Viết cho bạn già


Trong dân gian có câu: “Rượu ngon phải có bạn hiền”. Nhưng đâu phải có rượu trà mới đãi được khách . Nguyễn Khuyến giữa lúc nhà gặp khó khăn, đón tiếp bạn từ xa đến chơi: “Bác đến chơi đây: ta với ta!” Có câu nói: "Bạn có thể mất một phút để thích một người, một giờ để thương một người, một ngày để yêu một người. Nhưng phải mất cả đời để quên một người." Bạn, người lữ thứ xa nhà, tuổi xế chiều, trở về chốn cũ mong muốn viếng thăm bạn bè. Ðó cũng là một lẽ. Còn một lẽ nữa, nhiều người sống trong cảnh đoàn viên, tam đại đồng đường sung túc không ai vội gì tiếp đón bạn. Bạn có những nỗi buồn riêng của bạn, nỗi buồn của những người xa xứ, cái buồn cứ dằn dặt, nhưng mới xa rời cố quốc vài ba mươi năm thì dòng thời gian chưa biến hình hẳn, xã hội mới nhác thấy chút đỉnh tang thương mà đã sanh lòng phiền muộn, há đã chẳng sai lầm sao? Sau mỗi lần go home, home sweet home (trở lại ngôi nhà êm ấm) như nhiều người nói, thật ra không có home sweet gì cả, đúng hơn là một chuyến come back to Soriento - lời nghe ngậm ngùi như lời thơ của Nguyễn Khuyến: Vườn Bùi chốn cũ, sau bao năm lẩn thẩn trở về.

Luận chung về nỗi buồn vui của con người thì tùy thuộc vào tính khí của người đó bi quan hay lạc quan, cấu trúc sinh lý sympathetic (người dễ cảm thông) hay lymphathic (người nhiều dục vọng). Lại nữa còn tùy thuộc vào tâm trạng chủ quan của từng người. Đối với những bậc đạo cao đức trọng, tâm thần an nhiên tự tại thì sống có gì vui, chết có chi buồn, cảm hứng của Khổng, Thích, Lão đều nằm trong câu khái quát mở đầu bài “Xuân dạ yến đào lý viên tự” của Lý Bạch: “Ôi! Trời đất là quán trọ của vạn vật. Thời gian là quán khách của trăm đời mà cuộc phù sinh như giấc mộng….”

Nay luận riêng về nỗi buồn vui trong lãnh vực biệt ly. Trong các tuồng tích xưa nay, vở nào cũng có tình tiết biệt ly nhờ đó mà đẩy kịch tính đến cao trào. Có khúc nhạc được tấu lên trong trường hợp đó. Nhạc điệu này nghe còn ai oán, lâm ly hơn bài "Nghe Trống Nhớ Chàng" (Vọng cổ hoài lang). Đó là khúc “Ở đời khổ nhất biệt ly”. Đã là khổ, ắt không có niềm vui. Biệt ly là hai giềng mối lớn cắt ruột con người: Sinh ly, tử biệt. Chiết tự ra, ly 離 có bộ chuy là con chim bay đi, có lúc cũng bay về, còn biệt 別 có bộ đao là con dao chặt đứt. Nhưng đó là quan niệm của những nhà làm Kinh Dịch. Còn trên phạm trù rộng hơn, sinh ly vị tất buồn. Còn tử biệt phải chăng là nguồn vui như Trang Tử gõ thau gõ chậu mà ca hát loạn cuồng? Cũng vị tất.

Trong tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam có truyện “Mùa len trâu” gần đây đã chuyển thành phim đặt tên “Le gardien de buffle”, nói sao hết ý nghĩa của chữ “len”. Đồng bằng Sông Cửu Long mỗi năm rùng rùng nước lại đổ về mênh mông thành một biển nước 20.0000km2. Người ta đua nhau len trâu của mình lên miệt Thất Sơn. Ai không điều kiện thì cùng trâu ở lại. Người thì có cá, trâu lại không có rơm. Lây lất với bông điên điển qua mùa nước nổi. Nước rút hết về biển cả, bày đất ra thành biển cỏ ngút ngàn. Trâu len từ Thất Sơn lại trở về no tròn. Nhìn lũ trâu ở tại chỗ trơ xương, một hàm răng rụng mà thương hại, mà buồn vay. Trâu no, trâu đói gặp nhau cũng là hình ảnh của cuộc đời. Can chi mà ta thán.

Vua Nghiêu gả cùng một lúc hai đứa con gái Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn vì nết hiền hiếu của chú rể. Nhưng sử sách ca ngợi vua Thuấn đâu phải vì mối lương duyên đó. Mà trong sách Thế Thuyết chỉ nói đến tình si Lý Thương Ẩn và hai chị em Lư Phi Loan và Lư phi Phụng. Tình bộ ba này đang hồi đẹp như mơ chờ ngày tác hợp, nhưng giai ngẫu bất thành, ông vua bất nhơn bắt hai nàng phải tiến cung, chàng ở ngoài đi lang thang. Ngàn sau, người đọc đến chuyện tình của bộ ba này dẫn đến một kết cuộc bi thảm, cả hai nàng đều chết trong cung. Chàng thì điên loạn.
Lý Thương Ẩn nhà thơ tài hoa đời Vản Đường muốn nói gì trong thơ? Lãng mạn ư? Thì cũng được chứ sao. "Tương kiến thời nan biệt diệc nan" (Gặp nhau đã khó, ly biệt càng khó hơn). Con tằm còn sống còn nhả tơ, chỉ đến khi chết buông xuôi thì nguồn tơ mới cạn. Ngọn nến còn cháy tỏa ra ánh sáng bập bùng là lúc giống như những giọt lệ nồng ấm còn chảy dài, đến khi nến đã tắt rồi, thì những giọt nến không còn nữa, đó chỉ là những giọt lệ khô trên đống tro tàn:
Ruột tằm đứt đoạn tơ còn vướng
Giọt nến thành tro lệ bớt nhòa
(Vô Đề - Lý Thương Ẩn)


