TÂM KINH


     Hiếu, một con chiên ngoan đạo và cũng là bạn đồng đội của Chiến. Tuy không rửa tội và cũng chẳng quy y, nhưng Chiến lại là người duy nhất mà Hiếu kết làm bạn tri âm tri kỷ. Bởi, Chiến có tinh thần đồng đội, can đảm ở trận chiến và thường chia sẻ buồn vui với các bạn. Đó là những đức tánh đã khiến Hiếu cảm phục. Hiếu càng kính mến bạn mình hơn nữa khi biết rõ người lính chiến mang tên Chiến lại có những tư tưởng thanh cao minh triết. Tuy nhiên, với tánh tình bộc trực, nghĩ gì nói nấy, đôi khi cũng làm cho Hiếu bất bình vì những lời thiếu cân nhắc.
     Một hôm, đang lúc tâm hồn chan chứa tình bác ái của đấng Kitô sau buổi giảng giáo lý của cha tuyên úy, Hiếu rủ Chiến đi nghe giảng vào kỳ tới. Chiến từ chối vì nghĩ rằng ngày nghỉ phép là ngày quý nhất đời của người lính trận, nên tận hưởng nó, nên chia vui như đại đa số anh em khác. Có lẽ nào, thi hành xong bổn phận trong những lúc hành quân rồi lại giam mình một chỗ thì đời còn gì thú vị. Để dứt khoát, Chiến nói:
     - Nơi tiền tuyến, tôi vẫn thường được nghe cha giảng.
     Biết Chiến muốn nói mình là cha nơi tiền tuyến nhưng Hiếu không mấy hài lòng vì chưa thấy được lòng thành thật của bạn mình trong lời nói. Hiếu vẫn nghĩ mình còn phải nghe cha giảng, còn khoác mầu áo trận và cầm súng trong tay. Nói:
     - Nếu anh muốn nói tôi là cha thì tôi không nhận vì tôi còn cầm súng đạn.
     Chiến lý lẽ rất chân tình:
     - Đó là biệt nghiệp của mỗi người do huân tập mà có. Những biệt nghiệp giống nhau kết thành đồng nghiệp. Tu sĩ ở chung một chỗ, chiến sĩ ở chung một chỗ cũng vì lẽ ấy. Còn ý nghĩa đúng thật về cha tinh thần thì không vì nghiệp mà mất, nên ở đâu cũng được.
     Hiếu hiểu rõ nghĩa nghề nghiệp nhưng hoàn toàn xa lạ với hai tiếng biệt nghiệp và đồng nghiệp. Chiến mượn triết lý tây phương để giúp Hiếu ra khỏi những chấp trước về danh từ và cũng để hiểu mình hơn.
     - Người Việt biết Chúa sau người Âu và cũng chính người Âu đã nói hai câu bất hủ. Câu thứ nhất là " Nếu không có trời, hãy tạo ra trời - Si Dieu n'existait pas, il fautdrait l'inventer" của Voltaire (1694-1778) và câu thứ hai là "Y sắc không tạo được thầy tu - L'habit ne fait pas le moine" của Shakespeare (1564-1616).
     - Hiếu không đọc gì khác ngoài kinh thánh, khi nghe Chiến nói hết sức ngạc nhiên, hỏi ngay:
     - Những lời nầy bạn nghe từ đâu?
     - Từ sách.
     - Chiến vốn tánh thích độc lập về mặt tư tưởng nên vẫn thường đọc đủ loại sách của nhiều tác giả khác nhau. Nào là tiểu thuyết, triết thuyết, khoa học số, khoa học huyền bí, phân tâm học, thơ, nhạc, v.v. và kể cả kinh sách của các tôn giáo, nhằm mục đích tránh bị ảnh hưởng. Nếu có ảnh hưởng những gì đã đọc thì Chiến cũng ảnh hưởng được nhiều tinh hoa nhân loại. Vả lại, Chiến muốn giữ cho mình đức tính bình đẳng đối với tất cả nhân sinh quan khác nhau trong đời sống chung đụng.
     - Hiếu vẫn sợ cho bạn mình ảnh hưởng những điều không tốt từ nơi sách đã đọc, không phân biệt được giá trị giữa kinh và sách. Thầm nghĩ, nếu mình biết mà không nói cũng là có tội, Hiếu đọc lại đoạn Mac 12:38 trong tân ước cho Chiến nghe:
     - Trong sự dạy dỗ Ngài phán rằng: "Hãy coi chừng các văn sĩ, là kẻ mặc áo dài đi dạo, thích được chào giữa chợ."
     - Chiến rất hiểu và mến bạn, chậm rãi nói:
     - Chúa phán đúng, vì con người vốn tánh hay nghi ngờ và coi chừng tất cả. Điều nầy tôi không ngạc nhiên. Bởi, con người vốn có bản ngã và cho đến bây giờ tôi chưa thấy ai mà không ái ngã. Chính vì ái ngã tạo ra bản chất con người có hỉ nộ ái ố bi ai lạc dục. Không có ngã, thời người ta không thể xưng hô với người khác, không thể tin và cũng không thể nghi, không thể coi chừng và cũng không thể không coi chừng. Theo tôi, đối tượng để coi chừng, để tin cũng như để nghi, nếu có, chính là bản ngã của mình. Vì mình thường đối diện với chính mình hơn là đối diện với những gì ngoài mình. Vả lại, những gì ghi chép khó tránh được tam sao thất bổn. Thời cũng đoạn kinh Mac 12:38 có sách in là hãy coi chừng các văn sĩ, có sách in là hãy coi chừng các thầy dạy luật. Vì thế, nếu được nghe Chúa phán hoặc tự mình suy xét vẫn hơn là đọc sách hay nghe truyền miệng.
