Khúc thu hận
Tương Phố




Chàng đi buổi thu sơ năm ấy,
Thu năm về, nào thấy chàng về
Chàng đi, đi chẳng trở về,
Thu về, thiếp những tê mê dạ sầu

Làng mây nước biết đâu nhắn gửi,
Khoảng đất trời để mãi nhớ thương
Vì chàng , chín khúc đoạn trường
Vì chàng trăm mối sầu thương tháng ngày

Thu xưa khóc , thu này lại khóc
Năm năm thu, mảng khóc mà già
Người xưa khuất , cảnh cũ qua
Non buồn nước lạnh, cỏ hoa tiêu điều

Nổi ly hận mây chiều gió sớm
Tình tương tư khoảng vắng đêm trường
Gió mưa tâm sự thê lương
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây !

Sầu ngây ngất những ngày thu lại
Giọt ngâu tuôn lệ lại chan hòa
Ngàn xanh sắc úa vàng pha
Bông lau lả lướt là đà ngọn may

Non nước nầy cỏ cây hiu hắt
Khói mây tuôn mặt đất chân trời
Vời trông muôn dặm đường đời
Bước trăm năm , luống ngậm ngùi cho thân


Kể từ độ phong trần lạc bước,
Mười lăm năm mặt nước cánh bèo
Gieo lòng theo ngọn thuỷ triều,
Lênh đênh thôi cũng mặc chiều nước sa !

Con măng sữa nay đà mười sáu,
Chốn hầu môn nương náu đức dầy:
Sách đèn cơm áo bấy nay
Vì con, nuốt hết chua cay nỗi đời !

Phong lưu để ngậm ngùi tấc dạ
Chén vinh hoa, lã chã giọt hồng !
Khóc than khôn xiết sự lòng
Bèo xuôi sóng ngược cho lòng xót xa

Khăn lệ cũ, chan hòa lệ mới
Mối sầu xưa, chắp nối sầu nay
Tân sầu cựu hận bao khuây
Nắng sương, một vóc mai gầy thảm thương

Thu năm về, thê lương dạ cũ
Nước dòng thu khôn rũ tâm sầu
Bi ca một khúc bên lầu
Trang thu dãi bóng, gió thu lạnh lùng


(Nam Phong số 164 - 1931)

Tương Phố (1900-1973) tên thật là Ðỗ Thị Ðàm, quê quán Hưng Yên, nhưng sinh ở Lạng Sơn năm 1900 và và mất tại Ðà Lạt vào ngày 8/11/1973 . Bà lấy chồng là bác sĩ Thái Văn Du năm 16 tuổi . Sau đó bác sĩ Thái Văn Du qua đời, bà viết "Giọt lệ thu" như thể là tiếng khóc của người vợ trẻ sớm góa chồng . "Giọt lệ thu" đã gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ. Tên tuổi của nữ sĩ Tương Phố gắn liền với phong trào " Nữ lưu và văn học" . Nữ sĩ Tương Phố đã để lại cho người đời những bài thơ được đánh giá cao như "Tái tiếu sầu ngâm" (thơ, 1930), "Khúc thu hận" (thơ, 1931)... Và đứng đầu các tác phẩm đó phải kể đến "Giọt lệ thu" được Tương Phố viết năm 1923 và cho in vào năm 1928 .