Ta
Chế Lan Viên
Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc,
Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc?
Biết làm sao giữ mãi được ta đây,
Thịt cứ chìu theo thú dục chua cay!
Máu cứ nhảy theo nhịp cuồng kẻ khác!
Đau đớn thay cho đến cả linh hồn
Cứ bay tìm Chán Nán với U Buồn.
Để đỉnh sọ trơ vơ tràn ý thịt!
Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt!
Ai bảo dùm: Ta có có Ta không?


*Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920, quê ở Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành Chung và đi dạy tư. Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi; đến năm 17 thì xuất bản tập thơ đầu tay Điêu Tàn mà lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Sau 1954, Chế Lan Viên nằm trong Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội, viết nhiều thơ, bút ký, tùy bút, tiểu luận văn học. Sau 1975, ông vào Sài Gòn, ở quận Tân Bình, mất tại đấy ngày 19 tháng 6 năm 1989. Tác phẩm tiêu biểu: tập văn xuôi Vàng Sao (1942), các tập thơ Điêu Tàn (1937), Gửi Các Anh (1954), Ánh Sáng và Phù Sa (1960), Hoa Ngày Thường - Chim Báo Bão (1967), Hoa Trên Đá (1984)... Người ta thường biết Chế Lan Viên qua tập thơ Điêu Tàn, một trong những tác phẩm nổi bật trong thi đàn tiền chiến. Đọc Điêu Tàn là bước vào một thế giới ma quỉ, kinh dị, âm u và huyền bí.