Ngày xưa Hoàng Thị Phạm Thiên Thư Em tan trường về đường mưa nho nhỏ Chim non giấu mỏ Dưới cội hoa vàng Bước em thênh thang Áo tà nguyệt bạch Ôm nghiêng cặp sách Vai nhỏ tóc dài Anh đi theo hoài Gót giầy thầm lặng đường chiều úa nắng Mưa nhẹ bâng khuâng Em tan trường về Cuối đường mây đỏ Anh theo tìm Ngọ Dáng lau lách buồn Tay nụ hoa thuôn Vương bờ tóc suối Tìm lời mở nói |
Lòng sao ngập ngừng Lòng sao rưng rưng Như trời mây ngợp Hôm sau vào lớp Nhìn em ngại ngần Em tan trường về đường mưa nho nhỏ Trao vội chùm hoa Ép vào cuối vở Thương ơi vạn thuở Biết nói chi nguôi Em mỉm môi cười Anh mang nỗi nhớ Hè sang phượng nở Rồi chẳng gặp nhau Ôi mối tình đầu Như đi trên cát Bước nhẹ mà sâu Mà cũng nhoà mau Tưởng đã phai màu đường chiều hoa cỏ Mười năm rồi Ngọ Tình cờ qua đây Cây xưa vẫn gầy Phơi nghiêng ráng đỏ Áo em ngày nọ Phai nhạt mấy màu Chân theo tìm nhau Còn là vang vọng đời như biển động Xoá dấu ngày qua Tay ngắt chùm hoa Mà thương mà nhớ Phố ơi muôn thuở Giữ vết chân tình Tìm xưa quẩn quanh Ai mang bụi đỏ Dáng em nho nhỏ Trong cõi xa vời Tình ơi tình ơi! |
*
Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 1-1-1940. tại Lạc Viên, Hải Phòng trong một gia đình Đông y. Năm 1943-1951, ông sống ở trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương. Năm 1954 cho đến nay, ông cư ngụ ở Sài Gòn.
Trong năm 1973, ông đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu truyện Kiều - Đoạn trường Vô Thanh.
Năm 1973-2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (viết tắt chữ Pháp-Thân–Tâm)...
Ông từng đi tu và rồi hoàn tục, nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Ông được coi là "người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo. Nhiều thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và trở nên phổ biến trong công chúng, có thể kể đến Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, các bài Đạo ca...
|