Người mù rờ voi


Bốn anh mù hội nhau quan sát con voi. Người thứ nhất rờ đụng cái chân, bèn nói: “Con voi giống như cột trụ”. Người thứ hai mò trúng cái vòi, bèn nói: “Đâu phải, nó giống cái chùy”. Người thứ ba đụng cái bụng, vuốt ve một hồi, rồi nói: “Theo tôi, nó giống cái chum đựng nước”. Người thứ tư lại nắm trúng cái lổ tai: Trật cả. Nó giống như cái nia”. Bốn người cãi nhau om sòm không ai chịu ngã lẽ cả. Ngã lẽ thế nào được chứ? Chính bàn tay mình rờ mó nó, chứ phải là nghe ai nói lại sao mà bảo là mơ ngủ. Làm cách nào bảo cho mình chịu được rằng con voi giống như cái nia trong khi chính tay mình ôm nó đây, thật tròn và dài như cây trụ…
Có người đi qua, dừng lại hỏi, vì đâu có sự cãi lẫy dường ấy. Họ bèn thuật lại những điều họ đã nhận thức đó và cậy người ấy làm trọng tài. Người ấy cười, bảo: “Không có một ai trong bốn anh em là thấy được rõ con voi như thế nào. Nó đâu có giống cây cột nhà, mà chính là chân nó giống như cây cột. Nó đâu có giống cái nia, mà cái tai nó giống cai nia. Nó đâu có giống cái chum đựng nước… mà cái bụng nó giống cái chum đựng nước. Nó cũng đâu có giống cai chùy, mà chính cái vòi nó giống cái chùy. Con voi là chung tất cả những cái ấy: chân, lỗ tai, bụng và vòi”.
Sự vật trong đời thiên hình vạn trạng, chắc gì mình có thể biết được tất cả phương diện của sự đời, và có biết đâu điều mình biết kia chỉ là một trạng thái của sự vật thôi. Chỉ có những bậc sáng suốt nhất mới dám tự hào là thấy đặng chân tướng sự vật, nhưng mà cũng biết đâu họ chỉ biết được nhiều phương diện hơn mình thôi, chứ không phải là biết được tất cả phương diện. Sự phải biết thì vô cùng, còn sức hiểu biết của mình thì có hạn; lấy cái hữu hạn mà lượng cái vô cùng… thật là khó lòng làm nổi.
Cãi về con voi của những người mù này, cũng không khác gì cãi nhau về con kỳ nhông trong cổ tích: một cuộc bàn cãi về cái chuyển của sự vật. Có người kia bảo với bạn nó: “Tôi đứng dưới gốc cây đàng kia, thấy rõ ràng một con thú quái lạ, đỏ như lửa”. Người nọ bảo: “Tôi cũng thấy con thú ấy vậy, nhưng nó xanh lè kia mà!” Một người thứ ba đi ngang qua, nghe vậy, xía vô: “Đâu phải, tôi thấy rõ ràng nó vàng như nghệ vậy”. Rồi thì người đi đường xúm lại nghe, ai cũng bảo chính mình thấy như thế này… như thế khác… Cãi nhau kịch liệt, không ai chịu của ai đúng hơn của mình… Họ vừa tính choảng nhau, thì có một người lạ khác vào can: “Không! Không! Các anh đừng cãi nữa. Chính tôi là người sống dưới cội cây ấy nên tôi nhận rõ sự biến đổi của con thú ấy. Nó là con kỳ nhông, nó đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi thì tím. Và riêng tôi, có lúc lại thấy nó không có màu sắc gì cả và giống hệt với cái da cây…”.