissus...
Mỗi lần như thế, chàng thường nghe trên bờ, cỏ cây, vách đá vang vọng lại những âm thanh mơ hồ. Nar...cis...sus... Đó chính là nữ thần Ekho (Dư Âm) lên tiếng gọi chàng. Ekho là nữ thần của suối rừng từ lâu vẫn đem lòng yêu Narcissus. Nhưng Narcissus chỉ yêu chính mình.
Sau cùng cả hai đều tuyệt vọng, héo mòn đến chết rồi hoá đá, mọc lên loài hoa gọi là Thủy Tiên.




Huyền thoại Midas (Che giấu sự thật)

Midas, vua xứ Phrygie, vì làm phật lòng thần Apollo nên bị vị thần này cho mọc hai cái tai lừa. Ông đã giữ kín việc này, nhưng không sao giữ kín được với tên thợ cạo của ông. Ông bắt tên này phải thề độc với ông là cho tới chết không được tiết lộ việc bí mật này. Sợ mắc lời thề, nhưng không sao giữ mãi sự bí mật ấy nó giằng dập tâm tư anh đến phát đau. Anh bèn nghĩ ra một kế: Đào một lỗ dưới đất, rồi kê miệng thì thầm bí mật: Vua Midas có lỗ tai lừa! Bấy giờ anh thấy lòng mình thơ thới nhẹ nhàng... Nhưng, nơi lỗ sâu mà anh đã cẩn thận lấp đất, lại mọc lên một đám sậy... Mỗi khi gió hiu hiu thổi, chúng sậy lại thì thầm tâm sự với nhau: Vua Midas có lỗ tai lừa!!!




Huyền thoại Pandora (Tràn ngập đau khổ)

Zeus, chúa tể của các thần, giận Prometheus đã ăn cắp lửa trên Thượng giới để mang xuống Trần gian cho Loài người đang chịu rét mướt, tối tăm, nên tìm cách trả thù. Zeus ra lệnh cho Hephaestus tạo ra người đàn bà đầu tiên có tên là Pandora và được các vị thần mỗi người tặng cho một đặc tính từ sắc đẹp, đàn giỏi , hát hay, cho đến tài tò mò, nói dối, thuyết phục, vv... Chủ ý của Zeus là để dụ Prometheus vào tròng , nhưng vị thần này khôn ngoan đề phòng trước, và còn dặn cả em trai là Epimetheus, nên cẩn thận. Nhưng cậu em này không cưỡng được trước sự hấp dẫn của nàng Pandora, nên cưới nàng làm vợ. Nàng mang theo xuống trần gian nhiều quà tặng của các vị thần trong đó có một cái hộp và được Epimetheus dặn là chớ mở ra. Nhưng vì sự tò mò, một ngày kia nàng mở hộp ra xem. Thế là bao nhiêu cái xấu, khổ ải, bệnh tật, đang nhốt trong đó, tuồn tuột theo nhau chui ra. Nàng sợ hãi quá, vội đậy nắp lại, nhưng không kịp, chỉ còn giữ lại cái cuối cùng trong hộp, đó là hi vọng , được Pandora thả ra sau đó để xua tan những rắc rối, phiền muộn sau khi con người bị những cái xấu dày dò.




Huyền thoại Psyche (Tình yêu bất diệt)

