Giang Nam Quê hương ![]() |
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến
trường Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ "Ai bảo chăn trâu là khổ?" Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao Những ngày trốn học Đuổi bướm cầu ao Mẹ bắt được.. Chưa đánh roi nào đã khóc! Có cô bé nhà bên Nhìn tôi cười khúc khích.. Cách mạng bùng lên Rồi kháng chiến trường kỳ Quê tôi đầy bóng giặc Từ biệt mẹ, tôi đi Cô bé nhà bên (có ai ngờ) Cũng vào du kích Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích Mắt đen tròn (thương quá đi thôi) Giữa cuộc hành quân không nói được một lời Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi.. Hòa bình tôi trở về đây Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày Lại gặp em Thẹn thùng nép sau cánh cửa Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!) Tôi nắm bày tay nhỏ nhắn ngậm ngùi Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng Hôm nay nhận được tin em Không tin được dù đó là sự thật Giặc bắn em rồi, quăng mất xác Chỉ vì em là du kích em ơi! Đau xé lòng tôi, chết nửa con người.. Xưa quê hương vì có chim, có bướm Có những ngày trốn học bị đòn, roi Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất Có một phần xương thịt của em tôi. |
* Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, mất ngày 23/1/2023, quê xã Ninh Bình (Ninh Hoà,
Khánh Hoà). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 , làm Phó trưởng ty
Thông tin Khánh Hòa. Sau 1954 ở lại hoạt động tại miền Nam.
Trước khi về hưu, nhà thơ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng
như Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, đại
biểu Quốc hội, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ . Các bút danh: Giang Nam,
Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản
ở miền Nam từ 1955 đến 1960).
Giải nhì thơ tạp chí Văn nghệ 1961 với bài thơ Quê hương.
Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học nghệ thuật
năm 2000...
Thơ: Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965), Vầng sáng phía
chân trời (1975) Thành phố chưa dừng chân (1985) .
|