Có gì là lãng mạn? Sợ người ta phê phán Lão Trượng 85 tuổi ve vãn Tiên Bửu, cô gái chèo đò 15 tuổi chăng? Như Nguyễn Tịch, ai cũng biết anh chàng này là một trong bảy người hiền rừng tre, nhìn đời bằng cặp mắt trắng, ngày ngày đi vào rừng đến chỗ đường cùng ngồi khóc. Nhưng ít ai biết anh ta khi say rượu - là chuyện thường ngày - thường hay nằm ngủ bên cạnh vợ anh bán rượu. Anh chủ quán rất nhiều lần dò xét, chỉ thấy ngủ vậy thôi, không còn nghi ngờ gì nữa. Chẳng là chị vợ này quá đẹp. Nguyễn ta uống rượu thưởng thức cái đẹp của người đàn bà rồi ngủ quên luôn (a pure romantist). Ðây là chủ nghĩa lãng mạn phương Đông.

Các bạn trẻ còn sống thêm vài chục năm nữa. Người già rồi thì chỉ còn sống vài năm thôi. Hãy tự tìm những niềm vui cho chính mình. Vui là tự trong lòng mình phát sinh như chàng rễ vui đêm động phòng hoa chúc. Anh hàng xóm không thể cùng vui với chú rễ được. Hay như Huệ Tử đứng trên cầu xem cá lội cũng vui.
“Kìa xem đàn cá vui lội tung tăng”.
Liệt Tử bắt bẻ : “Ngươi không phải là cá sao biết cá vui”.
Đáp: “Ta tuy không là cá nhưng ngươi không phải là ta, làm sao biết được ta khi ta biết được cá vui”.
Tựu trung, có ba nguồn vui mà Khổng Tử cho là chánh đáng nhất được đặt lên hàng đầu trong những lời dạy của mình. Chẳng đúng hay sao?
- Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ. (Học rồi mà tùy thời ôn tập, lại chẳng đẹp lòng sao?)
- Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ. (Có bạn bè từ phương xa đến, lại chẳng vui thích sao?)
- Nhơn bất tri nhi bất uẩn, hựu bất diệc lạc hồ. (Người ta không biết đến mình, mà mình không giận hờn, chẳng phải là bậc quân tử đó sao?)
Lấy một câu. “Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ”. Thế nào là viễn phương cực đại? Là nửa vòng trái đất. Do đó niềm vui cũng cực đại. Đã là cực đại, thế mà còn có cái cực đại hơn nữa. Như thế này: một người bạn xa cách ở viễn phương cực đại ghé thăm bạn cũ. Là một niềm vui cực đại. Mạnh Hạo Nhiên đời Đường qua bài thơ “Qui Chung Nam sơn” than thở: “Bất tài minh chủ khí, đa bệnh cố nhân sơ…” (Không có tài thì vua coi thường, lắm bệnh tật thì bạn cũ cũng lánh xa.) Cho nên trong đám cố nhân cũng như bằng hữu viễn phương vì mình “ đa bệnh - già rồi tất nhiên đủ thứ bệnh...” nên tất cả đều lánh xa, vãng lai bặt lối cũng có chi đáng phiền trách. Nay có một người phương xa đến thăm chuyện trò tương đắc, tâm đầu ý họp, hết tuần rượu nầy đến tuần trà khác; như thế chẳng phải trên cái cực đại còn có cái cực đại khác nữa, có đúng không?

Nam tước De Montespan có một lâu đài tuy không uy nghi nhưng cũng đáng gọi là bề thế. Nhưng nam tước không hề sống trong đó mà phải ở ngoài hoa viên vì Nostradamus bảo rằng lâu đài quá cổ, tích tụ nhiều linh khí, sống trong đó không thọ. Thế mà một hôm, công tước D’Angoulême đến viếng. Nên biết rằng trong giai hệ phong tước giữa hai người là một trời, một vực. Họ “Đờ” Montespan phải khúm núm nhập nha để tiếp đón họ “Đờ” Angoulême và rước công tước vào lâu đài ngủ trọ. Ngày hôm sau, nam tước lăn đùng ra chết, vì đã dám đi vào lầu đài chết chóc. Đúng là cái chết của nhà quý tộc (la mort par courtoisie.)
Đời nếu có một người vui với cái vui của mình, buồn với cái buồn của mình thật không mãn nguyện lắm sao? Và nếu có phải chết vì bạn cũng đâu có gì là bi thảm? Sân ga là nơi đầy những kịch bản vui buồn, người trở về hớn hở tươi cười, người tiễn biệt đầm đìa mắt lệ ... Nhưng có phải người về là thật gần và người đi là thật xa? Xa gần là do nơi mình, có gì đâu mà vui với buồn.

Lê Tấn Tài