Lúc bấy giờ dưới trần gian có một nàng công chúa tên là Psyche (=Tâm Hồn) có sắc đẹp tuyệt trần, một số người còn cho rằng nàng đẹp hơn cả Nữ thần Sắc đẹp Aphrodite và say mê nàng đến mức không còn thiết tha gì việc thờ phụng Nữ thần Aphrodite nữa. Điều này khiến Nữ thần khó chịu và ghen ghét. Nữ thần cho gọi con trai của mình – Thần tình yêu Eros – và bảo: "Con hãy làm sao cho Psyche yêu một kẻ hèn mạt nhất và suốt đời bất hạnh với hắn ta".
Tuy nhiên, ngay từ cái nhìn đầu tiên, Eros đã đem lòng yêu nàng Psyche xinh đẹp. Eros quyết định nàng phải là vợ mình, hoặc không ai cả. Vì thế, Eros âm mưu đuổi khéo các chàng trai để ý tới Psyche. Trong khi đó, nhà vua và hoàng hậu cứ băn khoăn: hai cô chị đều đã đi lấy chồng thế mà Psyche dù hương trời sắc nước vẫn sống với cha mẹ mà không thấy một chàng trai nào đến dạm hỏi.
Nhà vua đem chuyện này hỏi một nhà tiên tri, và được ông nầy khuyên theo lời của thần Eros rằng: "Công chúa có một số phận không bình thường phải mặc áo cưới cô dâu cho công chúa rồi dẫn nàng lên đồi cao chờ một chàng rể mà công chúa chưa biết mặt".
Nhà vua làm y theo lời tiên tri. Nàng công chúa tội nghiệp trong bộ áo cưới cô dâu một mình trên đỉnh đồi với một nỗi sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình. Eros nhờ Thần Gió Zephyr thổi một cơn gió nhẹ, đưa Psyche đến một cung điện nguy nga tráng lệ. Nơi đây, Psyche nhận được sự hiện diện của người chồng thân yêu, nhưng nàng không sao biết được mặt người chồng. Chàng chỉ đến với nàng khi màn đêm buông xuống và ra đi trước khi trời sáng. Điều đó khiến nàng cảm thấy không được hoàn toàn hạnh phúc.
Một hôm, Psyche năn nỉ Eros cho phép mình được báo tin vui cho ba mẹ và anh chị. Vì không muốn thấy vợ buồn phiền nên Eros đã đồng ý cho nàng gặp hai cô chị nhưng Eros dặn đi dặn lại Psyche không được nghe theo lời xúi giục của ai mà tìm cách biết mặt chồng. Eros nói: “Ngày mà em biết mặt ta, cũng là ngày chúng ta xa cách nhau vĩnh viễn”.
Gặp lại các chị, Psyche vô cùng sung sướng kể chuyện của mình. Hai cô chị ghen ghét với hạnh phúc của em kêu lên: "Thật là tai hoạ. Chồng em là một con mãng xà, một giống yêu quái ác độc và kinh tởm, sớm muộn sẽ có ngày nó hiện nguyên hình rồi nuốt em vào bụng".
Psyche hồ nghi, quyết xem chàng đích thực là thế nào, là người hay là một con quái vật. Đêm xuống, Psyche lấy ngọn đèn giấu dưới gối để nhìn mặt chồng. Quá sững sờ trước vẻ đẹp của Eros, Psyche đã để một giọt dầu rơi xuống mặt, khiến Eros bừng tỉnh, tức giận và bỏ về Olympus.
Hối hận, Psyche đi tìm chồng ở khắp nơi. Biết con trai trái lời dặn của mình, Nữ thần Aphrodite đã đưa ra rất nhiều hình phạt cho Psyche. Tuy nhiên, điều này không làm nàng nản lòng. Psyche ngoan ngoãn làm theo mọi yêu cầu của Nữ thần. Cho đến khi Psyche được giao đi tìm một cái hộp từ chỗ Hades (Chúa tể âm phủ) mang về cho Aphrodite mà không được mở ra. Vì quá tò mò Psyche mở chiếc hộp đen bí ẩn ra và rơi vào giấc ngủ giấc ngủ sâu vĩnh viễn trước làn khói đen bí hiểm bên trong.
Thời gian qua đi, khi đã nguôi giận, Eros đi tìm Psyche và đặt lên môi nàng một nụ hôn nồng thắm. Psyche lập tức tỉnh lại. Nàng kể cho Eros những gì mình đã trải qua và hứa sẽ không lặp lại. Vì vẫn còn rất nhiều tình cảm với người con gái xinh đẹp này, Eros nhờ Thần Zeus hòa giải với mẹ mình.
Zeus cảm kích trước tình yêu của hai người, cho Psyche uống nước thánh để nàng được bất tử. Nữ thần Aphrodite nhượng bộ Thần Zeus nên chấp nhận hoà giải và nhận Psyche là con dâu. Kể từ đó, không ai có thể chia lìa đôi uyên ương Eros – Psyche.




