Nắm bắt


Hồi ấy có một tu sĩ rất trẻ, dường như là mới lớn thôi, ở với sư phụ từ tấm bé, nhưng giờ đây chắc cũng đã biết "đàn bà" là con gì, và cũng không còn nhớ nhung con cọp ở chợ nữa. Hôm ấy vì đã lớn khôn, nên sư phụ cho một mình đi vào rừng hái lá. Xảy nghe có tiếng kêu cứu đâu đây vọng lại, liền lần theo tiếng kêu mà tìm. Một lúc sau lần tới một khu bãi trống trải lớn, chung quanh rất ít cây, mà chính giữa là một bãi đầm lầy. Tiếng kêu cứu từ bãi đầm lầy tới, nhìn kỹ mới thấy ngay chính giữa có một người đang bị lún sâu xuống ngang ngực, gần tới cằm, tay đang bơi bơi, mà chẳng nhúc nhích đi được, nên dùng miệng mà la lối cầu cứu.
Chàng tu sĩ nói to: " Tôi tới ngay đây!" nói xong liền bước xuống bãi lầy và tiến về phía người bị nạn. Nhưng đi được một đoạn thì chàng tu sĩ cũng bị lún dần, không dám đi tiếp nữa. Rất may là chỗ ấy chỉ lún xuống một khúc rồi thôi, chân chàng chạm nền đất cứng, nên có thể quay trở lại. Chàng tu sĩ tuy đứng một chỗ, nhưng cố nhoài người về phía người bị nạn, rồi với tay về phía người kia, nhận thấy rằng nếu người kia cũng vươn tay ra thì chàng tu si vẫn có thể nắm được, nên chàng bảo: "Anh kia, đưa tay của anh đây, tôi sẽ nắm tay anh mà kéo anh vào bờ".
Người bị nạn kia vừa đưa tay ra, bỗng nhiên anh ta ngập ngừng, rồi rút tay lại, chỉ đưa mắt mà nhìn, trong khi đó thân hình anh ta vẫn đang lún xuống thêm sắp ngập tới vai. Chàng tu sĩ la lên: "Sao thế? Đưa tay của anh ra đây đi nào!". Người bị nạn vẫn giương mắt nhìn mà thôi, khi thân hình lại chìm dần thêm chút nữa. Chàng tu sĩ nóng nảy quát lên:"Anh kia, muốn chết hay sao vậy? Còn chần chờ gì mà không nắm lấy tay tôi để tôi kéo anh lên? Hãy nắm lấy tay tôi mau!". Ngay lập tức chừng như hoàn hồn, người bị nạn lấy hết sức tàn chồm lên chụp lấy tay chàng tu sĩ thật chặt, và chàng tu sĩ dùng hết sức mình mà lôi người kia vào bờ thoát nạn.
Chàng tu sĩ trẻ tuổi sau đó đi về kể cho sư phụ nghe về chuyện vừa xảy ra, vẫn còn thắc mắc tại sao người bị nạn kia lúc đầu lại rụt tay về không để cho chàng tu sĩ nắm tay mình mà kéo lên. Sư phụ vô cùng thông thái mỉm cười, sau khi hỏi lại vài điều, người từ tốn nói: "Nếu ta đoán không lầm, người kia hẳn là một thương nhân, quen có thói quen thu về, hơn là đưa ra, quen nắm lấy hơn là bị nắm. Cho nên khi con bảo anh ta đưa tay ra, thì anh ta từ chối. Còn khi con nói anh ta nắm lấy tay con thì anh ta thực hiện liền. Chàng tu sĩ vỡ lẽ mới à ra thế!
