Lão ăn mày


Có một lão ăn mày tới trước cửa nhà phú hộ kêu xin. Khi gia nhơn nhà phú hộ đem cơm thừa canh cặn ra cho, thì lão không chịu lấy. Lão nằng nặc xin một nén vàng. Đám tôi tớ nhà phú hộ vừa cười, vừa giận. Cười là vì ăn mày mà cho cơm, canh không lấy. Giận là vì thân đã ăn xin mà còn đòi tới một nén vàng. Bởi vậy, đám gia nhơn chửi mắng, đuổi lão ăn mày đi lập tức. Ông phú hộ nghe xong cũng nực cười.
Ngày hôm sau, lão ăn mày trở lại, cũng cơm canh không thèm lấy, nằng nặc đòi xin cho được một nén vàng và cũng bị chửi mắng đuổi đi. Vậy mà, lão vẫn không sờn chí. Suốt ba năm trời đăng đẳng, ngày nào lão cũng chầu chực trước cửa nhà ông phú hộ và năn nỉ xin một nén vàng.
Sự kiên nhẫn bền chí của lão ăn mày khiến ông phú hộ động tâm. Ông đem ra cho lão ăn mày một nén vàng. Lão ăn mày cám ơn, mân mê nén vàng và hí hửng bỏ đi. Ông phú hộ kêu một gia nhơn, biểu lén đi theo lão ăn mày, để coi lão sẽ làm gì với nén vàng vừa xin được. Đứa gia nhơn len lén đi theo, thấy lão ăn mày vừa đi vừa dồi, chụp nén vàng, miệng cười hỉ hả, coi bộ thích thú lắm. Tới một chỗ vắng, lão ăn mày ngồi nghỉ. Lão lại cầm nén vàng rờ tới rờ lui một hồi. Rồi, lão quăng nén vàng qua một bên, ngã lưng xuống đất, nằm ngáy khò khò. Đứa gia nhơn thấy vậy, lén lấy nén vàng, đem về đưa lại cho chủ và kể hết tự sự. Hôm sau, lão ăn mày lại tới nhà ông phú hộ xin vàng. Ông phú hộ hỏi:
- Vậy chớ nén vàng ta cho lão hôm qua đâu rồi?
Lão ăn mày trả lời:
- Lão vừa nhắm mắt là nó mất tiêu.

(“Truyện Giải Buồn” - Huỳnh Tịnh Của)