Huyền thoại Styx (Ranh giới sống chết)

Con sông Styx hay dòng sông Căm Ghét bao quanh vương quốc của Hades tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ. Âm phủ là nơi ảm đạm, tối tăm, nơi linh hồn người chết tìm đến để được phán xét, được chia thành 3 vùng: vườn địa đàng Elysian (Elysium) dành cho linh hồn người tốt và anh hùng, vườn Asphodel dành cho người thường, và địa ngục Tartarus nơi giam giữ và trừng phạt những linh hồn tội lỗi, độc ác và phản trắc.
Trên đường đến âm phủ, người chết phải dùng một đồng tiền (mà thân nhân đặt vào miệng họ) để nhờ ông lái đò Charon giúp vượt sông Styx. Bờ bên kia sông được canh giữ bởi con chó ngao ba đầu Cerberus. Vượt qua Cerberus, linh hồn người chết tiến vào âm phủ. Charon là một sinh vật gớm ghiếc, nửa trên là một thân hình nhăn nheo, già úa, gắn với phần còn lại của cơ thể - chính là chiếc thuyền. Linh hồn của những kẻ ăn mày, những kẻ cô độc, và những người khi chết mà không có trong miệng một đồng xu làm lệ phí vì không được chôn cất tử tế, phải dạt lại bên bờ sông, không có tiền để đi đò, sẽ phải lang thang trên bờ từ một trăm năm tới vĩnh viễn.
Rất ít người phàm trần đến đây mà trở về được, chỉ một vài người như Heracles, Orpheus, Psyche, là quay về được. Charon sẽ không đưa bất cứ ai qua sông nếu không hội đủ hai điều kiện. Đầu tiên là phải đưa một khoản lộ phí dưới dạng một đồng tiền hình con dê. Hai là người đó đã chết. Heracles, Orpheus, Psyche không đáp ứng được điều kiện nào. Nhưng Heracles chỉ cần vỗ tay là đủ để Charon ngoan ngoãn đưa chàng vượt sông Styx. Orpheus sử dụng cây đàn lyre và cất tiếng ca để dụ Charon đưa sang sông. Psyche mang 2 đồng tiền obol để trả công và thuyết phục Charon chở nàng qua sông rồi đưa về. Nước sông Styx có tính mài mòn cao và chứa chất độc chết người được thần Zeus sử dụng để thử thách các vị thần khác khi buộc họ phải uống nó. Nếu các thần không trung thực, họ sẽ bị mất tiếng và khả năng di chuyển trong một năm. Thứ duy nhất con sông không thể phá hủy được là thuyền bè làm từ móng ngựa.
Sông Styx còn ràng buộc lời thề của các thần linh.
