VÔ THƯỜNG


Có không ít người, nhứt là nhà văn nhà thơ, cho đời chỉ là giấc mộng. Đã là mộng thì đâu phải thực. Thử hỏi cái gì mới được gọi là thực? Không lẽ phải nói ngược lại, chính mộng là thực ? Như vậy, hình ảnh trong giấc chiêm bao là sự thật nên nó mới làm tiêu hao năng lượng sống khiến người chiêm bao mệt mỏi, nhiều khi sinh bịnh.
Đối trước thực và mộng không phân biệt rõ ràng nầy, con người biết tư duy sao đây để được ổn định tâm lý khi còn sống với xác thân ? Mỗi người mỗi tư duy khác nhau về thân phận của mình. Tuyệt đại đa số, con người thường than thân trách phận nên dù thực hay mộng cũng đều làm cho con người không được ổn định tâm lý. Để được ổn định tâm lý, con người tìm tới tôn giáo.
Thiên Chúa giáo giúp cho con người tin rằng mọi đau khổ đều đã có ngôi hai (Đức Kitô) gánh hết, con người chỉ cần phó thác vào ngôi hai nầy với đức tin gần như tuyệt đối, không chút biện luận.
Phật giáo giúp cho con người tự tin vào mình qua trải nghiệm sống trên từng biệt nghiệp (tự thắp đuốc mà đi) và bổ túc vào đấy bằng kinh nghiệm của người đi trước đã tìm ra ánh sáng giác ngộ bằng sự tìm hiểu kinh điển. Thuật ngữ Phật giáo có hai chữ VÔ THƯỜNG. Đây là thuật ngữ đã giải tỏa được rất nhiều rắc rối cho tâm lý con người dù mang tôn giáo nào hay không có tôn giáo.
Nên đời dù thực hay mộng cũng đều được thanh tẩy thành không bởi hai chữ VÔ THƯỜNG. Thật vậy, giấc mộng nào cũng tan và không ai sông mãi với đời. Rốt cục, mục đích sống của người là gì nếu không phải sự chiêm nghiệm hai tiếng VÔ THƯỜNG qua đời THƯỜNG.

Trần Thế
France, 12-10-2017