     - Hiếu không hề luận biện, lại càng không cho phép mình luận biện. Hiếu không chuyển kinh như Chiến mà để cho kinh chuyển. Vì thế, mỗi khi nghe Chiến luận về đạo lý thường hay hoang mang. Tuy được cả đơn vị mệnh danh là con chiên ngoan đạo, nhưng Hiếu cũng tự nhận rằng mình chưa đủ thành thật giữa lời nói và hành động như Chiến, một người bạn đồng đội hăng làm cũng như nói, xem mạng sống nhẹ như lông hồng.
     - Trong đời sống rày đây mai đó, sống chết bên nhau, Hiếu và Chiến càng lúc càng thêm khắng khít. Hiếu như tìm được nơi bạn mình sự hiện hữu của thượng đế qua quan niệm về thượng đế của Chiến. Chiến vẫn thường nói bên tai Hiếu bằng giọng của một thi nhân triết đạo trong những lúc hành quân khi rừng già im tiếng súng: "Thượng đế là hoa nên hoa mới nở, thượng đế là chim nên chim mới hót, thượng đế là mây nên mây mới trôi, thượng đế là dòng suối nên suối mới chảy và thượng đế là người nên mới thưởng thức được mây trôi, hoa nở, chim hót, suối tuôn. Thượng đế là hiện thân của tất cả và trong cùng một lúc thượng đế có mặt khắp mọi nơi một cách vô thưởng vô phạt, an nhiên tự tại, vô sanh bất tử, vô thủy vô chung." Nhân sinh quan của bạn mình Hiếu đã rõ nhưng vẫn chưa biết Chiến theo tôn giáo nào. Chịu mang tiếng tò mò, Hiếu hỏi:
     - Nếu có người tò mò muốn biết anh theo đạo nào thì anh nói sao?
      Chiến :
     - Đạo nào không có hình thức tôn giáo thì tôi theo.
      Hiếu :
     - Tại sao?
     - Tại vì còn có hình thức là còn đời.
     - Tôi chưa thấy có tôn giáo nào mà không có hình thức.
      Chiến :
     - Nếu chưa có thì tìm.
     - Tìm không thấy thì sao?
     - Tìm không thấy thì lấy bình thường tâm làm đạo.
      Hiếu nghe Chiến trả lời sao quá dễ dàng và phục thầm bạn mình khéo chọn câu trả lời. Tuy nhiên, vẫn hỏi:
     - Người lấy bình thường tâm làm đạo đọc kinh gì?
     - Lấy tâm làm đạo thi đọc tâm kinh
     - Anh có biết tâm kinh không?
     Chiến chỉ con chim đang bay ngang trước mặt, nói:
     - Con chim còn biết, sao tôi lại không biết.
     - Biết gì?
Chiến trả lời như học thuộc lòng:
     - Có rồi không, không rồi có. Nên chẳng phải có và cũng chẳng phải không. Đó là Tâm Kinh. Chim không tụng kinh mà chim tiêu kinh như tiêu thức ăn. Sống được như chim, tức là lấy bình thường tâm làm đạo. Chiến vừa nói xong, con chim bay trở lại đậu trên cành khi nãy rồi lại bay đi.
      Nơi tiền đồn heo hút, không mấy khi Hiếu thấy Chiến buồn nhớ người thân như mình. Hiếu càng nhớ càng thấy thời gian dài thêm ra, nôn nao trông ngày về phép. Chiến càng nhớ càng đàn ca nhiều hơn, và hình như là những nỗi nhớ nhung đã làm thăng hoa tâm hồn người lính trận. Có lần Hiếu hỏi:
     - Anh không thấy nhớ nhà sao? Chiến hỏi lại:
     - Lính trận xa nhà không nhớ nhà biết nhớ gì?
     - Tôi thấy anh không có vẻ gì nhớ ai cả và hình như anh quên luôn cả ngày tháng.
     - Có chứ, nhờ nhớ tôi mới thưởng thức được tâm hồn của kẻ ở miền xa và thời gian đúng thật thì không có số đếm. Cầm thú và cây cỏ hoa lá sống vô tư hơn người cũng nhờ không bị trói buộc vào mấy con số.
     - Cái khoảng cách giữa mình và thượng đế ở nơi Hiếu dần dần được thu ngắn lại nhờ quan niệm về thượng đế của bạn. Hiếu không còn đi tìm thượng đế qua hình tượng mà vẫn không xa thượng đế, Hiếu không còn thấy mình buồn chán khi ở một mình, sống lạc quan hơn trước, chí thú trong việc làm, siêng năng mà vẫn không thấy mỏi mệt, không vội vã mà vẫn xong việc, không cầu xin mà vẫn được, không ganh tị mà cũng chẳng thấy kém ai về thưởng thức hương vị của đời. Chiến đặt tên cho lối sống nầy là thiền mà thiền sư chính là người đang hành động, không phải ai khác.
      Sau một thời gian sống với quan niệm mới về thượng đế, Hiếu tự hỏi 'Phải chăng đây là ân huệ duy nhất mà thượng đế chỉ ban cho những người có kinh nghiệm về đức tin như mình và vô tư nhu Chiến.' Sự khác biệt nếu có giữa đôi bạn tri âm Hiếu, Chiến là những thắc mắc mà chỉ Hiếu mới có. Những thắc mắc ấy Hiếu thường đem ra hỏi Chiến trong những lúc dừng bước hành quân.