Seleme là con gái của vua Cadmus và Harmonia. Cô không phải thần mà chỉ là người thường, nhưng rất đẹp, nên được Zeus để ý và tìm đến Seleme trong hình dạng của một người đàn ông bình thường. Cả hai rất yêu nhau, Seleme biết chồng là Zeus nhưng chẳng có lời phàn nàn. Zeus yêu Seleme nên thề sẽ ban cho Semele bất cứ thứ gì nàng yêu cầu. Hera vợ của Zeus tức điên khi thấy chồng đi lại với Selame. Hera giả dạng một bà già, xúi Seleme yêu cầu Zeus trở về hình dạng thật, để chứng tỏ tình yêu của Zeus đối với Seleme. Nghe lời Hera, Seleme yêu cầu Zeus biến thành vị thần oai phong lẫm liệt trước mặt cô. Zeus ra sức cản nhưng cô không nghe. Cuối cùng, ông phải giữ đúng lời hứa, biến thành thần Zeus trước mặt Seleme. Người thường không thể nhìn thẳng vào Zeus mà sống sót được. Seleme bị sấm chớp và hào quang của Zeus thiêu cháy.
Lời thề tương tự của thần mặt trời Helios đối với Phaëton - con trai mình, cũng dẫn đến cái chết của anh ta. Một hôm, có người cho rằng Thần Helios không phải là cha của anh. Phaëton khóc lóc, van xin mẹ dẫn đến gặp cha, nhưng Phaëton vẫn hoài nghi. Helios nói:" Nhất định ta là cha của con rồi, con hãy ước một điều để chứng minh, Helios này sẵn sàng lấy sông Styx ra bảo đảm." Nhưng ai ngờ Phaëton lại xin cưỡi cỗ xe mặt trời mà cha hay điều khiển vì muốn chứng minh cho các bạn thấy mặt trời là cha mình. Helios can: "Đó là điều ta phải nghiêm cấm. Con không đủ sức để cưỡi. Ngay cả thần Zeus tối cao cũng không điều khiển được." Phaëton không nghe lời cha. Helios buộc phải chấp nhận vì đã thề với sông Styx rồi, nếu chối thề sẽ bị trừng trị. Phaëton lấy cỗ xe mặt trời của cha đi chọc phá các bạn; làm rừng núi bị thiêu trụi, sông biển cạn khô, làng mạc bị đốt cháy... Zeus thấy vậy, liền dùng sét đánh thẳng vào cậu bé. Phaëton bị sét đánh chết ngã khỏi cỗ xe mặt trời và rơi xuống sông Styx. Các tiên nữ chôn cất Phaëton bên bờ sông. Các chị gái tìm đến, khóc than và biến thành những cây xương rồng bên mộ. Những giọt nước mắt của họ rơi xuống sông, biến thành những hạt ngọc.
Nước sông Styx cũng rất mầu nhiệm. Achilles con của Nữ thần biển Thetis với vua Hy Lạp Peleus. Mẹ thì bất tử nhưng cha là người trần, vì thế Achilles cũng như cha, không sống mãi được. Khi Achilles sinh ra, được tiên tri là chàng sẽ chết trong chiến trận. Để giúp sự trường tồn của con, Thetis dốc ngược người cậu bé, hai tay giữ 2 gót chân, rồi nhúng cả người vào nước sông Styx, nhưng Nữ thần lại quên nhúng 2 gót chân vào nước. Vậy là cả người Achilles là mình đồng da sắt, duy chỉ có 2 gót chân là yếu vì không được nhúng nước. Về sau, trong chiến trận thành Troia, Achilles chết vì bị mũi tên của Paris bắn trúng gót chân.




