THỬ


Một trong những cạnh tranh về thương mại ở các nước tiên tiến là cho người mua về dùng THỬ trong 1 tuần hoặc có khi cả tháng. Nếu không hài lòng thì đem trả lại lấy tiền về. Hàng bị trả lại sẽ được bao dán cẩn thận và để lên kệ bán với giá giảm vì đã qua sử dụng, kể cả quần áo.
Sự khuyến mãi dễ dàng nầy đã bị nhiều khách hàng xấu tính lợi dụng. Thí dụ: có người muốn treo một vài bức tranh lên tường nhưng không có khoan điện đục lổ, thế là họ đi mua ngay một cái khoan còn mới nguyên trong hộp. Sau khi treo được các tranh lên tường rồi, họ đem khoan đi trả, lấy lại đủ tiền. Trường hợp cần có một đôi giày đẹp, một bộ quần áo kiểu mới 'không đụng hàng' để đi dự tiệc hoặc se sua với bạn bè trong ngày hẹn week end, không có gì phải bận tâm. Chỉ cần đi shopping là sẽ được nhân viên bán hàng bám sát ân cần mời mọc. Ngày vui cuối tuần và tiệc tùng qua rồi thì đi trả giày và áo quần, lấy tiền về lại. Chẳng có ai thắc mắc, trừ khi trả quá trể ngoài thời hạn cho THỬ hoặc bị rách.
Sự sống không chỉ có vật chất, mà còn nhiều thứ khác. Những thứ không phải là vật chất thì làm sao mà THỬ. Chẳng hạn như tình yêu nam nữ, tình cảm giữa người với người, trước lạ sau quen, quen lâu thành thân. Đã có biết bao chuyện tình nam nữ đổ vỡ sau một thời gian thân cận, tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò...dần phai theo quên lãng, không keo sơn như trước, đôi khi bạn hóa ra thù, là do đâu? Phải chăng vì không THỬ trước khi yêu, không THỬ cân nhắc trước khi quá thân như đã THỬ hàng shopping nên mới ra cớ sự: thương nhau lắm cắn nhau đau / trước hiểu nhau, sau hiểu lầm !
Không ai nghĩ mình cần phải THỬ trước khi kết bạn, kết tình. Cứ yêu nhau đi, cứ thân tình với nhau đi rồi tới đâu hay đó như chim bay có đàn, cá lội từng bầy thì mới là có tình có bạn một cách vô tư. Dè dặt quá, tính toán quá, coi chừng quá thì đâu còn gọi là tình. Dù vẫn biết tình tính thi tình tan, nhưng sống mà không tình cảm thì còn tệ hơn sỏi đá như câu ca: 'ngay sau sỏi đá cũng cần có nhau'
Ngưỡng cửa cuộc đời không là vật chất, mà cũng không phải là tình cảm. Bởi cả hai chưa phải là điểm dừng của tư duy, của nghĩ suy khiến tâm trí luôn bị động. Tế bào não bộ vẫn luôn có máu chảy qua, đồng hành với biết bao ý tưởng 24/24. Ý tưởng tuy vô hình nhưng chúng có thể làm cho nhịp tim đập mạnh, mạch máu não có thể vỡ, tai biến mạch máu não nếu bị dồn nén, tựa như tức nước thì vỡ bờ, như kẹt xe dễ gây tai nạn vào giờ cao điểm.
Hai tiếng hạnh phúc bắt đầu được nghĩ đến. Người ta vẫn luôn tìm đủ mọi cách để được hạnh phúc và đã thất bại khi dựa vào đời vật chất như đã có câu 'tiền không mua được tất cả', 'ngủ trên nhung lụa không chắc đã tránh được ác mộng'. Người ta cũng không thấy có hạnh phúc khi nhờ vào tình cảm mà bằng chứng là luôn có biết bao người khổ vì tình, lụy vì tình (không riêng gì tình nam nữ, mà là bất cứ loại tình cảm nào) mà con đường đi tu hoặc quyên sinh được xem như giải pháp sau cùng.
Quyên sinh do không tìm thấy hạnh phúc không phải là giải pháp. Bởi, nguyên nhân khiến phải quyên sinh là khổ não, là tham sân si và vô minh. Nên dù xác thân không còn sau khi quyên sinh nhưng ngũ ấm còn, thần thức còn, mạt na thức còn, a lại da thức còn, tạng thức còn thì khổ não còn theo bánh luân hồi trở lại trong thân xác mới bằng tiếng khóc vào đời, oa! oa! oa!
