Sống theo mình


Phần đông thiên hạ ngày nay, chỉ biết mình “có đây” là đủ, không quan tâm đến coi mình “có sống” hay “chưa có sống”. Sống, có hai nghĩa : Sống cái sống của mình và sống theo cái sống của kẻ khác.
Sống theo mình là “có sống”
Sống theo kẻ khác, chưa phải sống.
Sống theo mình, mà sống theo cái Phi Ngã của ta tức là sống theo kẻ khác, sống theo ngoại vật, cũng chưa phải là “sống” …
“Phi Ngã”, không phải là Ta. Nó chỉ là cái sản phẩm của hoàn cảnh mà ta nhận lầm là Ta. Những cảm giác, tư tưởng, dục vọng của ta phần nhiều do mối kích động của giác quan đối với ngoại giới mà có. Thân thế, giác cảm, nhận thức, tư tưởng đến cả ý thức của mình nữa, hợp lại thành Phi Ngã. Phi Ngã chỉ là phản ánh trung thành của ngoại cảnh. Hoàn cảnh thế nào, ta như thế ấy, như bóng với hình. Nó là kết tinh của hoàn cảnh, xã hội, chế độ, luân lý, học thuyết, tôn giáo, dư luận, phong tục, sách vở… Cái “ta” ấy không phải là Ta mà là cái “ta xã hội” nơi ta.
Vậy thì “Vật” đối với ta phải như thế nào ? “Vật” chỉ để phụng sự ta thôi và không được quyền làm chủ đời sống của ta. Phận sự nó là phải giúp ta , không được, vì một lẽ gì, làm trở ngại đời sống tự do của ta.
Bất kỳ là “Vật” nào của ta có mà trở lại biến thành một vật nhu thiết đến không thể bỏ qua được, nghĩa là trở lại làm chủ ta và ngăn cản không cho ta thấy, hoặc làm cho ta quên mất cái sống của ta thì “Vật” ấy, ta phải phá hủy nó ngay.
Người xưa có nói : “Muốn cho nước sôi nguội dần mà một người đun, trăm người khuấy, cũng vô ích…Sao bằng rút củi ra và tắt lửa đi!” Rút củi ra, tức là tắt những gì khêu gợi lòng tham muốn của con người. Và như thế, câu nói này của Lão tử là phương pháp diệu nhất : “Bất thượng hiền, sử dân bất tranh; bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo; bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn”. (Không trọng người hiền để cho dân không tranh. Không quý của hiếm để cho dân không trộm cướp, không phô bày cái gì gợi lòng ham muốn, để cho lòng dân không loạn.) Người trộm ngọc ít tội hơn người đeo ngọc. Đông Lai nói rất chí lý : “Người câu phụ cá, cá làm sao phụ người câu ? … Vả, dùng mồi dụ cá là câu; dùng hầm dụ thú là săn. Không trách người câu mà trách cá nuốt mồi, không trách người săn mà trách thú sa hầm, trong thiên hạ có ai vậy không ?”