Huyền thoại Atlas (Nặng gánh trần gian)

Thuở xưa, trước cả buổi khai thiên lập địa, Trái Đất hình thành, chỉ có một vị thần duy nhất tên là Chaos tức Thần Hỗn Mang. Chaos được biết đến như một vực sâu thăm thẳm, vô cùng vô tận, trong đó vạn vật mơ hồ, rối rắm phiêu bạt khắp nơi. Thế giới cứ tiếp tục tăm tối và trống rỗng như vậy cho đến khi Đất Mẹ Gaea xuất hiện, tạo ra tình yêu, vạn vật mới bắt đầu giao phối và sinh sôi. Gaea tạo ra Uranus (tức Bầu trời) và giao phối cùng Uranus, sinh ra những người khổng lồ: Cyclops, Hecatoncheires và Titan. Tuy nhiên, Uranus căm ghét các Hecatoncheires và cầm tù họ. Gaea và Cronus lập mưu giết Uranus khi ông ta ngủ say. Cronus trở thành chủ tể thống trị mới, bắt giam Cyclops và Hecatoncheires xuống địa ngục Tartarus, trị vì thế giới trong nhiều năm. Cronus cưới em gái mình là Rhea và sinh nhiều con cái. Cronus nhớ đến lời nguyền năm xưa của Uranus phán rằng Cronus cũng sẽ bị lật đổ bởi một người con trai, vì vậy để tránh hậu họa, mỗi khi Rhea đẻ con, Cronus nuốt chửng luôn những đứa bé. Thế nhưng một lần, Rhea sinh ra một bé trai tên là Zeus và lén đem con đến cho các tiên nữ Nymph ở đảo Crete nuôi. Zeus lớn lên, trở thành một chàng trai tuấn tú. Zeus được Metis – người chị em họ, mách cho cách chống lại Cronus.
Zeus tìm đến đỉnh Olympus – nơi cư ngụ của Cronus, lén cho cha mình uống loại nước thần của Metis, khiến Cronus nôn ra 5 người con khác ở trong bụng. Đó là 5 anh chị em của Zeus. Cronus và các Titan khác tập hợp lại, chiến đấu chống các Titan phe Zeus.
Zeus cùng nhiều thần, như thần Sấm, thần Sét, thần Chớp, thần Poseidon (vị thần cai trị biển cả, có thể dùng cây đinh ba khuấy sóng đại dương tạo thành những bão tố hung dữ)..., nổi lên chống lại các vị thần cũ, để chiếm toàn quyền lực và đỉnh núi Olympus. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Nhiều thần khổng lồ Titan, ở phía đối địch với Zeus, giáng những đòn kinh khủng; các thần bê từng quả núi ném tới tấp, khiến cả thế giới trở thành cảnh hỗn mang, sấm sét rung chuyển cả thế giới âm phủ, khiến các vị thần ở dưới tận cùng lòng đất khiếp sợ. Bầu trời, vũ trụ nổ tung. Cuối cùng Zeus thắng trận. Các Titan khổng lồ bị xiềng chặt, đày xuống địa ngục; trong trại giam có tường thành bằng đồng vây kín. Riêng đối với Atlas - con trai của thần khổng lồ Titan Iapetus và tiên nữ Asia - bị Zeus trừng phạt phải mãi mãi đỡ cả bầu trời, để bầu trời không sụp đổ.
Sau nầy, Zeus và Alcmene - một phụ nữ trần gian - có một đứa con tên là Heracles. Zeus liền xuống trần bế chú bé Heracles lên cung điện Olympus, lén đặt vào lòng nữ thần Hera để bú trộm sữa, khi Hera phát hiện thì cậu đã bú gần no, nhờ bú sữa Hera mà Heracles trở nên bất tử. Hera mang trong lòng mối căm ghét con riêng của Zeus, hãm hại Heracles nhiều lần nhưng không thành công. Cuối cùng khi Heracles có vợ con và gia đình hạnh phúc, Hera giáng một cơn điên cuồng kỳ lạ vào Heracles, làm chàng mất hết lý trí và ra tay sát hại vợ con mình. Sau khi tỉnh lại, sự việc quá muộn, chàng đến cầu khấn thần Apollo. Thần Apollo phán với Heracles rằng chàng bị buộc phải làm nô lệ cho vua Eurystheus và thực hiện 12 nhiệm vụ kỳ quái do Eurystheus yêu cầu trong 12 năm, nhằm chuộc lại tội lỗi. Heracles lên đường chinh phục 12 kỳ công, sau 10 lần xuất sắc hoàn thành, lần thứ 11 Heracles nhận một nhiệm vụ cực kỳ hiểm hóc: hái trái táo vàng của Hera! Cả thiên đường và địa ngục chỉ có một cây táo, mà khốn nỗi không ai biết nó ở đâu. Sau khi vất vả chạy loanh quanh, thậm chí phải dùng mưu mẹo để quật ngã người khổng lồ Antaeus cản đường, chàng mới gặp được Atlas – cha của hai nàng tiên canh vườn táo vàng. Nghe Heracles tâm sự, Atlas mủi lòng đồng ý đi hái trộm táo vàng giùm chàng, với điều kiện Heracles thay ông gánh bầu trời trong chốc lát. Sau khi hái được táo, trở về, Atlas bỗng nhận ra hơi đâu mà gánh mãi bầu trời nặng nề khi đang có kẻ thế chỗ mình, ông bèn bảo Heracles: “ Nầy ngươi cứ gánh thế giới đi nhé, ta mang táo vàng về cho lão vua Eurystheus đây!”. Heracles biết bị lừa, giả bộ ngu ngơ: "Ít nhất cũng phải cho tôi chêm cái nệm vào cho đỡ đau vai!" Thế là Atlas ghé vai vào đỡ bầu trời. Heracles bèn bỏ đi với trái táo vàng trên tay để lại tiếng gầm thét vang trời của Atlas.