Đi tu, thay đổi cách ăn mặc, thay đổi tình cảm thế nhân, thay đổi cách xưng hô (cha mẹ gọi con trai là cha là thầy, gọi con gái là sư bà, sư cô, ma soeur) chỉ mới tạm gọi là lánh chứ chưa hẳn đã là giải pháp. Vì sao? Vì nghĩa tu có hai như bao vấn đề khác:hình thức và nội dung. Về hình thức thì Phật giáo gọi là lớp da ngoài thân, về nội dung thì Phật giáo gọi là cốt tủy. Hình thức thì ai cũng biết, cũng làm được dễ dàng như việc thay áo quần mỗi ngày, ăn ngủ mỗi ngày. Nhưng còn cốt tủy thì lại không thuộc vào những thứ bên ngoài ấy. Nếu không, thì ai xuất gia cũng thành Phật hết rồi.
Cốt tuỷ của Phật giáo thường được biết từ kinh tạng. Tuy nhiên, thông thuộc và giảng nói kinh chưa chắc đã nắm được cốt tủy. Hà huống không hề biết kinh. Bởi, kinh tạng Phật sâu rộng bất khả tư nghì, nằm ngoài giảng luận, càng thuyết càng sai. Không thuyết mà nắm được cốt tủy đôi khi lại được việc như câu chuyện sau đây:
Có một người thường hay giảng nói, được nhiều người gọi bằng thầy và không giấu được vẻ tự tôn. Nhưng cũng không tránh được tiếng thị phi về nhiều mặt: thân cận với người khác phái, tiêu dùng vật chất như người đời, đề tài giảng nói thường nằm ngoài kinh điển, thế vào đó là đề tài thế gian (kinh tế, chính trị, tình cảm, tâm lý, thư giãn).
Trong số những người thường nghe Thầy nầy giảng nói có một thanh niên không mấy đồng ý về những gì đã nghe. Nhưng anh ta không lên tiếng trong buổi giảng vì nơi giảng có đông người không như ở nhà hay những nơi khác, lại có giờ khắc nhứt định.
Một khi lên tiếng là sẽ có lời qua tiếng lại giữa người nầy với người khác, hóa ra tranh cãi với Thầy, như vậy là hỗn, không nên.
Người thanh niên nầy rất mộ đạo và rất muốn nghe giảng thuyết hầu tìm thấy hạnh phúc qua các bài giảng. Nhưng anh ta càng nghe càng thất vọng, hạnh phúc đâu không thấy từ các bài giảng mà còn thấy ngu thêm về việc đời lý đạo do không chất vấn được hoặc không dám chất vấn một người đang được gọi bằng Thầy. Anh ta không còn đi nghe giảng nữa do thấy mất thời gian quý hiếm của mình mà đôi khi anh ta rất cần nó để giải quyết nhiều việc hệ trọng trong tầm tay.
Người thanh niên trở lại đời sống thoải mái như trước, làm việc, vui chơi, ca hát, chuyện trò với các bạn thân quen mới, lạ. Một hôm, trong buổi họp bạn cuối tuần, anh ta THỬ đưa ra câu hỏi để có câu trả lời từ những người mà anh ta tin tuổi đời, tuổi đạo, cùng trải nghiệm đạo đời của họ có thể hơn cả những người mà anh ta gọi bằng Thầy.
Anh hỏi: "Hạnh phúc tìm ở đâu ? Ai biết chỉ giùm".
Người ngồi cạnh anh nghe hỏi liền nâng ly lên, tỏ ý muốn cụng ly với người hỏi.
Tiếng 'cách' phát ra từ hai ly cụng nhau cũng là lúc người hỏi có câu trả lời:
- Hạnh phúc tìm ở đây.
Rồi cả bàn cùng cười rộ, nâng ly.
Thật không ngờ, chỉ là THỬ thôi mà một người đã từng đi nghe giảng với nhiều Thầy khác nhau lại tìm được hạnh phúc với người mà anh ta không bao giờ gọi bằng Thầy.

Huệ Trí
France, 21-08-2015