Sư phụ nói tiếp: "Thế mới biết, trong cùng một ý tưởng, cùng một mục đích, mà khi người nói không diễn đạt theo cách của người nghe, khiến người nghe hiểu sai ý người nói. Cái chúng ta nhìn thấy, người khác cũng thấy, chỉ có điều là hai cái nhìn không giống nhau." Chàng tu sĩ hỏi:"Thế nghĩa là sao hả Sư phụ?". "Cái áo con đang mặc màu gì?" "Dạ, thưa màu xám ạ." Sư phụ bảo;"Nhưng ta thì thấy nó hơi xanh xanh đó." Chàng ngắm nghía một lúc:"vâng, hình như nó cũng hơi xanh." Sư phụ cười khà:"Vậy là được rồi, lời nói diễn tả của con người cũng đâu có hoàn toàn chính xác được. Mà biết thế nào là chính xác mới được chứ? Mỗi người có một cách nói, mỗi người có một cách diễn đạt. Có ai biết diễn tả một màu xanh, mà người nghe có thể thấy ngay cái màu xanh mà người kia đang cố gắng diễn tả? Đó là nói rằng cố gắng diễn tả mà người ta còn chưa hiểu, huống chi con người thường có thói quen buột miệng nói thật nhanh cho... kịp."
Chàng tu sĩ thán phục:"Sư phụ thật là thông cao hiểu rộng, ước gì con được một phần của người." Sư phụ trả lời:"Khi con bằng tuổi ta, thì con có thể biết nhiều hơn ta. Vì khi ta bằng tuổi con, ta cũng lầm vậy mà." "Ủa, vậy thì hồi đó sư phụ cũng cứu người như vậy à?" "Không phải ta cứu người, mà ta được người cứu. Chỉ vì người cứu ta lúc đầu bảo ta "nắm lấy" anh ta nên ta không dám. Và trong khi anh ta kéo thầy lên bờ, anh ta bảo thầy "hãy nắm cho chặt", thì lập tức theo bài học nằm lòng của người tu hành, thầy đã "buông bỏ"... tay ra, và xém chìm lại. Xem ra kế sách "buông bỏ" đôi khi không phải là điều hay cho mọi hoàn cảnh." Chàng tu sĩ tư lự:" Vậy theo thầy thì làm thế nào để khi mình nói mà người nghe có thể hiểu đúng ý mình muốn nói gì?"
"Chỉ có một cách là nói đúng theo cách của người nghe. Nhưng hỡi ôi, chính bản thân ta, còn không biết cái "cách" của chính mình là gì, thì làm sao mà có thể nói bằng cách của người khác? Và đôi khi, người nghe không phải là một thì làm gì có một "cách" mà đáp ứng được tất cả mọi người. Thêm nữa, những lời nói đột ngột, không nằm trong dự tính của người nghe, thường gây nhiều phản ứng... gấp. Chính những phản ứng vội lại càng làm lệch hướng những điều ý chính, và cũng theo thói thường, tam sao thất bổn, lời nhắc lại, truyền tin, thường được "nhấn mạnh" hơn, cường điệu hơn, và nặng nề hơn cần thiết theo thói quen rất dễ thương là "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại." Chàng tu sĩ buồn buồn:" Vậy xem ra, người ta không thể hiểu nhau thật sự ư?"
"Không hẳn thế con ạ. Con người ta không cần phải tìm "cách" gì cả, chỉ cần mở lòng ra với nhau, đừng vội chỉ ngón tay vào nhau, đừng vội phân tích nhau. Hãy mở lòng đem tình yêu thương ra mà đối đãi với nhau thì dù bất cứ sự việc gì, bất cứ khúc mắc gì cũng giải được. Như hai vợ chồng khi cãi vã nhau, thì mặc dù đứng sát nhau, mặt đối mặt, mà họ vẫn hét tướng lên, vì có ai "nghe thấy" lời của nhau đâu. Nhưng khi họ trong tình yêu, thì những lời yêu thương họ nói với nhau chỉ thì thầm nhẹ hơn gió thoảng, vì lòng họ mở ra, không cần thật sự "nghe thấy" họ cũng biết người kia nói gì. Nãy giờ con có hiểu thầy nói gì không?" "Dạ, hiểu thưa thầy." "Đấy là vì con đang mở lòng ra, còn thầy, thì thầy có dùng cách gì đâu."