Huyền thoại Paris (Nguyên nhân chiến tranh)

Bất mãn vì không được mời dự hôn lễ của nữ thần biển Thetis - con gái lão thần biển Nere - và chàng Peleus - cháu trai thần Zeus - nữ thần Bất hoà Eris lấy một quả táo vàng trong vườn của các nàng Hesperite, ghi lên đó dòng chữ "Tặng vị nữ thần đẹp nhất" rồi ném nó vào bàn tiệc. Cuộc tranh cãi giữa 3 vị nữ thần, Hera - vợ thần Zeus, Athena - nữ thần trí tuệ và Aphrodite - nữ thần tình yêu, để giành quả táo rất quyết liệt. Cuối cùng, họ phải nhờ đến người phân xử là hoàng tử Paris, con vua Priam của thành Troia.
Trước ba vị nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời, Paris thẫn thờ không biết chọn ai. Quá sốt ruột trước sự lưỡng lự của Paris. Nữ thần Hera nói: "Này chàng trai, nếu quả táo vàng thuộc về ta thì ta sẽ cho chàng làm Vua khắp vùng Châu Á mênh mông và giàu có".
Thấy vậy Nữ thần Athena vội tiếp lời: "Hãy trao cho ta quả táo vàng, hỡi chàng Paris, đổi lại ta sẽ ban cho chàng trí tuệ tuyệt vời, chàng sẽ chỉ biết chiến thắng trong mọi cuộc giao tranh, chàng sẽ có vinh quang".
Đến khi Paris đưa mắt nhìn thần Nữ Aphrodite thì Nữ thần đắm đuối nhìn chàng và tha thiết nói: "Hỡi chàng trai đẹp nhất Châu Á, hãy trao quả táo vàng cho ta, ta sẽ không quên ơn chàng. Ta sẽ giúp chàng lấy được nàng Helen xinh đẹp. Bên chàng sẽ có một người đẹp tuyệt trần".
Nữ thần Aphrodite vừa dứt lời, Paris không do dự tiến về phía Aphrodite, trao cho Nữ Thần quả táo vàng "Tặng vị nữ thần đẹp nhất".
Thua cuộc, Hera và Athena thề sẽ tiêu diệt thành Troia, nơi cha của Paris đang trị vì.
Sau khi nhận được quả táo vàng, để trả ơn, Aphodrite đến thành Troia bảo Paris đóng một con thuyền sang xứ Sparta đón nàng Helen về. Helen người đàn bà đẹp nhất Châu Âu, đã có chồng là Menelaus - vua xứ Spata; do Menelaus vắng nhà một thời gian, lại được sự giúp đỡ của Nữ Thần Aphrodite nên Paris chiếm được trái tim của Helen và khi Paris rời khỏi Sparta, Helen bỏ Menelaus trốn theo Paris với tất cả của cải của chồng.
Nghe tin Menelaus vội vàng trở về. Agamemnon lấy cớ rửa nhục cho em huy động Vua các xứ sở Hy Lạp, cùng các anh hùng, tướng tài giỏi nhất thời bấy giờ thành lập đạo quân viễn chinh hùng mạnh gồm năm mươi vạn người sang tiêu diệt Troia để đòi lại nàng Helen xinh đẹp. Bắt đầu cuộc chiến tranh 10 năm giữa Hy lạp và thành Troia.