* *
*

      .........

     Một trong những kỷ niệm khó quên mỗi khi Hiếu nghĩ đến Chiến là kỷ niệm sau cùng. Đó là kỷ niệm trở lại đơn vị tác chiến sau một phép thường niên của Hiếu. Đôi bạn gặp nhau tay bắt mặt mừng, Nơi gặp nhau lần nầy ở trong lòng đất địch, mạng sống của Hiếu và Chiến như chỉ mành treo chuông. Mỗi khi hỏa châu bắt đầu rực sáng là mỗi lần nghe đạn pháo, đôi bạn nhìn nhau không nói một lời, vai kề vai, tay ghì súng và khi im lặng của núi rừng trở lại với đêm đen là Hiếu tiếp tục kể cho Chiến nghe những mẩu chuyện vui buồn nơi mình vừa về phép. Kể xong, Hiếu hỏi:
     - Theo anh, nhờ đâu mà những người lính trận như mình được sát cánh bên nhau nơi chiến trường và do đâu mà người ở hậu phương sống trong cảnh thanh bình lại không thích gần nhau?
      Chiến trả lời:
     - Tôi cũng đã có lần hỏi cha và thầy câu hỏi tương tự "sao tôi không thấy các thầy các cha khác đến đây nghe thuyết giảng để thể hiện tình đoàn kết nhân loại mà chỉ thấy những người phàm thường như tôi thôi?" thì các vị nầy trả lời "Vì họ cũng là thầy, là cha."
      Hiếu lại hỏi:
     - Nhưng đâu phải tất cả mọi người không đến nghe thuyết giảng đều là thầy, cha?
      Chiến:
     - Không ai đếm được có bao nhiêu người không đi nghe thuyết giảng. Trong vô số người ấy có biết bao người không hề xưng thầy xưng cha mà vẫn xứng đáng là thầy là cha, như Hiếu đây chẳng hạn.
      Hiếu:
     - Vì sao?
     - Vì đó chỉ là hư danh.
     - Chiến vừa nói xong hai tiếng hư danh, cả hai nghe rõ tiếng của đạn pháo xé âm thanh vút thẳng về chỗ hai người. Không ai bảo ai, theo phản ứng tự nhiên, cúi gập người xuống, choàng vai che cho nhau. Một tiếng nổ long trời lở đất gần cạnh đôi bạn chân tình. Liền sau tiếng nổ kinh hoàng ấy là tiếng gọi kêu liên tục của Hiếu:
     - Chiến! Chiến! Chiến!..Lạy Chúa tôi...
     - Chiến nằm yên trong vòng tay của Hiếu, vẻ điềm nhiên của người đã làm xong sứ mạng. Một vài tiếng thều thào đứt quãng vì nghẹn ngào theo từng giọt lệ nhỏ xuống người đã chịu chết thay mình hay vì hữu hình thời hữu hoại mà Chiến thường nói.
     - "Chiến, anh nói đúng. Tất cả đều là hư danh. Ngay cả chiến tranh anh cũng không biết."

TrầnThế