TÁNH KHÔNG


Sư hỏi tăng chúng:
- Thế nào là tánh không?
Một thiền sinh đáp:
- Vì các pháp có sinh có diệt nên gọi là tánh không.
Sư nói:
- Đó là hiện tượng luận chứ không phải tánh không. Các nhà khoa học hiểu rõ tánh vô thường sinh diệt của các hiện tượng không lẽ đều đã giác ngộ tánh không? Hơn nữa, có sinh có diệt là tánh không, vậy vô sinh bất diệt là tánh gì?
Một thiền sinh khác thưa:
- Vì các pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành hiện tượng chứ bản tánh vốn không.
Sư nói:
- Đó là bản thể luận của ngoại đạo chứ không phải tánh không. Nếu bản thể của pháp là không thì ngoại đạo cũng có thể giác ngộ được. Hơn nữa chỉ có bản thể mới không, còn hiện tượng thì sao?
Một thiền sinh tỏ ra tự tin nói:
- Bậc trí tuệ rốt ráo thấy “sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Đó là tánh không của pháp.
Sư hỏi:
- Anh có thể cho ví dụ không?
Thiền sinh đáp:
- Ví như cái bóng của Thầy ngồi đó, tuy có mà không, tuy không mà có.
Sư hỏi:
- Thế còn chính ta ngồi đây thì sao?
Thiền sinh lúng túng:
- Dạ, dạ...
Sư than:
- Các anh toàn là nói chuyện bên ngoài qua ý niệm. Các anh chưa thấy pháp ở đâu làm sao thấy được tánh không của pháp!