Lãn Toản thiền sư


o 0 o


           Ðời Ðường có một vị Lãn Toản thiền sư ẩn cư trong một hang động ở núi Nam Nhạc. Ngài đã cảm tác một bài thơ như sau:

“Thế sự du du
Bất như sơn khưu
Ngọa đằng la hạ
Khối thạch chẩm đầu
Bất triều thiên tử
Khởi tiễn vương hầu?
Sanh tử vô lự
Ngô phục hà ưu?”

Tạm dịch:

“Việc đời bối rối
Chẳng bằng núi đồi
Nằm dưới gốc mây
Gối đầu trên đá
Không chầu thiên tử
Há ham vương hầu?
Sanh tử chẳng lo
Ta lại lo gì?”

           Hàm ý bài thơ này nói lên việc đời phức tạp, rối rắm khó hiểu, vàng thau lẫn lộn chứ không như năm ba cụm đá nhỏ nhắn thân thiết đáng yêu. Kiểu sống lấy trời làm chăn màn, lấy đất làm nệm, nhàn hạ ngao du sơn thủy ấy mới thật sự thú vị làm sao! Ở đâu còn có nhàn nhã thung dung không quan tâm đến việc quân vương triều chính nhỉ! Mọi thứ công danh lợi lộc, vinh hoa phú quý đều xem như mây nổi, sanh tử đã đặt sang một bên, không còn gì phải mong cầu nữa thì còn hơi sức đâu mà so bì chuyện đúng sai, vui buồn chứ?
           Khi bài thơ này được truyền đến tai nhà vua, hậu quả đương nhiên không thể tưởng tượng nổi. Ðương thời nhằm lúc vua Ðường Ðức Tông 26 trị vị, nhà vua liền hạ lệnh cho thị vệ truy bắt vị Hòa thượng ấy. Thị vệ mang thánh chỉ tìm đến hang động, vừa lúc ấy trông thấy Hòa thượng đang nhóm bếp trong động, thị vệ đứng ngoài cửa động lớn tiếng gọi: “Thánh chỉ đến, mau ra kính lễ nghinh tiếp...” Thiền sư Lãn Toản Pháp Dung giả bộ câm điếc, hoàn toàn không để ý tới. Thị vệ bèn vào xem thử thì thấy Thiền sư dùng phân bò đốt lửa, trên lò đang nướng củ khoai, thế lửa càng đốt càng mạnh, khói lửa mịt mùng, khắp trong động ngoài động khói đen cuồn cuộn bốc lên nghi ngút, thiền sư nước mắt nước mũi ràn rụa. Thị vệ bèn bảo Ngài:
-Này! Lão hòa thượng, nước mũi của ông chảy đầy hết kìa, sao không chùi đi?
-Tôi đâu có rảnh rỗi như người đời mà lau nước mũi chứ ?
Thiền sư vừa nói vừa khoèo củ khoai nướng trong lò ra, bỏ vào miệng nhai, và liên mồm khen: ‘Ngon thật! Ngon thật!”. Thị vệ trông thấy bộ dạng Ngài như thế, trố mắt kinh ngạc, trông Ngài ăn có vẻ rất ngon lành cũng bắt chảy nước bọt, bèn đến cạnh hỏi:
-Lão hoà thượng ơi! Ông ăn gì mà ngon thế?
Ðây chính là hương vị mà bọn thị vệ không thể nào thưởng thức được nên buộc lòng phải quay về triều tâu lại sự tình. Vua Ðường Ðức Tông nghe xong, vô cùng cảm kích, tán thán:
- Hòa thượng như thế chính là phúc cho nhân gian đó!