Tú Kếu
Bài hát khai đao





Sống không thù nhau hề… chết không oán nhau*
Một phút khai đao hề, rụng mấy trăm đầu
Ba hồi trống giục càng hăng máu
Miệng hát tay khua hề, ánh thép bay mau!

Ánh thép bay mau, ánh thép bay mau
Lạnh buốt xương da hề, lấp loáng muôn màu
Ðao ta mài sắc lia ngon xớt
Ta chém treo ngành hề, ngươi chẳng thấy đau!

Lưỡi đao ta hề, sấm sét tung hoành
Chém đông chém tây hề, thoăn thoắt đưa nhanh
Phạt trái đầu lâu gập xuống…
Quật ngang, hồn bổng mây xanh!

Ta tiến ta ca hề, khi tiến khi lui
Chân trước nhịp nhàng, lòng ta bùi ngùi
Ngửa mặt nhìn trời mong đừng ai oan khuất
Phật, Chúa đưa đường hề, siêu thoát các ngươi!

Này bọn tham quan hề, cổ đã rửa chưa?
Ăn đút như ranh, dù chết cũng vừa
Yêu nước thương dân ngoài cửa miệng
Hồn về chín suối nhớ đi tu!

* Lấy trong bài “Chém treo ngành” của Nguyễn Tuân


Này bọn nhiễu nhương, khuấy cho nước đục
Mưu danh cầu lợi hề, thác đà phải lúc
Một nhát đao bay hề, có lên thiên đường
Chừa thói lưu manh hề, kẻo rồi hoàn tục!

Này lũ gian thương buôn bán lọc lừa
Ðầu cơ tích trữ theo nắng theo mưa
Loáng ánh đao bay hề, nghìn tia máu vọt
Hỡi các ngươi, có sống cũng như thừa!

Này những tên cường hào, ác bá
Thôn quê hẻo lánh hiếp dân lành
Lương tâm mất hiện nguyên hình thú dữ
Chớp đao bay máu vọt sặc mùi tanh!

Này bọn lọc lừa chính trị
Ngoại lai xâu xé dân ta
Ta chém vòng quanh trái đất
Ðưa các ngươi hồn quỉ biến thành ma!

Sống không thù nhau hề chết không oán nhau
Một phút khai đao hề rụng mấy trăm đầu
Ta múa ta ca hề chân đi theo nhịp
Phạt ngang chém dọc hề kẻ trước người sau!



* Tú Kếu tên thật là Nguyễn Huy Nhiên, sinh năm 1937 tại Sơn Tây. Di cư vào Nam ông sống bằng nghề dạy học trước khi làm báo. Trước kia Tú Kếu làm thơ lấy bút hiệu là Hoàng Bình Sơn rồi Trần Ðức Uyển, tên sau này dùng làm tên trong thẻ căn cước. Khi làm thơ trào phúng đăng báo Ngàn Khơi, báo Sống, Sóng Thần của Chu Tử mới lấy bút hiệu là Tú Kếu. Thơ trào phúng của ông chỉ trích mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Sau khi miền Nam sụp đổ, Tú Kếu bị bắt đi tù cải tạo từ năm 1976 đến 1989 mới được thả. Ông vẫn tiếp tục làm thơ, cho đến khi bị bệnh mất trí nhớ. Ông mất lúc 8 giờ 30 sáng ngày 25 tháng Tư năm 2002 tại nhà riêng ở Gò Vấp.